Menu Close

Trong, đục ao nhà (Kỳ 4)

Ngôn ngữ của người Việt trên đất Mỹ

Mỗi vùng đất có một thứ ngôn ngữ khác nhau. Người ta than phiền ở Việt Nam sau khi cộng sản chiếm trọn đất nước, bây giờ lối nói và cách dùng chữ chẳng những tuỳ tiện, thô lậu mà còn rắc rối khó hiểu. Ngôn ngữ người Việt ở Mỹ, ảnh hưởng cuộc sống lâu dài với địa phương, trong cách nói thường có thói quen chêm vào tiếng Anh, nghe ra không cần thiết.

Thời Pháp thuộc, có những danh từ không có trong tiếng Việt như cà-phê, va-li, bơ, nhà ga… bất đắc dĩ phải dùng, cũng có những chữ thường dùng khi tiếng Việt hồi đó chưa có chữ dùng cho các chức vụ này, như tiếng phú-lít (police-cảnh sát), mã tà, ma trắc (matraque – dùi cui), đốc tờ (docteur- bác sĩ.) Cũng có những tiếng thường dùng trong giao tiếp lâu thành quen, mà ngày nay không còn ai nói nữa như tiếng Oui, Non (phải-không) hay tiếng gọi nhau toi-moi (toa-moa/anh-tôi). Ở Mỹ, những chữ Anh chúng ta hay nói đến đều có chữ Việt như parking (chỗ đậu xe), freeway (xa lộ), shopping (đi sắm sửa), restroom (nhà vệ sinh), togo (mua đem về), help (giúp đỡ), nhưng hầu như chúng ta ít dùng tiếng Việt mỗi khi phải nhắc đến nó.

Nhưng người Việt ở Mỹ có thói quen, chêm tiếng Anh vào khi nói, kể cả một vài vị bác sĩ trong những buổi hội luận (talk show) quảng cáo;

– “Bà uống thuốc tôi thấy có “work” (hiệu nghiệm) không?”

– “Tôi rất happy (sung sướng) thấy 10 phần lành hết 8.”

cali-huyphuong-02

Mặc cảm tự ti?

Trong tiếng Anh chỉ có I, You, nhưng trong tiếng Việt có trăm thứ như Mày-Tao, Anh-Em, Tôi- Ông, Mình-Cưng, Bác- Cháu, Tôi-Cô… nhưng sao mỗi lần phải nhắc lại một câu nói của một người ngoại quốc nói với chúng ta, thì hầu hết quý vị, kể cả các bậc trí thức thích dùng tiếng “mầy-tao” để dịch hai chữ “I-You.”

Nếu kể chuyện một ông cảnh sát chớp đèn bắt mình về lỗi phạm luật giao thông thì ông anh dịch như sau:

– “Mày chạy quá tốc độ! Tao ghi giấy phạt và mày phải ra toà nộp phạt và đi học traffic school.”

Chuyện đau ốm thì bà chị kể lại lời ông bác sĩ:

– “Tao cho mày cái hẹn đi soi ruột tuần sau, các cô ở front desk sẽ làm hẹn và chỉ dẫn cho mày!”

Với lối dịch “mặc cảm nhược tiểu” này thì ta có thể một ngày nọ, các phóng viên báo chí sẽ tường thuật một buổi ra mắt của các ứng cử viên một chức vụ dân cử như sau:

– “Hân hạnh gặp chúng mày hôm nay. Chúng mày hãy bỏ phiếu cho tao và tao xin long trọng hứa sẽ phục vụ chúng mày khi tao đắc cử.”

Trong ngôn ngữ Việt Nam, hai tiếng “mày-tao” chỉ dùng trong trường hợp thân mật hay là lối nói khinh miệt. Ông cảnh sát, ông bác sĩ chưa đủ thân tình vỗ vai, vỗ vế, cũng không thể có thái độ khinh miệt với thân chủ hay là một người dân vi phạm luật như chúng ta. Ông cảnh sát chỉ có thể xưng “tôi-ông” với người dân, và ông bác sĩ nếu thân mật theo kiểu “bà con, láng giềng” Việt Nam, và đối với các vị lớn tuổi thì chỉ có thể nói:

– “Tôi cho bác cái hẹn đi soi ruột!”

Ở trong xã hội tử tế này, không ai có thể “xách mé” gọi quý vị bằng tiếng mày và xưng tao. Nếu chúng ta cứ giữ thói quen dịch những câu nói của người ngoại quốc ra tiếng Việt kiểu “mày tao chi tớ” như thế này là ta tự miệt thị chúng ta!

California, Westminster, Little Saigon, Silks In Fabric Store. (Photo by: Jeff Greenberg/UIG via Getty Images)
California, Westminster, Little Saigon, Silks In Fabric Store. (Photo by: Jeff Greenberg/UIG via Getty Images)

Thân mật phát ớn!

Cách đây 10 năm khi đã 70 tuổi, nghĩa là tôi đã là một ông già. Có lần ra Bolsa mua một món hàng, tôi không còn nhớ là món gì. Khi tôi hỏi giá, cô bán hàng khá trẻ, cỡ tuổi cháu ngoại tôi, đã rất tử tế. Cô nói với tôi:

– “Cái này “mình” chỉ tính $25 thôi.”

