Menu Close

Hội Hồng Nhập Tự – Tổ chức nhân đạo của thế giới

Không chỉ  hiện diện và quyên góp sau các thiên tai, tổ chức nhân đạo và thiện nguyện Hồng Thập Tự luôn vận hành bền bỉ và liên tục quanh năm từ hàng trăm năm qua. Được sự tín nhiệm của các chính phủ và các tập đoàn tư nhân cùng những người  hảo tâm đóng góp, hội Hồng Thập Tự đã góp phần không nhỏ trong việc giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh, thiên tai cùng các quốc gia lạc hậu trên toàn thế giới. Có thêm những thông tin về hoạt động cùng công việc điều hành và quản trị một ngân sách hàng tỉ đô la của tổ chức này, sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về tính minh bạch và hiệu quả của nguồn tiền người dân đóng góp cho tổ chức này ra sao. Bởi vì tổ chức Hồng Thập Tự cũng không tránh khỏi những nghi vấn và ý kiến trái chiều trong công việc điều hành của nó. 

hoi-hong-nhap-tu4
Một nhân viên thiện nguyện của Hội Hồng ThậpTự Hoa Kỳ đang an ủi một nạn nhân cơn bão Harvey – nguồn Madison.com

Nếu kể ra một trong những lá cờ được dễ dàng nhận diện trên khắp thế giới, có lẽ phải nói ngay đến lá cờ mang chữ thập màu đỏ trên nền trắng của Hội Hồng Thập Tự đã quen thuộc từ cả trăm năm qua. Không mang một ý nghĩa đặc biệt vì nó chỉ là một sự cải đổi từ lá cờ Thụy Sĩ chữ thập trắng nền đỏ, quốc gia và người khai sinh ra nó, nhưng lá cờ trở thành một biểu tượng của lòng nhân đạo, bác ái mà cha đẻ của nó, Henri Dunant đã đặt ra và lan truyền khắp muôn nơi. Câu chuyện quay về cùng lịch sử, vào năm 1859, trên đường về cố quốc, chàng trai Thụy Sĩ  đương tuổi 30 Henri Dunant đã vô tình đi ngang qua một ngôi làng vừa xảy ra giao tranh giữa liên minh Pháp-Ý cùng quân Áo. Trận đánh khốc liệt khi hai bên đều sử dụng súng thần công, đã gây thương tích cho hàng chục ngàn binh sĩ hai phe. Henri đã cùng các phụ nữ trong làng sơ cứu, băng bó, cho họ nước uống, thực phẩm. Câu chuyện được Henri kể lại trong cuốn sách của mình, cùng lời khẩn cầu giúp đỡ các thương binh bất kể  của phe nào trong chiến tranh. Ý tưởng này đã được các quốc gia Châu Âu đồng thuận và Hội Thập Tự – một tổ chức dân sự  chính thức ra đời năm 1863 theo sau là công ước Geneva 1864 giữa nhiều quốc gia, cam kết sẽ cứu chữa các thương binh và đối xử nhân đạo với các tù binh chiến tranh, cho phép và bảo vệ tổ chức Hồng Thập Tự được cứu chữa thương binh và thường dân tại các vùng giao tranh. Những tôn chỉ và sứ mệnh cao cả về tính nhân đạo, sự trung lập, tinh thần vô tư, thiện nguyện và toàn cầu của phong trào Hồng Thập Tự đã nhanh chóng lan truyền khắp thế giới, và cho đến nay, sau 164 năm đã hiện diện tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì lý do tôn giáo, Hội Chữ Thập Ðỏ có thêm Hội Lưỡi Liềm Ðỏ mang cùng mục đích và nguyên tắc để hoạt động  tại quốc gia Hồi Giáo. Henri Dunant trở thành người đầu tiên nhận được giải Nobel Hòa Bình năm 1901 và ngày sinh của ông, ngày 8 tháng 5 trở thành ngày Hồng Thập Tự thế giới.

