Menu Close

Bão Việt bão Mỹ & bão lòng

“Đang ngủ sét quánh ầm ầm sợ quá tỉnh dậy ôm vợ ngủ tiếp. Lần đầu tiên mới thấy hữu ích của việc cưới vợ!” – Đây là một trong một… đống các status về cơn mưa xuyên đêm qua (14/9/2017) đi kèm hình ảnh dự báo cơn bão số 10 đang “chạy vào Thanh Hóa và Quảng Bình. Bão thì ở miền Trung, miền Bắc, nhưng bạn tôi thì đa số ở miền Nam và bên… Mỹ.  

bao-viet-bao-my-va-bao-long
“- Bão vào chưa? – Chưa. Nhưng đã làm xong thống kê thiệt hại bão số 10, chuẩn bị gửi ra trung ương.” Hình từ Facebook Bọ Lập

Một trong những status đó, hình như status được chú ý nhất là từ nhà Bọ lập (Nguyễn Quang Lập):

“- Bão vào chưa?

– Chưa. Nhưng đã làm xong thống kê thiệt hại bão số 10, chuẩn bị gửi ra trung ương.”

Status hài hước và châm biếm kia nhận được lượng like, comment kỷ lục, tất nhiên người nhiều chuyện như tôi không thể đứng ngoài được. Tôi bèn trèo vô để rình rập và lượm về kha khá những comment chất lượng, bày ra đây:

“Nhớ thống kê thiệt hại có giảm xíu so với cùng kỳ năm ngoái nha!” – Facebook Bui Ly Thi Minh

bao-viet-bao-my-va-bao-long4
Đi Mỹ không cần Visa nếu đi đường ở VN mà cứ suy nghĩ về nước Mỹ – hình từ Facebook

“Bác Lập làm mình nhớ lại kỷ niệm xưa, đi công tác ở một huyện ven biển. Uống rượu với ông chủ tịch huyện. Sau một hồi leng keng chúc tụng ông than thở: tiền tạm ứng bão lũ tiêu hết rồi, chứng từ chống bão có dư rồi, chỉ chờ bão về là hoàn thành nhiệm vụ. Thế đếch nào năm nay lại mất mùa bão, không hoàn ứng được lại mất thêm tiền mua hoá đơn… Lại thêm một chén chia buồn, cười nghiêng ngả.

Chuyện này có từ thời tiền sử rồi, bác Lập ơi” – Facebook Phố Vàng

“2356 nhà tốc mái, 4950 nhà bị ngập, 25.000 con gà chết, x trụ sở hư hỏng….” – Facebook Công tính Trương

Ðọc sơ qua hẳn có người bảo dân mình “vô cảm” với dân ta, nghe bão lũ mà còn giỡn hớt, trêu đùa. Nhưng “sống trong chăn mới biết chăn có… ve chó”. Ai quan tâm tới thời sự mới biết mùa lũ là mùa hốt bạc của các “bộ”, ban ngành lẫn những nhóm người có (hoặc không) liên quan. Ta nói, nhờ vậy mới thấy, làm người Việt Nam ngoài phải chịu đựng những cái bị cho là “định mệnh”, “số phận” ra còn phải biết… nhiều chuyện. Nếu không thì sẽ có một lúc trở thành “MaiKa-Cô bé từ trên trời rơi xuống” giữa mảnh đất mà mình được sanh ra và lớn lên mỗi bữa. Như chuyện bão lũ ghé “chơi” hằng năm thôi mà đã khiến người… thông minh như tôi choáng váng rồi.
Thiên tai thì có lúc lớn có khi nhỏ, nhưng kịch bản hầu như chỉ có một, chỉ có một nhưng mỗi năm đều mới mẻ vì nó được xào lại theo “đúng quy trình” một cách rất tinh vi. Ðầu tiên sẽ là tin “gièm pha” về cơn bão, lũ từ ban “dự báo thời tiết”. Người dân “ở trong rọ” như “cá nằm trên thớt” sẽ không có quyền được bảo vệ một cách an toàn nhất, họ chỉ có quyền tự chọn lựa những phương án tốt nhất cho mình theo… suy tưởng về cơn bão kia. Ðôi khi nó chông chênh như suy tưởng về một người bạn… quen qua mạng ngày mai không biết gặp hay không. Không biết “bạn ấy” nhỏ hay lớn ra sao (vì còn tùy tin tức trên báo đài có chính xác hay không). Lâu dần họ cũng chai sạn, coi như “binh tới tướng cản”.

