Menu Close

Sinh Hoạt Cộng Đồng

Theo Cục điều tra dân số của Hoa Kỳ, năm 2012, có 1,675,246 người Việt Nam đang sinh sống tại quốc gia này. Tuy vậy, đây chỉ là số di dân Á Châu đông hàng thứ tư, sau Ấn Ðộ, Philippines và Trung Quốc. California và Texas là nơi tập trung người Việt cao nhất. Nếu tính theo thành phố, San Jose có số người Việt đông nhất với 106,379, tiếp theo là Garden Grove (52,026) San Diego (37,720) Westminster (36,954) và Houston (36,568.)

Ở những vùng đông dân Việt tỵ nạn như Little Saigon hay San Jose hầu như vào những ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ Nhật hay có khi kẹt địa điểm tổ chức, có thể là tối thứ Sáu) luôn luôn có những buổi mà chúng ta thường gọi là “sinh hoạt cộng đồng” của:

  1. Các buổi kỷ niệm 30, 50 năm hay họp mặt thường niên của Hội Ái Hữu Ðồng Hương, Hội Ái Hữu Trường Trung Học (trước năm 1975,) Hội Ái Hữu Quân Binh Chủng, đơn vị trong Quân Ðội VNCH.
  2. Các buổi sinh hoạt có tính cách thời sự, chính trị, như tường trình của Mạng Lưới Nhân Quyền, Hát Trên Vùng Biển Chết.
  3. Các buổi tưởng niệm, vinh danh cho Quý Cố Tổng thống Ngô Ðình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu.
  4. Các Ðại hội thường niên như Ðại hội Võ Khoa Thủ Ðức, Ðại hội Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, Y Nha Dược…
  5. Các buổi gây quỹ từ thiện như Bão Lụt Miền Trung, Mổ mắt cho VN hay gây quỹ cho bầu cử cộng đồng…
  6. Các buổi giới thiệu, ra mắt sách, CD, DVD.
  7. Các buổi hội thảo về chương trình trợ cấp gia cư, trợ cấp y tế…
  8. Lễ chào quốc kỳ đầu tháng.
  9. Hàng năm như hội chợ Tết, diễn hành…

Thường một hội đoàn ái hữu đồng hương có hai buổi họp mặt chính trong năm, một vào mùa Hè khi thời tiết nắng ráo, ấm áp tổ chức “pic-nic” hay vui chơi ngoài công viên, và một vào dịp tất niên, tân niên trong các nhà hàng. Nếu chúng ta hiện diện trong tất cả sinh hoạt có liên quan đến nguồn cội hay quan tâm đến sinh hoạt chính trị, tham gia các hội từ thiện thì hầu như cuối tuần nào cũng bận rộn. Vì các sinh hoạt trùng giờ nên có khi phải chạy qua chỗ này cho có mặt, lại phải đi đến chỗ khác để tham dự.

sh-congdong-01

Nghi thức cộng đồng

Mở đầu một buổi sinh hoạt cộng đồng, dù ở ngoài công viên hay trong phòng hội, chúng ta luôn có nghi thức khai mạc là chào cờ và hát quốc ca Việt, Mỹ, sau đó là một phút mặc niệm để tưởng niệm các tiền nhân, các chiến sĩ đồng bào đã hy sinh vì đại cuộc, nhất là các nạn nhân của chế độ Cộng Sản.

Từ khi cộng đồng người Việt có mặt trên đất Mỹ, mà ngay các cộng đồng người Việt ở Canada, Âu, Úc Châu đều có những tiết mục trong nghi lễ khai mạc như thế, mà chúng ta thường đặt tên là “nghi thức cộng đồng.”

Nhờ tập quán này mà lá cờ Việt Nam (*) luôn luôn ở trong trái tim của người Việt tỵ nạn. Các thế hệ sinh ra trên đất Mỹ hay các xứ tự do đều biết đến lá cờ lịch sử của dân tộc.  Càng nhiều sinh hoạt cộng đồng, nhiều sinh hoạt văn hoá, người Việt hải ngoại càng quen thuộc và luôn luôn tôn vinh lá quốc kỳ Việt Nam. Nhờ đó mà lá cờ máu sao vàng luôn luôn bị đẩy ra khỏi mảnh đất của cộng đồng và cả trong quy định của địa phương.

Các buổi sinh hoạt cộng đồng nghe quốc ca Mỹ để nhớ “đây là mảnh đất của tự do và ngôi nhà của những con người dũng cảm” (The land of the free and the home of the brave!) Văn hoá Việt Nam cũng luôn nghĩ đến dĩ vãng, mang ơn những người đã chết, lặng mình trong khúc nhạc truy điệu buồn bã.

