Nói đến thế giới âm nhạc dường như người ta chỉ biết đến bài hát và ca sĩ. Nếu có ưu tiên thứ nhì, thi thoảng tên các nhạc sĩ mới được nhắc đến. Riêng tên các trung tâm phát hành đĩa, băng nhạc hay chủ nhân của nó, ít ai chịu chú ý đến. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, nếu không có các trung tâm sản xuất và phát hành băng đĩa nhạc thì âm nhạc không được phổ biến rộng rãi đến mọi nơi, mọi nhà. Số lượng người yêu thích âm nhạc, chắc hẳn không là một con số khổng lồ như hiện nay.

nguồn: thanhthuy.me
Vì sao băng nhạc thu trước 75 hay
Ði ngược lại thời gian trước 1975, trong số những nhà phát hành đĩa, băng nhạc như Continental, Sơn Ca của NS Nguyễn Văn Ðông và vài hãng khác như Jo Marcel, Sóng nhạc v.v…Băng Vàng Shotguns của NS Ngọc Chánh đã vang danh với kỹ thuật âm thanh và chất lượng cao, bài hát và ca sĩ thật chọn lọc.
Kỳ này xin quý độc giả xem NS Ngọc Chánh đã bộc lộ những chi tiết đặc biệt về thế giới băng nhạc.
TTT: Thưa chú Ngọc Chánh kỳ trước, T đã hỏi chú về một số câu hỏi dành cho một người nghệ sĩ, hôm nay xin chú cho T hỏi thêm về một số câu hỏi dành cho một nhà kinh doanh trong lãnh vực âm nhạc.
Trước hết xin chú nói sơ qua về bối cảnh của thị trường băng nhạc khi chú bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh.

NC: Thật ra, ngày xưa trước năm 1966, 67 chưa có trung tâm băng nhạc nào hết, chỉ có các hãng đĩa như Asia, Việt Nam, hay Continental của NS Nguyễn Văn Ðông. Sở dĩ có băng nhạc là do năm 68 mới bắt đầu có băng nhựa reel to reel (còn gọi là băng cối) du nhập vào VN. Tôi nghĩ có lẽ do nhu cầu của người Mỹ lúc đó.
TTT: T được biết vào thập niên 60, chú có mở ra một cơ sở chuyên sản xuất băng nhạc gọi là Nguồn Sống. Sau một lần thất bại, “Băng Vàng Shotguns” đột nhiên ra đời như một bứt phá và đã đưa sự nghiệp thương mại của chú đến thành công. Xin chú cho biết lý do tại sao?
NC: Nhắc đến băng nhạc, thuở ban đầu, có thể nói tôi là người thu băng đầu tiên, nhưng vì tôi và băng nhạc Shotguns vô danh nên chưa ai biết đến. Chỉ có một số ít người biết trong giới phòng trà, ngoài ra tên tuổi, mọi cái đều chưa có. Người ra băng nhạc sau tôi, nhưng lại phát hành trước tôi là anh Jo Marcel, anh lại có tiếng. Khi anh ra băng được 3 tháng thì tôi phát hành cuốn đầu tiên là băng nhạc Shotguns. Thị trường để phổ biến khi ấy rất hiếm hoi, lại chưa mấy người có máy để nghe. Phần lớn người có máy cư ngụ tại Sài Gòn, nhưng các tỉnh thì chưa. Ðó cũng là lý do khi phát hành không thể phổ biến rộng. Ðại lý bán băng cũng chưa có. Cuốn băng ấy, chủ đích tôi nhắm vào bài hát “100 Phần Trăm” với Hùng Cường hát. Bài hát này hồi đó được lính tráng hát nhiều nhất, nhưng trái với mong đợi, bài hát này đã kéo theo sự thất bại. Những thính giả âm thầm không thích nhưng họ không nói ra. Tôi nghĩ bài đó được ưa chuộng khắp mọi nơi nên tôi chọn. Tuy nhiên nó gặp phải sự chống đối ngầm, vì họ cho bài đó có điều không phải, chính nội dung bài hát đã làm giảm đi nhuệ khí chiến đấu của người lính Cộng Hoà. Giới có máy ngày đó là những người có tiền, họ chọn những bài hát hợp với họ như những bài hát Tiền Chiến, hơn là những bài nhạc dân dã của giới bình dân, trong khi tôi lại chú tâm vào giới thính giả trung lưu trở xuống. Sau thất bại, tôi mới ngỡ ngàng, và ngộ ra thời ấy, giới thính giả thầm lặng mới chính là những người nghe nhạc dễ thương và tốt nhưng cũng rất cẩn thận, thưởng thức nhạc nguy hiểm nhất. Tôi biết được nhờ những người bán băng cho tôi biết. Khó nhất là miền Trung nơi ảnh hưởng của chính trị rất cao. Hiểu ra, tôi ngừng phát hành cuốn số 2 và 3 dù đã thực hiện xong. Nghỉ một thời gian, sau khi suy nghĩ cặn kẽ con đường sẽ đi, tôi ra cuốn số 4. Tuy các bài hát hay, ca sĩ chọn lọc nổi tiếng, nhưng vì chúng tôi chưa có tên tuổi, cũng chưa đạt được niềm tin nơi người tiêu thụ. Tới số 5, khá hơn, nhưng đến cuốn Shotguns đặc biệt số 6 thì nó đã trở thành một trong những cuốn hay của Shotguns và các trung tâm băng nhạc Việt Nam thời ấy.

