Menu Close

Cẩu nhi ở Hà Thành

Căn chung cư  của tôi khá biệt lập, đôi khi tôi cảm giác mình như đang sống trong một ốc đảo. Nên tôi đã nuôi thêm một em cún dễ thương có đôi tai vểnh như chú nai trong bộ phim hoạt hình kinh điển của Walt Disney, và đặt tên là “Bambi”. Ở Việt Nam, khá thịnh hành các giống chó như phốc sóc, poodle, … hoặc những dòng chó biến dị như toy poodle, teacup poodle cho những người nuôi làm thú cưng. Cún Bambi của tôi thuộc giống papillon, khá hiếm ở đây.

cau-nhi-o-ha-thanh6
Bên trong tiệm thú cưng trên đường Hàm Long. Những hình ảnh phóng lớn về những giống chó kiểng ưa thích như Pomeranian, Shi Tzu, Chihuahua hay Papillon,… được treo trang trọng.

Tiệm bán chó kiểng nằm ở con phố đường Hàm Long, bên ngoài nhìn vào giống như một cửa hàng boutique thời trang. Một cô bạn trong Hội yêu chó mèo, đã nhiệt tình giới thiệu về cái Pet shop “có cô chủ trước tham gia mấy cuộc thi về chó, hình như giật được ba giải trong ba năm là đồng hay bạc”.  Tôi thực chẳng quan tâm gì đến mấy cái giải đồng  bạc hơn là một chú chó nuôi có nguồn gốc và được tiêm chủng an toàn. Ở Mỹ, chó quý như chú chó cưng Teddy của tôi nuôi vài năm trước đây, đều được gắn một cái chip dưới da có ghi đầy đủ lai lịch của chúng. Ðây là một loại “thẻ căn cước” hay định vị của con vật để ngừa trường hợp thất lạc, mất cắp và  đem bán cho người khác.

Ðịa chỉ Pet shop này ở Hà Nội  bán các loại chó cảnh con loại nhỏ như pomeranian (phốc sóc), shih tzu, poodle nhỏ, papillon, và Chihuahua rất được yêu chuộng. Mấy con shih tzu mà người Việt quen gọi là chó Bắc kinh, giống chó “sang chảnh” và rất phổ biến  ở Trung quốc vì từng được là thú cưng của  Từ Hy Thái hậu. Trào lưu nuôi chó shih tzu phổ biến sang Việt Nam, giá một con chó shih tzu bán 12 triệu VNÐ. Có những giống chó bán tới giá 20 triệu hay đắt hơn.

cau-nhi-o-ha-thanh5
Ở Việt Nam cũng có dịch vụ làm nail, nhuộm lông, tạo kiểu tóc cho chó mèo

Hà Nội từng là một thủ phủ của thịt chó với cả dãy phố Nghi Tàm trên Nhật Tân, nơi chuyên bán thịt chó vào nửa cuối các tháng âm lịch.  Nhưng giờ đây, dường như đã hiếm dần những tiệm thịt chó, mà phải ra ngoại ô mới thấy lưa thưa ven đường.  Dù vậy vẫn còn nạn trộm chó tuy đã bớt đi nhiều. Số phận của những con chó ta bị bắt trộm là vào bụng thực khách với các món “mộc tồn”. Còn những chú chó kiểng nhỏ nhắn thì thường là bắt trộm để đòi tiền chuộc. Vì số phận của những con chó này được quy ra tiền và chỉ xử phạt hành chính, nên sinh mạng của nó cũng giống cách người ta quy sinh mạng con người ra ngân lượng.

Người ta bắt đầu nuôi những giống chó Alaska, Papillon, Pomeranian, … ngoài những giống chó để cung cấp cho thị trường Trung quốc như Shih Tzu. Ở Mỹ lâu tôi mới hiểu vì sao người phương Tây lại dành những tình yêu thương kỳ lạ cho loài vật đến vậy. “Những  đứa trẻ có lông” (furry children) được đối đãi yêu thương như người bạn đồng hành, gắn bó như một thành viên trong gia đình.  Việt Nam cũng có sự chuyển biến dần, nhưng thú nuôi chó mèo cảnh ở xứ Việt thì dường như  đa số chỉ là một thứ trang sức chảnh.

cau-nhi-o-ha-thanh3
Không chỉ có những dịch vụ chăm sóc sức khỏe như spa, tắm uốn gội, làm nail, … mà có cả dịch vụ khách sạn cho thú cưng khi chủ bận việc phải hay đi làm xa nhà.

