Một cộng đồng chống Cộng nhưng hai ban đại diện
Câu nói chúng ta thường nghe mỗi khi nói đến cộng đồng Việt Nam là “bản chất của người Việt Nam là chia rẽ!” Nhiều người đem truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, khi hai người chia tay, 50 người con theo mẹ lên non, 50 người con theo cha xuống biển xem như định mệnh của dân tộc, để nói đến tình trạng phân ly này. Trong lịch sử Việt Nam, anh em cùng cha cùng mẹ cũng đã nhiều lần “bôi mặt đá nhau” vì lý do chính trị, hay quyền lợi. Sông Gianh một thời là con sông ranh giới thời Trịnh Nguyễn phân tranh, và Bến Hải là vết dao chia đôi đất nước thời Quốc Cộng, và nếu không có chủ nghĩa Cộng Sản thì đâu có chuyện phân đôi sơn hà, để dân tộc lầm than, ba triệu con dân phải chết cho chủ nghĩa ngoại lai.
Nhưng hôm nay không vì chủ nghĩa, không vì sắc tộc mà người Việt, cùng là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản, cùng là người bỏ xứ ra đi, tỵ nạn ở quê người, cùng mang nặng một giấc mơ cho tổ quốc, lý ra phải đoàn kết thành một khối bất khả phân, lại chia năm xẻ bảy, người hiểu biết nghĩ ra mà đau lòng, người tri thức không ai muốn tham gia sinh hoạt.
Trong sinh hoạt của người Việt tại Hoa Kỳ quả có sự chia rẽ. Những tổ chức cộng đồng người Việt khắp nơi, đã chia đôi, có nơi chia ba.
Cộng đồng nào cũng có bầu bán, một cơ chế và một dàn nhân sự đồ sộ.
Cộng đồng nào cũng cho mình là chính danh, còn cộng đồng kia là nguỵ danh.
Cộng đồng nào cũng cho mình ra đời trước, hoạt động lâu đời.
Tất nhiên không có chuyện hai cộng đồng cùng ra đời một lúc, một ngày, một giờ, mà dù có con sinh đôi đi nữa thì cũng có đứa trước đứa sau.
Trong phạm vi bài báo này chúng tôi không thấy cần thiết phải đặt lên bàn cân, cho ai nặng hơn ai, ai chính ai tà, ai xứng đáng hơn ai, cũng không cần làm một điều tra phóng sự để đi tìm rõ ngọn ngành những điều gì đã xảy ra, cũng không cần đặt lên bàn cân xem nhân sự cộng đồng nào giỏi giang, xứng đáng hơn cộng đồng nào. Chúng tôi chỉ nêu rõ: tình trạng chia rẽ là một sự thật ở khắp mọi nơi.

Phong trào Hướng Ðạo có bài hát: “Càng Ðông Càng Vui:”
“Càng đông chúng ta càng vui nhiều,
Càng đông lại được thú nhiều.
Càng đông chúng ta càng vui nhiều,
Càng đông lại mạnh nhiều.”
Ở trường hợp khác thì đúng, còn nhiều tổ chức cộng đồng quá thì chẳng vui mà không hề… mạnh!
Những tổ chức cộng đồng người Việt tại Liên Bang Hoa Kỳ.
Tại Mỹ, hiện nay có hai cộng đồng “đại diện” cho người Việt:
- Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang HK. Trụ sở đặt tại Tampa, Florida, gồm có Quý Ông:
– BS. Võ Ðình Hữu, CT Hội Ðồng Ðại Biểu.
– BS. Ðỗ Văn Hội, CT Hội Ðồng Chấp Hành
– GS. Phạm Văn Thanh, CT Hội Ðồng Giám Sát
- Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ, trụ sở đặt tại Pflugerville, Texas, gồm có Quý Ông:
– Ô.Nguyễn Văn Tần, CT Hội Ðồng Quản Trị
– Ô. Ðỗ Văn Phúc, CT Hội Ðồng Chấp Hành
– Ô. Nguyễn Văn Tiên, CT Hội Ðồng Giám Sát

Hai tổ chức cộng đồng này giống nhau ở chỗ chống Cộng nhưng khác nhau về chuyện sinh hoạt như bầu cử, ra tuyên cáo và ủng hộ những ứng cử viên dân cử địa phương đối nghịch nhau..
Cộng Đồng San Jose, Bắc California
San Jose, theo tài liệu kiểm tra dân số HK (2010-2015) hiện có 106,379 người Việt sinh sống. Có phải chăng vì người Việt đông mà phải có hai tổ chức cộng đồng, hay vì quá nhiều người lo cho đồng bào, đồng hương nên từ lâu nay San Jose đã có hai ban đại diện. Cả hai vị chủ tịch đều là quân nhân tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt (một trường Mẹ như quý vị vẫn thường nói,) nhưng vẫn chủ trì hai cộng đồng riêng rẽ, có danh xưng khác nhau:
- Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Bắc California do ông Phạm Hữu Sơn, K. 18 Võ Bị QG. Ðà Lạt làm chủ tịch.
- Cộng Ðồng Việt Nam Bắc California do ông Nguyễn Ngọc Tiên, K. 23 Võ Bị QG. Ðà Lạt làm chủ tịch.
Ðặc biệt ở San Jose khác với những vùng khác, các tổ chức cộng đồng, trong các kỳ bầu cử nghị viên hay cả dân cử Hoa Kỳ, thường ủng hộ người này, đả đảo phe kia, nên tình trạng chia rẽ càng ngày càng trầm trọng, rất khó hàn gắn.

Mỗi năm vào ngày 30 tháng tư, hai cộng đồng tổ chức hai lễ chào cờ khác nhau, khiến cho người Việt (theo một phe) chỉ đi dự 1 lần, nhưng viên chức dân cử Hoa Kỳ vẫn phải chịu khó tham dự cả hai bên, để khỏi mất lòng ai, vì bên nào cũng có cử tri cho kỳ bầu cử tới. Mỗi ứng cử viên đều được một phe cộng đồng ủng hộ, nhiều buổi họp được tổ chức để chống đối công khai phe bên kia.
Nếu các vị dân cử liên bang, tiểu bang, quận hạt và thành phố cũng vì nghĩ rằng mình sẽ được cộng đồng này hay cộng đồng kia ủng hộ, cảm tình thiên về một tổ chức, nên tình trạng chia rẽ trong cộng đồng người Việt càng ngày càng trầm trọng hơn.
Trước tình trạng chia rẽ này, nhiều nhân sĩ trong cộng đồng Bắc California đã lập ra một “UB Vận Ðộng Hợp Nhất Cộng Ðồng” kêu gọi, nỗ lực tìm phương thức đoàn kết, vận động hợp nhất hai ban đại diện cộng đồng, nhưng kết quả nghe ra còn xa vời, vì cả hai tổ chức cộng đồng đều làm ngơ, không nghe, không thấy trước sự kêu gọi tâm huyết này!

HP