Menu Close

Các bài viết trên Sáng Tạo

Phần 3

Khi Thái Tuấn cho in bài viết về hội họa đầu tiên của ông trên tạp chí Sáng Tạo số 1, năm 1956 với tựa đề:” Một Vài Nhận Xét Về Nghệ Thuật”, ông là người đầu tiên viết về hội họa dưới dạng phân tích và lý luận một cách khoa học và cập nhật nhất so với  thời trước đó dù rằng đây cũng chỉ là khởi đầu của một nghiên cứu về tiến trình phát triển mỹ thuật hiện đại ở phương Tây. Các bài viết của ông tuy, chủ yếu là kiến thức về các trường phái hội họa, chưa phải là những nhận định hay tư tưởng mang tính chủ kiến của một nhà phê bình. Dẫu sao, trong một bối cảnh xã hội miền Nam VN lúc bấy giờ, chỉ vài năm sau khi nước Việt Nam Cộng Hòa ra đời kể từ 1954, những bài viết về hội họa như vậy là rất tiền phong, là những viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà mỹ thuật hiện đại VN chính thức ra đời.

Ngoài bài đầu tiên trong số Sáng Tạo 1 xuất bản năm 1956 như đã đề cập ở trên, trong số nhiều bài viết của ông tiếp theo cũng trên Sáng Tạo, tôi đặc biệt chú ý đến 3 bài gồm có:

Hội họa sẽ đi về đâu trên Sáng Tạo số ra vào tháng Tư năm 1956, Thái độ cần thiết khi xem tranh, Sáng Tạo tháng Chín 1957 và Ðứng trước giá vẽ hôm nay, Sáng Tạo tháng 8, 1960. Ðó là những bài cho thấy tầm nhìn xa và rộng cho sự phát triển hội họa và những kiến giải cho việc cảm thụ tác phẩm nghệ thuật được hiệu quả mà ông dành cho giới vẽ và người xem tranh

Ví dụ trong bài “Hội họa sẽ đi về đâu”, nhà phê bình Thái Tuấn đã đặt ra câu hỏi:

Nếu tìm hiểu, và nghiên cứu kỹ lưỡng về sự tiến triển và thay đổi của nghệ thuật hội họa thì liệu chúng ta có thể biết chắc hội họa sẽ đi về đâu không?

Và ông cho biết:

Những nhận xét về sự thay đổi của hội họa ở các thế kỷ trước theo một nhịp điệu rất là đều đặn. Sự dao động giữa hai tư tưởng hiện thực hóa và lý tưởng hóa sự vật, thiên nhiên cho phép chúng ta nghĩ rằng nghệ thuật hội họa, lại sẽ theo nhịp điệu cũ, vì chúng ta không thể chối cãi được rằng những hình thể mỹ thuật, những tư tưởng nghệ thuật nếu đem đối chiếu, so sánh thì luôn là một sự song hành với những hình thể, những tư tưởng đã qua của các thế kỷ trước.”

sang-tao

Cuối cùng, ông đưa ra một kết luận:

Theo một nhịp điệu tiến triển mà ta có thể  biết trước được, sự tiến triển của nghệ thuật hội họa sẽ không phải là một sự ngẫu nhiên bất ngờ. Nó cũng không tiến triển một cách rối loạn. Nhưng nhìn đúng  theo khía cạnh trên nó trở thành một vấn đề lịch sử của các tư tưởng, tiến triển có nhịp điệu và theo một định luật.” (Trang 34-35, ST số 7, tháng 4-1956)

Với “Thái độ cần thiết khi xem tranh”, ông mang lại cho người muốn xem tranh những hướng dẫn quan trọng và thiết thực nhất để tiếp cận với tác phẩm, để thưởng ngoạn và tránh những điều hiểu sai rất phổ biến khi đứng trước một tác phẩm hội họa. Sau đây là một trích dẫn phần kết luận của bài viết rất hữu ích cho người yêu tranh:

Khi bước chân vào phòng triển lãm về hội họa, tôi biết chắc có rất nhiều người băn khoăn và tự hỏi: “Không biết bức nào là đẹp? Bức nào là xấu? Mình thích thú bức tranh này có đúng không hay là một sự nhầm lẫn”. Tôi xin trả lời rằng: “Bạn thích bức nào là bức ấy đẹp nhất đối với bạn; còn không phải vì ý thích của bạn mà bức họa tăng thêm giá trị nghệ thuật hay giảm sút đi. Nhưng điều ưa thích là quyền của bạn, tại sao bạn không thành thực với ý thích của mình? Ðây mới chỉ là nhận xét cái đẹp, cái xấu của bức họa để chơi thôi.”

