Menu Close

Bài học từ vụ án Trịnh Vĩnh Bình

Lúc còn sinh thời, bà Ngô Bá Thành (tên thật là Phạm Thị Thanh Vân) đã từng có câu nói để đời: “Ở Việt Nam có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng.” Câu nói này ta có thể tin được vì bà là một luật sư nổi tiếng, có tới hai bằng Tiến sĩ luật tại Đại học Paris và Barcelona, và một bằng Phó tiến sĩ tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ. Luật rừng là luật của kẻ mạnh, có quyền thế trong tay nên khi xử án họ không cần dựa vào các chứng cớ có thật, một nguyên tắc quan trọng nhất của ngành tư pháp, và hơn nữa nhiều khi những người có chức có quyền lại còn cố tình nguỵ tạo chứng cớ để tìm cách xử phạt các nạn nhân của họ.

trinh-vinh-binh
nguồn you tube

Muốn cho đất nước được yên ổn và phát triển thì một quốc gia cần phải có một nền pháp trị nghiêm minh và rõ ràng, luật nào ra luật đó, và các giới chức xử án trong ngành tư pháp phải chịu trách nhiệm và hậu quả của những việc làm của họ tại toà án. Có thể nói cho đến nay, hệ thống pháp luật ở Việt Nam còn rất nhiều kẽ hở và những giới chức được trao trách nhiệm xử án lại hay cấu kết và bao che cho nhau. Thế nên, có biết bao nhiêu những vụ án oan đã xảy ra và có biết bao nhiêu những vụ người dân bị chết một cách bí ẩn ở đồn công an nhưng hầu như chẳng có công an nào bị xử phạt hay chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái gây chết người đó.

Ý nghĩa của hai chữ “luật rừng” trong câu nói nổi tiếng của Luật sư Ngô Bá Thành có thể đem áp dụng trong trường hợp của vụ án Trịnh Vĩnh Bình, một doanh gia gốc Việt có quốc tịch Hoà Lan, đang kiện chính phủ cộng sản Việt Nam tại Toà án Trọng tài Quốc tế thuộc Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) có trụ sở tại Paris, với số tiền đòi bồi thường lên đến 1.25 tỉ Mỹ kim.

Toà án ICC được mô tả là “tổ chức trọng tài hàng đầu thế giới,” hoạt động kể từ năm 1923 và đã giúp giải quyết rất nhiều vụ tranh chấp mậu dịch và kinh doanh quốc tế. Theo thống kê của ICC, chỉ trong năm 2016, đã có 966 vụ được thụ lý, là con số kỷ lục, với sự tham gia của hơn 3,000 bên từ 137 quốc gia trên thế giới. Có thể nói toà ICC là một tổ chức có uy tín và được tin cậy, và hơn nữa, bất cứ phán quyết nào được đưa ra từ hội đồng trọng tài do ICC chỉ định đều có tính ràng buộc pháp lý mà các bên liên quan phải thi hành. Nếu như một bên nào đó không chịu thi hành đúng theo phán quyết thì sẽ phải chịu hình phạt ở nhiều mức độ khác nhau: một quốc gia có thể bị chế tài kinh tế, một cá nhân hay một tổ chức có thể bị đóng băng tài khoản tại ngân hàng quốc tế hoặc tài sản bị phong toả.

Ðể hiểu rõ vụ việc, ta cần phải đi ngược trở lại từ đầu câu chuyện.

Ông Trịnh Vĩnh Bình là một doanh gia gốc Việt sống và làm việc tại Hoà Lan. Ông cùng gia đình vượt biên năm 1976 tới Thái Lan và sau đó được đi định cư. Nhờ có tài kinh doanh, chỉ ít năm sau khi định cư ông đã thành công và trở thành triệu phú nhờ kinh doanh trong ngành làm chả giò và bỏ mối cho các thị trường thực phẩm tại một số quốc gia tại Âu châu, và vì vậy ông đã từng được báo chí mệnh danh là “vua chả giò.”

