Giải quần vợt U.S. Open năm nay đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1981 có bốn phụ nữ Mỹ vào bán kết. Không những vậy, ba trong bốn người đó là dân da màu, nhưng chỉ có một người mang tên Williams. Đó là cô chị Venus, năm nay đã 36 tuổi. Còn cô em Serena thì đang nghỉ ngơi để sửa soạn sinh con.

Hai cô da màu kia là Madison Keys (22 tuổi) và Sloane Stephens (24 tuổi), họ là bạn thân với nhau từ thời còn chơi trong giải thiếu nhi. Khác với Sloane, Madison là con lai, cha Mỹ đen mẹ Mỹ trắng, nên da cô ngăm ngăm với mái tóc nửa vàng nửa đen.
Trong trận bán kết thứ nhất, Sloane đụng độ Venus và phải vất vả lắm mới hạ được tay vợt lão làng 6-1, 0-6, 7-5. Ngược lại, Madison đã thắng nhẹ nhàng Coco Vandeweghe 6-1, 6-2. Cho nên trận chung kết lần này không phải giữa hai chị em da đen mà là giữa hai người bạn da đen, và cũng là trận chung kết Grand Slam đầu tiên cho cả hai.

Trước khi trận đấu bắt đầu, ban tổ chức đã có một buổi lễ vinh danh Billie Jean King, người đã đi tiên phong cho phụ nữ trong bộ môn quần vợt bằng sự dấn thân và đấu tranh bền bỉ cho quyền bình đẳng của phụ nữ trong thể thao. Nhờ công sức của Billie Jean King mà ngày nay quán quân Nữ của U.S. Open được lãnh tiền thưởng ngang bằng với cánh nam giới: 3.7 triệu đô la cho nhà vô địch của 2017.
Tuy Billie Jean King từng đoạt cả thảy 39 giải Grand Slam trong những năm 1959-1983, nhưng tổng số tiền thưởng của bà chỉ có khoảng $2,000,000. Ðó là bởi vì ngày xưa môn tennis, cũng như golf, chỉ dành cho giới nghiệp dư (amateur), phải là dân có tiền mới đủ điều kiện để chơi. Ðã vậy, tiền thưởng cho Nữ cũng rất là ít. Mãi đến năm 1971, sau khi Billie Jean King thắng giải U.S. Open và hăm dọa bà sẽ không tham dự giải này nữa thì U.S. Open mới bắt đầu cho tiền thưởng nam nữ bằng nhau từ 1972 trở đi. Về sau các giải Grand Slam khác cũng bắt chước – Australian Open (2001), French Open (2006), chót cùng là Wimbledon (2007). Tình trạng kỳ thị nam nữ trong quần vợt coi như chấm dứt từ đó.
Nhưng đặc biệt nhứt là trận đấu giao hữu giữa Billie Jean King và tay vợt nam Bobby Riggs vào năm 1973. Riggs từng là quán quân Wimbledon năm 1939, và trong thập niên 1940 đứng nhất thế giới. Sau khi giải nghệ, Riggs chuyên đi đánh lưu diễn và hay nổ rằng đàn bà không đánh tennis bằng đàn ông nên không thể cho tiền thưởng ngang nhau. Ðể chứng minh Riggs sai, năm 1973 Billie Jean King đã nhận một cuộc thách đấu mệnh danh “Battle of the Sexes”, dưới sự chứng kiến của hơn 30,000 khán giả tại Astrodome ở Houston, cộng thêm khoảng 50 triệu người theo dõi qua truyền hình trực tuyến. Giải thưởng là $100,000 – được ăn cả, ngã về không!

Năm đó Bobby Riggs đã 55 tuổi, còn Billie Jean King chỉ mới 29. King thắng Riggs khá thuyết phục: 6-4, 6-3, 6-3, và ẵm trọn cái check. Sau trận banh Billie Jean tâm sự: “Thật ra chẳng thích thú gì khi phải đánh bại một ông già 55 tuổi. Nhưng nếu tôi mà thua thì nữ giới sẽ bị thụt lùi ít nhất nửa thế kỷ. Ðiều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến quần vợt nói riêng và sự tự tin của phụ nữ nói chung.”
Trận banh lịch sử này và sự nghiệp của Billie Jean King đã được dựng thành phim mang tựa “Battle of the Sexes”, với nữ tài tử gạo cội Emma Stone (2017 Oscar, “La La Land”) trong vai Billie Jean. Phim này sẽ công chiếu vào tháng 10 sắp tới. Trong buổi lễ hôm đó tại sân Arthur Ashe Stadium ở New York, Emma Stone cũng đã bước lên bục để phát biểu vài lời về Billie Jean King và những cống hiến của bà cho phụ nữ, trước khi hai cô Madison Keys và Sloane Stephens giao chiến để giành chiếc cúp vô địch mà Billie Jean đã đoạt được bốn lần trước đây.
Nếu ta coi hai chị em Venus và Serena Williams như những người gợi hứng cho Madison, Sloane và các tay vợt nữ da màu của thế hệ trẻ hôm nay, thì ta cũng cần kể đến người đàn bà da đen đầu tiên trong lịch sử quần vợt trên đất Mỹ. Ðó là bà Althea Gibson, sinh năm 1927 tại tiểu bang North Carolina và lớn lên ở Harlem, một khu vực của người da đen tại New York City. Ngay từ nhỏ Gibson đã là một đứa bé tỏ ra có thiên khiếu trong các môn thể thao dùng vợt như ping pong, paddle tennis (một trò chơi gần giống như tennis nhưng dùng vợt gỗ không dây, sáng chế tại New York City cho con nhà nghèo chơi).

