Menu Close

Peru ký sự (Kỳ 1)

Lâu lắm rồi, khi Dế Mèn bắt đầu mày mò sách vở về nhân chủng thì loạt bài biên khảo của ông Johan Reinhard xuất hiện trên sách vở. Ngày 6 tháng Chín, năm 1995, ông Reinhard tìm thấy thân xác đông đá của một cô bé Inca khoảng 12 tuổi trong chuyến du khảo tại vùng Mount Ampato, gần Arequipa, Peru. Cuốn sách “Ice Maiden” mô tả chi tiết về chuyến du khảo kỳ thú và công trình vất vả của đoàn thám hiểm, khuân vác thi thể cũng như các di vật xuống núi khiến Dế Mèn mê mệt.

peru-ky-su
Xác đông lạnh Juanita. nguồn: cdn.images.express.co.uk

Phần 1

Ði tìm Juanita, khuê nữ đông đá

Ðoàn du khảo khám phá ra hầm mộ vì đỉnh núi đá tan dần sau khi một núi lửa gần đó bùng cháy. Vào thời điểm ấy, xác đông lạnh Juanita được xem là thi thể toàn vẹn nhất trong các xác ướp vùng Andes. Bắp thịt, máu, nội tạng vẫn còn nguyên. Người Inca dùng hơi lạnh thiên nhiên để ướp xác trong khi người Ai Cập dùng hóa chất và phải vứt bỏ nội tạng trước khi ướp.

Nhà khảo cứu cho rằng dân Inca dùng trẻ em để tế thần vì con nít còn trinh nguyên, trong sạch. Ðược [bị?] chọn lựa làm vật tế thần là một vinh dự cho gia tộc, đứa trẻ được đưa về bên kia thế giới để tiếp tục một đời sống tốt đẹp hơn (Thủa ấy niềm tin của người Inca đã có luân hồi? Ðời là bể khổ?) và vật tế lễ được khiêng đi ròng rã cả mấy năm trời đến đỉnh núi, hẳn là đỉnh núi cao gần trời hơn nên dễ thưa chuyện, khẩn cầu với thần thánh?

peru-ky-su4

Lúc chết, Juanita còn ngậm trong miệng những lá cocoa nhai nát và trong máu chứa một lượng chicha, một loại bia chế biến từ bắp ngô lên men, khá lớn. Thì ra, đứa trẻ được (bị) cho uống bia cho say khướt, cho nhai cocoa (có dược tính làm tê dại cảm giác) rồi bỏ lại trên núi tế thần, đứa trẻ chết vì đông lạnh.

Khuê nữ Juanita được trưng bày trong tủ lạnh bằng kính với nhiệt độ -20 độ bách phân tại the Museo Santuarios de Alturain Arequipa, Peru. Hàng năm, Juanita được đưa vào phòng thí nghiệm để “chăm sóc”, tu bổ.

Nỗi tò mò kia theo đuổi Dế Mèn suốt 20 năm, đến nay mới có dịp đi chơi Peru. Nhưng rồi phòng triển lãm đóng cửa tạm thời nên phe ta không có dịp ghé Arequipa. Không thăm viếng Juanita được thì ta đi chơi và dòm ngó những vùng đất Inca khác!?

Một chút khái niệm về Peru: tên chính thức là Republic of Peru, một quốc gia nằm trong vùng tây nam châu Mỹ, phía bắc giáp ranh Ecuador và Colombia, phía đông giáp Brazil, phía đông nam giáp Bolivia, phía nam giáp Chile, và phía tây là bờ biển Thái Bình Dương. Ðây là một quốc gia có nhiều vùng khí hậu, cao nguyên, đồng bằng và cả vùng đầm lầy nhiệt đới. Sống lưng của Peru là dãy núi Andes và con sông Amazon chạy dài suốt lãnh thổ với những vùng đồng bằng.