Trong một lần ông Bình đến Toà Ðại sứ của Việt Nam tại Pháp (lúc này chưa có Toà Ðại sứ tại Hoà Lan) để xin giấy tờ về thăm gia đình, ông đã được Toà Ðại sứ tại đây khuyến khích về đầu tư tại Việt Nam. Sau nhiều lần tham gia các cuộc hội thảo về đầu tư do Toà Ðại sứ tổ chức, đầu năm 1990, ông Bình đã quyết định đi Việt Nam để “khảo sát thị trường.” Ðây cũng là thời điểm Việt Nam thay đổi chính sách kinh tế và mở cửa thị trường để khuyến khích đầu tư từ nước ngoài.

trinh-vinh-binh2
Ông Trịnh Vĩnh Bình trong phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Ngô Vũ.

Sau gần 60 lần đi đi lại lại giữa Hoà Lan và Việt Nam, ông Bình đã mang về nước khoảng 2.30 triệu Mỹ kim và 96 ký vàng để làm ăn. Tuy nhiên, lúc này luật Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài được quyền sở hữu các cơ sở kinh doanh và bất động sản tại Việt Nam, ông phải nhờ người nhà và bạn bè đứng tên, và đây chính là nguyên do đưa đến những hậu quả ê chề cho ông Bình sau này.

Ông Bình khởi nghiệp bằng cách đầu tư vào nhiều lãnh vực khác nhau, từ việc nuôi, chế biến, xuất cảng hải sản, đến trồng rừng lấy gỗ, mở khách sạn, du lịch… và đã thành công rất nhanh. Chỉ trong sáu năm, tài sản của ông Bình tại Việt Nam tăng lên khoảng tám lần.

Theo Tiến sĩ Ðinh Hoàng Thắng, cựu Ðại sứ Việt Nam tại Hoà Lan trong giai đoạn 1998-2001, trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã cho biết “Chính sự thành công quá nhanh và sự nổi trội trong tư cách một doanh nhân Việt kiều của ông Bình đã tạo ra một sự cuốn hút không bình thường”. Sự cuốn hút không bình thường ở đây là một số giới chức chính quyền địa phương thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi có nhiều cơ sở làm ăn của ông Bình, bắt đầu dòm ngó và chờ cơ hội để ra tay cướp đoạt tài sản của ông Bình.

Trong một cuộc phỏng vấn khác của đài VOA, ông Bình kể lại: “Năm 1996, phát sinh từ chuyện trong công ty, những người làm trong đó, có cả người trong gia đình, tìm cách ăn cắp một số tiền khá lớn, khoảng mấy trăm ngàn đôla.”

Câu chuyện đổ bể và ban giám đốc cũ bị sa thải. Ban giám đốc mới của Công ty Bình Châu, một cơ sở làm ăn của ông Bình, muốn đem vụ việc giải quyết rõ ràng nên trình báo công an.

Nhóm người bị sa thải gồm ba người, trong đó có người ông Bình nhờ đứng tên doanh nghiệp và tài sản, đã tìm cách đút lót cho phía công an để tìm sự che chở, và sau đó cấu kết với công an đưa những lời chứng gian để hãm hại ông Bình.

Sau này, giữa năm 2002, một trong những nhân vật bị sa thải đã làm đơn xin minh oan cho ông Trịnh Vĩnh Bình, trong đó cho biết phía công an đã lợi dụng sự xung đột giữa nhân vật này và Trịnh Vĩnh Bình đã xúi ông ta vu cáo ông Bình với mục đích để tịch thu tài sản.

trinh-vinh-binh1
Lệnh truy nã đối với ông Bình vào năm 1999. Ảnh: Ngô Vũ.

Cuối năm 1996, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức bị bắt với cáo buộc tội “trốn thuế” nhưng sau đó được chuyển đổi thành “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và tội “hối lộ”. Năm 1998, tòa án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ông Bình ra xử sơ thẩm, phạt ông 13 năm tù. Ông Bình kháng cáo, vụ án sau đó được đưa ra xử phúc thẩm và giảm hình phạt xuống còn 11 năm tù. Nhờ sự can thiệp của chính phủ Hòa Lan, ông Bình được tại ngoại và trước khi bị bắt để “thi hành án,” ông Bình trốn khỏi Việt Nam và trở về Hoà Lan.

Năm 2003, ông Bình nộp đơn kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế, đòi bồi thường 100 triệu Mỹ kim.

