Menu Close

Việt Kiều dắt đi chơi

Tôi có người bạn vong niên ở nước ngoài mấy chục năm. Về chiều, công việc con cái lo xong, nổi hứng muốn về Việt Nam sống vài năm để du lịch rồi ở lây lất kiểu “thăm dò”, bạn bảo: “Được thì có khi ở luôn!”. Tôi hỏi bạn: “Trong khi bao người bỏ ra đi sao anh lại về, hay do anh thấy mảnh đất này còn đẹp?” Bạn nói: “Anh sanh ra ở đây, nên muốn về đây coi nó… chết!” Chữ chết bạn ngập   ngừng trong họng rồi nhả ra sau cùng rất chậm làm tôi thắc mắc: “Anh muốn nó chết hay anh muốn… chết trên xác nó?”

viet-kieu-dat-di-choi1
Một góc Sài Gòn – ảnh từ Phung Lữ

Ðã qua một thời gian dài không gặp vì chúng tôi mạnh ai nấy bận với cuộc đời riêng. Lâu lâu tôi có nhận email từ bạn, những câu chuyện về những chuyến đi. Ða phần là chê từ đường sá, xây cất, cách phục vụ rồi chê luôn những con người ở các nơi bạn đi qua. Ví dụ như bạn kể về lần đầu đi du lịch Hà Nội như vầy:

“Hôm đó anh muốn tới địa chỉ kia, thằng thứ nhứt hét giá hai trăm ngàn, thằng thứ hai bảo trăm bảy chục ngàn, thằng thứ ba lại bảo ba trăm. Anh hoang mang quá đi vô hỏi cô chủ quán nước anh đang uống, cổ xua tay bảo không biết. Hà Nội đúng là “không vội được đâu”, hỏi đường ai cũng không trả lời thậm chí xua đi. Anh định quay trở lại khách sạn nhờ lễ tân hỏi xe dùm thì “bắt” được một ông lớn tuổi đang đi bộ, sau một hồi nói chuyện anh mới kể và hỏi thử đường, ổng nói:”Xe ôm nhiều giá lắm bác ạ. Cứ trả từ từ xuống 1/3 giá có khi được giá. Nhưng thôi bác không ngại thì đi bộ qua con phố trên là tới chỗ bác hỏi, chừng 5 phút!”

viet-kieu-dat-di-choi6
Khi “thuốc ung thư giả là bình thường…

Tôi xuýt xoa:”Vậy là anh tiết kiệm được sáu trăm ngàn!” Rồi lần đầu đi xe taxi Hà Nội (cái thời mà các dịch vụ xe qua mạng như Uber, Grab chưa về VN), bạn kể:

“Vừa mở cửa bước vô, tài xế đã hỏi: “Bác biết đường không?” Anh hỏi lại:”Không biết được có bị tính gấp đôi không?” Anh ta cười cười bảo:”Bác cứ đùa!” Thế là anh ta tính gấp đôi thật. Vì ngày hôm sau anh đi một bác tài khác cũng đoạn đường đó mà chỉ nửa tiền”

“Lần đầu bước chân về Ðà Lạt anh hụt hẫng lắm. Không ngờ “Thành Phố Hoa giờ tan hoang như vậy. Ða phần dân Bắc, buôn bán chụp giựt ồn ào lắm. Nếu không có thời tiết ẩm mát thì Ðà Lạt y như… Sài Gòn bây giờ vậy.”

“Dân núi giờ hết hồn nhiên rồi, chụp hình cũng đề nghị:”Mày đưa tiền tao đi, tao cho mày chụp!” Rồi đi lên làng bản cũng vậy, họ xin tiền một cách hồn nhiên như thể người nghe sẽ đưa không suy nghĩ. Mỗi lần không cho tiền họ, nhìn ánh mắt “hình viên đạn của họ mà lòng anh xót!”

viet-kieu-dat-di-choi5
…thì bằng lái xe của con nhỏ trong hình là thiệt thì là một điều rất bất thường

“Lúc đầu đọc báo thấy chỗ nào được “Recommend” là anh đi. “Có những nơi, ví dụ như Nha Trang, Ðà Nẵng. Ði khắp bãi biển kiếm không ra người Việt, xung quanh toàn tiếng Trung. Có người bán hàng giỏi tiếng Trung hơn cả tiếng Việt, từng tờ tiền đỏ (đồng nhân dân tệ của Trung Cộng) được truyền đi khắp chốn trước mắt mình, nhìn mà đau mắt lẫn đau lòng.”

