Tiểu sử Nguyễn Văn Thương
Nguyễn Văn Thương (1919-2002) là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng, thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của những ca khúc tiền chiến bất hủ như Ðêm đông, Trên sông Hương và những tác phẩm khí nhạc khác. Ông sinh ngày 22 tháng 5 năm 1919 tại Thừa Thiên-Huế. Năm 9 tuổi, ông học đàn nguyệt và tự học ký xướng âm qua sách của Pháp. Năm 1936, tốt nghiệp Quốc học Huế, ông viết bài Trên sông Hương, cũng là một trong những tác phẩm tân nhạc đầu tiên ở Huế.
Năm 1939, Nguyễn Văn Thương ra Hà Nội học. Trong đêm giao thừa năm đó, vì không có tiền để về Huế, ông đi lang thang trên những con phố của Hà Nội và sáng tác nhạc phẩm Ðêm đông bất hủ.[1]
Năm 1942, Nguyễn Văn Thương vào làm việc ở Trung tâm Bưu điện Sài Gòn viết Bướm hoa ở đó. Ông còn là một trong những nhạc sĩ đầu tiên soạn nhạc cho các điệu múa chuyên nghiệp như thơ múa Chim gâu, kịch múa Tấm Cám, Múa ô, Chàm rông… Ông còn nổi tiếng với những tác phẩm khí nhạc như Lý hoài nam (độc tấu sáo trúc, cùng Ngọc Phan), Buôn làng vào hội, Quê hương (cùng Hoàng Dương), Ngày hội non sông độc tấu sáo trúc và bộ gõ, Rhapsodie số 2 cho đàn T’rưng và dàn nhạc giao hưởng, Trở về đất mẹ cho Violoncelle và piano. Ngoài ra, ông còn viết nhạc cho nhiều bộ phim như Vợ chồng A Phủ, Dòng sông âm vang, Hai Bà mẹ, Bình minh xôn xao, Sao Tháng Tám, Ngày ấy bên bờ sông Lam, Thành phố lúc rạng đông… và tác phẩm múa như Tấm Cám, Múa ô, Chàm rông, Thiếu nữ bên hồ, Dưới trăng.
Nhạc sĩ thứ 2 của miền Trung viết tình ca trong thời gian này là Nguyễn Văn Thương, ông sinh ở Huế, học ở Hà Nội, sau đó trở lại Huế sinh hoạt âm nhạc, từng nhiều lần vào Sài Gòn quảng bá cho nền nhạc mới. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Văn Thương là bản Ðêm Ðông, cảm tác sau khi đi lang thang ngoài phố, qua Xóm Cô Ðầu, trong đêm Giao Thừa, mà chạnh lòng nhớ nhà, thương cho thân mình và thương tội cho kiếp ca nhi.
Mời nghe: Ðêm Ðông- Nguyễn Văn Thương-Lời Kim Minh-Ca sĩ Lệ Thu
https://www.youtube.com/watch?v=tT4Fl79dc9g
Nhưng nói Ðêm Ðông là tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Văn Thương, không có nghĩa các sáng tác khác của ông không hay bằng, trái lại, bản Trên Sông Hương đã được ca tụng là một trong những bản nhạc hay nhất viết về dòng sông này, và bản Bướm Hoa, đã được xem là một trong những tình khúc êm đềm, tuyệt vời nhất, của những ngày chưa có khói lửa chiến tranh.
Mời nghe: Trên Sông Hương- Nguyễn Văn Thương- Ca sĩ Duy Trác
https://www.youtube.com/watch?v=iUWF8gfSI3w
Bướm Hoa-Nguyễn Văn Thương- Ca sĩ Lê Dung
https://www.youtube.com/watch?v=v_W24sg1ew0
Tại miền Bắc, nơi mảnh vườn âm nhạc đã xanh tốt từ những năm đầu thập niên 1940, ngay cảnh trăm hoa đua nở đương nhiên phải huy hoàng rực rỡ hơn. Chỉ nói về tình ca thôi, trong 2 năm 1945-1946, các nhạc sĩ tại miền Bắc đã sáng tác hàng chục các ca khúc nổi tiếng. Ðiển hình như, các bản Tôi Bán Ðường Tơ, Xa Cách Muôn Trùng của Thẩm Oánh, Bóng Ai Qua Thềm của Văn Chung, Cây Ðàn Bỏ Quên, Chinh Phụ Ca, Mối Tình Trương Chi của Phạm Duy, Cô Hàng Cà Phê của Canh Thân, Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa của Tô Vũ, Giáo Ðường Im Bóng của Nguyễn Thiện Tơ v.v… Trong số các tình khúc kể trên, Cây Ðàn Bỏ Quên của Phạm Duy được xem là ca khúc được phổ biến bậc nhất thời ấy, có lẽ chỉ đến sau Buồn Tàn Thu của Văn Cao, sáng tác trước đó 2 năm. So với các tình khúc của Phạm Duy đã viết sau này, Cây Ðàn Bỏ Quên không phải là một bản xuất sắc. Cũng nên biết ngày ấy, Phạm Duy được biết tới như một chàng du ca hơn là một nhạc sĩ, vì thế năm 1943, bên dưới tựa đề của bản Buồn Tàn Thu, Văn Cao đã ghi mấy dòng như sau, “Tương tiễn nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn”. Sáng tác đầu tay của Phạm Duy là Cô Hái Mơ, một bản nhạc tình phổ từ thơ Nguyễn Bính, viết vào năm 1942, khi bản này cũng khá phổ biến, nhưng Phạm Duy không xem đây là một đóng góp trọn vẹn của mình, bởi vì phần lời ca là của người khác. Mãi tới năm 1945, Phạm Duy mới viết thêm 3 tình khúc khác là Chinh Phụ Ca, Khối Tình Trương Chi và Cây Ðàn Bỏ Quên. Cả ba đều là những tình khúc lãng mạn. Nhưng trong khi Chinh Phụ Ca đầy những lãng mạn cổ điển, Khối Tình Trương Chi chan chứa những lãng mạn huyền thoại, thì Cây Ðàn Bỏ Quên lại chứa đựng những lãng mạn ngây ngô dại khờ. Ðến nhà nàng, khi ra về quên mất cây đàn, hôm sau trở lại, thì nàng đã vắng bóng, chỉ thấy một bông hoa cài trên phím đàn. Nhưng dù nàng yêu người, hay yêu tiếng đàn, chàng cũng muốn tiếp tục kiếp lãng du. Chính những lời lãng mạn ngây ngô dại khờ trong bản nhạc tình và hình ảnh người nghệ sĩ với cây đàn có thật ngoài đời ấy, tức chàng Du Ca Phạm Duy, đã có sức thu hút mạnh mẽ một thời.