hoi-hong-nhap-tu2
Henri Dunant, người sáng lập Hội Hồng ThậpTự – nguồn wikipedia

Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ – American Red Cross (ARC) ra đời năm 1881, tính đến nay đã 136 năm và độc lập với tổ chức Hồng Thập Tự thế giới nói trên. Là một tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận, ARC hoạt động độc lập và không phải là một cơ quan liên bang nhưng lại có tư cách pháp lý như một “phương tiện” của liên bang đã được quốc hội chuẩn thuận. ARC mang những trách nhiệm thực hiện các hiến chương của công ước Geneva, giúp đỡ và làm cầu nối liên lạc cho binh sĩ và gia đình của họ, và trách nhiệm lớn nhất là, cứu trợ và giúp đỡ nạn nhân các thảm họa tại Hoa Kỳ và trên thế giới, bao gồm cả trách nhiệm phối hợp cùng cơ quan FEMA của liên bang trong việc đối phó nhất thời cùng sự giúp đỡ nạn nhân tái thiết đời sống sau các thảm hoạ. Từ Ðệ Nhất Thế Chiến, Ðệ Nhị Thế Chiến cho đến các cuộc chiến tranh Triều Tiên hay Việt Nam sau này, ARC luôn hiện diện trong các nhiệm vụ cứu thương, tiếp tế lương thực cho tù nhân và nạn nhân chiến tranh, chuyển tin tức cho thân nhân binh lính Hoa Kỳ… Hiện nay, ARC có 600 phân hội đang hoạt động khắp nước Mỹ với khoảng 500,000 thiện nguyện viên và 35,000 nhân viên ăn lương. Không chỉ làm các nhiệm vụ kể trên, ARC là tổ chức tiếp nhận hiến máu và cung cấp máu lớn nhất thế giới hiện nay, với khoảng 3,000 bịnh viện nhận máu từ ARC và nhiều vùng xung đột trên thế giới.

hoi-hong-nhap-tu1
Các tình nguyện viên Hội Hồng Thập thập Hoa Kỳ giúp làm danh sách sơ tán tại Trung tâm Hội nghị George R. Brown trong cơn bão Harvey- nguồn ABC News

Nhưng với tinh thần cùng mục đích cao cả như vậy thì tại sao hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ lại có những vấn đề gây tranh cãi từ vài năm qua, nhất là trong những vụ thiên tai như Harvey và Irma hiện nay? Không chỉ với các dư luận của người dân trên các trang mạng xã hội, hồi tuần trước, một dân biểu của thành phố Houston cũng chính thức lên tiếng kêu gọi người công chúng đừng đóng góp qua ARC. Lý do tại sao? ARC bị tai tiếng từ sau trận bão Katrina, khi những nạn nhân chỉ trích sự cứu trợ chậm trễ của tổ chức này, lương thực thực phẩm  tiếp tế đến tay nạn nhân thì đã bắt đầu hư hỏng, một số nhân viên thiện nguyện có dấu hiệu gian lận… Nhưng có lẽ cũng cần ghi nhận rằng, sau cơn bão Katrina, không riêng ARC mà cả chính phủ và cơ quan FEMA đều bị chỉ trích là phản ứng chậm chạp, thiếu hiệu quả bởi không lường được mức độ gây thiệt hại của nó. Về phần nhập cuộc của giới truyền thông, các phóng sự điều tra từ NPR và ProPublica cáo buộc ARC có chi phí gây quỹ và điều hành cao, số tiền thu được đến tay nạn nhân thấp, đặc biệt trong việc quyên góp và cứu trợ nạn nhân trận động đất tại Hatii hồi năm 2010. Và không ít người đặt câu hỏi rằng tại sao mức lương CEO của một tổ chức từ thiện lại đến cả triệu đô (thực tế là $500,000 và chi phí) … Tất nhiên giới truyền thông và người dân có quyền đòi hỏi và mong đợi tính minh bạch và mức độ  tín cẩn của ARC hay bất cứ tổ chức từ thiện nào có những hoạt động gây quỹ đại chúng. Nhưng sự thật về ARC ra sao? Tại sao sau những trận thiên tai như vừa qua thì từ các đại tập đoàn quen thuộc tại Mỹ và người dân bình thường vẫn tín nhiệm và đóng góp cho hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ như truyền thống lâu nay?