“Ði tỉnh bằng xe dịch vụ mới biết, đường sá khắp nơi là trạm thu phí, không thu phí thì các bác tài hễ cứ thấy công an giao thông đứng giữa đường thì tự động dừng xe “ói” tiền. (Từ này anh học từ các “lơ xe”). Trung bình cứ đi từ Sài Gòn đến Ðà Lạt tốn ít nhất chừng sáu đến tám trăm ngàn tiền qua trạm, chưa tính “mãi lộ” cho các anh giao thông.”

“Có lần anh đứng mua đồ, cô bán trái cây khá dễ thương hỏi:”Chú là Việt Kiều hả?” Anh hỏi lại:”Sao con nói vậy?” Cổ bảo: “Mấy người Việt Kiều mới ăn mặc như vầy, chứ người ở Việt Nam đi du lịch mặc… đẹp lắm!”

viet-kieu-dat-di-choi4
Chụp gì? Chụp mả bố mày à? {Một bà cô ở Hà Nội cho hay} – Ảnh từ Phung Lữ

“Mấy đứa nhỏ ở quê giờ cũng sành sỏi lắm. Có lần ở miền Tây, anh thấy bảy tám đứa tầm đâu tám, chín tuổi chụm đầu vô nhau ở bên đường, cười rít rít. Anh hứng thú nghĩ tụi nhỏ chơi trò đá dế, mới khom lưng vô coi. Không ngờ tụi nó lên mạng coi phim… người lớn!”

Lâu lâu bạn lại thở dài ngắt quãng: “Cái văn hóa gì mà….”

Rứa mà chê thì chê, đi thì bạn vẫn đi. Tôi không hiểu bạn tìm gì trong những hành trình đó. Tìm những ký ức chưa kịp lãng quên khi ở xứ người? Hay tìm những cái để chứng minh là các lời chê của bạn là “hiệu nghiệm”? Cũng có thể bạn rảnh và dư tiền nên muốn đi như vậy thôi… Tôi cũng không hỏi kỹ. Rảnh thì gửi bạn đôi lời “động viên”, khi thì ba phải  hùa theo… giả bộ cùng bạn chê xối xả cho bạn hả dạ. Cũng có lúc tôi “sửa lưng”, bảo:”Anh không thể tìm viên ngọc trai trong một con ốc bươu vàng được!” Sau những lần tranh luận (dĩ nhiên là bạn thua) thì bạn vẫn chê đường bạn, tôi vẫn “trả treo” đường tôi. Có lẽ tình bạn của chúng tôi bền vững là nhờ vậy. Tuy khác tuổi tác, suy nghĩ, góc nhìn, cách suy luận khác nhau nhưng có một điểm chung của chúng tôi là rất thích cãi rồi không thích gặp nhau. (Vì mỗi lần gặp nhau là… cãi).

viet-kieu-dat-di-choi3
Kiến thức của Vụ trưởng Bộ Tài chính với kinh tế như vậy thì sao nhân dân lại đòi hỏi kiến thức của dân SG về… tpHCM?