bao-viet-bao-my-va-bao-long3
Mưa lớn thì các vị cảnh sát giao thông sẽ không có chỗ nằm như vầy – Từ Facebook Otofun

Có người bạn ở miền Trung, khi tôi hỏi bão đến có lo không, bạn nhún vai nói:

– Năm nào cũng vậy, quen rồi! Có chết thì tại… tới số thôi!

Còn từ ở ngoài nhìn vô, người dân nơi xa chỉ cần biết mình có nghĩa vụ “quyên góp”, từ các quỹ chính thức đến các quỹ tự nguyện rồi các quỹ bị ép buộc phải… tự nguyện. Tiền từ tay “những tấm lòng hảo tâm” được đặt vào tay các vị “thiên sứ”, tự xưng danh là “cánh tay nối dài” của “những cơ quan chức năng có nghĩa vụ liên quan” mang “tấm lòng” của “những tấm lòng vàng” đến “với các nạn dân vùng lũ”. Các vị thiên sứ đó có thể là anh công an khu vực, cô tổ trưởng tổ dân phố, bác hàng xóm nhà bên hoặc sếp của các phòng ban trong cty làm theo văn bản “khuyến khích” của nhà nước… Không phải ai cũng có thời gian hoặc đủ kiến thức để tiếp cận thông tin mạng hay đến tận nơi để biến mình thành bà tiên, ông bụt hiện đại. Tất cả mọi người đều mơ hồ khi nhìn trên các phương tiện truyền thông những con số trồi sụt, những đoàn “người di tản buồn”, những cảnh màn trời chiếu đất, những lời dẫn “đẫm nước mắt”…  Thế là móc túi. Cuối cùng (theo kịch bản), sau mùa lũ, những con người đã “trót dại” kia lại “bàng hoàng” nhận được tin “gièm pha” trên báo đài chính thống rằng đồng bào mình nơi xa xôi kia nhận thực phẩm hết hạn, quần áo trộn lẫn bikini, giày cao gót, tiền thì bị ăn chặn đến tay dân chúng chỉ còn 1/1000 (không biết bao nhiêu số 0 mới chính xác), không những vậy, có nhiều nơi dân còn không biết đến hai chữ “bồi thường”, “cứu trợ”. Lòng người lại hoang mang, lại đặt niềm tin vào các quỹ từ thiện “tư nhân”, quỹ tự phát. Cũng không biết quỹ nào chính danh, làm thật bao nhiêu phần trăm họ nói, quỹ nào sắp bị/được nằm trên các trang “tố” lừa đảo. Cũng không ít người bị phát giác ra là những “chuyên gia từ thiện”, suốt ngày đi khắp nơi gom góp tiền của mọi người, dùng lời ngon tiếng ngọt, dùng chữ nghĩa để “phơi bày” tấm lòng “vì dân vì nước”. Cuối cùng sống như ông hoàng bà chúa, ăn chơi phè phỡn bằng tiền cứu trợ, lâu lâu bỏ ra một ít để chụp hình “báo cáo thành tích” với muôn dân. Còn các vị “mạnh thường quân”, không biết vịn vào đâu mà “hướng thiện”. Dần dà, lòng tin bị bào mòn, lòng thương cảm cho đồng loại bị tẩy trắng bằng dung dịch đậm đặc của lòng tham. Người ta bắt đầu phản ứng bằng những cái lắc đầu, những câu phó mặc như “có Ðảng và nhà nước lo”. Rồi một thế lực khác lại ngoi lên, “sản xuất” những bài như “người Việt Nam ngày càng vô cảm”, “lá lành không còn đùm lá rách”…. Rồi cãi vã, xung đột, chia phe đấu đá “bóc phốt” rồi block nhau đến hết cơn mưa cuối cùng. Vậy là xong một kịch bản dài lê thê của mùa bão lũ. Bản tin khép lại, chờ đến năm sau! Khi dân Sài Gòn lại nhận được những cơn mưa xuyên đêm rỉ rả, nhìn ra trời rồi tấm tắc… đoán mò: “Bão dzô rồi!” Dân miền ngoài lại nhận được ba chữ: “Bão vào chưa?”

