Lời của một thiếu niên con người giữ nghĩa trang.
Ðối với nhiều người, nghĩa địa có thể là nơi u buồn. Nhưng đối với tôi thời nhỏ thì ở miền quê Indiana, nghĩa địa là sân chơi của tôi. Cha tôi là người trông coi cho nhiều nghĩa địa tư và công trong tỉnh.
Sau chiến tranh, từ nước Nga, ông đến nước Mỹ khi còn trẻ và qua những người bạn chung, ông gặp mẹ tôi, cũng là một di dân mới tới. Thế rồi họ đưa nhau tới định cư ở một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Indiana, ở đó cha tôi kiếm được việc sửa sang vườn tược cho người ta và chăm sóc các công viên. Ông làm việc cực nhọc suốt đời và công việc làm ăn của ông phát triển. Ông lãnh trông nom tất cả nghĩa địa trong quận hạt cũng như những sân cỏ tư gia trong vùng. Nhiều khi ông cho tôi đi theo làm việc.
Cha tôi chọn nghề này một phần vì vốn liếng tiếng Anh ít ỏi trong suốt đời ông và cũng vì công việc chăm sóc vườn hoa và công viên là công việc mà ông có thể làm tốt không cần đến khả năng giao tiếp rộng rãi. Ngoài ra còn vì ông thích tạo nên những khoảng không gian đẹp, những khoảng không gian giúp người ta có thể nghỉ ngơi và thưởng thức vẻ thanh khiết đáng yêu của thiên nhiên.
Buổi ấu thời đó, nghĩa địa đối với tôi là nơi thật yên tĩnh đầy những câu chuyện đời, đến cả triệu chuyện, được gợi lên trong trí tưởng tượng của tôi. Chỉ cần một cái tên và dòng ghi ngày tháng trên bia mộ là đủ cho tôi dựng lại toàn bộ kịch bản của một đời người cũng như biết được người đó thuộc về một gia đình như thế nào. Tôi sẽ truyền vào những cái chết của miền quê Indiana đủ mọi điều huyền bí. Một số ngôi mộ thuộc về những bậc vương giả hoặc anh hùng thời xa xưa đã hy sinh thân mình để cứu người khác. Và, đôi khi nhìn một ngôi mộ, tôi tưởng tượng nó ôm ấp thân xác của một người tình qua đời không đúng lúc, cuối cùng đã được tái hợp vĩnh cửu với người yêu của mình ở một nơi chốn tốt đẹp hơn. (Tôi nghĩ rằng người lớn đọc những lời cáo phó trên báo chí với cùng một lý do -có một cái nhìn tóm lược về một cuộc đời- ngoài ra, tất cả những chi tiết khác để ngỏ cho trí tưởng tượng)

Tất cả những tưởng tượng thơ dại của tôi đã là những lối thoát cho tôi vì cuộc đời tôi không hề có những tấn kịch hay sự sôi động nào đáng kể. Tới tuổi thiếu niên, tôi cảm thấy chán cuộc sống được bảo bọc, yên tĩnh ở miền quê Indiana, cho đến nỗi tôi xem những câu chuyện tự mình thêu dệt ra là những lối thoát duy nhất cho mình. Cha mẹ tôi thì không thế, họ là những người thật giản dị. Họ định cư ở một nơi mà họ sống được. Họ không có những giấc mơ, hay ước muốn sống khác đi. Tôi thì muốn bay cao và bay xa, mãi mãi.
Trong thời gian tôi đi học đại học xa, thì cha mẹ tôi lặng lẽ già thêm. Thế rồi, trong một kỳ nghỉ mùa đông, tôi về thăm nhà. Năm tháng đã để lại dấu vết trên cha tôi và ông không còn có thể làm việc như trước nữa. Ông nhớ cảm giác bụi đất trên lòng bàn tay và ông nói, ông còn nhớ điều khác nữa. Những năm trước đây, khi tôi trải qua thời gian chìm đắm trong những hình ảnh tưởng tượng của tôi ở nghĩa địa, thì cha tôi làm công việc của ông -cắt cỏ, xén đường viền và trồng hoa- làm cho nghĩa địa đáng yêu hơn.Và mỗi lần trước khi ra về, cha tôi thường lấy một nắm những viên sỏi từ sau xe tải của ông đem đặt trên những bia mộ của một vài nấm mồ. Tôi chẳng hề hỏi tại sao ông làm thế. Tôi cho rằng đây là một phần trong công việc của ông. Nhưng tôi biết hành động này cũng quan trọng đối với ông như là việc đem vẻ đẹp đến cho những nghĩa trang.
