Phần 4
Sau cùng, “Câu Chuyện Hội Họa” là cuốn sách gói trọn những suy nghĩ về hội họa mà Thái Tuấn đã trải nghiệm trong suốt một hành trình vẽ tranh, tiếp xúc và nghiên cứu nghệ thuật hơn nửa thế kỷ. Cuốn sách này từng được xuất bản ở Hoa Kỳ trước khi được công ty sách Phương Nam ở Sài Gòn cho tái bản vào ngày 19-10-2006.
Trong lời tựa cho lần tái bản này, ông viết: “Câu chuyện hội họa là những lời tâm sự mộc mạc với tất cả chân tình để gợi ý về cái đẹp về nghệ thuật gửi đến người yêu nghệ thuật.”
Sách dày khoảng hơn 180 trang trên khổ 16 x 24cm gồm có 3 phần: 1- Câu chuyện hội họa; 2 – Tuyển tập tranh; 3- Tiểu luận.
Trong phần “Câu chuyện hội họa”, ngoài những bài có tính lý thuyết của các trường phái hội họa và một số bài quan trọng mà ông đã cho đăng trên tạp chí Sáng Tạo như đã có trích dẫn bên trên, tôi đặc biệt chú ý đến các bài như sau; 1. Phê bình nghệ thuật, trang 15; 2. Cuộc phiêu lưu của hình thể trong hội họa, trang 77; 3. Cuộc đầu thai của một ý nghĩ trong hội họa, trang 99.
- Ðối với “Phê bình nghệ thuật”, Thái Tuấn nhận định:
“…Những nơi nào mà văn chương nghệ thuật không phát triển và trở nên suy kém là chỉ vì thiếu các nhà phê bình chân chính lỗi lạc.
Công việc của họ là đánh giá đúng mức những tác phẩm nghệ thuật, là hướng dẫn sự sáng tác lẫn thưởng ngoạn. Họ khám phá các tài năng để giới thiệu với quần chúng; là cây cầu bắc từ tác phẩm đến giới thưởng ngoạn.”
…
Người phê bình chân chính, không những phải nắm vững những quan niệm nghệ thuật của thời đại mình mà còn cần phải thấu triệt cả những quan niệm của các thời đại đã qua.” (Trang 15-16)
- Về trong“Cuộc phiêu lưu của hình thể trong hội họa”:
Thái Tuấn có những ý nghĩ về hình thể rất sâu sắc mà nhiều người không nghĩ tới, ví dụ trong một trích đoạn sau đây:
“Rất nhiều người đã hiểu lầm Cezanne, nên kết luận: Hình thể thuần khiết của một trái táo là hình tròn và hình thể thuần khiết của một chiếc lá là hình thoi”.
Sự thật đâu phải như vậy. Hình thể trong hội họa không dùng như một ký hiệu (signe) hay một biểu tượng (symbole) cho một đồ vật, một ý nghĩa.
Con đường đi tìm một ý nghĩa nếu không phải từ cái vỏ bên ngoài của sự vật, thì cũng không hẳn từ bên trong sự vật mà ra. Nó là sự bao gồm toàn thể không gian bao quanh sự vật; không thể chỉ là mảnh vỡ của sự vật. Gạn lọc hình thể sự vật, không phải là giản dị hoá các đường nét hay tìm cách phá vỡ sự vật để nhặt lấy một mảnh nhỏ nhất.
Hình thể thuần khiết và chân thật nhất của sự vật đôi khi lại là những hình ảnh phức tạp nhất của đường nét. Mỗi nghệ sĩ phải tự tìm lấy một cách nhìn riêng, một cách thức thể hiện riêng để đạt tới đích.”
Qua các họa phẩm của Cezanne và Matisse, chúng ta nhận thấy các hình thể của họ chưa thoát khỏi hẳn hình thể đề tài. Cho đến Picasso (thời kỳ Les Demoiselles d’ Avignon) cũng chỉ tìm cách làm biến dạng các hình thể. Thời kỳ Trừu Tượng mới thực sự là thời kỳ hình thể đề tài được xoá bỏ dứt khoát. (không kể trong đó có những nhóm vẫn pha trộn hình thể đề tài và hình thể thuần tuý như Gromaire, Bernard Dufour, Dubuffet. Hình thức hội họa của nhóm này có thể coi như những bào thai của trừu tượng.) (Trang 79)
- Và với “Sự đầu thai của một ý nghĩ trong bức họa”:
Ðây lại là một bài theo tôi là một ý nghĩ, một nhận định rất tầm cỡ và độc lập của một nhà lý luận, một nhà tư tưởng mà tôi chưa hề được biết từ những sách vỡ viết về hội họa của thế giới (có thể tôi chưa biết hết), lại là của một họa sĩ Việt Nam vào những năm 50-60 của thế kỷ trước. Chỉ có trải qua thực hành nghệ thuật và có một khả năng cảm nhận cực kỳ tinh tế, siêu hình mới thấy được sự huỷ diệt, sự chuyển đổi có khi liên tục, có khi phải cạo bỏ, đốt cháy những gì đã vẽ cho đến khi những hình hài, màu sắc, đường nét được sinh ra và được nhà sáng tác chọn lựa cho sự hiện hữu của một sinh mệnh nghệ thuật. Sau đây là một trích đoạn cho nhận định này của Thái Tuấn:
“Sự thực tác phẩm không theo một hệ thống việc làm nhất định. Nó diễn tiến quanh co phức tạp; có thể bảo đó là mò mẫm. Cái ý nghĩ khởi đầu chẳng bao giờ giữ được nguyên vẹn cho tới khi hoàn thành tác phẩm. Bởi vì trong lịch trình sáng tác nó đã phải chịu nhiều lần hoá kiếp cùng với những biến đổi không định trước của đường nét, màu sắc.”