bao-viet-bao-my-va-bao-long2
Sao lãnh đạo không nói lấy tinh thần chống Mỹ để chống… ngập? – Từ báo mạng

Nói chứ bão vô miền Trung thì dân Sài Gòn cũng không… rảnh lắm đâu. Ai ai cũng nơm nớp lo sợ. Vì sau tất cả những hứa hẹn, những kêu gào, những nhát búa nhát dao băm nát Sài Gòn thì người ta vẫn không làm cho thành phố này bớt ngập, thậm chí làm tình trạng ngày một tệ hơn. Từ các bản tin rải rác như ngập vài chỗ, kẹt xe vài con đường thì nay báo đài chỉ cần biên một tin rồi in ra nhiều “tít”.

Ví dụ như: Cả thành phố “thất thủ” sau trận mưa đêm qua. Ngập nước và kẹt xe toàn thành phố vì ảnh hưởng cơn bão kỹ lục ngoài miền Trung. Sau cơn mưa đường lại ướt.

Khổ nhất vẫn là những con người thấp cổ bé họng, ngày ngày phải lăn lộn dưới vòm trời những tưởng là trong, xanh nhất đất nước này. Người buôn gánh bán bưng thì sợ ế vì người ta làm biếng đi chợ, sẽ đặt hàng online, người bán vỉa hè thì lo mưa ướt, ngập hết chỗ mưu sinh, người đi làm thì ngán kẹt xe ngay cả cảnh sát giao thông cũng… thất thu vì không còn chỗ đứng. Bài ca “mưa lớn lên đi ai buồn biết liền” hồi xưa tôi yêu thích, thú thiệt giờ không dám hát, sợ bị quánh hội đồng giữa phố đông.

bao-viet-bao-my-va-bao-long6
Sau cơn mưa ở Sài Gòn – Ảnh của Alex Pham

Không hiểu sao có nhiêu đó mà nói hoài không bao giờ thấy cũ. Và cũng đừng bao giờ dám mong hai chữ “đổi thay” dưới chế độ mà người ta thường nói “ăn tàn phá hại” này. Ở Ðất nước tôi đang sống, khó nhất là hai chữ an bình, còn lại nếu bạn cần sưu cao thuế nặng, thực phẩm độc hại, trộm ngày cướp đêm, bệnh tật hoành hành, lòng tin và sự tự trọng bị chà đạp thì may ra sẽ được “hân hạnh phục vụ” nhanh hơn mong đợi. Tuy vậy, dân mình luôn lạc quan và trong sáng với những vết thương tứa máu. Cái gì ở Việt Nam họ cũng so với… bên Mỹ. Rồi nói “Ở Mỹ cũng có tham nhũng”, “Ở Mỹ cũng có mưa gió bão bùng” xong an tâm nằm ngủ trong đống xa sỉ phẩm được “order” từ… Mỹ. Còn những người không order đồ Mỹ, họ đi Mỹ hết rồi!