* Trong câu đầu tiên của quốc ca Việt Nam, nhiều nơi đã vô ý dùng câu hát: “Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng” thay vì phải hát đúng là “Này thanh niên ơi! Ðứng lên đáp lời sông núi!” Ðiều này làm chúng tôi nhớ lại, cách đây, không lâu một trung tâm thanh niên Phật Giáo cũng đã hát bài ca chính thức của PGVN (do NS Lê Cao Phan sáng tác) là: “Phật Giáo VN thống nhất Bắc-Nam-Trung từ đây!” khiến cho thầy Thích Tâm Châu lên tiếng phải sửa lại là “Phật Giáo VN phát huy khắp năm châu từ nay!”

Ðó là những câu hát thiếu ý thức cần phải lưu ý loại bỏ.

* Người Việt từ xưa đến nay lúc quốc ca cử lên, tất cả đều đứng tại chỗ nghiêm trang và im lặng, hai tay buông thõng, ép sát vào thân mình. Sang đây, chúng ta thấy người Mỹ lúc chào quốc kỳ và nghe quốc ca thì đứng nghiêm, tay phải trân trọng đặt lên ngực trái, nơi có trái tim.

Vì không có quy định trong hình thức nghi lễ và bắt chước theo người Mỹ, nên khi chào quốc kỳ Việt Nam thì chúng ta chỉ đứng yên, nhưng khi chào quốc kỳ Mỹ, người thì đưa tay lên ngực trái, người thì đứng yên, có người hành động vô ý thức đã dùng tay trái áp lên ngực phải! Hình ảnh này rất lộn xộn, quả không đẹp mắt tí nào? Nếu một người Mỹ nhìn vào cảnh này, họ sẽ nghĩ ra sao?

Muốn “nhập gia tuỳ tục” thì cả hai, chào quốc kỳ Việt hay Mỹ chúng ta đều phải để tay lên ngực trái, còn nếu theo văn hoá, thói quen từ xưa, để giữ bản sắc, thì chào cờ nào chúng ta chỉ cần đứng chỉnh tề, nghiêm trang là đủ.

Bức hình sinh hoạt cộng đồng kèm theo là một ví dụ tiêu biểu, trong 5 vị mặc Âu phục, có 2 vị đứng không, 2 vị để tay lên ngực trái, một vị để tay lên ngực phải. Trong sáu vị mặc Việt phục thì chỉ có một bà chào theo lối Mỹ, trong khi các vị khác đứng nghiêm.

Theo ý kiến của chúng tôi, từ xưa đến nay, người Việt lúc chào quốc kỳ chỉ đứng nghiêm, không để tay lên ngực trái, thì bây giờ dù đến Mỹ, hay ở đâu, chào cờ nước ngoài, chúng ta vẫn phải giữ truyền thống và thói quen của chúng ta.

Tình trạng “loạc choạc” khi chào cờ Hoa Kỳ nên được chấm dứt!

5 vị mặc Âu phục, có 2 vị đứng không, 2 vị để tay lên ngực trái, một vị để tay lên ngực phải. 6 vị mặc Việt phục thì chỉ có một bà chào theo lối Mỹ, trong khi các vị khác đứng nghiêm.
5 vị mặc Âu phục, có 2 vị đứng không, 2 vị để tay lên ngực trái, một vị để tay lên ngực phải. 6 vị mặc Việt phục thì chỉ có một bà chào theo lối Mỹ, trong khi các vị khác đứng nghiêm.

Ca sĩ “nghiệp dư” và chuyện tặng hoa

Trong những buổi sinh hoạt cộng đồng như thế này, nếu có diễn giả muốn thuyết trình một vấn đề, thậm chí một hội đoàn muốn tổng kết tài chánh thì đừng hy vọng khách tham dự yên lặng và có người lưu ý nghe người ta nói gì, làm gì trên sân khấu, ngay cả khi có ca sĩ lên ca hát hay múa men.

Sau lễ chào quốc kỳ và phút mặc niệm, sau khi MC mời quý khách an toạ, là một làn sóng ầm ĩ bắt đầu. Loa phóng thanh trên sân khấu mở hết âm lượng vì sợ người tham dự không nghe rõ, thì người nghe cần nói chuyện với nhau cũng la to để át tiếng loa, thành ra âm thanh của những buổi hội hè là thứ âm thanh ồn ào, bát nháo, và những ông bà già thần kinh yếu, tham dự về nhà phải uống thuốc an thần may ra mới ngủ được.

