Các thành phố có con sông chảy qua bao giờ cũng đẹp. Ngoài cái đẹp, sự phồn vinh nhờ những dòng chảy đã đem nguồn nước cho người, mang phù sa cho đất, mang tàu bè vận chuyển mua bán và làm nên phố hội kinh kỳ, mang đến các dòng văn hóa đa sắc và thay đổi lịch sử đất nước. Ở nước Mỹ thì phải nói đến con sông Mississippi. Con sông mà cái tên gọi đã là điều thú vị, với 4 chữ “s” và 4 chữ “i”. Con sông chảy xuôi theo dòng lịch sử thăng trầm và có nhiều tên gọi: Theo ngôn ngữ cổ Ojibwe, tên “Mississippi” từ misi-ziibi, có nghĩa là ‘sông lớn’. Người Mỹ gọi là Sông Bùn Lớn, Sông Cả, Sông Già. Người da đỏ thì gọi là Sông Cha, theo ngôn ngữ Algonquin ở Bắc Mỹ.
Con sông này thật đặc biệt trong lịch sử nước Mỹ. Từng là ranh giới của 13 thuộc địa đầu tiên ở phía đông, phía tây của sông là vùng đất bao la mà Mỹ mua lại từ Pháp sau Thương vụ Louisiana năm 1883. Cũng từ bờ sông này mà nước Mỹ mở mang bờ cõi về phía tây để làm nên một đất nước rộng lớn hùng mạnh. Con sông làm chứng nhân cho biết bao cuộc chiến thăng trầm, bao biến động biển dâu, làm đổi thay diện mạo của toàn bộ lịch sử chính trị, kinh tế, khoa học và văn hóa nước Mỹ.
Sông Mississippi lớn nhất Bắc Mỹ, bắt đầu từ các con suối nhỏ từ hồ Itasca, Minnesota, chảy vòng quanh xuôi dần về phía Nam qua 2,340 dặm. Nơi rộng nhất 11 dặm chảy qua hồ Winnibigoshish gần Minnesota. Dù sông chỉ chảy qua 10 tiểu bang: Minnesota, Wisconsin, Iowa, Illinois, Missouri, Kentucky, Tennessee, Arkansas, Mississippi và đổ vào cửa biển New Orleans, Louisiana ra vịnh Mexico, nhưng rút nước từ lưu vực của 31 tiểu bang Trung Mỹ. Sông đi qua những thác ghềnh, thung lũng, vực cao, đồng bằng và rừng sâu. Ði suốt cả chiều dọc Nam Bắc nước Mỹ.
Từ 1541, Hernando De Soto, nhà thám hiểm Tây Ban Nha đầu tiên đến từ Vịnh Mexico theo cửa sông đi lên để tìm vàng, đã gọi sông Mississippi là Sông Thánh. Ông bị sốt rét và chết trên dòng, được theo thuyền thả xuôi về biển. Năm 1860, những người Pháp thám hiểm từ Canada qua vùng đầu nguồn đã khám phá và giành chủ quyền, Pháp lập đồn trại gần vùng Arkansas kiểm soát thương mại vận chuyển trên sông. Những lái buôn lông thú người Pháp đã làm giàu bằng những chuyến hàng từ sâu trong nội địa, từ Trung Mỹ ở St. Louis, theo sông chở xuôi về Louisiana, và từ đó theo đường biển chở về Pháp. St. Louis và New Orleans trở thành kinh đô sầm uất và thương cảng chính của Pháp năm 1718 ở thuộc địa mới này. Chiến tranh 7 năm giữa Anh và Pháp kết thúc với Hòa ước Paris 1763 đã dẫn đến phân chia phía đông con sông là của Anh và phía Tây là của Tây Ban Nha. Hòa ước cũng khẳng định quyền vận chuyển trên sông thuộc về Anh và cư dân thuộc địa Mỹ. Thập kỷ sau đó, Pháp lấy lại vùng đất phía Tây này theo một thỏa ước mật San Ildefonso năm 1800. Rồi Pháp bán lại cho Mỹ với Thương vụ Louisiana 1803. Cuộc chiến Anh – Mỹ 1812 kết thúc sau khi người Mỹ đánh bại quân Anh ở New Orleans năm 1815 và con sông thuộc chủ quyền của người Mỹ.

Thời ấy con sông lớn cuộn dòng này làm các con thuyền độc mộc của thổ dân và các chuyến bè chở hàng hóa chỉ di chuyển một chiều từ thượng nguồn. Khi đến hạ lưu thì các bè, sà lan đều được phá bỏ, bán làm gỗ. Ðể vận chuyển lên thượng lưu người ta phải dùng thuyền đáy phẳng gọi là keelboat, chúng dài và hẹp, có thể chở đến 80 tấn hàng, tất cả do sức người, người trên thuyền chống tay chèo thật dài và lớn, người dưới thuyền kéo ngược dòng bằng dây thừng từ 2 bờ sông. Một chuyến khứ hồi mất đến hơn 8 tháng.