Như vừa rồi, thấy Việt Nam có bão nên Mỹ cũng… bão theo. Báo Việt hồ hởi đưa tin Mỹ cũng ngập, dân Việt ở Mỹ cũng ùn ùn chạy bão, năm lý do nên ở lại Việt Nam xây dựng đất nước… Thế là các bài trên lại được ùn ùn share về các trang cá nhân trên mạng xã hội, rồi ùn ùn người khen kẻ trách. Xong lại gây ra các cuộc cãi vã y như chuyện từ thiện ở trên, chỉ kết thúc khi có một chuyện khác… vui (hoặc cà chớn) hơn xuất hiện. Tôi thường ham vui nhưng lại không thích sa đà vô các cuộc cãi vã vì bản tánh hiền lành ngoan ngoãn, nên tôi chỉ đi vòng vòng hóng hớt, thấy ấn tượng thì “chôm về”, cất làm của riêng hoặc chia sẻ cùng độc giả của Trẻ. Ví dụ như  chuyện anh bạn tôi đăng một tấm hình “chạy bão” bên Mỹ lên trang cá nhân rồi kể: “Nhắn cho nhỏ bạn cái hình này copy trên mạng, nó kêu gia đình tao đang ở trong một chiếc xe trong dòng xe đó, hôm nào rảnh tao gửi mầy mấy tấm tao tự sướng. Hỏi nó cái lane trống là lane cùng chiều, tại sao không chạy trên đó mà để trống cho ai đi? Nó nói đó là lane dành cho khẩn cấp. Cảnh sát, cứu cấp, cứu thương… mầy thử tưởng tượng nếu người ta không chừa lại một lane để dự phòng thì trong trường hợp khẩn cấp với dòng xe cứng ngắc như vậy phải làm sao. Lúc này mình mới nhận ra rằng sức mạnh Mỹ không phải bởi đồng Ðô La, không phải bởi bom Hạt Nhân, mà chính là tính thượng tôn luật pháp của người dân và sự chu đáo, có kế hoạch trong điều hành của hệ thống chính quyền. Mình trả lời nó như vậy. Nhưng nó lại không đồng ý và nói rằng: Sức mạnh Mỹ nằm ở bản hiến pháp với thiết chế Tam Quyền Phân Lập. Tất cả mọi sức mạnh đều hình thành nên từ đó.” – Facebook Truong Quang Thi

bao-viet-bao-my-va-bao-long5
Trước siêu bão ở Mỹ – Ảnh từ Facebook Trương Quang Thi

Cũng có khi lẳng lặng nhìn tấm hình anh cảnh sát ôm hai mẹ con gốc Việt đi chạy lũ ở Texas mà trào nước mắt xuýt xoa: “Ôi cũng là người VN, cũng sống giữa thành phố mà một trận mưa vừa cũng làm thành sông, cả đời lội nước tới rốn mà chả có anh “cảnh” nào bế như thế!”

Ðôi khi cũng ngồi chắc lưỡi tiếc nuối sao hồi đó mình hông chịu sanh ra ở… Mỹ. Làm một công dân của một đất nước khôn ngoan và rộng rãi. Là một người có đầy đủ những quyền cơ bản của một con người, được đặt một bàn tay thỏa hiệp vào việc tạo điều kiện cho các người bỏ chạy khỏi quê hương chính mình. Ít ra cũng được cầm một lá phiếu bầu cử có giá trị hoặc có thể ứng cử làm… tổng thống chẳng hạn. Ðang suy tưởng vẩn vơ, thì đọc thấy bạn nói:

– Ê mày, ước gì hồi xưa “Miền Nam yêu quý” không “luôn luôn ở trong tim bác” thì có phải đỡ biết mấy!

bao-viet-bao-my-va-bao-long1
Tin giờ chót: Báo cáo của Thanh Hóa cho thấy địa phương này mới ước tính ban đầu đã 1.000 tỉ đồng, dù bão không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh này – nguồn nld.com.vn

DU