Menu Close

Hội họa của Thái Tuấn

Phần 2

Sự khác biệt giữa tranh Thái Tuấn với tranh của Duy Thanh và Ngọc Dũng?

Ðúng là người nào thì tranh đó, cái màu xanh xám luôn là màu chính trong tranh ông và các nhân vật thường đơn độc giữa khung cảnh làng mạc, chập chùng núi đồi của miền Bắc được phủ xuống bằng thứ ánh sáng yếu ớt, buồn bã khiến người xem thấy tác giả luôn mang nỗi u hoài tha hương. Ðiều này gần như bất biến đối với ông cho dù có sống ở bất cứ phương trời nào, Sài Gòn, Orlean hay Washington,… ông vẫn luôn cảm thấy cô đơn, lạc lõng, không thể hội nhập vào một nền văn minh đầy lý tính, đầy áp lực vật chất của phương Tây. Ðây cũng là nội tâm nghệ thuật của các hoạ sĩ Việt Nam xuất thân từ Trường Mỹ Thuật Ðông Dương – Hà Nội như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí,…

hoi-hoa-cua-thai-tuan4
Tranh sơn dầu, năm 1956

Chính đấy là những chỉ dẫn cho thấy tuy cùng đi trên con đường canh tân nghệ thuật Việt Nam với Duy Thanh và Ngọc Dũng nhưng Thái Tuấn ôn hoà và mềm mại và dân tộc chủ nghĩa hơn trong ngôn ngữ và giai điệu nghệ thuật. Trong khi Duy Thanh và Ngọc Dũng gần như hoàn toàn không để lại sau lưng những gì còn trìu mến, hình ảnh dân tộc chất phác từ con người đến thiên nhiên đậm chất quê nhà, thì người xem vẫn thường thấy những cái đó trong tranh Thái Tuấn. Ngay cả thế mạnh của sơn dầu là cứng và thô, dầy và mỏng, chảy và loang, cạo và đắp,…đó là những cách tạo vẻ đẹp về chất liệu sơn dầu hiện đại rất thịnh hành ở châu Âu và cũng  đang là mốt của hầu hết các hoạ sĩ theo cách tân của  Sài Gòn những năm 60-70 mà Duy Thanh hay Ngọc Dũng là biểu tượng thì Thái Tuấn lại không mấy thực hành dù ông dành phần lớn trong đời vẽ của mình cho sơn dầu. Có lẽ, những kỹ thuật mạnh mẽ ấy chỉ thích hợp cho tinh thần của thứ hội hoạ cuồng nộ, lật đổ và thanh toán tận gốc rễ những thứ theo họ là cần bỏ đi. Quyết liệt, không thương tiếc, là thái độ nghệ thuật của những nhà cách tân Tây hay Ðông cùng chủ trương. Ở Thái Tuấn, từ con người đến tác phẩm là một, nhẹ nhàng, giản dị và ôn tồn. Ông không tìm cái mới tối đa trong kỹ thuật hay hình thức cho việc cách tân tiếng nói nghệ thuật của mình dù ông cũng là người cổ suý cho một nền hội hoạ mới. Là một người lớn tuổi hơn nhiều so với Duy Thanh và Ngọc Dũng nên ông nghiêng về sự trầm tĩnh nhiều hơn là sôi động, nặng về tình, về đời. Trong lý  thuyết và cả trong sáng tác, Thái Tuấn cho thấy ông nặng về tư tưởng hơn là kỹ thuật. Hoặc giả là do ông không sở hữu một khả năng hội hoạ nóng bỏng, cực đoan hay bay bổng như Marc Chagall, như Kandinsky, như Picasso,… nên đã chọn cách vẽ giản dị, ít chi tiết và đạm bạc trong màu sắc đậm chất phương Ðông? Ðây là chỗ mà các bạn trẻ, thế hệ người Việt Nam trưởng thành sau 1975 quan tâm đến mỹ thuật “Sài Gòn” đặt ra câu hỏi: “Sao tranh Thái Tuấn không hấp dẫn bằng Duy Thanh và Ngọc Dũng?” 

hoi-hoa-cua-thai-tuan3
Tranh sơn dầu, năm 1994

Tranh Thái Tuấn, đẹp hay không? Ðẹp và không chỗ nào, vì sao?