Mời nghe: Cây Ðàn Bỏ Quên-Phạm Duy-Ca sĩ Sĩ Phú
https://www.youtube.com/watch?v=zhrR3e1DiWE
Ghi chú của Thanh Thư
1.Nói thêm về hai ca khúc Trên Sông Hương và Ðêm Ðông, nữ ca sĩ Quỳnh Giao đã viết như sau: “Ở tuổi 17, Nguyễn Văn Thương mở đầu bài Trên Sông Hương trên cung Ré thứ, chậm buồn và xa vắng, dài đúng 16 trường canh. Khi trăng lên và khách du trên dòng Hương Giang thấy đắm say trước cảnh vật hữu tình thì nhạc sang chuyển đoạn (modulation), trên cung Ré trưởng, cũng dài 16 trường canh. Ðoạn thứ ba nhịp nhàng trong đúng 16 trường canh để quay về lại chuyển đoạn một để kết thúc. Khi còn là một thanh niên và tự học lấy cách đọc và viết nhạc của Tây phương, Nguyễn Văn Thương đã học được tự nền móng, tự căn bản. Trên Sông Hương vì vậy báo hiệu một nhạc sĩ có tài, một người sẽ trở thành nhạc sư đào tạo ra nhiều thế hệ nhạc sĩ.
Ba năm sau, Ðêm Ðông xuất hiện. Ðây là một trong những ca khúc đầu tiên mà cũng là ca khúc buồn bã nhất. Mùa Ðông vốn đã lạnh lùng, mà lại về đêm và đêm không nhà nữa! Ông viết với nhịp điệu trầm buồn mà sau này chúng ta thường hay hát với điệu tango chậm.
Ca khúc mở đầu từ buổi chiều tà, khi màn đêm buông xuống chầm chậm và trải qua cũng 16 trường canh. Hình ảnh qua lời từ ông viết cùng Kim Minh là cánh chim chiều bay mênh mang trong tiếng chuông cô tịch, sương bay mưa tỏa giăng mắc. Ðoạn hai mở ra tâm cảnh rộng ấy, của người chinh phu, nàng vợ hiền, của thi nhân và người ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng. Tình thì như vậy, cảnh là gió lạnh. Gió nghiêng chiều say, gió lay ngàn cây, gió reo sầu miên, gió đau niềm riêng. Ðoạn hai này dài 30 trường canh và kết thúc với lời giải: đấy là tâm tư của kẻ cô lữ xa nhà, giữa đêm đông lạnh buốt bỗng mơ về gia đình. Nguyễn Văn Thương viết ca khúc này tại Hà Nội, nhưng ông đang nhớ nhà và thương rộng ra những người cùng cảnh ngộ.”
2. Riêng về bản “Cây đàn bỏ quên” của Phạm Duy, trong một buổi trình diễn nhạc Phạm Duy ở Việt Nam trước khi ông mất, Duy Quang hát bài này. Một nữ khán giả hỏi Phạm Duy, có phải chính Phạm Duy là người đàn ông đã bỏ quên cây đàn và được tặng hoa, hay những chi tiết trong bài hát chỉ là hư cấu?. Ông đã chia sẻ bí mật thú vị ấy như sau, “Bạn hỏi tôi câu khó quá, lúc ấy tôi còn trẻ chỉ khoảng 18, 20 mà còn tham lắm. Tôi được một người rất yêu tôi tặng một bông hoa để trên cây đàn. Khi ấy tôi tự hỏi, cô ấy yêu cây đàn hay yêu tôi? Tuy nhiên bây giờ già rồi, tôi chắc không cần hỏi nữa, cách đây 80 năm, cô ấy đã yêu cây đàn và cả người già này nữa.”
Nhạc sĩ Phạm Duy bỏ quên cây đàn ở đâu?
https://www.youtube.com/watch?v=Y7ENW-0w5uk
Kỳ tới
Nhạc sĩ Thẩm Oánh