
Na Uy ngày nay cũng trở thành một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa như rất nhiều quốc gia khác.
Những làn sóng di cư chính đến Na Uy vào thế kỷ XX và XXI là do các cuộc chiến tranh và bạo loạn ở các quốc gia di cư: ví dụ những người tị nạn từ Hungary vào những năm 1950, từ Chile và Việt Nam vào những năm 1970…Vào giữa những năm 1980, đã có sự gia tăng số người xin tỵ nạn từ các nước như Iran và Sri Lanka. Kể từ cuối những năm 90, là các nhóm người xin tỵ nạn mới từ các quốc gia như Iraq, Somalia và Afghanistan v.v…
Theo thống kê của Na Uy trên trang Satistics Norway, người nhập cư ở Na Uy

đến từ 221 quốc gia, nhiều nhất là Ba Lan, Lithuania, Thụy Điển, Somalia, Đức, Iraq, Syria, Philippines, Pakistan, Eritrea…Trong đó 724, 987 người (chiếm 13,8% dân số) là dân nhập cư, 158, 764 người (chiếm 3%) là sinh ở Na Uy nhưng có bố mẹ là dân nhập cư (“Nøkkeltall for innvandring og innvandrere”/”Key figures for immigration and immigrants”, ssb.no, số liệu tháng 1.2017).
Đối với những đứa trẻ dân nhập cư đến Na Uy khi đang học dở dang bậc trung học ở quê nhà, điều dễ hiểu là các em sẽ không thể theo học ngay tại các trường trung học của Na Uy. Các em sẽ phải học tại các trường dành cho học sinh là người nước ngoài, dân nhập cư, ở đó chủ yếu là học tiếng Na Uy, sau đó học thêm các môn học khác. Đến khi cảm thấy tiếng Na Uy đã đủ thì các em có thể chuyển sang học chung trường với học sinh bản xứ, còn nếu không thì cứ học tiếp tại các trường dành riêng này và vẫn có thể hoàn tất bậc trung học tại đây.

Để hỗ trợ thêm cho việc tiếp thu kiến thức của học sinh nhập cư, mỗi tuần các em sẽ có thêm một vài giờ học với giáo viên là người đồng hương để giáo viên này có thể giải thích, hướng dẫn thêm bằng tiếng mẹ đẻ những gì các em chưa hiểu tại lớp học.
Đối với dân nhập cư đến Na Uy khi đã trưởng thành, thậm chí khi đã lớn tuổi, nhưng không phải do gia đình người thân bảo lãnh, mà thuộc vào diện tỵ nạn nhân đạo, tỵ nạn chính trị…họ sẽ được chính phủ Na Uy cấp tiền đủ sống để theo học một chương trình gọi là Introduksjon trong 2 năm. Chương trình gồm có học ngôn ngữ, tìm hiểu về văn hóa, xã hội, chính trị, luật pháp…ở Na Uy. Còn nếu do người thân bảo lãnh hoặc sang Na Uy bằng con đường đi làm chẳng hạn, thì phải đóng học phí nếu muốn đi học các lớp ngôn ngữ.
Sau 2 năm học, người nhập cư nếu muốn thực sự được chứng nhận đã hoàn tất chương trình thì phải thi đậu 2 kỳ kiểm tra ngôn ngữ, vốn hiểu biết về xã hội Na Uy gọi là Norskprøve A1/A2, Norskprøve A2/B1, rồi lấy giấy chứng nhận và xin đi làm. Tất nhiên, chứng nhận Norskprøve A2 hoặc ngay cả B1, chỉ đủ cho phép họ đi làm những công việc lao động bình thường, còn muốn có những cơ hội công việc tốt hơn hoặc nếu muốn theo học đại học, họ phải thi đậu Norskprøve B2 hay Bergenstest.

Với những người đã có bằng cấp Cử nhân, Thạc sĩ, thậm chí Tiến sĩ ở quê nhà, nếu muốn tiếp tục nghề nghiệp của mình, họ cần phải xin chứng nhận lại bằng cấp.
Nếu sau 2 năm học mà người nhập cư vẫn chưa xin được việc làm, họ có thể tìm đến cơ quan an sinh xã hội ở Na Uy (gọi tắt là NAV) và xin theo học những khóa học ngắn hạn vài tháng, hướng dẫn kỹ năng xin việc, tìm hiểu và thực tập với những công việc bình thường khác nhau như làm việc ở siêu thị, nhà hàng, phụ tá cho giáo viên nhà trẻ, cho y tá chăm sóc người già v.v…Trong thời gian theo học những khóa học này, họ tiếp tục được nhận trợ cấp đủ sống. Thậm chí có cả những chương trình dài hạn 1 năm, 2 năm để hỗ trợ cho người thất nghiệp, trong đó người thất nghiệp sau thời gian đi học bổ túc thêm tiếng Na Uy sẽ xin vào thực tập tại các công ty, cơ quan và nhận tiền từ NAV để sống còn các cơ quan này không phải trả lương cho họ.
Nói tóm lại, có rất nhiều chương trình khác nhau để hỗ trợ cho người thất nghiệp.
Đó là mặt tích cực, nhưng mặt tiêu cực là có những người vì lười biếng chẳng hạn, không chịu bổ sung kiến thức, kỹ năng, không tích cực xin việc mà chỉ dựa vào những chương trình như vậy, hết chương trình này đến khóa học khác, để sống qua ngày.
Bắt đầu một cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ bao giờ cũng khó khăn, nhất là khi người nhập cư đã ngoài 30, 40, 50…tuổi. Và công việc thì ở đâu cũng không phải dễ tìm. Xu hướng ở các nước Bắc Âu vốn có dân số ít là càng ngày những công việc đơn giản người ta sẽ sử dụng máy móc tự động hóa hết, vì vậy không thể tìm được những công việc lao động đơn giản nữa, mọi người phải tự nâng cao trình độ của mình thì mới có thể tìm được việc.
Điều may mắn đối với người nhập cư ở những quốc gia như Na Uy là chính phủ không bỏ rơi bất cứ ai. Nếu chưa tìm được việc, bạn vẫn có thể nhờ cậy vào các chế độ an sinh xã hội, trợ cấp của chính phủ; còn khi đã tìm được việc, dù chỉ là một công việc bình thường, bạn sẽ có đồng lương đủ sống với điều kiện làm việc bình đẳng, được tôn trọng, với y tế, giáo dục miễn phí cho mình và con cái, với các chế độ lương hưu hoặc trợ cấp khi về già. Tất cả nhằm bảo đảm cho con người một cuộc sống không phải chạy vạy, lo âu quá nhiều.
Song Chi