Con sông rộng dài thật sự bị đánh thức để rộn rã làm nên một thời hoàng kim khi máy hơi nước ra đời, song song với các cuộc di dân về miền đất mới miền Tây. Các chuyến tàu thủy phun đầy khói với tiếng còi hụ âm vang trên sóng nước bao la, ngược xuôi hơn 2 ngàn dặm. Bắt đầu là chiếc tàu chạy bằng hơi nước New Orleans năm 1811 với giá xây lắp 40 ngàn đô. Có 2 bánh xe nước bên hông, dài 36m, nặng 371 tấn. Tốc độ xuôi dòng là 8-10 dặm/giờ và ngược dòng là 3 dặm/giờ. Hơn 20 năm sau có đến 1,200 tàu hơi nước ngược xuôi con sông lớn này, tuổi thọ của chúng là 4 năm. Nguy cơ bị nổ buồng hơi nước, đụng tàu và va chạm đáy sông xảy ra vô cùng thảm khốc. Các chiếc tàu hơi nước này lúc ấy chỉ ngược xuôi vùng trung lưu Kentucky đến hạ lưu New Orleans. Càng ngược lên thượng nguồn giáp Minnesota thì sông lắm ghềnh thác, địa hình trắc trở, phải đến những năm 1830 thì tàu hơi nước mới đến đầu nguồn và cư dân kéo đến, lập nên các bến cảng.
Các hoa tiêu và tàu bè thời ấy không có các thiết bị quan sát và định vị hiện đại, tất cả chỉ trông cậy vào đôi mắt, vào trăng sao, vào kinh nghiệm qua mỗi dặm đường sông nước; các khúc quanh, các cảnh quan đều dựa theo trí nhớ, độ nông sâu thì dựa theo thước đo và thủy triều. Tàu phải đi suốt ngày đêm, sương mù trên sông thường xuyên, thời tiết đổi thay không được dự báo và các vật cản nổi trôi hay theo dòng chảy ngầm đầy hiểm họa. Ðại văn hào Mark Twain là một phụ lái tàu và gắn bó tuổi trẻ của mình trên sông Mississippi bằng những chuyến tàu hơi nước này. Tên thật của ông là Samuel Clemens. Bút danh của ông cũng từ dòng sông này. Khi phải theo tàu học lái năm 21 tuổi, ông thường xuyên nghe phụ tàu dùng cây sào làm thước đo độ sâu hô to: “Half twain! Quarter twain! M-a-r-k twain!” Nghĩa là “Nửa của vạch đôi! Phần tư của vạch đôi! Ðánh dấu vạch đôi!” Twain là một cặp. Nơi cây sào có dấu đo độ sâu vạch 2, tương đương 3.7m, độ sâu an toàn cho tàu chạy.

Từ khi có tàu hơi nước, vào năm 1820 các chuyến đi từ Kentucky đến New Orleans thay vì mất 4 tháng chỉ còn lại 20 ngày. Tàu càng cải tiến vào 10 năm sau để rút ngắn thời gian vận chuyển chỉ trong tuần lễ. Chúng có 2 loại chính: bánh xe nước phía trước cho các vùng nước sâu và bánh xe nước hai bên cho vùng nước cạn. Dài đến cả 100m, cao đến 4 tầng, như một khách sạn nổi tráng lệ. Nhiều loại dành riêng chở hàng hóa vật liệu như bông gòn, than đốt; đến các tàu chở hành khách nhiều hạng. Có cả sòng bài, nhà hàng, sân khấu ca nhạc…
Cuộc đua tàu hơi nước trong 4 ngày dài 1,200 dặm, ngược dòng sông từ New Orleans đến St. Louis trở thành một sự kiện lớn trong lịch sử. Tàu Robert E. Lee (mang tên vị tướng oai hùng Confederate) chạy đua với tàu Natchez, đang giữ quán quân về tốc độ trên sông. Cả hai tàu được xem là nữ hoàng của sông. Thuyền trưởng là những tay cự phách, đối thủ nặng ký và ghét nhau trước dư luận báo chí. Cuộc đua quan trọng cho 2 phía còn vì mục đích thương mại. Ðể chứng tỏ cho sự an toàn của thiết bị kỹ thuật, của tốc độ hành trình, và sự tín dụng của khách hàng. Ký giả và dân chúng từ Châu Âu đến trong nước nô nức theo dõi cuộc đua từ 6 tháng trước, các cuộc đánh cược lên tới bạc triệu đô. Từ hai bờ sông dọc các bờ đê, trên nóc tòa nhà, trên các ngọn đồi, nơi hai chiếc tàu đi qua có hàng ngàn người hiếu kỳ xem. Nhất là ở các bến cảng nơi hai tàu sẽ ghé để lấy thêm than đốt và giao trả hành khách. Từ 5 giờ chiều ngày 30 tháng 6, 1870, sau tiếng súng cà nông phát hiệu lệnh, còi hụ tỏa khói đen mù trời, sừng sững hai chiếc tàu rẽ sóng. Tiếng hò reo vang xa trên sóng nước. Một giờ khuya đêm đó người xem thấy mờ thoáng trong bóng đêm hai chiếc tàu cách nhau 10 phút ở Baton Rouge. Ðến 10 giờ sáng thì chiếc Lee đến trước 6 phút và cướp lấy chiếc sừng nai, phần thưởng cho cuộc đua. Cuộc đua tiếp tục khi cả hai đều ghé bến cảng ở Vicksburg để lấy thêm nhiên liệu, các ký giả làm phóng sự có cơ hội đánh điện tín hay quăng các thư báo cho các nhân viên bưu điện dọc bờ sông, họ nhanh chóng chạy bộ về trạm phát tin…11 giờ 14 phút sáng ngày 4 tháng 7, 1870 chiếc Lee đến St. Louis, dẫn đầu địch thủ hơn 6 tiếng. Sau 3 ngày, 18 giờ 20 phút.
