Menu Close

Trần Yên Hòa

Nhà thơ Trần Yên Hòa thuộc thế hệ của Hoàng Lộc, Phan Xuân Sinh, Thái Tú Hạp, Phạm Xuân Ðài… và cũng sống một khoảng đời nhiều thăng trầm, chìm nổi tương tự như các nhà văn thơ xứ Quảng nói trên.

Ông sinh năm 1947 tại làng Kỳ Mỹ, Tam Kỳ, Quảng Nam. Học trường Trần Cao Vân, và sau đó gia nhập khóa 2 trường Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt. Sau 1975, anh vào tù Cộng Sản, ra tù đi làm rẫy. Sau khi định cư tại California từ 1995, Trần Yên Hòa sáng tác nhiều hơn. Rất nhiều tác phẩm thơ và truyện ngắn đã xuất bản và được độc giả đón nhận.

Hiện chủ trương Trang web Bạn Văn Nghệ. www.banvannghe.com

tran-yen-hoa

Tác phẩm đã in

– Lời Ru Tình (thơ, in chung, 1971)

– Khan Cổ Gọi Tình, Về (thơ, 2001)

– Những Chuyến Mưa Qua (truyện ngắn, 2001)

– Áo Gấm Về Làng (truyện ngắn, 2004)

– Mẫu Hệ (truyện dài, 2004)

– Net em (truyện ngắn, 2009)

– Uyên Ương – Phượng Hề Và Khát Vọng (thơ, 2009).

tran-yen-hoa1

Trần Yên Hòa nổi bật trong thơ tình. Theo Bích Huyền, tình trong thơ của Trần Yên Hòa không chỉ thu nhỏ trong tình Cha, tình Mẹ, tình yêu đôi lứa, tình bằng hữu mà còn rộng lớn hơn, mênh mông hơn… Ðó là tình quê hương, sông núi.

Mặc Lâm của đài RFA có nhận định, thơ Trần Yên Hòa không mới như đòi hỏi của nhiều nhà phê bình văn học, nhưng trước tiên, người đọc chắc chắn sẽ nhận được sự chia sẻ ký ức đối với nhà thơ trên từng câu ngắn.

Chữ nghĩa trong thơ Trần Yên Hòa đằm thắm và chuyên chở nhiều tình tự xa lắc của quê nhà. Ðọc thơ ông, người ta có cảm giác nghe một người bạn thân ngồi kế bên kể chuyện về biết bao thứ. Cảm giác này gây cho người đọc một không gian gần gũi với thơ là thành công đầu tiên và quan trọng nhất của Trần Yên Hòa.

Sau đây, trang thơ xin trích giới thiệu một số bài thơ tiêu biểu của Trần Yên Hòa. SAO KHUÊ

 

khát vọng

(trích)

 

Tám tuổi ra đồng bắt ốc mò cua

Chân trần trơ khấc

Chú nhóc con nắng đỏ nung người

Chạy nhảy trên nổi buồn cha mẹ

 

Bắt ốc mò cua

Giữa mưa dầm gió bấc

Không tấm áo tơi

Không tấm vải choàng

Tám tuổi là tôi

Thằng nhỏ đó

Mười tuổi vào lớp học vỡ lòng

Con nhà quê đi học muộn

Ê a vài ba chữ

Mắt trông ra đường ngóng ngó gió lên

Sợ cơn mưa giông buổi chiều ụp xuống

Dột nhà, ướt cửa

 

Thằng bé nhà quê

Chính hiệu con nai vàng

Cô giáo đầu tiên là cô giáo Ước

Cô khai tâm tôi bằng chữ i, tờ

Ðặt vào tim tôi – điều mơ mộng nhỏ

Nhìn cuộc đời là đóa hồng tươi

 

Tôi lớn lên như khoai, như sắn

Như bụi tre, gốc chuối, sau hè

Nhưng tôi là người – nên tôi suy nghĩ

Sao sống giữa đời khổ cực hơn vui?

Oằn lên vai cha, oằn lên vai mẹ

Chắt chiu dành từng lon gạo củ khoai

Chiến tranh tràn lan bỏ quê xuống phố…

 

ngõ tình phai

 

lời tình nào em cho ngày nọ

cũng tàn phai theo tháng năm rồi

như con nước tràn qua cát nóng

tan nhòa trên vị đắng bờ môi

thấp thoáng đó một bờ vai cũ

màu tóc xưa hong đậm tình nhau

ta chen chúc nhục nhằn đủ thứ

bỗng hốt nhiên em nhạt phai màu

con sông nước vỗ tràn thơ dại

gợi lòng ta nỗi nhớ thương xưa

cơn mộng dữ mười năm lưu lạc

đất khách hoài ngóng một chiều mưa

tình đã cạn mà ta lú lẫn

tưởng như ta trẻ mãi không già

ngõ phai nhạt làm ta lấn cấn

cuộc tình xưa pha vị điêu ngoa

ta vẫn mãi một lòng hoài vọng

như lưu vong vọng tưởng quê nhà.

 

lá trăm năm

 

em đi qua phố ngậm ngùi

mưa giăng bóng nhỏ dập vùi dấu chân

một mai có biết căn phần

trong thân thể nọ có lần cho anh

nhớ xôn xao nụ hôn gần

bờ môi mọng nụ tầm xuân đêm nào

lá trăm năm em xin trao

những môi hôn những câu chào thiết tha

bây giờ ta vẫn là ta

đi trên phố không biết là về đâu.

 

em, vẫn là Sài Gòn

 

Sài Gòn của tôi những năm sáu mươi

những hàng me xanh ở khu trường luật

lá rụng bay đầy hồn tôi xanh tươi

như màu xanh áo em đang mặc

 

Sài Gòn  của tôi là những hẻm sâu

xe đạp chạy qua hàng cây trứng cá

hẻm lê văn duyệt, hẻm thoại ngọc hầu

đi dạy kèm, trả đời cơm áo

 

Sài Gòn là những bastos xanh

quán cóc cà phê bên góc giảng đường

khói thuốc lăn tròn, đời ta lăn lóc

em đứng xa nhìn như một bức tranh

 

Sài Gòn  những năm sáu mươi, bảy mươi

ra đường áo bay rợp trời mùa hạ

phố khuya đi về hồn tôi lãng du

ứ đầy trong lòng mộng xanh ươm quả

 

Sài Gòn  ra đường với trăm nhân vật

mai thảo thân quen, nguyễn đình toàn khách lạ

dáng ai trên đường cũng nghĩ là em

hóa thân ta là nhân vật đó

 

ly nước mía ngon môi em khẽ hát

trả lại em yêu, một thuở quen người

ơi dáng em xa như tranh cổ tích

Sài Gòn mưa, Sài Gòn nắng biết không

 

tôi và Sài Gòn một thời mới lớn

tôi và Sài Gòn một thời biết yêu

Sài Gòn và tôi một thời lính tráng

dù trăm, ngàn năm, tôi vẫn yêu người.