Nhưng ai trách được ai! Người ta đến tham dự là có dịp gặp bạn bè, hàn huyên, chuyện trò cho thoải mái, trong khi ban tổ chức đang có hàng chục ca sĩ đứng đợi, để chờ lên sân khấu “em xin trình bày bản…!” Người ta đã bỏ tiền đi làm tóc, may áo dài mới, mà bắt người ta hát sau khi khách đã lần lượt ra về hoặc quên không cho người ta hát, thì ban tổ chức có mà nát xương.

MC sắp chương trình vã mồ hôi, ai hát cũng hay, ai cũng quen lớn, ai cũng đòi hát trước, chiều được mọi người cũng khó. Ông “one-man band” thì vật vã, toàn ca sĩ hát nhép, vụng về bấm nhầm một cái nút, hay bấm chậm thì hết đường làm ăn.

Ở Việt Nam bây giờ, khán giả hâm mộ thường lên sân khấu tặng phong bì, tặng hoa, tặng trái cây cho ca sĩ, thậm chí còn ôm hôn ca sĩ. Bắt chước “phong cách” này trong các buổi sinh hoạt cộng đồng tại hải ngoại, người tham dự cũng lên tặng hoa cho ca sĩ, và vì không chuẩn bị mua hoa, người hâm mộ thường đi ngang một bàn tiệc nào đó, rút một bông hoa lên tặng ca sĩ, và  đứng sát vào ca sĩ để bạn bè làm một “bô” kỷ niệm. Có bà đi ngang, thấy có chậu hoa cúc để trên sân khấu, bèn bê nguyên chậu, mang lên tặng cho ca sĩ. Những hình ảnh này thật lố bịch và khó coi, mà người ta vẫn làm được.

sh-congdong-03

Bằng tưởng lục

Quý dân cử Việt hay Mỹ luôn luôn hiện diện trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, nhắc nhở đồng bào sự có mặt của mình để lần sau nhớ mà bỏ phiếu. Vị nào cũng lăm lăm trong tay một cái bằng tưởng lục để được mời lên sân khấu, trao tặng cho người tổ chức, và nói một vài lời. Quý Vị quang lâm tham dự buổi sinh hoạt là một vinh dự cho ban tổ chức, nhưng đôi khi chỉ cử người đại diện đến, ngồi bàn danh dự, được trân trọng xướng danh, và trao bằng công nhận hay tưởng lục, đôi khi không được lồng kính, đóng khung cho tử tế, mà chỉ là một tờ giấy mỏng mới in xong.

Các đoàn thể, hội đoàn của chúng ta làm việc từ thiện, đấu tranh cho nhân quyền hay lên án tình trạng toàn trị ở trong nước, không đợi phải ai khen ngợi và trao bằng vinh danh hay tưởng lục. Câu chuyện lâu thành hoá nhàm, tưởng như không có giá trị gì nữa!

“Thực đơn cộng đồng”

Họp mặt cộng đồng thì phải có ăn. Tổ chức ngoài công viên thường có các món Việt Nam, như heo quay, xôi, gỏi hay thịt nướng, nhưng tổ chức trong nhà hàng (100% là nhà hàng Tàu ) thì bắt buộc là món ăn Tàu. Nhà hàng Tàu có nhiều thực đơn cao cấp cho những đám cưới, nhưng cũng có thực đơn rẻ tiền nhất cho các buổi sinh hoạt cộng đồng, phù hợp với túi tiền của người tham dự. Thực đơn này gọi là “thực đơn cộng đồng,” đó là thực đơn cũng có 5, 6 món nhưng rẻ nhất để phù hợp với túi tiền người tham dự.

Tôi đã tham dự một buổi sinh hoạt cộng đồng tại một nhà hàng Tàu, mà mỗi phần ăn chỉ có $20.00. Chủ yếu là vì mục đích của cuộc gặp gỡ chứ không phải chuyện ăn.

Với mục đích gây quỹ, thì vé tham dự cao hơn, số tiền đôi ra sẽ là tiền lời cho buổi gây quỹ.

Nhưng khi bạn đã là Chủ tịch hay trong Ban Chấp hành một hội đoàn, có đi có lại, chúng ta không thể từ chối mỗi tuần hai ba vụ sinh hoạt họp mặt, kỷ niệm. Quả là muốn sống với làng với nước thì phải tốn tiền.

Nhưng phải nói nhờ cộng đồng mà chúng ta có vui chơi, có bạn bè, có kết hợp, có đoàn kết.

Còn chuyện chia rẽ, xin hẹn độc giả trong một bài sau.

HP

(*) Lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ Quốc gia Việt Nam, có từ ngày 2 tháng 6 năm 1948 dưới thời kỳ của Chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân,  sau này tiếp tục là quốc kỳ dưới thời Quốc gia Việt Nam (1949-1955), và sau đó là quốc kỳ cho suốt thời Đệ Nhất và Đệ Nhị VNCH (1955-1975).