Cơn thịnh nộ của đất trời quét qua Texas đã tạm chặn lại những cơn bão của những bất đồng, kỳ thị hay cả sự rẽ chia, thù hận của lòng người. Giữa những tai ương, khổ nạn do thiên nhiên gây nên, người ta gác qua những khác biệt về chính kiến, màu da, tôn giáo để đưa một bàn tay nắm lấy một bàn tay, nhiều bàn tay chung sức nhiều bàn tay. Tinh thần và giá trị lâu đời của nước Mỹ một lần nữa đã chứng tỏ rằng, cho dù nó đang được thử thách đến thế nào, những bông hoa của yêu thương và hy vọng luôn trổ bông rực rỡ. Qua những câu chuyện rất đẹp về tình người trong cơn bão Harvey vừa qua. Xin cảm ơn những con người quả cảm và nhân ái đã lặng lẽ giúp tô điểm thêm cái đẹp cho đất nước này.

Trong vài chục nạn nhân thiệt mạng trong cơn bão Harvey vừa qua, câu chuyện của cảnh sát Steve Perez tại Sở Cảnh Sát Houston đã làm không ít người xúc động và suy nghĩ về một tinh thần trách nhiệm của những nhân viên công lực. Bốn giờ sáng Chủ Nhật ngay sau khi bão Harvey đổ bộ vào Texas và ngoài trời đang mưa như trút nước xuống thành phố Houston, Steve vẫn khăng khăng rời nhà đến sở làm, dù vợ ông ngăn cản vì những nguy hiểm chực chờ ngoài màn đêm giông bão. Hai tiếng đồng hồ vật lộn, tìm đường đến sở cảnh sát vẫn chưa được vì nước đã dâng khắp ngõ đường, ông gọi điện báo thượng cấp và tìm cách đến một sở cảnh sát đang gần nơi ông nhất. Nhưng rồi ông đã mãi mãi không trở về. Con nước dữ đã cuốn trôi ông cùng chiếc xe cảnh sát mà ông đã gắn bó với nó bao năm qua. Lời cuối cùng của người cảnh sát 34 năm thâm niên với vợ trước khi rời nhà là, “tụi anh còn nhiều việc phải làm lắm”. Vâng! Ông biết giữa những thiên tai, hiểm ngặt, người dân cần những cảnh sát như ông biết bao. Người ta bảo rằng ông có thể quay về lại nhà sau mươi phút đồng hồ nếu không tìm được đường đi cũng quá đủ cho một tinh thần trách nhiệm. Nhưng ông đã không làm vậy. Ông đương đầu cùng những hiểm nguy cho chính sinh mạng mình khi nghĩ đến trách nhiệm và công vụ. Câu chuyện của ông đã đại diện cho hàng trăm, hàng ngàn nhân viên công lực phải âm thầm đối diện những nguy hiểm của chính họ trong việc cứu nguy cho các nạn nhân trong cơn bão Harvey vừa qua. Tấm ảnh người nhân viên SWAT lội nước bế mẹ con một phụ nữ được phần lớn báo chí và các trang mạng xã hội đăng lại. Ngẫu nhiên mẹ con người phụ nữ trong tấm ảnh là một người gốc Việt, nên tấm ảnh lại có thêm một ý nghĩa đặc biệt hơn: chỉ có người cứu người, người dang tay chở che cho người, bất kể nạn nhân là ai, màu da gì và đến từ đâu.

Nhưng không chỉ những cảnh sát như Steve Perez mới có tinh thần xả thân và tử nạn như vậy. Cảnh sát Houston ước tính những người dân thường đã đội mưa gió, sử dụng xuồng, tàu bè của riêng mình trong việc tham gia cứu hộ đã cứu được khoảng 400 nạn nhân.
Trong những người tình nguyện này phải kể đến nhóm thiếu niên bạn bè của nhau, chỉ đang độ tuổi từ 15 đến 17 cũng tham gia cứu hộ. Họ được nhắc tên vì tinh thần cộng đồng và sự quả cảm của những người trẻ tuổi. Với chiếc thuyền máy cùng xuồng chèo, bốn thanh niên này đã cứu được khoảng 50 nạn nhân đang bị kẹt trong những vùng ngập nước nguy hiểm.Từng chuyến một, họ giải cứu các nạn nhân, đưa họ đến nơi an toàn và phối hợp, thông báo cho các nhóm cứu hộ của các nhân viên công lực đến các địa điểm có nạn nhân cần được giải cứu. Ðược gọi là những người hùng, những thanh niên yêu nước, họ bảo rằng họ chỉ làm khi thấy việc phải làm, phải cứu người. Quả thiếu sót nếu không nhắc đến tên họ, dù việc họ làm không để được vinh danh. Ðó là những người bạn cùng 17 tuổi là Thomas Edwards, Richard Dickerson và Liam Connor cùng em trai Declan Conner, 15 tuổi.