Cũng có nhiều lúc suốt khoảng thời gian dài người bạn ham chơi ấy không thèm email cho tôi cái nào. Tôi cũng chả quan tâm vì bản thân tôi cũng phải viết những cái email dài sòng sọc lưu vào đời mình. Nội dung cũng gói gọn mấy cái chủ đề chê bai cả thế giới xong tự khen bản thân mình. Ðể rồi lâu lâu mở ra đọc lại cười hí hí giữa đêm khuya. Vậy mà một buổi khuya đẹp trời, cái email dài dằng dặc của bạn làm tôi rướm nước mắt. Sau màn hỏi thăm đầy hàn lâm là một bài văn dài kể về các chuyến hành trình, vẫn không quên chê xối xả. Cuối cùng bạn kết: “Anh đi khắp nơi chán rồi. Giờ anh có ý này.. Em ở Sài Gòn nhỏ lớn chắc rành lắm, kỳ sau anh về dắt anh đi du hí… Sài Gòn đi! Về đây mấy năm mà anh không biết gì về Sài Gòn này cả.” Sau một hồi sợ hãi, tôi trả lời rất chân thành: “Anh nhờ ai dẫn đi chớ em dẫn anh đi một vòng là anh hết… yêu Sài Gòn luôn đó!”  Hiếm khi tôi chân thành với khả năng của mình lại nhằm vô lúc hiếm khi bạn không tin tôi. Dẫu sao bạn cũng đã sai lầm về việc khẳng định một người ở Sài Gòn từ bé sẽ rành về thành phố này. Nó đã thay đổi quá nhiều, quá nhanh, và hễ mỗi lần có thêm một cuộc đổi thay thì những người yêu Sài Gòn càng bớt tò mò về nơi mình sống, càng thu mình trốn vào trong kẹt. Sáng nay báo đăng ông Vụ trưởng Bộ kinh tế bảo: ” Tăng thuế VAT: Rau thịt không ảnh hưởng, dân nghèo đừng lo.” Kiến thức của vụ trưởng bộ tài chính với kinh tế như vậy thì sao nhân dân lại đòi hỏi kiến thức của dân SG về… tpHCM? Vậy thì sợ gì, đi thì đi!

Ðêm hôm đó bạn nhắn tin hẹn tôi 8 giờ sáng ở “quán cà phê quen thuộc em hay ngồi”, kèm theo cái đường link một bài viết cũ ở Trẻ (Một góc Ðể Nhìn) mà tôi viết về quán cà phê đó. Bạn có vẻ háo hức lắm, không quên nịnh nọt khen ngợi bài viết của tôi lên chín tầng mây. Tôi không nỡ chà đạp sự háo hức đó nên đành đồng ý. Nhưng cũng liên tục thầm ước trong lòng, ngày mai bạn đau bụng, sổ mũi, nhức đầu, đau răng hay bị bận gì đó bất thình lình để tâm hồn lương thiện của tôi bớt áy náy. Giống như bạn nói về các điểm du lịch ở trên, quán cà phê ‘ruột’ khi xưa của tôi cũng vậy. Sau khi được/bị tôi và nhiều người “Recommend” thì nó trở nên đông đúc hơn, càng đông thì càng không đủ chỗ, thế là chủ quán sẽ sửa chữa. Và sau khi sửa chữa thì cái quán không còn là “Một Góc Ðể Nhìn” nữa. Khách cũng thế, càng đông thì càng nhiều thành phần khác nhau, sở thích khác nhau và sẽ ồn ào bát nháo hơn. Vì thế cũng lâu rồi nó không còn là  “quán cà phê quen thuộc em hay ngồi” của tôi nữa!

viet-kieu-dat-di-choi2
Ông trưởng Bộ Giáo dục bảo ngành Sư phạm nên học kinh nghiệm từ quân đội, công an thì Du Uyên cũng có thể học kinh nghiệm du hí SG từ… Việt Kiều

