Menu Close

Tác giả Huỳnh Công Ánh tại Orlando, Florida

Orlando chiều mưa. Dù mưa, căn phòng vẫn ấm áp với trên 100 đồng hương (có người đến từ các tiểu bang xa) tham dự buổi ra mắt hai tác phẩm Hồi ký vượt biển và thi tập Cát bụi lăn trầm của tác giả Huỳnh Công Ánh đến từ New Orleans, Louisiana.

Trước khi đến đây, Ông đã ra mắt sách tại nhiều nơi. Là người nổi tiếng với 6 chữ Sĩ, 2 chữ Nhân và 2 chữ Nhà: (thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, chiến sĩ, ngục sĩ + thuyền nhân, doanh nhân + nhà báo, nhà đấu tranh).

Theo bản tiểu sử in trong cuốn hồi ký, Tg Huỳnh Công Ánh sinh năm 1946 tại quận Phù Cát, tỉnh Bình Định. Theo học các trường La San Kim Phước – Kontum, La san Bá Ninh – Nha Trang, La san Hiền Vương – Sài Gòn, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định.

Từ trái sang phải: Phu nhân và tác giả Huỳnh Công Ánh, Ô. Phạm Ngọc Cửu, B. Tố Anh.
Từ trái sang phải: Phu nhân và tác giả Huỳnh Công Ánh, Ô. Phạm Ngọc Cửu, B. Tố Anh.

Năm 1965-1968: Hiệu Trưởng Trường Trung Học Chấn Hưng, SG.

Năm 1968 nhập ngũ khóa 3/68 SQTB Thủ Đức, phục vụ tại Sư đoàn 22 Bộ Binh, cấp bậc cuối cùng là Đại úy. Năm 1972 được bầu chọn là Chiến sĩ Xuất sắc của Sư Đoàn và Quân Đoàn, được tưởng thưởng du lịch Đài Loan. Sau 1975, tù cải tạo tại miền Bắc. Năm 1980 vượt ngục, năm 1981 lái tàu vượt biên, đến đảo Pulau Bidong năm 1981, Chủ Tịch Hội Cựu Quân Nhân tại đảo năm 1981.

Định cư tại Hoa Kỳ 1981. Sáng lập viên Phong Trào Hưng Ca Việt Nam (1985), sáng lập viên Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam (1985), sáng lập viên Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do (1986), sáng lập viên tổ chức Liên Kết Văn Nghệ Sĩ, Thanh Niên, Sinh Viên Việt Nam Tự Do (2013) (nhằm giúp đỡ những tù nhân lương tâm trong nước như Việt Khang, Nguyễn Phương Uyên, Mẹ Nấm…)

Năm 1992, được tuyên dương tại Quốc Hội Hoa Kỳ về thành tích hoạt động xã hội và đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam. Được mời thuyết trình tại Kennedy School of Business thuộc Đại Học Harvard về kinh tế và đấu tranh nhân quyền VN. Năm 1998, được trao giải Jefferson Award (người thành công nhất tại tiểu bang Texas về kinh tế, xã hội). Có tên trong cuốn Vẻ Vang Dân Việt 1998. Chủ Nhiệm tuần báo Chứng Nhân.

Đã xuất bản 4 thi tập: Hạnh Ngộ Bên Trời (thơ 2005), Quẳng Gánh Lao Đao, Giữ Nụ Cười (thơ 2010), Ơn Nghĩa Trùng Trùng (thơ 2013), Cát Bụi Lăn Trầm (thơ 2016). Và hồi ký Vượt Tù Vượt Biển (2016).

huynh-cong-anh-FL-03

Đã xuất bản các băng nhạc: Uất Hận Ca (1981), Tiếng Mẹ Gọi (1985), Lên Đường (với Phong Trào Hưng Ca Việt Nam, 1988), Thắp Lửa Tự Do (với PTHCVN 1989), Hưng Ca Hành Khúc (với PTHCVN), Quê Hương và Tình Ca.

Đã xuất bản tập nhạc: Những Trái Tim Rực Lửa (1987).

Là một doanh nhân thành công tại Mỹ: Giám Đốc hệ thống nhà hàng Phú Kim tại Houston, TX.

Quả là một tiểu sử oai hùng!

Ông Colonel Gene E. Castagnetti – Sĩ quan cao cấp Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ từng chiến đấu bên cạnh Quân Lực VNCH, 28 năm trong Quân đội Hoa Kỳ, 23 năm làm việc cho Bộ Cựu Chiến Binh với chức vụ Giám Đốc Nghĩa Trang Quốc Gia Thái Bình Dương, hiện tại là Cố Vấn Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, DC. Ông đến từ Hawaii đã lên nhận định bằng tiếng Anh về quyển Hồi ký vượt biển. Ông cho biết sau khi đọc, ông rất thích và nhận thấy cuốn hồi ký có giá trị nên đã đề nghị tác giả hãy phổ biến rộng rãi đến người Mỹ và giới trẻ biết sự thật tàn nhẫn trong trại tù cộng sản ở miền Bắc VN.