Trong kỳ nghỉ thăm gia đình đặc biệt lần này, cha tôi đã yêu cầu tôi làm cho ông một việc. Ông muốn tôi lái xe tải đến một trong những nghĩa trang và đặt những hòn đá nhỏ trên các bia mộ. Vì một lý do nào đó, điều này thật quan trọng đối với ông và phải được làm vào ngày hôm ấy.
Tôi đã qua khỏi thời kỳ bướng bỉnh nổi loạn của tuổi thiếu niên nên tôi đồng ý làm giúp ông. Thật ra thì tôi muốn đi thăm lại những nơi đã đem đến cho tôi những phút giây hạnh phúc thuở thiếu thời.
Tới nghĩa địa, tôi đậu xe trên ngọn đồi nhìn xuống những ngôi mộ mà cha tôi bảo tôi đến. Ngay tức khắc, tôi thấy tôi không chỉ có một mình. Một phụ nữ, đầu không đội nón dù gió lạnh tháng mười một, đã đến thăm một trong những ngôi mộ mà tôi sẽ đặt những viên đá. Khi tôi cúi xuống làm công việc, tôi nghe bà ta thì thầm bên tai tôi: “Cám ơn”.
Ngay lúc đó tôi nhận thấy ngày tháng lìa đời ghi trên mộ đúng vào ngày của tháng mười một này. Ngôi mộ là của bé trai, chỉ năm tuổi khi bé mất mười lăm năm trước đây. Tôi nhìn người phụ nữ. Bà ta vào khoảng năm mươi tuổi với những đường nét hòa hợp. Tôi chờ đợi nhìn thấy nỗi buồn trong sự chịu đựng của bà, nhưng tôi chỉ thấy phẩm cách và sự thầm lặng chấp nhận.
“Nó là con trai tôi,” bà nói. “Nhưng, cha cậu đâu? Ông ta luôn luôn là người đi đặt những viên đá.”
Tôi ngạc nhiên đến nỗi phải mất một phút mới lên tiếng trả lời được. Rồi tôi cho bà biết cha tôi không được khỏe nhưng ông đã nhờ tôi đến đây đặt những viên đá lên các nấm mộ. Tôi nói, điều này thật quan trọng đối với ông. Bà gật đầu chứng tỏ bà biết cha tôi và bà tỏ ý xúc động khi việc làm nhỏ nhặt này thật quan trọng đối với ông. Tôi xin bà nói rõ hơn. “Tôi không biết cha cậu nhiều. Tuy nhiên tôi hiểu bản chất của ông. Sự tử tế của ông có ý nghĩa hơn bất cứ điều gì trong đời tôi. Cậu thấy đó, khi con trai tôi mất, tôi đến nghĩa trang rất thường để thăm viếng mộ. Tôi có thói quen đặt một hòn đá nhỏ lên mộ nó. Ðiều này chứng tỏ cho mọi người biết rằng người nằm dưới mộ không hề bị lãng quên mà trái lại luôn được nghĩ đến và thương nhớ. Nhưng rồi tôi phải dời khỏi nơi này… biết bao tưởng nhớ đau lòng… tất cả chúng tôi đều rời đi… gia đình… bạn bè. Không có ai ở lại để thăm viếng ngôi mộ và tôi rất sợ nó sẽ bị cô đơn. Nhưng cha cậu đã đặt một viên đá lên mộ nó mỗi khi ông đến đây. Mỗi lần về thăm, nhìn thấy viên đá đó, lòng tôi luôn luôn được an ủi. Cha cậu là người đã làm vơi bớt sự đau khổ đè nặng trái tim của một người mẹ mặc dù chúng tôi không hề quen biết nhau.”
Gió thổi tóc quất vào mặt tôi và trong khoảnh khắc, tôi không thể cử động. Nhưng người phụ nữ đưa tay ra nắm cánh tay tôi. “Hãy nói với ông là cậu đã gặp tôi hôm nay nhé?” Rồi bà quay lưng đi.
Khi tôi ngồi trong chiếc xe tải chờ cho xe ấm lại, tôi chợt hiểu hết. Ðặt những viên đá trên mộ có thể là điều mà cha tôi đã học được trong thời niên thiếu khi ông còn ở nước Nga hoặc có thể ông chỉ mới thấy mọi người, như người phụ nữ này, làm ở đây, tại Indiana. Dù ở đâu, đó là một hành động làm xúc động và an ủi những người còn sống. Hòn đá bé nhỏ đã ghi dấu trên ngôi mộ của một em bé và trái tim của người mẹ.
Máy sưởi trong xe tải đã điều hòa, tôi cảm thấy thật ấm áp dễ chịu. Và tôi sang số, lái xe về nhà.
NS
theo Marsha Arons – Chicken Soup For The Soul