(…)
Song le trong cuộc phiêu lưu của sáng tạo, người nghệ sĩ đã nhiều phen trông rõ sự bất lực của mình. Bao nhiêu tư tưởng, lý thuyết, bao nhiêu kinh nghiệm, hành động từ muôn đời gom lại, nhưng mỗi lần sáng tạo vẫn là mỗi lần đòi hỏi những điều khác hơn, những kinh nghiệm mới hơn. Sự thành công ở ngày hôm nay chẳng hề tạo ra sự thành công cho một tác phẩm của ngày hôm sau.”
Các tiểu luận
Với 21 bài, ông đề cập đến nhiều vấn đề thuộc về tư duy sáng tạo và những nhân vật, những sự vật thân yêu quanh ông. Nhìn chung, chúng mang đậm tính triết lý, những kinh nghiệm làm và thưởng thức nghệ thuật đã để lại trong ông như một đúc kết, một chân lý về nghệ thuật được viết dưới một ngôn ngữ dễ hiểu, ngôn từ của tâm tình, dung dị và chân thật. Phần lớn những bài có liên quan đến nghệ thuật và sáng tạo đều đã có trong những bài viết hay mà tôi đã có đề cập ở trên và nếu có những bài đặc biệt hơn, tôi nghĩ bài viết về Nguyễn Gia Trí (trang 153-155) là một bài hiếm hoi ông đề cập duy nhất đến tài năng lớn của một danh họa Việt Nam trong toàn bộ cuốn “Câu chuyện Hội Họa”, ngoài ra còn có bài “Hình và Bóng” rất tình cảm, một cõi riêng tư đời thường mà trong đó, ông dành để ngợi ca người thưởng ngoạn đầu tiên và dài lâu nhất cho mỗi bức tranh ông từ lúc khởi đầu cho tới lúc kết thúc, người đàn bà luôn ẩn mình trong xó bếp của ngôi nhà gỗ hom hem trong hẻm sâu của đường Yên Ðỗ, nay là Lý Chính Thắng, người vợ trăm năm ấy đã cần cù nuôi dưỡng ông được sống trọn đời cho sáng tác và suy tưởng về hội họa. (trang 165-167).
Về nhà danh họa sơn mài Nguyễn Gia Trí:
Thái Tuấn đã kể:
“…Khi có dịp được ngắm những họa phẩm của Nguyễn Gia Trí, tôi nhận thấy anh đã làm chủ được chất liệu sơn mài. Tôi nói với anh điều ấy, thì anh cười: “Mình có làm chủ đâu, phải hiểu biết tính chất của nó, như tính tình người bạn, đôi lúc cũng phải theo khả năng của nó chứ.”
Bước vào tranh anh người ta sẽ bước vào một cõi giới khác lạ, sự vật trong tranh không còn là cái này cái kia, danh tính sự vật đã được xoá bỏ, cây cỏ con người không còn ở thế vật chất; tất cả trở nên rực rỡ linh động trong suốt của chất pha lê pha trộn với cả bạc vàng. Những vùng bóng tối ánh sáng tạo nên bởi màu nâu cánh gián hoà trong màu trắng bạc, gợi ra những nhân vật chỉ còn bóng dáng, bay lượn rong chơi trong không gian; nhắc nhở những nhân vật trong tranh Chagall. Tranh anh mang tính siêu thực. Trong cõi giới siêu thực ấy, mọi lý luận, mọi trói buộc, mọi xung đột do cuộc sống gây nên đều được hoá giải.”
“Hình và Bóng”:
Dưới đây là một trích đoạn:
“ Phòng vẽ của tôi rất chật hẹp. Nói cho đúng chỉ là một góc cái phòng ngủ, thu xếp lại để có chỗ vẽ tranh.
Người nào không khó tính lắm, tôi mới dám mời lên xem tranh. Một vài anh bạn họa sĩ quen thân đã gọi chỗ vẽ nhỏ bé ấy là cái bàn thờ ông Ðịa.
…
Ngoại trừ tôi, nhà tôi là người xem tranh tôi nhiều nhất. Phòng khách có cửa thông sang căn bếp nên vừa nấu ăn vừa chạy qua chạy lại xem tranh. Có khi đang mải mê xem tranh, mà nghe tiếng nồi canh sôi sục trong bếp là nàng cụt hứng tạm ngưng. Nồi canh vẫn thiết thực và hiện thực hơn sự thưởng ngoạn nghệ thuật.”
Tôi xin tạm dừng ở đây bài viết xem và đọc lại Thái Tuấn, đây là một việc làm rất khó khăn với khả năng có hạn của tôi, mong được sự thông cảm của bạn đọc. Riêng với họa sĩ, nhà phê bình hội họa Thái Tuấn, bài viết này, một lần nữa nói lên lòng biết ơn của cá nhân tôi về những gì ông đã mở đường, đã soi sáng tôi, đã giúp tôi đi vào thế giới sáng tạo được như ngày hôm nay.
TC – Bolsa, 7-25-2017