Cái câu trên không biết ai nghĩ ra nhưng tôi thấy người ta xài lâu rồi. Từ truyền miệng đến truyền… chữ. Lần đầu tiên được nghe tôi cũng thấy khá là thú vị! Thú vị không phải ở cái nghĩa của nó mà là ở cái… vần tạo nên câu đó! Nói tới vần thì tôi lại nghĩ ngay đến cụm từ bất hủ “cường quốc thơ”…
Khi người ta nói Việt Nam là “cường quốc thơ” đa phần là với hàm ý chế giễu hoặc nhại theo ông Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam (giờ là Giám đốc NXB Hội Nhà văn Việt Nam) cũng với hàm ý không-trong-sáng (tôi cũng hay… làm vậy nên tôi biết). Chuyện là hồi 2012 trong một bữa cao hứng ông “phá chủ tịch” hội nhà Văn mở ra cái liên hoan thơ gì đó rồi hùng dũng sang trọng và dõng dạc tuyên bố phải cho cả thế giới biết rằng: “VN là một cường quốc về thơ!”. Và để “cả thế giới” chịu nghe ổng nói thì phải có “nguồn tiền do phía Hội Nhà văn đề xuất và được Chính phủ giúp đỡ” lo vé cho các khách mời là nhà thơ quốc tế lẫn trong nước. Từ đó, sau khi báo chí hoan hỷ loan tin thì câu nói kia trở thành bất hủ! Nó lan tỏa chóng mặt bao nhiêu thì hình tượng của ông tác giả càng lu mờ bấy nhiêu, bây chừ chắc hỏi “ngang hông” chắc khó ai nhớ nổi (May mà tôi hỏi anh Google, bạn thân của tôi). Tôi không quen ông Thiều cũng không thù oán gì với ổng nên tôi đã thấy rất có lỗi khi đã từng dùng ba chữ “cường quốc thơ” kia mà tự giễu tự cười một mình không nhớ là bao nhiêu lần ở các status trên mạng xã hội hoặc ở các bài viết của mình khi còn trẻ. Sau này, “trưởng thành” hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, tôi chợt nhận ra câu của ông đúng chứ hông sai!
Quả tình, nói về thơ Việt Nam đứng thứ nhì thì không ai đứng thứ nhất được. Thứ nhất vì hầu như các mốc lịch sử của Việt Nam đều liên… lụy đến thơ dù thơ sang hay thơ sến, đến có vần đọc ra nghe giống thơ như vè, thành ngữ…

Ví dụ như ngày xưa, Lý Thường Kiệt đọc “Nam Quốc Sơn Hà Nam Ðế Cư” để đuổi giặc Tống, rồi ông Nguyễn Trãi viết thay lời Bình Ðịnh vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh, giành lại độc lập cho Ðại Việt bằng “Bình Ngô Ðại Cáo”. Ðể chiến thắng quân Nguyên, Thượng tướng Trần Quang Khải cũng dùng thơ để hiệu triệu dân gìn giữ giang sơn…. Rồi sau này để in lên một hình tượng lãnh tụ vĩ đại trong lòng “nhân dân” sau khi cướp được Sài Gòn, nhà cầm quyền Cộng Sản cũng vẽ lên một nhà thơ trong… tù! “Chúng ta” không chỉ “thơ” trong chiến tranh, trong ngôn ngữ, trong giấy bút mà còn “thơ” trong từng nhịp sống dẫu có xưa hay nay. Bây chừ, những người lớn tuổi thuộc “thế hệ trước” vẫn còn dùng ca dao tục ngữ, lục bát để dạy dỗ người nhỏ như một lề thói ăn quen cắm rễ trong tâm thức. Ví dụ khi con, cháu không nghe lời thì bà ngoại nuôi tôi thường lắc đầu nói: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư?” “Áo mặc sao qua khỏi đầu” “Thương cho roi cho vọt”… Các ông cha hay đàn ông có chút gia trưởng hoặc còn quen nếp cũ cũng hay đổ thừa: “Con hư tại mẹ” như một thói quen. Còn con nghe lời, ngoan ngoãn thì lại bảo “Cha nào con nấy” “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”… Còn những người trẻ, càng lớn, càng hiện đại càng thích biến tấu, từ đó chúng ta tiếp tục sanh ra một thế hệ “thơ” khác, đó là những câu “nói lối” ngắn và tiện dụng. Ví dụ như “Mắm dzố gặp sự cố” giống giống như câu “Ở hiền gặp lành” nhưng nghĩa ngược lại và trôi chảy hơn. Tóm lại, với người trẻ và với cuộc sống đương thời thì cứ vần là thuận miệng, thuận miệng là thành câu, thành câu là thành bất hủ. Ví dụ như “Chán như con gián” “Buồn như con chuồn chuồn” “Gặp quả báo thì ăn… cháo cũng gãy răng”… Ðã qua rồi cái thời mà “thơ” phải trên mây, phải “hoang hoải” phải trừu tượng, thơ đó là thơ “sến”, nó sẽ bị bỏ rơi. “Thơ” bây chừ muốn tồn tại là phải ngày càng thực tế, ngày càng đi sâu vào “quần chúng”. Bởi vậy, nhìn ra thời cuộc, tôi thấy “cường quốc Việt Nam” mình đúng là “cường quốc thơ”. Người ta “thơ” từ những nỗi đau, hạnh phúc của người khác “thơ” ra…