….

Còn về trình độ thưởng thức nếu ta muốn được sâu sắc, tế nhị hơn thì đó là một việc đòi hỏi đến việc học hỏi, trau dồi không ngừng và lâu dài về mọi mặt trong địa hạt văn nghệ; chứ không thể với việc có sẵn một vài “mánh khoé” ở trong túi là được. Tiếc rằng ở nước ta chưa đặt thành vấn đề “giáo dục về thẩm mỹ cho dân”. Nghệ sĩ với điều kiện hẹp hòi, với phương tiện thiếu thốn của mình không thể đứng riêng mà làm nghệ thuật cho có hiệu quả được.Việc đó đòi hỏi sự hiểu biết và thiện chí của chính quyền. (Trang 37, ST số 12, tháng 9-1957)

Riêng bài “Ðứng trước giá vẽ hôm nay”, tác giả của nó không chỉ muốn dành cho giới làm nghệ thuật mà cả với người đứng trước các bức họa. Sau đây là một đoạn trích nói về thực tế của giới họa sĩ:

Gần đây, có một số người sáng tác hội họa đã nhầm lẫn. Họ nghe nói: Sao chép lại thiên nhiên sự vật là một điều thấp kém, tầm thường bèn quay sang vẽ loại tranh có thể gọi là “phá thể”, bởi đường nét chưa thành đường nét và hình thể cũng chẳng phải hình thể. Họ chạy theo  cái hình thức diễn tả mới của lối vẽ trừu tượng một cách vô ý thức, không quan niệm nổi cái phần nội dung nào đã đòi hỏi đến cái hình thức diễn tả đó. Chẳng khác gì một người vừa bứt chạy là có kẻ vùng chạy theo, chỉ khác nhau một điều là có người biết mình chạy đi đâu, còn kẻ khác chỉ biết có mỗi một việc là cắm đầu chạy. (Trang 37, ST số 2, tháng 8-1960)

Và một đoạn khác ông dành cho giới thưởng ngoạn như sau:

Ðứng về người thưởng ngoạn, không bao giờ nên hy vọng chỉ dùng con đường suy luận để đi vào tác phẩm. Ðiều nhầm lẫn nhất ngày nay người xem tranh bước vào phòng triển lãm, cứ gắng sức tìm hiểu, suy luận xem  bức tranh này họa sĩ vẽ cái gì? Bức tranh kia gói ghém những tư tưởng cao siêu nào? Có ai đứng trước người đẹp phải suy luận mới nhận ra vẻ đẹp của họ đâu? Nhan sắc là để chúng ta chiêm ngưỡng và chúng ta có bổn phận chiêm ngưỡng, không phải để chúng ta lý luận mà quên mất công việc chính là thưởng ngoạn. Cảm thông với cái đẹp là một cái gì đột nhiên chúng ta nhận thấy trong một khoảnh khắc nhanh chóng chứ không phải do sự kéo dài của suy luận. Nhưng có được một khoảnh khắc nhanh chóng đó, là công việc của một sự trau dồi học hỏi lâu dài. Những người thường làm quen với những sinh họat hội họa là những người sẽ có may mắn để thu nhận được cái gì thuộc về nghệ thuật và cái gì không phải là nghệ thuật. (Trang 38, ST sồ 2, tháng 8-1960)

Dù vẫn còn một số điều phải bàn thêm và cần cập nhật những diễn biến sáng tạo mới của nghệ thuật hội họa thế giới, rõ ràng, những bài viết về hội họa thường xuyên xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo từ số đầu tiên xuất bản năm 1956 cho đến 1960 trong bối cảnh nền mỹ thuật Miền Nam còn non yếu là một đóng góp kiến thức sáng tạo và thưởng ngoạn tương đối hoàn hảo và gần như là duy nhất cho cả hai giới có liên quan là họa sĩ và người xem tranh vì trước ông, Việt Nam chưa có ai làm được một cách dài hơi và có hệ thống như thế.

kỳ tới:

Sách

Câu Chuyện hội họa