Ðúng 8 giờ… rưỡi sáng tôi xuất hiện với con “chiến mã” hai bánh của mình vì lý do kẹt xe, tôi muốn bạn có đủ thời gian để xếp gọn sự hụt hẫng cất vào trong lòng, hy vọng bạn không bóp cổ tôi chết ngắc khi gặp gỡ lần đầu sau bao năm xa cách. Sau màn chào, hỏi thăm giả bộ quan tâm trên trời dưới đất này nọ, tôi hỏi tiếp bạn muốn đi đâu. Không dám hỏi một câu nào liên quan đến cảm nghĩ của bạn với cái quán cà phê được “bê” từ trên báo Trẻ ra “ngoài đời”. Bạn cũng im lặng cười ý nhị với đôi mắt khá… hài hước. Chắc bạn hụt hẫng quen rồi! Sau khi uống cà phê, tôi hỏi bạn muốn đi đâu. Bạn rất bình tĩnh:”Chương trình em sắp xếp đi, dắt anh đi đâu cũng được!” Tôi hỏi để xác định lại:”Chắc không? Anh có bận gì không?” “Không, đi chơi mà bận gì?” “Tại em sợ bị… lạc sẽ lố giờ anh!” “WHAT?”-bạn gần như la lên-“Em ở Sài Gòn mà lo lạc?” Dĩ nhiên là lạc, thế là chúng tôi lạc thiệt. Một phần cũng vì đó là lần đầu tiên tôi chở người khác nên khá hồi hộp và háo hức. Trước giờ tôi luôn nổi tiếng với tất cả bạn bè là tay lái lụa, lụa theo nghĩa đen. Là chạy xe không bao giờ qua 20km/giờ, nên hễ đi đâu tôi cũng sẽ được/bị đề nghị là ngồi sau lưng tài xế. Tôi cũng không biết người bị chở có hồi hộp, háo hức như tôi không mà cứ lâu lâu đòi làm tài xế, tôi hùng hồn hỏi: “Anh có bằng lái không?” Thế là tôi lại hí hửng chở tiếp. Bạn muốn đi ăn món gỏi vịt, tôi rất tự tin nói ok vì đã lén lút tra google ra quán vịt “nổi tiếng”, nhưng sau một hồi đi vòng vòng, đến nơi hỏi thì người ta bảo quán đã dẹp vài… năm rồi. Thế là bạn đề nghị đi ăn quán cua gần đó. Ôi cha! có quán cua thiệt. Bạn muốn đi chợ Bến Thành ăn chè, tôi dắt bạn đi tám vòng chợ Bến Thành kiếm quán chè “nổi tiếng” trong google không ra, thế là bạn dắt tôi lại gánh bún riêu nổi tiếng ở bên hông chợ Bến Thành mà “ai cũng biết chỉ một người không biết” là tôi. Thiệt ra tôi biết, nghe nói về gánh này lâu rồi. Mà tại tôi tưởng nó dẹp rồi! Bạn muốn đi uống cà phê Dinh Ðộc Lập, tôi hào hứng chở bạn đến vì “Yên tâm, đường này em biết!” Và đến nơi thì quán hết chỗ. Lần này lỗi không phải do tôi! Bạn muốn đi thăm “những vùng ven” Sài Gòn, tôi chạy một phát xuống tận Củ Chi. Rõ ràng là vùng ven nhưng “hương đồng gió nội đã bay đi ít nhiều”. Lỗi không phải tại tôi!

viet-kieu-dat-di-choi
“Em mà đua xe chắc… thua chú này!” – Ảnh Phùng Lữ

Tám giờ, chúng tôi chia tay ở quán cà phê ban sáng với nụ cười rạng rỡ đầy thỏa mãn của tôi-chưa bao giờ tôi dũng cảm như vậy, chạy xe xa như vậy, ăn nhiều như vậy và đỡ… tốn tiền đến vậy. Và kèm theo đó là gương mặt hoang mang, cặp mày len lén nhíu chặt của bạn. Sau khi nói câu tạm biệt, bạn hình như rất căng thẳng, lấy hết can đảm hỏi:

– Bằng lái xe của em là giả hả?

Tôi cười bẽn lẽn, lại chọn cách chân thành:

– Thuốc trị ung thư giả người ta còn bảo “là bình thường”.  Thì cái bằng lái xe của em lỡ có giả cũng có chết thằng tây nào đâu mà anh lo!

DU