Và mới đây thôi, tại một tiệm ăn, sau khi tôi đã gọi một tô phở, một cô (lại một cô) hỏi lại tôi:

– “Mình” có dùng hành giấm không?”

Bạn đọc nên phân biệt “mình” của cô ở trên ngôi thứ nhất (I), “mình” của cô ở dưới là ngôi thứ hai (You.) Những tiếng “mình” nghe thật ngọt, nhưng có lẽ vì người viết bài bị tiểu đường nên rất dị ứng với cái loại ngọt này, không những dị ứng mà còn “ớn chè đậu,” một kiểu nói của nhà báo Tưởng Năng Tiến!

Nếu tôi không lầm thì thời trước trong công sở, nơi chợ búa, ít nghe gọi nhau, xưng hô một cách thân mật như thời Cộng Sản vào Saigon, ai cũng anh em, mình tôi, chú chú cháu cháu, anh anh em em. Bác Hai giám đốc, chú Ba trưởng phòng, anh Tư bảo vệ… Thân mật lắm hoá ra suồng sã.

Ngôn ngữ là một chuyện quan trọng. Nghe ngôn ngữ là biết xuất xứ.

Ngày xưa không có chuyện người trong nước dùng chữ khác với người Việt nước ngoài, nhưng ngày nay ngôn ngữ của họ khi nói ra, người ta rất dễ nhận biết xuất xứ của người nói. Phải nói là người tị nạn CS hải ngoại không mấy thiện cảm khi nghe những người trong nước ra dùng chữ như “gọi điện” (điện thoại), “liên hệ” (liên lạc), “bang” (tiểu bang)… Dân Little Saigon không mấy hoan nghênh, nếu nghe một người trong nước ra mà nói oang oang giữa chỗ đông người những tiếng “hồi giải phóng” hay “đi học tập cải tạo!” Những chuyện “dị ứng” này chúng ta cũng nên thông cảm.

Những quán cà phê “sex.”

Những thành phố đông người Việt nhất ở tiểu bang Cali là Westminster, Garden Grove, San Jose, nơi nào cũng có quán cà phê “sex” với các cô gái mặc bikini, và có phần hở hang, khêu gợi hơn những cảnh trên bãi biển nhiều. Báo chí tiếng Việt rất khó xâm nhập vào các vùng “cấm địa” này vì chủ nhân các quán cà phê này không mấy hoan nghênh khi có một nhà báo Việt Nam tò mò muốn viết bài hay phỏng vấn, làm phóng sự về các quán cà phê của họ.

Những hình ảnh và tin tức độc giả thường thấy được lấy từ bản tin của các tờ LA. Times, San Jose Mercury News, Orange County Register. Hội đồng thành phố Garden Grove, Nam California đã nhiều lần quy định chặt chẽ hơn các vấn đề như cờ bạc, hút thuốc và cả việc ăn mặc quá khêu gợi của các nữ tiếp viên chạy bàn mặc bikini hoặc đồ lót (under wear) và đi giày cao gót, ngày nay rất phổ biến trong các quán cà phê được gọi là cà-phê “sex”. Những hàng quán này, nằm rải rác khắp Garden Grove, Westminster và một vài nơi ở Santa Ana, không phục vụ rượu hoặc đồ ăn, mà chủ yếu là cà phê, trà và sinh tố.

Hình trên trang quảng cáo của cà phê Lú (Garden Grove)
Hình trên trang quảng cáo của cà phê Lú (Garden Grove)

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Garden Grove có 37 quán cà phê hoạt động. Cảnh sát ở đây cho biết, công việc của họ rất vất vả và chủ yếu nhằm vào các hoạt động đánh bạc và băng nhóm tại các quán cà phê, bởi chỉ với một cái công tắc, một nút bấm hoặc thậm chí với một ứng dụng điện thoại thông minh, cũng có thể được chuyển đổi thành máy đánh bạc. Hút thuốc trong nhà vẫn bị cấm theo quy định chung của thành phố, nhưng sắc lệnh mới sẽ đặc biệt cấm hút thuốc trong những quán cà phê này.

Cách đây khoảng 15 năm, các thành phố đông dân cư người Việt chưa hề có một quán cà-phê với những cô tiếp viên mặc đồ lót như hôm nay. Nếu chúng ta cho đây là một tệ nạn xã hội, thì những tệ nạn này phải nói là phát xuất từ trong nước, trong một xã hội mà thân thể người đàn bà trở thành dụng cụ tiêu khiển cho cánh đàn ông, không phải chỉ có cà phê ôm mà có đủ thứ cà phê như cà phê võng, cà phê chõng và những thứ ôm như bia ôm, ngủ trưa ôm, hớt tóc ôm.

May mà luật pháp nước Mỹ còn chặt chẽ, không có trẻ em vào những quán cà phê này, và nguyên tắc cho quý ông hảo ngọt là “Look but do not touch!”

* Chuyện “ao nhà” của chúng ta phải viết thành một cuốn sách cũng chưa hết. Chúng tôi xin tạm ngừng ở đây kẻo mang tiếng là “vạch áo cho người xem lưng!” Chúng tôi sẽ trở lại với độc giả bằng những bài phóng sự ngắn, nếu có, về cuộc sống chung quanh ta, nghĩa là những chuyện “ao nhà” lẫn “ao người.”

05.ggcafes.0510.la

HP