Bạn không tin giữa hàng loạt tin (đọc đến) tức mỗi ngày có “thơ” trong đó? Ðây là một (đống) ví dụ:
1.”28 năm qua lại trở về./Với người hàng hải nặng lời thề năm xưa./Dưới cờ Ðảng nguyện cùng đưa./Con tàu hàng hải đến bờ vinh quang”. Không phải thơ tôi. Là thơ ông Dương Chí Dũng đọc trước tòa trong một vụ án lớn về tham nhũng, nhận hối lộ. Trình bày về nhân thân, Dương Chí Dũng cho biết “sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân có nhiều cố gắng trong công việc, trong học hành. Ðã có 2 bằng Ðại học và 1 bằng Tiến sỹ kinh tế, là ủy viên trong Ðảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, là đại biểu đi dự Ðại hội Ðại biểu Ðảng toàn quốc lần thứ 11. Không thể nói gì hơn, bị cáo thật lòng, bị cáo xin lỗi Ðảng, Chính phủ và nhân dân cùng cán bộ, nhân viên ngành hải”… (Xem thêm ở link (1) bên dưới)
2. Trích báo Dân Trí “Ngày 25/3, TAND TP. Hạ Long, Quảng Ninh đưa Trần Ðức Thùy Liên (SN 1985, quê TP.HCM) và Ðoàn Thị Ngọc Minh (SN 1990, quê TP.HCM) ra xét xử tội môi giới mại dâm. Theo đó, HÐXX tuyên phạt hai tú bà là Ngọc Minh 27 tháng tù và Thùy Liên mức án 42 tháng tù trong vụ án “mại dâm nghìn đô”.” Bạn có thắc mắc tại sao khi cùng là tú bà trong một vụ án, tội như nhau mà bạn Liên lại nhận mức án 42 tháng tù còn bạn Minh lại chỉ có thọ án 27 tháng tù hông? Và… trích tiếp ” Riêng bị cáo Minh đã từng được Phòng Giáo dục Ðào tạo huyện Hóc Môn, (TP.HCM) tặng giấy khen do là học sinh giỏi cấp huyện môn ngữ văn… nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.” (tôi có link (2) bên dưới cho bạn nào cần xem (và) xét thêm).

3. Còn đây là một vụ án nổi tiếng gần đây. Khoảng 20h ngày 20/6, Huỳnh Lý Anh mở cửa sau vào nhà chị L. Thấy chị L. đang ngủ cùng 2 con nhỏ (1 cháu 7 tuổi và 1 cháu 3 tuổi) nên hắn liền dùng dao trong nhà bếp của nạn nhân, khống chế hai đứa bé và ép buộc chị này quan hệ tình ái. Lý Anh đe dọa sẽ xử lý cả 3 mẹ con nếu chị L. không đồng ý. Do các con còn nhỏ trong khi đối tượng quá hung hãn nên chị L. bắt buộc phải chấp nhận, không dám chống cự. Sau khi bị ép quan hệ, chị L. quá mệt nên xin nấu mì ăn. Nam thanh niên đồng ý rồi tiếp tục giở trò lần 2 trước khi bỏ về nhà. Khi đối tượng rời khỏi nhà, chị L, ngay lập tức gọi điện trình báo công an. Làm việc với cơ quan công an, Huỳnh Lý Anh đã thừa nhận hành vi trên đồng thời VIẾT BẢN CAM KẾT sẽ không trả thù chị L., sẽ giữ khoảng cách và không làm phiền chị. Về phần chị L., công an cho rằng chị L. có cơ hội chạy (bỏ mặc hai đứa con của chỉ) mà không chịu chạy, tức là… tự nguyện quan hệ. Quá uất ức, chị L. đã viết đơn xin đi tù vì không thể chịu được tiếng thị phi. Trong đơn viết:
“Tôi làm đơn này gửi đến công an huyện mong mỏi được xét và duyệt cho tôi được trút bỏ quyền công dân của chính tôi, để tôi được ở tù càng sớm càng tốt, càng lâu càng tốt… Tôi không còn muốn làm một công dân bình thường do các ông quản lý nữa. Tôi muốn trút bỏ. Tôi đồng ý làm một người mẹ vô tâm, vô trách nhiệm với 2 cô con gái bé nhỏ của mình giống như lời ông Trưởng Công an huyện đã nói trước mọi người rằng tôi hãy mặc kệ 2 đứa trẻ và chạy ra ngoài thoát thân tự cứu lấy bản thân tôi. Giờ tôi bỏ lại 2 đứa trẻ làm gánh nặng cho xã hội. Tôi xin được giải thoát cho mình bằng cách đi tù. Rất mong được trút bỏ quyền công dân và bị đi tù càng sớm càng tốt!”.

