Menu Close

Bắc Hàn có bom khinh khí?

Bắc Hàn vừa cho tổ chức lễ quốc khánh lần thứ 69 vào hôm Thứ Bảy 9/9 vừa qua và nhân tiện ăn mừng thành công cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân một tuần trước đó nhằm ngày Chủ Nhật 3/9. Đây là cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và trái bom lần này có sức công phá mạnh nhất từ trước tới nay.

bac-han-co-bom-khinh-khi4
Kim Jong Un và bom khinh khí – nguồn Yahoo7 New

Ngay sau cuộc thử nghiệm, chính phủ Bắc Hàn liền tuyên bố họ đã thành công cuộc thử nghiệm loại bom khinh khí (hydrogen bomb). Tuy nhiên, các nhà phân tích hoài nghi về tính xác thực của lời tuyên bố trên và vẫn đang tiếp tục thu thập dữ liệu và bằng chứng để biết được thực hư ra sao. Ðây không phải là lần đầu tiên phía Bắc Hàn tự nhận là họ có bom khinh khí, năm 2016 họ cũng đã từng đưa ra lời tuyên bố tương tự.

Cuộc thử nghiệm vừa qua được các máy đo địa chấn ghi nhận có sức rung bằng một cơn động đất tương đương 6.3 độ Richter, mạnh đến nỗi một số khu vực thuộc Nam Hàn và Trung Quốc cũng cảm nhận được sự rung chuyển, và một nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo đất ở khu vực thử nghiệm có thể bị sụp xuống và phóng xạ có thể thoát ra ngoài gây nguy hiểm cho sức khoẻ của người dân trong toàn khu vực.

Nhiều quan sát viên xem xét qua các không ảnh chụp từ vệ tinh trên khu vực thử nghiệm quân sự có tên Punggye-ri được xây dựng kiên cố nằm sâu trong lòng núi Mantapsan và cho biết sức nổ của trái bom đã gây ra đất chuồi ở quanh đó. Các nhà phân tích phỏng đoán trái bom lần này có sức nổ tương đương khoảng từ 50 đến 120 ngàn tấn, mạnh ít nhất gấp tám lần trái bom nguyên tử quân đội Mỹ thả ở Hiroshima thời Thế chiến II.

bac-han-co-bom-khinh-khi2
Sức mạnh của vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn

Cuộc thử nghiệm một lần nữa cho thấy qua nhiều thập niên với chính sách trừng phạt và cưỡng bách kinh tế đã thất bại trong nỗ lực ngăn cản tham vọng của Bắc Hàn trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ.

Cứ mỗi lần Bắc Hàn cho thử nghiệm bom hạt nhân, hay một hệ thống giàn phóng, thì lại thêm một lần làm cho thế giới quan ngại hơn. Và lần này, với sức công phá quá mạnh cùng với lời tuyên bố từ phía Bắc Hàn là họ đã thử nghiệm thành công trái bom khinh khí đầu tiên, cộng đồng thế giới đã không thể coi thường nên buộc các quốc gia trong vùng và các cường quốc trên thế giới phải cố xoay sở tìm một giải pháp mới trong mấy ngày qua.

Sau vụ thử nghiệm, thị trường chứng khoán tại Á châu và Hoa Kỳ cũng bị trượt dốc trong ít ngày.

Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ và các đồng minh đang thúc giục Hội đồng Bảo an phải trừng phạt kinh tế Bắc Hàn mạnh hơn, trong khi Bình Nhưỡng hứa hẹn sẽ còn có thêm nhiều “món quà” khác nữa dành cho Hoa Kỳ.

Bom khinh khí, cũng như bom nguyên tử, là một loại vũ khí hạt nhân; nhưng khác với bom nguyên tử là nó có sức công phá mạnh hơn nhiều lần nhờ sử dụng một kỹ thuật khác.

Những loại bom nguyên tử đầu tiên, như hai trái bom được thả ở thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản thời Thế chiến II, sử dụng kỹ thuật phân hạch (fission): tách những hạt nguyên tử (atoms) của chất uranium hoặc plutonium để các trung hoà tử (neutrons), tức những hạt hạ nguyên tử (subatomic particles), được di chuyển tự do và chúng va vào nhau để tạo thêm nguyên tử – gây thành một chuỗi phản ứng dây chuyền đưa tới một một sức nổ khủng khiếp.

bac-han-co-bom-khinh-khi1
Không ảnh chụp khu vực thử nghiệm Punggye-ri – nguồn New York Times

Bom khinh khí sử dụng thêm loạt phản ứng đợt hai để phóng đại thêm sức nổ. Ðể có thể đạt được sức công phá mạnh hơn thì người ta bắt buộc phải tăng thêm lượng năng lượng nhiệt hạch (thermonuclear fuel) mà một trái bom nguyên tử có thể kích nổ.

Phản ứng đợt hai này được gọi là kỹ thuật dung hợp (fusion): các nguyên tử khinh khí bị nghiền nát lại với nhau, và khi những hạt nguyên tử tương đối nhẹ này kết hợp với nhau thì chúng thả ra những trung hoà tử thành một đợt năng lượng có tính huỷ diệt rất cao.

Lần thử nghiệm thành công này cho thấy chương trình hạt nhân của Bắc Hàn ngày càng tinh vi hơn và họ đang tiến dần tới việc chế tạo đầu đạn nguyên tử có thể gắn vào loại hoả tiễn tầm xa dùng để tấn công vào lục địa Hoa Kỳ.

Mục tiêu chính của Bắc Hàn mà ai cũng biết là chế tạo được những vũ khí có khả năng tấn công Hoa Kỳ. Nếu như nay mai Bắc Hàn có đủ khả năng để chế tạo bom khinh khí thì điều này có thể mở ra cho họ con đường mới để chế tạo được những đầu đạn nhỏ hơn nhưng có sức công phá và hủy diệt cao hơn.