Ở Việt Nam bây giờ  cũng có dịch vụ làm nail, nhuộm lông, tạo kiểu tóc cho chó mèo! Tầng trệt building này là nơi bán thức ăn, lầu 1 là nơi bán  đồ phụ kiện chó mèo và café shop, chỗ chờ đợi cho chủ của những khách hàng bốn cẳng. Ở Mỹ, nuôi thú cưng  phải bằng những thực phẩm riêng dành cho chúng, nhằm ngăn ngừa những ảnh hưởng về hệ tiêu hóa, ngộ độc hay các chứng bịnh khó trị về sau khi chúng trưởng thành. Cô nhân viên trẻ “tư vấn” thức ăn cho cún con vẫn đưa ra lời khuyên thiết thực với tôi là, “mình ăn gì nó ăn đó, muốn lông đẹp thì cho ăn thêm thịt gà hay hột vịt lộn.” Chàng  Shih Tzu lông xù, dẫu với chỉ số IQ  “hiểu lệnh” kém cỏi, nhưng  lại hút tôi như cái thỏi nam châm. Và rồi cái ngước nhìn ngơ ngác đến chạm lòng, nó như lấp đầy cái khoảng trống của cảm giác bơ vơ xa xứ trong tôi. Cún “Bambi tai bướm” theo tôi về nhà, như thế!

Tôi vẫn bị cái khí hậu ở đây “vật vã” đến mệt mỏi. Hà Nội nóng ẩm, căn apartment của tôi để máy lạnh khiến Bambi đổ bệnh với những tràng ho khan không dứt. Tôi lục tìm cái địa chỉ của bác sĩ thú y quanh vùng.  Animal Care là một phòng khám thú y trên đường Thụy Khuê khá gần nhà.

cau-nhi-o-ha-thanh2
Bambi trong những ngày đầu tiên ngơ ngác trong căn nhà mới.

Trưa vắng khách, cậu chủ Animal Care đang ngồi ngậm tăm trên chiếc ghế đẩu, hình ảnh này làm tôi liên tưởng đến cái câu “nhai ngồm ngoàm, xỉa răng tế nhị” của người Hà Nội.  Cậu chủ Animal Care còn trẻ tuổi có cái tên “Kiên Cường”, học Thú y ở trường Ðại học Nông nghiệp dưới Trâu Quỳ. Lúc cậu chọn ngành theo học thì cả gia đình phản đối. Cũng nhờ cái tên này mà cậu đã “kiên cường” vào ngành nghề này khi mà phong trào nuôi chó Nhật đã thoái trào. Ðỉnh điểm của phong trào nuôi chó Nhật là năm 94-95 và kết thúc vào năm 99. Cái thời mà, theo lời kể của cậu, là một con chó Nhật có giá cả cây vàng, bằng chiếc xe Dream. Có những gia đình thịt không dám ăn, sữa không dám uống nhưng chó Nhật thì được hưởng “tiêu chuẩn cán bộ”. Thậm chí chó Nhật được dùng sữa tắm thơm tho, còn gia chủ thì vẫn phải xà bông cục Ðức Giang.

Cường đến với nghề thú y là một đam mê, tốt nghiệp xong cả Hà Nội chỉ có lèo tèo 2-3 “cơ sở chăm sóc chó mèo”. Một cái Kiên Cường mở nằm ngay mặt đường Thụy Khuê gần khu người nước ngoài ở. Hồi ấy, khách chủ yếu là người nước ngoài, một ngày chỉ được vài ba khách. Cậu than,“ngay cả lúc nửa đêm mà gọi điện cũng phải mặc quần áo lao ra đi phục vụ tại nhà!”

cau-nhi-o-ha-thanh1
Cậu chủ cơ sở thú y cùng nhân viên tiêm thuốc cho Bambi. Thời nay, những con chó cảnh đều có sổ tiêm chủng và khám bệnh riêng.