Nhìn vào các vấn đề mà giới truyền thông và người dân đưa ra, người ta có thể dễ dàng nhận ra điều gây tranh cãi là mức độ hiệu quả trong việc sử dụng tiền quyên góp được hơn là sự thiếu minh bạch, nhũng lạm hay gian lận tài chính của tổ chức này. Bởi vì như các đại tập đoàn thương mại hay những tổ chức phi chính phủ quy mô, ARC được điều hành và giám sát bởi ban quản trị cùng các tổ chức kiểm toán độc lập. Hồ sơ thuế vụ và các hoạt động tài chính thu chi hàng năm đều được ARC đăng trên trang mạng của mình để bất cứ ai cũng có thể xem xét. Như bất cứ hoạt động của tổ chức nào, lợi nhuận hay phi lợi nhuận, ARC đương nhiên phải có chi phí để vận hành các công việc thiện nguyện của mình. Quảng bá, mua sắm thiết bị và dụng cụ y tế, kho bãi, vận chuyển, vật liệu, chi phí xây dựng…, tất nhiên những chi phí này phải đến từ nguồn tiền quyên góp. Và như đã nói trên, với vài trăm ngàn  thiện nguyện viên, ARC vẫn phải thuê mướn và trả lương cho vài chục ngàn nhân viên thường trực của mình bởi tính chất chuyên nghiệp và liên tục của công việc đòi hỏi những chuyên môn hay kỹ năng, không thể phụ thuộc vào mức độ thiện nguyện tạm thời và không có sự ràng buộc của các thiện nguyện viên. Với Chủ Tịch kiêm Tổng Quản Trị Gail McGovern của ARC thì nếu người ta biết bà từng là một Phó Chủ Tịch của hãng AT&T rồi từ bỏ chức vụ Chủ Tịch tập đoàn tài chính Fidelity Investment để về làm CEO cho ARC với mức lương $500,000 không thay đổi trong gần 10 năm qua thì có lẽ sẽ không quá lời về mức lương của bà. Bởi vì từng nằm trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất trong số các tập đoàn tư nhân, lãnh vực mà theo Forbes, mức lương trung bình các CEO của hơn 350 tập đoàn lớn nhất của Mỹ là 16.3 triệu đô la. Chắc chắn ARC có thể tìm được hàng ngàn, hàng vạn ứng viên tình nguyện không nhận lương để đảm nhiệm vai trò này, nhưng tìm được người đủ khả năng để điều hành một tổ chức tiền tỉ cùng vài chục ngàn nhân viên như bà  McGovern lại là một vấn đề khác. Như vậy với mức lương $500,000 hay một triệu đô như lời đồn là phải chăng hay quá cao?

hoi-hong-nhap-tu
Chủ Tịch kiêm Tổng Quản Trị Gail McGovern của ARC – nguồn getty images

Theo tổ chức Charity Navigator chuyên theo dõi các hoạt động từ thiện tại Hoa Kỳ thì ARC đã sử dụng khoảng 90% số tiền quyên góp được là trực tiếp hữu dụng trong việc cứu trợ nạn nhân cùng các hoạt động giáo dục, huấn luyện… của mình. Khoảng 9% còn lại là chi phí điều hành (4 %), quảng bá gây quỹ (6 %). Các chuyên gia về các tổ chức thiện nguyện cho rằng, những tổ chức nào có chi phí hành chánh và thấp hơn 20 % đều có thể được xem là phải chăng để người dân đóng góp. Nhưng các chuyên gia này cũng đưa ra lời khuyên rằng, người dân cũng có thể tùy nghi chọn lựa các tổ chức khác nhau, từ những tổ chức cộng đồng, tôn giáo cho đến địa phương để đóng góp theo ý mình nếu các tổ chức này cũng có sự minh bạch và rõ ràng.

Khẩu hiệu của phong trào Hồng Thập Tự Thế Giới nói chung và của hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ nói riêng cho ngày Hồng Thập Tự trong năm 2017 này là “Những câu chuyện về Hồng Thập Tự ít được biết” (Less Known Red Cross Stories). Khẩu hiệu mang những ý nghĩa khác nhau, nhưng việc biết thêm về hoạt động cùng cách điều hành của một tổ chức quy mô, hệ thống và chuyên nghiệp lâu đời, mang một sứ mệnh cao cả như Hội Hồng Thập Tự thì có lẽ cũng là một trong những câu chuyện cần được biết đến để có một cái nhìn công tâm hơn.

hoi-hong-nhap-tu3
Nhân viên Hồng Thập Tự và các tình nguyện viên ở trung tâm Florida. khu vực Vịnh Tampa, giúp đỡ nạn nhân của Bão Harvey – nguồn WFLA.com

ÐYT