Menu Close

Vọp bẻ/ Parkinson

Mẹ em  năm nay 47 tuổi. Cách đây 5 năm, các ngón tay  thỉnh thoảng bị cứng  và có  triệu chứng như bị vọp bẻ, ban đêm hay bị tê, các khớp tay chân, đầu gối bị mỏi, dần dần vận động khó khăn. Có đi khám các bác sĩ ở Sài Gòn, nghi là bị khớp nhưng không xác định được bệnh.

Sau 2 năm  mẹ em đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh ở Saigon  và được xác định là bị bệnh Parkinson độ III.  Thời gian đầu bác sĩ cho uống Tant? madopa 65 Betasetam rồi  tăng liều lên và đã uống 3 năm rồi.

Xin giải đáp cho về Căn bệnh Parkinson  và loại thuốc có đúng không  hiệu quả ra sao. Mẹ vẫn uống thuốc như bác sĩ dặn, không bỏ quên liều nào.

Mẹ em hiện tại  hay bị cứng cơ đi lại khó khăn trong ngày thỉnh thoảng cơ có mềm ra; vận động khá dễ dàng nhưng vài tiếng đồng hồ sau lại bị cứng cơ, đi đứng lựng khựng xin giải đáp giùm em.

Đáp: Trả lời cô Bảo Vi ở Houston về bệnh Parkinson của bà mẹ.

Cô cho biết là bác sĩ đã xác định mẹ cô bị bệnh Parkinson độ III và xin giải đáp về căn bệnh cũng như cách chữa. Chúng tôi xin đáp ứng yêu cầu của cô.

Bệnh Parkinson mà ta gọi là Hội Chứng liệt rung Parkinson là một bệnh  thoái hóa, vô căn, phát triển dần dần của hệ thần kinh não bộ với các đặc trưng như cơ run, cứng, rất ít các cử động tự phát, và dáng đi không vững. Bệnh thường thấy ở tuổi trung niên và tuổi già.Cứ 100 người trên 65 tuổi thì một người bị.

Bệnh có thể vô căn tức là không biết căn nguyên với rối loạn ảnh hưởng tới hạch đáy của não hoặc do các nguyên nhân ngoại nhập như sau khi dùng thuốc về tâm thần, thuốc cao huyết reserpine. Ðôi khi hội chứng có thể là do ngộ độc với khí  than (carbon monoxide), khoáng manganese, chấn thương với u máu dưới màng cứng (subdural hematoma), tác động muộn của viêm não.

parkinson1
nguồn: sophrologie.be

Triệu chứng

Bệnh bắt đầu một cách âm thầm với run, thường ảnh hưởng tới một tay, rồi lan đến chân cùng bên rồi sau đó lan tới các chi khác. Run tối đa khi nghỉ, giảm khi cử động và khi ngủ thì lại không xuất hiện, nhưng tăng khi có xúc động hoặc trong người mệt mỏi. Run gây trở ngại cho các động tác như cầm đũa bát và cơm, hoặc cầm bàn chải đánh răng.

Nhiều người bệnh không run nhưng cơ cũng cứng đơ khiến các động tác khó khăn, đi đứng không vững, có khuynh hướng khom xuống, khi chạy thì lê chân để giữ thăng bằng.Bệnh nhân có vẻ mặt vô cảm như mang mặt nạ, miệng mở , mắt ít chớp, tiếng nói yếu, đều đều , nhịu cứng.

Ðiều trị

Về điều trị thì tôi thấy các thuốc mà mẹ cô đang dùng cũng là thuốc mà các bác sĩ bên đây cho bệnh nhân. Ðó là thuốc  Carbidopa, Levodopa, Bromocriptine, Pergolide, SElegiline, benzotropine, Amantadine. Thuốc Propanolol cũng thường được dùng để giảm run khi cử động.

Hiện nay, phương pháp giải phẫu để ghép tế bào thần kinh, kích thích não cũng đang được thử nghiệm để trị hội chứng liệt run này.

Chúng tôi được biết ở bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn có một số bác sĩ  đã tu nghiệp chuyên khoa thần kinh nội khoa và giải phẫu. Cô có thể mang mẹ cô lên xin khám và hỏi thêm về các phương pháp giải phẫu này.