Peru là một vùng đất trải qua trên 10,000 năm lịch sử, đã có nhiều bộ tộc sinh sống ở đó, Paracas, Nazca, Wari, Chimu và Mochica; bộ tộc sau cùng thống lãnh vùng đất ấy là Inca. Các bộ tộc này để lại nhiều dấu vết qua đồ dùng như nồi niêu, ấm chén bằng đất nung, bằng kim loại; vật trang sức bằng quý kim như vàng bạc và cả vải vóc dệt bằng len từ lông thú và cả chỉ sợi chế biến từ bông gòn (cotton). Nghĩa là các bộ tộc xa xưa ấy đã biết trồng cấy, chăn nuôi và chế biến đồ dùng bằng các nguyên liệu từ thiên nhiên. Trải qua khá nhiều thời đại nhưng không có chữ viết hay ký hiệu để lưu truyền nên các bộ tộc cổ đại dường như chịu mất dấu ngoại trừ triều đại Inca, bị người Tây Ban Nha chiếm lãnh thổ, thua trận nhưng lại được kẻ thù ghi chép về nền văn hóa nên ngày nay, trên dưới 500 năm sau, người thế giới còn biết về nền văn minh của bộ tộc ấy.

peru-ky-su3
Món lomo saltado

Chịu sự đô hộ của người Tây Ban Nha cho đến thế kỷ XIX dân Peru mới giành lại độc lập vào năm 1821. Lãnh thổ Peru gồm 25 vùng (region), với tổ chức hành chánh địa phương, thủ đô là Lima. Nguồn lợi kinh tế đến từ kỹ nghệ khai mỏ (Peru là quốc gia đứng nhì trên thế giới về lượng bạc và copper), nông nghiệp và ngư nghiệp. Kinh tế tùy thuộc vào lượng kim loại xuất cảng nên khi kim loại xuống giá trên thị trường thế giới thì nền tài chánh của quốc gia này cũng lao đao theo. Theo Liên Hiệp Quốc, Tổng sản lượng quốc gia Peru khoảng 389.1 tỷ Mỹ kim và lợi tức hàng năm tính theo đầu người là 12 ngàn Mỹ kim.

Theo thống kê của CIA năm 2015, cư dân Peru khoảng 31 triệu người, 70% là thổ dân (Amerindian), phần còn lại là cư dân gốc Âu châu, Phi châu và Á châu. Ngôn ngữ chính thức là Tây Ban Nha nhưng khoảng 50% dân số nói tiếng địa phương, Quechua.

Là quốc gia sống về hầm mỏ, nông & ngư nghiệp nên Peru cần nhân công. Khi chính sách nô lệ được bãi bỏ, chấm dứt việc mua bán người da đen, thì Peru mộ phu từ Á châu, Nhật Bản và Trung Hoa. Ðiều dễ hiểu là những công nhân đến từ xứ lạ mang theo tục lệ, cách sinh sống của họ và hòa nhập với dân bản xứ. Một trong những vị tổng thống thời cận kim, ông Alberto Fujimoto có gốc gác Nhật Bản. Và danh sách những món ăn hàng đầu của người Peru có món “Chifa”, thức ăn nấu theo kiểu Tàu pha trộn với khẩu vị địa phương. Phu mỏ từ Quảng Châu mang theo hương vị quê nhà từ thế kỷ XIX và được người bản xứ hoan nghênh nhiệt liệt, hoan nghênh đến nỗi món thịt bò xào cà chua và hành tây [mà người Việt ta ai cũng biết] ăn chung với cơm và khoai chiên xuất hiện trên mọi thực đơn của nhà hàng bản xứ với cái tên không mấy quen thuộc lomo saltado!

peru-ky-su2

peru-ky-su1
Bìa và hình minh họa cuốn sách Royal Commentaries of the Incas – nguồn: williamreesecompany.com