Thấy cô bé Althea có triển vọng, cộng đồng Harlem góp tiền mướn thầy dạy cô bé đánh tennis. Chẳng bấy lâu Althea có thể đả bại các tay vợt người lớn và bắt đầu đi đánh tại các giải quần vợt quanh vùng. Kẹt một nỗi, các câu lạc bộ thời đó chỉ dành cho người da trắng, thành thử Althea không có nhiều cơ hội để so tài với các tay vợt nổi tiếng. Phải đến năm 1953, nhờ sự can thiệp của nhà quần vợt Alice Marble (18 giải vô địch Grand Slam) Gibson mới được mời chơi trong giải U.S. Nationals (tiền thân của U.S. Open). Sự nghiệp tennis của Althea Gibson chính thức bắt đầu từ đấy.
Năm 1956 Althea Gibson thắng giải French Open. Năm sau bà đoạt cúp U.S. Nationals và Wimbledon. Althea Gibson trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên thắng các giải Grand Slam của quần vợt. Sau chiến thắng vẻ vang tại London, Gibson đã được thành phố New York đón tiếp nồng hậu bằng một cuộc diễn hành trên đường phố, đây là lần thứ nhì một thể tháo gia da đen được vinh dự này. Người đầu tiên không ai khác hơn lực sĩ Jesse Owen sau khi ông đoạt huy chương vàng Thế Vận Hội 1936 tại Berlin để dằn mặt Hitler—một tay kỳ thị chủng tộc khét tiếng.
Sang năm 1958 Gibson tiếp tục thắng lớn tại các giải Grand Slam, nhưng sau đó bà phải giải nghệ vì không thể kiếm sống bằng tennis. Thời đó trò chơi thượng lưu này chỉ dành cho dân amateur. Theo lời kể của bạn bè thì Gibson có một cuộc sống khó khăn và vất vả. Bà hay than rằng chơi tennis chỉ “có tiếng chứ không có miếng”.

Gibson bèn xoay qua làm … ca sĩ! Bà có một giọng hát rất tốt và đã cho ra một dĩa nhạc jazz, rất tiếc không bán chạy cho lắm. Bà cũng thử đóng phim và xuất hiện cùng tài tử John Wayne trong phim “Horse Soldiers”. Nhưng rốt cuộc cũng chẳng đi đến đâu. Cuối cùng bà chuyển sang nghề đánh golf vào thập niên 1960, trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên trong làng golf chuyên nghiệp LPGA. Gibson đánh tương đối khá, nhưng không thắng giải nào và số tiền bà kiếm được từ golf rất là ít ỏi.
Ðể mưu sinh, Gibson phải làm các công việc văn phòng tại những cơ quan thành phố. Nhưng sang đến thập niên 80-90 thì bà mắc bệnh và không đủ tiền để lo việc thuốc thang. Thấy vậy, Billie Jean King đã huy động một cuộc uỷ lạo để quyên tiền cho Althea Gibson, người Billie gọi là thần tượng của mình. Họ gom góp được khoảng $50,000, đủ giúp cho Gibson qua cơn ngặt nghèo nhứt thời.
Althea Gibson mất năm 2003, thọ 76 tuổi, trong cô đơn và nghèo khó mặc dù bà là người đi tiên phong cho không biết bao nhiêu thế hệ tennis trẻ về sau. Trong số đó có Arthur Ashe, người đàn ông da đen đầu tiên thắng giải U.S. Open (1968), Australian Open (1970) và Wimbledon (1975). Ngày nay Arthur Ashe được đặt tên cho sân chính của giải U.S. Open ở New York, nơi hai chị em Williams từng tỉ thí vào đầu thế kỷ 21, và cũng là nơi Madison Keys và Sloane Stephens sắp làm nên lịch sử.

Trong trận chung kết, Madison mất tinh thần và bị lỗi rất nhiều. Ngược lại, Sloane điềm đạm và tỉnh táo hơn nên thắng bạn mình dễ dàng 6-3, 6-0. Người trao check $3.7 triệu cho Sloane Stephens là một phụ nữ da đen đại diện cho nhà tài trợ JPMorgan Chase. Còn người trao cúp vô địch là bà Katrina Adams, chủ tịch hội U.S. Tennis Association (USTA), cũng là phụ nữ da đen đầu tiên nắm chức vụ này. Katrina Adams còn là người trao cúp cho cây vợt Rafael Nadal sau khi anh hạ đo ván Kevin Anderson và ẵm cái check cũng $3.7 triệu.
Bà Adams cho biết sau nhiệm kỳ làm CEO cho USTA bà sẽ sang làm giám đốc điều hành cho chương trình Harlem Junior Tennis and Education Program, với mục tiêu đào tạo và huấn luyện kỹ năng sống cho các trẻ em nghèo trong khu Harlem, nơi Althea Gibson bắt đầu một sự nghiệp đầy vinh quang nhưng gian nan khó nhọc. Lớp trẻ ngày nay có thể xem việc nam nữ bình quyền là chuyện bình thường. Nhưng nếu chúng biết thêm về Althea Gibson thì chúng sẽ hiểu rằng thành tựu nào cũng có cái giá phải trả.
Tuần vừa rồi, trong trận banh Monday Night Football giữa hai đội Broncos và Chargers, bà Beth Mowins đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên cầm vai xướng ngôn viên chính cho trận banh. Mạng xã hội rần rần nổi lên với vô số còm, đa số là những câu chúc mừng. Nhưng vẫn có khối kẻ “trọng nam khinh nữ” lên tiếng phê phán bước tiến bộ này.
Thế mới hay thời nào cũng thế, cuộc nhân sinh bao giờ cũng cần những người đi tiên phong, hy sinh cho thế hệ thừa kế.
BB