Năm 2006, chính phủ Việt Nam và phía luật sư của ông Bình đã tìm cách thương lượng bên ngoài toà án, và cuối cùng phía Việt Nam cam kết bồi thường cho ông Bình 15 triệu Mỹ kim và trả lại toàn bộ tài sản ở Việt Nam cho ông. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự một số cá nhân lạm quyền, đẩy ông Bình vào vòng lao lý và đi đến chỗ trắng tay. Cũng theo thỏa thuận này, ông Bình sẽ rút lại đơn kiện và không tiết lộ nội dung thỏa thuận.

Trong khi ông Bình thực hiện đúng các điều khoản trong thỏa thuận thì chính phủ Việt Nam ngược lại đã không chịu thi hành, trong đó ông Bình không được hoàn trả bất cứ tài sản nào với lý do tài sản đã bị sang tay nhiều lần, không thể trả lại. Thực ra nếu như không lấy lại được các tài sản trên thì chính phủ Việt Nam vẫn có thể tính ra giá trị hiện kim để trả cho ông Bình, nhưng họ đã không làm. Thế nên, sự việc đã buộc ông Bình phải kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế thêm một lần nữa vào Tháng Giêng 2015.

Phiên xử đã diễn ra từ ngày 21 và kết thúc ngày 27 Tháng 8 vừa qua và lôi cuốn được sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Trong vòng sáu tháng tới, kết quả của phán quyết sẽ được hội đồng trọng tài đệ trình lên toà án ICC. Dựa theo nhận định của một số nhân vật hiểu rõ nội vụ, trong đó có ông Nguyễn Mạnh Cầm, cựu Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam, và ông Ðinh Hoàng Thắng, cựu Ðại sứ Việt Nam tại Hòa Lan, thì rõ ràng là lỗi ở chính phủ Việt Nam đã không tìm cách giải quyết vụ việc cho thoả đáng. Một số quan sát viên đã tiên đoán rằng phán quyết của toà sẽ rất bất lợi cho chính phủ Việt Nam.

Ðây không phải lần đầu tiên xảy ra một vụ cướp đoạt tài sản của một doanh nhân Việt kiều tại Việt Nam. Cách đây khá lâu đã từng có một vụ hai anh em Việt kiều ở Bỉ về làm ăn trong ngành viễn thông, cũng đã thành công và bị cướp mất trắng tay như ông Bình. Một vụ khác là ông Trần Trường, từng làm cho cộng đồng người Việt tại Nam California nổi giận vì đã ngang nhiên treo hình Hồ Chí Minh tại một cơ sở thương mại của ông, mang vốn về đầu tư ngành nuôi trồng hải sản tại Ðồng Tháp năm 2005, sau đó cũng đã bị cướp đoạt tài sản và cay đắng trở về Mỹ.

Bài học rút ra từ vụ án Trịnh Vĩnh Bình là với những ai đang có ý định mang tiền về đầu tư ở Việt Nam thì nên cẩn thận vì có quá nhiều rủi ro mặc dù luật pháp Việt Nam đã có thay đổi so với cách đây 20 năm nhưng vẫn chưa có gì đảm bảo sự an toàn cho người đầu tư. Tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hay “phép vua thua lệ làng” vẫn tiếp tục xảy ra, và nhiều giới chức địa phương vẫn có những hành động tác yêu tác quái.

Qua vụ kiện này, hy vọng chính phủ Việt Nam học được bài học thích đáng là nếu vẫn để những vụ hành xử kiểu “luật rừng” tiếp tục xảy ra thì khi đứng trước toà án quốc tế họ vẫn phải đối diện với công lý. Ðó là chưa kể khi nội vụ bị phanh phui thì uy tín của Việt Nam đối với quốc tế sẽ bị thiệt hại trầm trọng và thử hỏi còn mấy ai dám đến đầu tư nếu như họ không được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Trong trường hợp phán quyết của toà án bắt chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình thì chưa biết số tiền bồi thường sẽ là bao nhiêu nhưng rõ ràng người bị thua lỗ trong vụ này chính là người dân Việt Nam, lại phải è cổ đóng thuế để trả cho món nợ này mặc dù họ hoàn toàn không có lỗi. Ðúng là quýt làm mà cam phải gánh chịu.

VH