Về phương diện văn hóa, bộ tộc Mochica dường như là những kỹ sư tài ba nhất của thời đại ấy, từ những thế kỷ Công Nguyên đầu tiên, họ đã xây dựng được hệ thống dẫn nước, aquaduct, tân tiến nhất để tưới hoa màu. Những con người cổ xưa ấy chỉ dùng đá, họ sắp xếp các tảng đá lớn nhỏ theo một thứ tự đã định để nước từ suối nguồn chảy chậm rãi xuống các thửa ruộng bậc thang. Thời đại của bộ tộc Chimu, năm 1150 to 1450, để lại những công trình kiến trúc đồ sộ, không biết làm thế nào mà họ khuân được những tảng nặng cả trăm tấn lên núi để xây dinh thự? Mãi đến thế kỷ XIV, bộ tộc Inca dưới sự thống lãnh của vua Pachacuti đã chiếm toàn lãnh thổ và mở rộng bờ cõi suốt vùng Ande, từ phía nam Colombia đến Chile, từ bờ Thái Bình Dương đến vùng Amazon, đặt thủ đô tại Cusco (Cuzco). Triều đại Inca lẫy lừng với đầy đủ các quy tắc hành chánh, quân sự… dù chỉ kéo dài trên dưới 100 năm. Ðất nước được chia làm 4 vùng, thờ phượng Thần Mặt Trời, vua là truyền nhân của Thần Mặt Trời, trên là trời (thần thánh), giữa là Mẹ Ðất (Pachamama) và dưới là cõi âm.

Sau thời đại Inca là thời thuộc địa khi Francisco Pizarro dẫn quân đội Tây Ban Nha đến Peru và chiếm được Cusco năm 1533. Thu góp vàng bạc, cướp bóc tài nguyên và tàn phá thành quách xong, người Tây Ban Nha dời thủ đô của thuộc địa mới về Lima. Chút văn hóa Inca còn sót lại do công ghi chép của ông Garcilasso dela Vega, con trai của một công chúa Inca và một viên đại úy trong quân đội Tây Ban Nha, cuốn sách The Royal Commentaries of the Incas.

Cuốn sách được dịch và gồm nhiều phiên bản. Bản gốc bao gồm cả những tấm tranh vẽ mô tả quần áo, cách sinh sống hàng ngày của người Inca. Cả một nền văn minh không thua kém dân Âu Châu hay Á Châu, cũng những phát minh về nông nghiệp, nghề nuôi thú lấy thịt, lấy lông, dệt vải, sử dụng kim loại, chế tạo vật trang sức bằng quý kim. Họ cũng có vũ khí như cung tên, dao búa nhưng lạ mắt nhất là việc dùng đá mài nhọn quấn dây thừng để khi lâm trận có thể tấn công, ném vào đầu đối thủ đứng xa tầm dao búa.
Dế Mèn đọc bản dịch với phần phụ chú của bà Spalding mà mủi lòng rồi bất nhẫn quá xá. Người da trắng đem quân đi ăn cướp, chiếm lãnh đất đai tài sản của kẻ yếu dưới các mỹ từ êm tai như ‘thám hiểm’, ‘khám phá’, ‘khai sáng’, ‘dạy dỗ’… dân bản xứ; đốt phá các công trình xây cất, hủy hoại nền văn hóa của tổ tiên kẻ bị trị. Sự mất dấu của văn hóa Inca là một mất mát lớn của nhân loại. Phe ta đọc sách tìm hiểu nhưng khi lang thang đến vùng đất ấy, thấy tận mắt các công trình vĩ đại nọ mới thực sự xúc động và cảm phục tổ tiên người Inca. Chuyến đi Peru đã cho Dế Mèn một cái nhìn mới, ngưỡng mộ nền văn minh Hy La sau những lần đến Hy Lạp và Ý nhưng văn minh Inca và Maya cũng chẳng thua kém chút nào, mỗi nơi một vẻ. Ðất trời quả là vô biên, giàu có với nhiều quà tặng của Thượng Ðế, làm thế nào để bảo tồn những món quà ấy cho thế hệ ngàn sau?

TLL