Menu Close

Chợ Hòa Bình

Ở Sài Gòn hiện chỉ còn bốn ngôi chợ ít nhiều mang trên mình hình hài kiến trúc cũ xưa. Chợ Bến Thành trải qua ba lần trùng tu chỉnh sửa đã thay đổi khá nhiều diện mạo so với kiến trúc nguyên thuỷ. Chợ Tân Định, mặt tiền may mắn hơn còn giữ được hầu hết nét cũ. Trong vùng Chợ Lớn ở quận 6 thì có Chợ Bình Tây cũng qua một lần sửa chữa và hiện đang trong giai đoạn đại trùng tu. Riêng Chợ Hoà Bình quận 5 là một trong số bốn ngôi chợ xưa hiện vẫn còn giữ được nguyên mẫu kiến trúc kể từ khi ngôi chợ được xây cất vào khoảng giữa thập niên 1954.

cho-hoa-binh1
Chợ Hoà Bình vẫn còn giữ hình dáng kiến trúc đến ngày nay nhưng đã thay giàn mái ngói bằng tôn lạnh.Ảnh: Dominique Cansier

Nếu so vẻ đẹp kiến trúc của những ngôi chợ xây cất trong khu vực Chợ Lớn từ giữa thập niên 1950 trở về trước thì Chợ Hoà Bình có nét đẹp hơn hẳn Chợ Cũ (nay là Bưu điện Q. 5) sau khi phá bỏ để xây dựng Chợ Lớn Mới trên đường Ðồng Tháp vào năm 1928. Chợ Lớn Mới xây dựng với kiểu kiến trúc hoành tráng, có khoảng không thông thoáng trồng cây xanh ở giữa, trang trí đầu hồi tường vách dát gốm men xanh rồng bay phượng múa, mái ngói lưu ly, xếp chồng tầng cấp đã tạo nên một ngôi chợ đẹp nhất Sài Gòn Chợ Lớn thời bấy giờ.

Sở dĩ tôi biết Chợ Hòa Bình đẹp là do hồi năm 1976 vào thời trung học tôi hay theo bạn bè ta bà trên chiếc xe đạp rong ruổi khắp Sài Gòn Chợ Lớn để khám phá ra những nơi chốn mình chưa biết. Với tôi ngày xưa cảnh vật Sài Gòn đẹp lắm, chạy dọc theo bến Chương Dương từ Cầu Mống xuống quận 5, qua khỏi Cầu Kho đến bến đò La Kai, rồi cứ men theo kênh Tàu Hủ gặp Chợ Hoà Bình nằm gọn trong bốn con phố nay là Bùi Hữu Nghĩa – Bạch Vân – Chiêu Anh Các và Nhiêu Tâm. Lần đầu nhìn ngắm ngôi chợ phủ mái ngói lưu ly xanh đã làm tôi thích thú và ghi nhớ từng chi tiết đến giờ.

Thuở đó quang cảnh quanh chợ còn thoáng đãng, phố xá bán buôn không nhiều so với hình ảnh ồn ào đông đúc tràn ngập biển quảng cáo với nhiều nhà lầu san sát như hiện nay. Tôi nhớ dãy phố của người Hoa dọc bờ kênh gần chợ chỉ là dãy nhà có nét kiến trúc đơn giản, mái ngói, một lầu, cửa lá sách quét vôi sơn màu lạnh nhẹ nhàng chớ không như nhiều người vẫn thường nghĩ người Hoa thích màu sắc nóng rực rỡ. Phía bờ đường bên kia là những bãi bến ghe thuyền to nhỏ vẫn còn chở hàng từ miền Tây lên bán cho các chủ sạp vựa trong Chợ Hoà Bình, mặc dù thời gian này người Sài Gòn đang sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Chợ Hoà Bình nổi bật hai mái tháp ngói xanh lưu ly nhô cao trên góc phố Nhiêu Tâm và Bạch Vân từ hướng bờ kênh nhìn vào. Hai mái tháp này là hai đầu kết cấu liên kết các đầu hồi cong tròn kiểu xây dựng thường thấy ở các công trình dân dụng xưa của người Hoa. Mái ngói ống màu xanh lá, khoảng không thông gió bằng những hoạ tiết chữ Vạn chữ Thọ đúc rời quét vôi trắng, rồi hạ xuống ở cấp cuối cùng được gánh đỡ bằng đà chống cánh én tạo thành mái hiên che mát quanh chợ. Ngày ấy, với một thanh niên mới lớn, tôi biết cảm nhận được vẻ đẹp giản dị của một ngôi chợ xây dựng theo kiểu truyền thống hơn hẳn kiểu tiền chế của các ngôi chợ xây cất cùng thời nở rộ trên đất Sài Gòn.