Ðây là chỗ gây tranh cãi về hội hoạ của Thái Tuấn giữa các đồng nghiệp, nhất là với các thế hệ hoạ sĩ trẻ sau này mà câu hỏi của nhà thơ, nghệ sĩ gốm Nguyễn Quốc Chánh về tranh của Thái Tuấn là một ví dụ. Tuy nhiên, nhà thơ đương đại Nguyễn Quốc Chánh có gửi cho tôi một comment như sau: “Thận trọng để giữ tình người, còn liều lĩnh để giữ nghệ thuật.” Vậy thì, phàm đã đi vào bình luận thì phải chấp nhận rủi ro và như quan niệm của NQC. “liều lĩnh để giữ nghệ thuật”, tôi chọn sự “liều lĩnh”, nhất là ở một đất nước không hề có tập quán phê bình như Việt Nam.

Về hội hoạ của Thái Tuấn, theo tôi, trong cách nhìn nhận về bản chất và nội lực của mỗi con người luôn khác nhau, cái hay là biết mình nên đi theo hướng nào phù hợp với sức lực để đến đích trong giới hạn của mình, Thái Tuấn đã chọn đúng con đường hội hoạ của ông.

hoi-hoa-cua-thai-tuan2
Tranh sơn dầu 1995

Trước Thái Tuấn, Nguyễn Phan Chánh là một điển hình cho con đường hội hoạ biến cái đơn giản, đằm thắm, quê mùa của dân tộc thành nghệ thuật, đưa những con người, những sự vật gần gũi thành những câu chuyện, những bài thơ bằng nét vẽ, bằng màu sắc giản dị như ca dao đầy tình người, tình quê hương. Dù là vẽ bằng sơn dầu trên vải bố, bằng kỹ thuật hội hoạ phương Tây, tranh Thái Tuấn không thuộc một trường phái nào của hội hoạ phương Tây. Chúng ta không thấy bất kỳ một bóng dáng nào của các danh hoạ thuộc nền nghệ thuật hiện đại thấp thoáng trong tranh Thái Tuấn mà đa phần các hoạ sĩ trẻ sau ông đều mắc phải không nhiều thì ít. Ðây là chỗ rất quan trọng và cũng là chỗ đáng cho chúng ta suy nghĩ về tinh thần của hội hoạ Thái Tuấn.

hoi-hoa-cua-thai-tuan1
Tranh sơn dầu 1994

Rõ ràng, cái đẹp có những nguyên tắc hàn lâm của nó dù thời đại có đổi thay thế nào. Nếu chúng ta lột hết mọi lớp áo thời đại bên ngoài thì các cốt lõi của cái đẹp vẫn giữ một vai trò bất biến, nhưng trên hết, nghệ thuật vẫn phải là tiếng nói riêng của mỗi người nghệ sĩ. Người xem tranh vẫn phải thấy người hoạ sĩ  hiện hữu trong tranh của mình chứ không phải là một ai khác. Việc tìm cho mình một bản sắc nghệ thuật riêng giữa một làn sóng trào lưu hiện đại cuồn cuộn phủ xuống vào những năm giữa thế kỷ 20 là một điều vô cùng khó khăn, dù nó được coi là quan trọng bậc nhất, mà mỗi hoạ sĩ phải đạt được. Và Thái Tuấn ngay từ đầu đã nhận ra điều quan trọng bậc nhất mà một nghệ sĩ đích thật phải làm là nói về cuộc đời bằng ngôn ngữ của riêng mình chứ không bằng ngôn ngữ của người khác, ông đã có một thứ hội hoạ đặc thù Thái Tuấn.

hoi-hoa-cua-thai-tuan
Tranh sơn dầu 1992

TC Bolsa, tháng 7-2017