Năm 1954, Hoa Kỳ đã từng cho thử nghiệm bom khinh khí tại đảo san hô Bikini, nằm trong khu vực quần đảo Marshall thuộc Thái Bình Dương, có sức công phá mạnh gấp 1,000 lần trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima năm 1945. Sau đó Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cũng đã thử nghiệm thành công bom khinh khí. Nếu như nay mai Bắc Hàn cũng có bom khinh khí nữa thì quả thật đây là một hiểm họa cho nền hoà bình thế giới và chắc là họ sẽ còn tìm cách bắt chẹt thế giới đến mức nào nữa.

Tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn đã có từ thời ông nội Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), người sáng lập nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn) và từ sau cuộc chiến tranh Cao Ly giữa Nam và Bắc Hàn, giới lãnh đạo của Bắc Hàn tin tưởng rằng chỉ có vũ khí nguyên tử mới giúp họ tự vệ được trong trường hợp bị Hoa Kỳ tấn công.

Sau Thế chiến II, bán đảo Triều Tiên được tách ra làm hai lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới, với miền bắc được sự hậu thuẫn của Liên Xô và Trung Quốc, miền nam được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Sau những nỗ lực cho cuộc tổng tuyển cử để thống nhất hai miền bất thành, Nam và Bắc Hàn đã tổ chức bầu cử riêng và chọn hai lãnh tụ, với kết quả là tách thành hai quốc gia riêng biệt vào năm 1948.

Hoà bình trên bán đảo này kéo dài không lâu. Năm 1950, miền bắc xâm chiếm miền nam. Cuộc chiến tranh Cao Ly kéo dài chỉ trong ba năm nhưng để lại một hậu quả tàn khốc. Gần ba triệu người thiệt mạng trước khi chiến tranh kết thúc năm 1953 với một thỏa thuận đình chiến. Tuy nhiên, không một hoà ước nào được ký kết, và có thể nói Nam và Bắc Hàn cho đến nay vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.

Kể từ đó, Hoa Kỳ luôn duy trì một lực lượng quân sự tại miền nam để đề phòng những cuộc khiêu khích từ miền bắc, nhưng đối với Bắc Hàn thì đây là một sự đe dọa cho nền an ninh của họ.

bac-han-co-bom-khinh-khi
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp ngày 4/9 – nguồn Fox News

Vì vậy chỉ ba năm sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, Bắc Hàn và Liên Xô đã ký một thỏa thuận về việc nghiên cứu hạt nhân.

Năm 1964, Liên Xô đã xây cho Bắc Hàn một lò phản ứng hạt nhân nhỏ để thí nghiệm. Cũng trong năm này, Bình Nhưỡng yêu cầu Trung Cộng giúp họ vũ khí nguyên tử, và đến năm 1974 họ yêu cầu thêm một lần nữa, nhưng cả hai lần đều bị từ chối. Ðến lúc này, lãnh tụ tối cao Kim Il Sung đã quyết định phải tự mình xây dựng và phát triển chương trình hạt nhân.

Ðến năm 1981, Bắc Hàn đã có đủ khả năng tự lực trong chương trình hạt nhân của họ và bắt đầu những cuộc thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa; và đến năm 1986 thì cho xây thêm một lò phản ứng khác để có thể tinh chế chất plutonium. Trong suốt hai thập niên sau đó, Bắc Hàn tiếp tục bí mật thu lượm kỹ thuật cũng như nguyên liệu để phát triển chương trình hạt nhân của họ.

Tháng 10 năm 2006, dưới quyền của ông con là Kim Jong Il (Kim Chính Nhật), Bắc Hàn lần đầu cho thử nghiệm bom hạt nhân sử dụng nhiên liệu plutonium.

Kể từ khi ông cháu Kim Jong Un (Kim Chính Ân) lên nắm quyền năm 2011 đến nay, trong vòng sáu năm, Kim Jong Un đã cho tiến hành các cuộc thử nghiệm hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân nhiều hơn cả hai thời đại ông nội và ông bố cộng lại. Hơn nữa, các cuộc thử nghiệm đã đạt được những thành công to lớn đến mức độ nhiều chuyên gia đã phải nhìn nhận là hỏa tiễn Bắc Hàn nay đã có thể bay tới lục địa của Hoa Kỳ.

Nếu có dấu hiệu thay đổi nào trong chương trình hạt nhân của Bắc Hàn gần đây là vì giới lãnh đạo hiện tại dưới quyền của Kim Jong Un nay thấy rằng vũ khí hạt nhân là điều cần thiết để giữ cho chế độ của họ còn tồn tại. Họ đã chứng kiến số phận của nhà độc tài Saddam Hussein của Iraq vì không nắm trong tay vũ khí hạt nhân nên đã không chống cự được cuộc tấn công từ bên ngoài để đi đến kết quả là sự sụp đổ của chế độ; hay như số phận của lãnh tụ Muammar Gaddafi của Libya, nhà độc tài duy nhất trong lịch sử đã đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy những lợi ích kinh tế như đã được hứa hẹn, nhưng kết cuộc đã bị những nhóm nổi dậy từ trong quốc nội nổi lên giết chết.

Do đó, ta thấy thời gian gần đây, lãnh tụ Kim Jong Un không chỉ tỏ ra ngông cuồng và hiếu chiến hơn trước, mà ngay cả ý tưởng về đàm phán cũng không thèm nhắc đến. Thế giới sẽ còn bận tâm nhiều hơn nữa về nhà độc tài điếc không sợ súng này.

VH