cho-hoa-binh2
Một góc Chợ Hoà Bình bị phủ đầy bảng quảng cáo Ảnh: Panoramio

Chỉ tiếc rằng, sau mấy mươi năm sử dụng, trừ hai tháp chợ còn giữ được phần ngói lưu ly, toàn bộ mái ngói của mái chợ phải tháo dỡ thay bằng tôn lạnh giả ngói. Việc thay mái ngói bằng mái tôn thiết không chỉ gặp ở Chợ Hoà Bình mà nhiều ngôi chợ khắp nơi ở Sài Gòn khi nó bị hư dột buộc phải thay thế bằng một loại vật liệu mới vừa nhẹ trọng lượng vừa nhẹ túi tiền. Nhưng thật tình tôi không có thiện cảm với một công trình mang tính công cộng phải chịu cảnh chắp vá. Trông nó khập khiễng làm sao!

Vậy thì phá dỡ xây mới hay chỉnh trang bảo tồn? Vấn đề là hiện trạng xuống cấp ở mức độ nào, có khả năng tu bổ bằng chính vật liệu nguyên thuỷ từng có trước đó hay thay thế bằng loại vật liệu tạm thời chấp nhận được. Vấn đề xây mới thực ra cũng là điều cần thiết khi công trình cũ không còn có thể tu bổ được nữa hoặc xây mới một công trình khác để mở rộng phát triển xây dựng đô thị. Vấn đề là ta cần nhìn thấy đúng lúc những dấu hiệu hư hao để có ngay kế hoạch tu bổ chỉnh sửa kịp thời, chứ không phải đợi đến lúc nó hoàn toàn không thể sửa chữa được nữa mới đặt vấn đề chỉnh sửa hay phá bỏ xây dựng mới hoàn toàn. Và rồi ta sẽ đổ lỗi nào là chi phí tu bổ công trình quá lớn, cần phải tiết kiệm hay chỉnh sửa một phần, chờ đến lúc hư đâu sửa đó thì hỏng rồi.

Không thiếu những công trình cần phải bảo tồn, nhất là những công trình có tính nghệ thuật cao trong xây dựng từ xa xưa. Ngay cả công trình bị tàn phá vì bom đạn chiến tranh hay bị huỷ hoại do thiên tai, người ta vẫn giữ nguyên hiện trạng để người đời sau, đời sau nữa còn nhìn thấy mà biết những gì đã diễn ra nơi mình sống. Và cứ thế đời này tiếp sang đời khác bảo tồn các giá trị văn hoá đã mất đi nhưng nó hiển hiện cụ thể qua những gì còn lại được giữ gìn một cách trân trọng.

Nhà cửa truyền thống xưa là một công trình thuộc tư nhân của người dân vậy mà nhiều cơ quan văn hoá quốc tế vẫn có chương trình bảo tồn nếu nó đáng được nằm trong danh mục bảo tồn nguyên bản. Một khi chỉnh sửa khác nguyên bản rồi việc bảo tồn sẽ không thể thực hiện được nữa. Nhiều người cao tuổi ở quận 5 còn nhớ đến Chợ Xã Tây nguyên là nền nhà của Dinh Xã Tây (Chợ Lớn) xưa kia, cất lên cái chợ nhỏ, làm chỗ cho người dân mua bán.