Cuộc nội chiến Nam – Bắc nổ ra làm gián đoạn giao thông trên sông. Con sông trở thành vị trí huyết lộ cho 2 miền. Cả hai phe tìm cách trang bị cấp tốc các chiến hạm. Và các thiết hạm Ironclad của quân Union ra đời nhờ các kỹ nghệ công nghiệp ở miền Bắc. Trong vòng 3 tháng, 7 thiết hạm hạ thủy trên sông Mississippi tháng 1, 1862. Chúng được bọc thép dày, gắn súng đại liên và vận hành bằng hơi nước. Phe miền Nam Confederate do thiếu thốn vật liệu, tài trợ và kỹ thuật nhưng cũng hạ thủy 14 chiến hạm được cải tiến từ tàu chở hàng, bọc gỗ dày và che chắn bằng các kiện bông gòn, gọi là Cottonclad. Một số thiết hạm được đặt mua từ Pháp nhưng bị phe miền Bắc chận chiếm trước khi giao tàu. Năm 1862 quân Union phía Bắc đã đánh xuống phía Nam và thắng nhiều trận lớn dọc các thành phố ven sông Missouri, đến tận Tennessee. Trong khi đó hải quân từ Vịnh Mexico đánh sâu vào New Orleans. Quân miền Nam tử thủ ở Vicksburg, Mississippi cho đến khi thua trận vào ngày 4 tháng 7, 1863. Trận chiến quyết định phần thắng cho liên quân phía Bắc nhờ các thiết hạm, sau khi kiểm soát được hạ lưu con sông, cắt đứt, cô lập sự vận chuyển quân nhu của các tiểu bang miền Nam.

Khi chiến tranh kết thúc, với cuộc cách mạng công nghiệp, dầu mỏ tìm thấy cùng hệ thống các đường hỏa xa và đường nhựa cho xe hơi được phát triển thì cũng là hồi kết thúc cho các tàu hơi nước chậm chạp này. Con sông chỉ còn chuyên chở những chuyến tàu hàng. Rồi Thế chiến thứ 2 làm con sông tấp nập trở lại bằng những chuyến quân nhu, vũ khí từ nội địa xuôi dòng ra cảng biển, các sản phẩm công nghiệp phía Bắc và nông sản ở phía Nam. Thế nhưng trong những năm tháng hoàng kim của tàu hơi nước, các nguồn gỗ từ các cánh rừng ven sông đã trở thành nguồn nhiệt năng, cây bị đốn nhiều làm đất ven sông lở lói, rừng không còn giữ đất khi mưa về, lũ lụt kinh hoàng làm thiệt hại vô cùng. Kiểm soát dòng chảy làm bên bồi bên lở, cũng như các trận lũ lụt lớn đã kéo Công binh Lục quân Hoa Kỳ (USACE) mất cả 100 năm, tham gia vào nghiên cứu đắp đê, làm các cảng chắn, các cửa sông điều hòa độ sâu, các cầu xoay, giúp các tàu bè an toàn xuôi ngược dễ dàng.
Sẽ còn mãi một con sông hùng vĩ đi dọc theo lịch sử đất nước. Con sông làm nên một nước Mỹ giàu có, đa sắc tộc và văn hóa. Những ly rượu Whisky Tennessee đến những tách Café du Monde mãi còn đậm hương nồng khi bạn thả hồn theo sóng nước, nghe văng vẳng bên sông tiếng còi tàu một thời hoàng kim. Con sông đã đi vào văn học và tuổi thơ bằng những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Tom Sawyer và Huckleberry Finn. Con Sông Cha Mississippi.
SB