Nhóm Cajun Navy tại Louisiana cũng là những người cần được nhắc đến. Chỉ là cách gọi, cái tên “Navy” của họ không liên quan gì đến lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ mà họ gồm những người dân thường, từng thành lập để đi cứu hộ nạn nhân bị các trận lụt tại Louisiana trước đây, thì cũng lên đến Houston để tình nguyện tìm kiếm cảnh sát Steve Perez và giúp đỡ, giải cứu các nạn nhân trong cơn lụt tại Houston vừa qua. Cajun Navy không chỉ đi cứu hộ mà còn phân phát thực phẩm, dựng lều trại cho người bị nạn tại các vùng thiên tai. Nhóm thiện nguyện và tự phát của họ ngày càng có đông người tham gia và hưởng ứng, hoạt động có quy củ hơn dù là một tổ chức dân sự.

Những công việc cứu hộ trong thiên tai, tai nạn hay khủng bố không phải là công việc dễ dàng vì chính họ cũng đối diện nhiều nguy hiểm. Câu chuyện gặp nạn của nhóm anh em nhà Vizueth trên đường cứu hộ các nạn nhân lụt đã gây xúc động không kém câu chuyện của cảnh sát Perez bên trên. Sau ba chuyến cứu người, nhóm thanh niên này vẫn quyết định quay lại vùng nước xoáy để cứu thêm những người khác còn đang bị kẹt lại dù đã được ngăn cản. Lời cuối của những thanh niên tử nạn là, “Không, chúng tôi phải quay lại vì còn nhiều người đang gặp nguy hiểm trong kia”. Nhưng họ không ngờ rằng, tai họa rơi trúng họ. Chiếc thuyền bị mất tay lái, vướng vào dây điện và hai trong bảy người trên tàu, Yahia Vizueth, 25 tuổi cùng bạn mình là Jorge Perez, 31 tuổi đã thiệt mạng vì điện giựt. Hai người bạn khác bị nước cuốn trôi và còn đang mất tích, trong khi hai ký giả của Daily Mail tháp tùng các thanh niên này đi cứu người và làm phóng sự cũng bị thương tích nặng.

Tôi không có ý định kể những câu chuyện thương tâm để làm mủi lòng bạn. Chẳng ai mong muốn những rủi ro sẽ xảy ra với người khác, nhưng những cái chết vì tinh thần xả thân cứu người như vậy luôn làm chúng ta kính trọng và ngưỡng mộ. Và cần kể cho nhau nghe. Ðể có sự tri ân và niềm cảm hứng về một thế giới tốt đẹp. Bởi chúng làm thế giới này trở nên đẹp và ý nghĩa hơn, và làm những kẻ xấu phải suy nghĩ hay cúi mặt. Có người bảo rằng qua cơn hoạn nạn mới thấy đất nước này không phải là đất nước của kỳ thị, của phân chia sắc tộc. Tôi nghĩ điều này vẫn còn, và sẽ còn âm ỉ đâu đó ở trong một số kẻ. Nhưng cái tinh thần và giá trị truyền thống và lâu đời của nước Mỹ sẽ không cho chúng cơ hội để phát triển. Qua những tình người trong cơn bão dữ như vừa qua. Nếu bạn đọc lại cái tên của những con người quả cảm tử nạn trong các câu chuyện này, bạn sẽ thấy họ là ai, có nguồn gốc từ đâu? Steve Perez, Yahia Vizueth, Jorge Perez, Gustavo Hernandez? Với tôi, họ là những người Mỹ mà cũng có thể là những người di dân như chúng ta. Ðã chọn và đã sống cho đất nước này, rồi đã chết như những người hùng cho người dân của đất nước này, bất kể màu da sắc tộc nào. Bởi họ đã và luôn là một phần của nước Mỹ. Như mỗi chúng ta. Không có chỗ cho sự rẽ chia và phân biệt.

ÐYT – Dallas 09/2017