Chợ Xã Tây nằm gần như ở trung tâm Chợ Lớn, gần đó có Chợ Cũ (có nhắc ở trên), Chợ Cá bên dòng kênh trên đường Vạn Kiếp. Ðây là một hệ thống chợ liên kết buôn bán với nhau phục vụ cư dân vùng Chợ Lớn ngày càng tăng dân số. Chợ Cá sau khi giải toả, phải chuyển một phần chợ chuyên bán cá tôm tươi sống về Chợ Hoà Bình, mặc dù ngôi chợ mang hình dáng rất đẹp không phải dùng cho việc buôn bán cá mắm ngoài trời. Còn Chợ Xã Tây xây cất bằng gỗ mái ngói truyền thống nhưng sau nhiều chục năm, ngôi chợ hư cũ, chỉnh sửa nhiều lần. Cho đến ngày nay, trong thâm tâm của nhiều người lớn tuổi vẫn tự hào Chợ Xã Tây là một trong những chợ xưa ở Chợ Lớn. Ngày nay, hình dáng của nó tàn tạ, chắp ghép đủ loại vật liệu vừa thấy thương vừa thấy tiếc. Xét về mặt thẩm mỹ, thì dù xưa cũ nhưng không còn giữ được nguyên bản, phải tháo dỡ xây mới.

cho-hoa-binh
Chợ Xã Tây một trong những chợ xưa ở vùng Chợ Lớn không còn giữ được dáng vẻ nguyên thủy – Ảnh: panoramio.com

Chợ búa là công trình công cộng. Là nơi trao đổi mua bán của cư dân quanh vùng hoặc cho người dạo chợ, tìm hiểu sản vật địa phương. Là nơi giao lưu gặp gỡ, giải trí hồi thuở xưa khi chưa có nhà hát phải mượn sân chợ sân đình làm nơi cho nghệ sĩ trình diễn. Chính vì thế, chợ búa dù cho cũ hay mới vẫn đều hấp dẫn người từ nơi khác ghé qua thăm viếng hay mua sắm.  Chẳng phải ở nước ngoài người ta gọi là “window-shopping” hay người Việt mình gọi là “dạo chợ” đó sao.

Thật vậy. Mấy người bạn của tôi ở San Jose hay New York sang thăm thành phố bé nhỏ Fort Worth nơi tôi ở, thường hỏi ở đây có chỗ nào đi chơi không? Ði chơi tức là nơi phải có cảnh đẹp, có gì lạ để khách phương xa đến lưu giữ được chút ấn tượng đẹp của từng vùng đất. Fort Worth, ngoài vài ba công trình lịch sử chẳng đi vào lòng công chúng. Có khi những công trình to tát đó lại  quá đỗi bình thường với người sống lâu năm ở một thành phố. Ði đâu đây? Ði chợ, đi chùa là hai nơi khả dĩ chấp nhận được khi không có chỗ nào để đi.

Ấy vậy mà mấy người bạn lại thích thú la lên ở đây có bán cù nèo, bông súng ăn với bún mắm là nhất đời. Ở lại có rau đắng, rau đay, ở chỗ tụi này chẳng có chợ nào bán mấy loại rau gợi nhớ tình quê đến thế. Thế mới biết, cái chợ nó gần gũi với con người như thế nào cho dù hình dáng ngôi chợ là gì đi nữa, một ngôi chợ quê hay một siêu thị hiện đại trưng bày hàng hoá tươi rói trên kệ bán buôn.

Tôi chỉ một lần được nhìn ngắm Chợ Hoà Bình đến giờ vẫn nhớ và dành thiện cảm cho ngôi chợ may mắn còn giữ được kiến trúc như xưa cho dù giàn mái ngói của chợ đã hoàn toàn thay đổi.

TN