Ngoài ra chúng tôi đề nghị với cô là khuyên bà mẹ cố gắng sinh hoạt  bình thường tới mức tối đa có thể được, vận động cơ thể nhất là cơ bị cứng. Bên nhà cũng có các chuyên gia phục hồi, cô có thể xin họ chỉ cho mẹ cô cách cử động để duy trì chức năng cơ bắp. Một điểm khác cũng cần lưu ý cô là người bị hội chứng này thường hay táo bón, nên đề nghị cô nói với bà mẹ ăn nhiều thực phẩm có chất xơ như rau, trái cây.

Chúc cô VUI MẠNH và Mẹ cô mau hồi phục.

Dùng vitamin hợp lý

Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết vitamin có công dụng gì cho cơ thể và ta có bị thiếu vitamin không? Những ai cần uống thêm vitamin? Cảm ơn bác sĩ. Lưu Văn Ðệ

Đáp: Theo định nghĩa, vitamin cần thiết cho sự sống, cần cho sự chuyển hóa thực phẩm ra năng lượng để cơ thể hoạt động. Vitamin đều có trong thực phẩm. Thiếu vitamin có thể đưa tới bệnh tật như bệnh scurvy thiếu sinh tố C nướu sưng, chảy máu, bệnh còi xương rickets do thiếu sinh tố D.

Theo các nhà dinh dưỡng, con người chỉ cần một số lượng rất nhỏ vitamin và số lượng này đều có trong chế độ dinh dưỡng với nhiều loại thực phẩm khác nhau. Trong khi đó, giới sản xuất vitamin thì cho rằng chế độ ăn uống không có đủ số vitamin cần thiết, nhiều người cũng thiếu ăn và rằng càng nhiều vitamin càng tốt. Giới tiêu thụ tin theo và mua dùng.

Theo Dietary Guidelines for Americans Hướng dẫn Dinh dưỡng Hoa Kỳ, các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần tới đều nên được cung cấp từ thực phẩm. Lý do là thực phẩm bổ sung như vitamin không đạt được giá trị và ích lợi như thực phẩm thiên nhiên, vì mấy lý do như sau:

– Giá trị dinh dưỡng cao

Thực phẩm thiên nhiên có nhiều chất dinh dưỡng khác nhau mà cơ thể cần chứ không phải chỉ là một thứ. Lấy một ví dụ: trong một quả cam, ta có cả vitamin C, beta carotene, calcium và nhiều chất khác. Trong khi đó một viên vitamin C chỉ đơn độc có vitamin C mà thôi.

– Có chất xơ

Các loại hạt, rau trái ngoài chất dinh dưỡng còn chứa chất xơ, một chất giúp phòng tránh nhiều bệnh như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, giảm bệnh táo bón.

– Có chất bảo vệ cơ thể.

Thực phẩm nguyên vẹn có những chất gọi là hóa chất thực vật (phytochemical) giúp cơ thể tránh được ung thư, tiểu đường , cao huyết áp. Nhiều thực phẩm còn có các chất antioxidant, giúp giảm sự oxy hóa gây tổn thương cho tế bào.

Hướng dẫn nêu ra một số trường hợp có thể dùng chất bổ sung như sau:

– Phụ nữ sắp có thai nên dùng thêm mỗi ngày 400 micrograms folic acid trong thực phẩm bổ sung kèm theo thực phẩm hàng ngày đã có chất này.

– Phụ nữ đang có thai nên dùng thêm vitamin dưỡng thai có chất sắt hoặc viên sắt riêng.

– Người từ 50 tuổi trở lên nên dùng thực phẩm có tăng cường vitamin B-12 như là các loại cereal hoặc multivitamin có B-12.

Ngoài ra, dùng thêm vitamin cũng có thể thích hợp cho:

– Người kém ăn uống

– Người ăn chay

– Phụ nữ xuất huyết quá nhiều khi có kinh nguyệt.

Ðiều quan trọng là trước khi dùng, nên hỏi ý kiến bác sĩ xem nên dùng thêm loại vitamin nào, liều lượng là bao nhiêu cũng như tác dụng phụ của chúng và liệu có phản ứng gì với các dược phẩm trị bệnh đang dùng hay không.

 NYÐ