Nhà văn Hà Kỳ Lam lên trình bày như là một nhân chứng sống, từng sống chung trong trại tù với nhà văn Huỳnh Công Ánh, đã cùng tác giả sử dụng chung cây đàn ghi-ta do anh tự chế.  Anh cho biết trong tù anh Huỳnh Công Ánh ca hay, đàn giỏi, vẽ đẹp, ở trong Ban văn nghệ trại tù, qua một lần trình diễn. Cô Hoa là “hoa khôi” ở vùng đó có đến xem và từ đó tình yêu đã chớm nở trong lòng cô gái, cô đã bạo dạn dúi mảnh giấy nhỏ vò lọn vào tay người tù tài hoa Huỳnh Công Ánh…

Từ trái sang phải: B. Tố Anh, Ô. Phạm Bá Phú, Ô. Phạm Ngọc Cửu, Ô. Nguyễn Trung Châu, Ô. Trương Minh Rạng.
Từ trái sang phải: B. Tố Anh, Ô. Phạm Bá Phú, Ô. Phạm Ngọc Cửu, Ô. Nguyễn Trung Châu, Ô. Trương Minh Rạng.

Tôi có đến chỗ ngồi hỏi riêng nhà văn Hà Kỳ Lam và được anh cho biết chính anh đã có nhìn thấy cô Hoa một lần trong tù.

Trong phần giới thiệu thi phẩm Cát Bụi Lăn Trầm: Họa sĩ/Thi sĩ Vũ Quang Minh  đã phân tích cái hay cái đẹp của tập thơ. Ví von rằng nếu tín đồ Thiên Chúa Giáo hướng về Jerusalem, tín đồ Phật giáo hướng về Bồ Đề Đạo Tràng, thì Nhà thơ Huỳnh Công Ánh hướng về quê hương VN qua thi tập Cát Bụi Lăn Trầm.

Buổi ra mắt sách thành công mỹ mãn đã chấm dứt lúc 5:30 PM cùng ngày, mọi người  hân hoan vui vẻ. Trên đường về, tôi vô cùng cảm phục tác giả Huỳnh Công Ánh một người Bình Định đa tài, nhiều tâm huyết, có lòng yêu nước nồng nàn, suốt đời tranh đấu không ngừng nghỉ cho tự do dân chủ nhân quyền tại quê hương. Dù ở thời điểm nào, cương vị lãnh vực nào, Ông cũng đều tỏ ra là một người kiệt xuất bản lãnh, đầy bi trí dũng, bất khuất, luôn nỗ lực vượt qua mọi gian nan sinh tử để tồn tại, vươn lên. Và kỳ lạ thay trong những lúc nguy khốn nhất của cuộc đời, ông đã gặp nhiều quý nhân phò trợ. Nhờ sự dũng cảm đầy mưu trí và viễn kiến, ông đã vượt tù vượt biển thành công, nhờ trí tuệ thông sáng, ông đã có nhiều sáng kiến, chính Ông là sáng lập viên của 4 tổ chức có tầm hoạt động rộng lớn hiện còn sinh hoạt tới ngày nay. Có những câu chuyện tưởng như thần kỳ, huyễn tưởng, khó tin, nhưng lại là chuyện thật trong đời ông. Chuyện ông vượt tù bằng xe lửa thành công là lần thứ hai tôi được nghe. Lần thứ nhất năm 1979, vượt tù bằng xe đò từ Long Khánh về SG thành công đó là Ô. Đạo Khiết – một bạn tù cùng ở chung trại tù Xuyên Mộc (tỉnh Phước Tuy) với tôi.

Tôi chúc mừng Ông đã có một tác phẩm hồi ký xinh đẹp về hình thức, giá trị về nội dung là chứng nhân hùng hồn của một giai đoạn lịch sử Việt Nam đau thương. Tôi ước ao một ngày cuốn hồi ký Vượt Tù Vượt Biển của Ông được Hollywood dựng thành phim thì ngày đó sẽ cảm động và hạnh phúc biết bao!

Chụp hình lưu niệm cùng tác giả Huỳnh Công Ánh sau buổi ra mắt sách.
Chụp hình lưu niệm cùng tác giả Huỳnh Công Ánh sau buổi ra mắt sách.

Bài và ảnh: Vinh Hồ
31/8/17