Cái thời đó đã qua rồi, hơn mười năm gắn bó với nghề, chàng bác sĩ thú y giờ đã có thêm uy tín và chuyển cái bảng hiệu Animal Care về tại gia nằm khuất trong một con ngõ. Cậu ngày càng xuôi ngược Nam Bắc với mấy hội thảo về chăm nuôi  chó cảnh. Các chuồng trại nhắn gọi về chăm sóc cho đàn chó của mình và khách đến với Animal Care ngày một đông hơn.

Phòng khám thú y Animal Care của Cường cũng có khu dành riêng cho chó, đó là những con có thể dành cho lai giống, phía bên ngoài phòng khám, ở nhà cạnh bên là nơi biệt lập của những chú chó có khả năng “lây nhiễm chéo” mà khách hàng gửi lại chữa trị.

cau-nhi-o-ha-thanh
Bên ngoài phòng khám thú y Animal Care trong con ngõ Thụy Khuê. Dù ở bất kỳ nơi làm ăn buôn bán nào từ tạp hóa tới quán bia, từ thú y đến ngân hàng… cũng luôn có những bàn thờ Thần tài dưới đất.

Một cặp vợ chồng trẻ vừa mang đến một con Chihuahua đang chuyển bụng, phải sinh mổ. Một chị khác xách theo cái giỏ nhựa đựng một chú chó đực đang chờ phối giống, một em phốc sóc vừa được tiêm thuốc cầm tiêu chảy… Có vẻ như, những chú chó cưng dần được quý và ngày càng mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là ý nghĩa vật chất thời bắt đầu mở cửa. Cách đây cả 20 năm, thời chó Nhật có giá cả cây vàng, nhiều người nuôi chó đổi nhà, đổi xe.

Bây giờ Hà Nội cũng có những người bỏ đến cả trăm triệu để nuôi một con chó quý. Nhưng tinh thần nuôi loài vật ở Việt Nam vẫn có điều gì đó khác khác ở Mỹ. Có những cậu ấm, cô chiêu xách chó đi bar ồn ào như một sự sang chảnh. Cái thời đặt tên chó ở ngoài Bắc là Nixon, Johnson cũng đã trở thành dĩ vãng. Giờ thì đặt tên cho thú cưng của mình  “hiện đại”  hơn như  Money hay Dollar!

cau-nhi-o-ha-thanh7
Một địa điểm buôn bán thức ăn và thú cưng trên đường Hoàng Hoa Thám. Ngoài ra, có cả “dịch vụ tắm rửa bình dân” cho những con vật nuôi này.

Con papillon của tôi là một giống chó hiếm, ít người nuôi ở Hà Nội. Lần đầu, tôi biết thêm về chứng bịnh “ho cũi chó” được xem là nguy hiểm hơn cả viêm phổi ở chó. Bambi được chẩn đoán bị viêm phổi nặng. Ba ngày liên tục với hơn 10 mũi thuốc tổng cộng, tăng thêm thuốc Zithromax, một loại thuốc bột trụ sinh đường hô hấp cho trẻ em và cho Bambi uống trước khi ăn. Khi tiêm thì được truyền dịch, dịch có đường 5% để tẩy độc; các loại thuốc tiêm gồm thuốc trụ sinh, thuốc bổ và dịch. Dẫu vậy thì sổ khám bệnh của cún con cũng chẳng ghi chi tiết cụ thể là loại thuốc gì.

Em cún bị viêm phổi. Hẳn nhiên, là nhà tôi phải off luôn cả máy lạnh. Căn phòng không có cây lạnh  chẳng khác một cái lò nướng. Hai đêm với nỗi căng thẳng lắc lư, lắng nghe từng hơi thở phập phồng. Cún Bambi thẳng cẳng, hoi hóp thở. Một nỗi thương xót ùa đến áp đảo, tôi khóc còn hơn cơn giông đang gào ngoài cửa!

cau-nhi-o-ha-thanh4
Tác giả và một em chó Shih Tzu nhưng được tết tóc, thắt nơ, đeo yếm – Một dòng chó cảnh được ưa chuộng trong các quán cà phê chó mèo vì “tính tình chậm rãi” không quậy phá

DMH