Quý độc giả kiêm “cư dân mạng” sau khi đọc câu chuyện, hầu hết đều xót xa. Nhưng đa số đều so hai bản viết tay, một bản cam kết của tên yêu râu xanh và tờ đơn của chị L. rồi bảo “Nét chữ nết người”. Làm cho tôi muôn phần chột dạ. (vì nếu so bằng nét chữ thì rất có thể tôi sẽ sớm trở thành… yêu râu xanh). Nhưng cũng đáng mừng cho chị L. là rất có thể vì… viết chữ đẹp mà chị sẽ được xét lại cáo trạng và thắng kiện trong nay mai! Có một bình luận về vụ việc này rất hay, tôi xin trích ra đây vì nó có… liên quan tới thơ. Trích từ Facebook Bui An:
“Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?”
Chí Phèo chỉ vì cái bóp chân mà bị Bá Kiến cho đi tù. Sau khi ra tù, hắn lại đến nhà Bá Kiến để … xin đi tù. Chí Phèo đã rất thật lòng: “Bẩm quả đi tù sướng quá đi, ở tù có cơm ăn, bây giờ về làng về nước một thước cắm dùi không có…”. Cảnh ngộ của Chí là một điển hình tiêu biểu cho những con người bước đường cùng, khốn khổ khốn nạn, vừa bất lực vừa cay đắng chua chát, cuối cùng là tuyệt vọng.
Khi nếm trải uất ức, người ta chỉ muốn hét lên, gào khóc, muốn chửi cho hết căm hờn. Như nhà thơ Trần Vàng Sao từng có bài Tau Chưởi với những câu chửi hậm hực hổn hển, tức tối oan khuất tột cùng. Có lẽ phải đến tận cùng oán hờn ông mới chửi như thế.
“Tau chưởi
Tau tức quá rồi
Tau chịu không nổi
Tau nghẹn cuống họng
Tau lộn ruột lộn gan
Tau cũng có chân có tay
Tau cũng có đầu có óc
Có miệng có mắt
…
Tau đầu tắt mặt tối
Ðổ mồ hôi sôi nước mắt
Vẫn đồng không trự nõ có
Suốt cả đời ăn tro mò trú
Suốt cả đời khố chuối Trần Minh
Kêu trời không thấu
Tau phải câm miệng hến
Không được nói
Không được la hét
Nghĩ có tức không
Tau chưởi
Tau phải chưởi
Tau chưởi bây
Tau chưởi thẳng vào mặt bây
Không bóng không gió
Không chó không mèo…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nhạc sỹ Y Vân cũng bảo: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Vậy điều gì đã khiến một người mẹ uất ức đến mức phải bỏ tự do, bỏ lại 2 đứa con gái bé bỏng mà xin đi tù. Người mẹ bị hiếp dâm 2 lần mà kẻ thủ ác vẫn nhơn nhơn, người mẹ đòi công lý, đòi danh dự nhưng được trả lại bằng sự bàng quan trên mức độc ác.
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, làm gì có ai muốn ở tù. Cũng chẳng có người mẹ nào lại đành lòng bỏ con mình. Tôi không đồng tình với quyết định của người mẹ khi bỏ con mình, bỏ quyền công dân, xin đi tù. Vì tôi nghĩ còn sống là còn hy vọng, còn sống là còn cơ hội báo thù. Và trên tất cả, con cái của mình là điều quý giá nhất, mọi thứ kia đem lên bàn cân đều vô nghĩa. Nhưng tôi hiểu và thông cảm cho sự tuyệt vọng, sự phản kháng tiêu cực đến mức trái ngược tâm tri.

Vì sao con người ta phải khổ đến mức đó, vì sao giữa thời đại rực rỡ này vẫn có người khổ hơn Chí Phèo. Hay phải như Nguyễn Công Trứ từng than oán: “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Cuối cùng là một thắc mắc của một cư dân mạng tên Shaldon Nguyen: “Cỡ nhà văn Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… bây giờ mà sống lại thì các cụ ấy chỉ có gặp ngau trong tù với kiểu viết hiện thực như thế. Cho hỏi ngu phát: sao thời Pháp, Mỹ xâm lược viết văn hiện thực thì không sao, đến thời Sản thì đi tù hết?”
Hết trích. “Thơ” đến thế là cùng!
DU