TTT: Xin chú cho biết thêm về cuốn số 6 đặc biệt này.
NC: Những bài hát đều hay và ca sĩ cũng được lựa chọn kỹ như, Kỷ Vật Cho Em-Thái Thanh, Suối Mơ-Lệ Thu, Con Thuyền Không Bến-Hà Thanh, Ðừng Xa Nhau-Sĩ Phú, Nước Mắt Mùa Thu-Khánh Ly, Tiếng Hát Trên Sông Lô-Elvis Phương v.v…
Phần lớn là nhạc Tiền Chiến với những bài hát đã nổi danh. Riêng Elvis Phương, trước đó anh hát tiếng Pháp và tiếng Anh, nhưng lúc này anh hát tiếng Việt đã hay lắm rồi.
TTT: Như vậy có phải chú thành công nhờ vào loại nhạc Tiền Chiến chọn lọc chứ không phải do nhạc Bình Dân, dễ hiểu?
NC: Khi ấy thính giả rất thích. Thật ra, nhạc nào cũng hay. Thí dụ loại nhạc về quê hương dễ nghe hơn. Theo tâm lý, người nghe muốn giải trí, họ tìm cái gì nó đi vào hồn đơn giản, không cần suy nghĩ nhiều, không cần sâu sắc. Còn loại nhạc cao siêu hơn, có những lời hát bắt người ta phải suy ngẫm, giả dụ như “Tình khúc thứ nhất” của Vũ Thành An, ca từ rất sâu sắc, nhiều khi còn cần có người phân tích mới hiểu thấu, thì ít người nghe và hiểu được. Trong khi nhạc Tiền Chiến dễ thành công nhất, vì mọi người lớn lên đã được biết và nghe.

Ðiểm thành công thứ hai là kỹ thuật thâu âm. Tôi không dám nói mình hay, thật ra không biết nói sao….(ông ngập ngừng, ngần ngại, nhưng nói tiếp.. ). Sau này ở Mỹ, tôi gặp nhiều người có những dàn máy hay và tối tân hỏi tôi “Tôi có nghe những băng nhạc sản xuất ở Mỹ với hệ thống âm thanh, phương pháp và kỹ thuật thâu âm tối tân, dĩ nhiên cái gì cũng phải tốt hơn ở VN ngày xưa chứ, thế mà tôi nghe vẫn không thích bằng những băng nhạc cũ trước 75”. Suy ngẫm hồi lâu, tôi mới nghĩ ra lý do. Ở VN ngày xưa, khi thu âm, ca sĩ, nhạc sĩ và ban nhạc thâu chung nhau. Khi ban nhạc đánh sai, hay ca sĩ hát không chuẩn, phải thâu lại từ đầu. Thành ra một bài hát trung bình phải mất 2 giờ mới thâu xong. Ngược lại, kỹ thuật thâu âm ở Mỹ rất đơn giản, nhạc keyboard thâu trước, ca sĩ hát sau. Lúc xong, kiểm lại thấy ca sĩ hát sai lời, chỗ nào ngân không vừa ý, họ chỉ thâu lại chỗ đó. Họ canh, bấm, và thâu lại, nên bài hát được nối nhiều lần. Vì nối nhiều lần, nghe phải tốt hơn chứ nhưng cái hồn nhạc không có. Ngày trước, vì ca sĩ và ban nhạc làm việc chung, bị sai, toàn ban phải đánh nhạc hay hát lại, vì có người đàn nên có sự rung cảm. Ngày nay, chỉ một người thu âm, các nhạc khí đã có sẵn trên một cây đàn, lại ráp nối nên bản nhạc thiếu đi sự rung cảm.
TTT: Không những là chủ trung tâm thu băng, mà còn là một nhạc trưởng điều khiển ban nhạc, xin chú cho biết trách nhiệm và việc làm của chú trong một buổi thâu âm.
NC: Khi ban nhạc đàn một bài hát, tôi đàn chung với anh em, nhưng khi thâu xong một bài tôi phải ngồi nghe lại tất cả mọi thứ, từ âm thanh, ca sĩ, ban nhạc, xem có gì không chuẩn, phải thâu đi thâu lại, cho đến khi thật đạt mới thâu bài khác. Dĩ nhiên tôi là người chọn ca sĩ và bài hát. Bài hát thích hợp với người nào, tôi đưa cho người đó hát. Ca sĩ ngày xưa cẩn thận lắm, khi đưa bài họ tập ở nhà rất kỹ trước khi thâu, nên khi ra băng cũng ảnh hưởng tiếng tăm của họ, nếu họ hát không đạt. Nói đến bài hát, thôi cũng là một vấn đề. Chọn bài cho ca sĩ rất khó, vì không phải một bài hát người nào hát cũng hay, phải hợp với giọng của họ. Thí dụ ca sĩ Anh Khoa, tôi chưa từng mời thâu băng, lý do tôi đã có Sĩ Phú, Duy Trác, Elvis Phương, Thái Châu v.v… Giọng nam như thế đã đủ. Tuy nhiên tôi cảm thấy giọng hát Anh Khoa hợp với bài hát “Bao giờ biết tương tư” nên tôi mời anh hát, và chỉ một lần đó thôi. Sau này, Anh Khoa nổi danh với bài đó. Elvis Phương cũng vậy, giọng anh rất hợp với bài “Vết thù trên lưng ngựa hoang” do tôi chọn.

Trịnh Thanh Thủy thực hiện