Có những nỗi đau chung không dễ gì quên được.
Ngày tang tóc của nước Mỹ được gọi là Ngày 911 qua đã 16 năm vậy mà còn gây xúc động cho mọi người khi trở lại khu Ground Zero.Tin tức ghi nhận: Khoảng 1,000 thành viên gia đình các nạn nhân, những người sống sót, các nhân viên cứu cấp và các viên chức chính phủ đã tụ tập ở World Trade Center ở NYC để kỷ niệm 16 năm biến cố khủng bố 9/11. Tại nơi có tên là ‘ground zero’, họ đã cầm hình ảnh của những nạn nhân và lắng nghe xướng tên từng người. Phút mặc niệm và nhiều tiếng chuông kéo rền để mọi người nhớ đến gần 3,000 nạn nhân đã bỏ mình trong vụ khủng bố.
Một số thân nhân cho hay ‘họ không ngờ 16 năm đã trôi qua’, vì vào ngày tưởng niệm, những kỷ niệm như còn rất mới mẻ. Thậm chí có người tiếc nuối chưa bao giờ có dịp thấy thân nhân của mình. Một trong những người này là Ruth Daly, đến để hồi tưởng bà nội của mình là Ruth Sheila Lapin. Cô nói: “Con mong mỏi hơn hết là làm sao gặp được bà, con mong mỏi từ trên Thiên Ðàng bà nhìn xuống con hôm nay”
Trận khủng bố xảy ra sáng thứ ba, ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi một nhóm không tặc trong tổ chức al-Qaeda gần như cùng một lúc cướp bốn phi cơ hành khách đang trên đường bay nội địa tại Hoa Kỳ để lao vào các mục tiêu
Nhà báo John Grogan đã ghi lại như sau trên một trang viết ở cuốn Life Is Like A Sailboat: Tháng 9 đã bắt đầu với ánh trời rực rỡ, tràn đầy hy vọng. Một thứ sắc màu của hạnh phúc, nhưng sao nó giống thứ ánh sáng của một buổi mai cách đây đã lâu. Vâng, lúc ấy là 8 giờ 45 phút sáng ngày 11 tháng 9. 2001. Một buổi sáng đẹp trời, đầy nắng, những con bồ câu bay lượn trong không, người người vui sống, nô nức đi lại trên hè phố. 8 giờ 45 phút sáng, đang yên bình, ấy vậy mà chỉ một phút sau thảm họa xảy ra. Tòa Tháp Ðôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở Nữu Ước sụp đổ với khoảng ba ngàn người chết.
Mười sáu năm trôi qua kể từ ngày ấy. Nhiều người nói đã bao nhiêu năm rồi mà cái cảm giác mất mát vẫn còn đau nhói như mới xảy ra hôm qua. Thật vậy, mắt chúng ta tưởng còn nhìn thấy những mảng khói và lửa bốc lên từ lưng chừng hai tòa tháp, những bóng người như chim bay ra khỏi các cửa sổ rồi rơi xuống nền đất phía dưới; tai chúng ta còn nghe âm thanh những tiếng nổ rung chuyển và gạch ngói vỡ cùng tiếng người la thét, kêu khóc vang âm giữa bầu trời sớm mai đầy nắng của Nữu Ước; và tâm trí chúng ta còn quay cuồng với trăm ngàn ý nghĩ đen tối, kinh hoàng về một thảm họa phát xuất từ khối óc u mê của con người mà tưởng như từ trời xanh giáng xuống. Chỉ trong khoảnh khắc của một buổi sáng mà tới gần ba ngàn người chết – có những người tìm được xác, có những người chỉ còn lại một phần thi thể và có những người như biến mất vào hư vô. Chưa bao giờ một thành phố phải chịu đựng những tang tóc như thế. Và khúc tang ca của ngày 11 tháng 9 năm 2001 mãi mãi còn vang dội trong không gian, thời gian và trong trái tim người. Nó kể với chúng ta về những người vô tội đã chết, về những đổ vỡ và những hận thù mang màu sắc chủng tộc, tôn giáo. Chúng ta sẽ không bao giờ quên những đau thương mất mát ấy. Xin anh em bạn bè đọc lại những trang sau đây.

“Ngày 11/9, cả nước Mỹ kinh hoàng vì những gì xảy ra. Những tàn phá và thiệt hại to lớn, khủng khiếp hơn cả, đó là những người không bao giờ có thể trở về nhà được nữa. Và có một điều ít ai nghĩ đến, là bao nhiêu tình yêu đã chết đi; thay vào đó là lòng hận thù. Thế nhưng, ở đâu đó trong bầu không khí chúng ta đang thở, tình yêu vẫn còn, như bông hoa mọc lên từ kẽ đá.
“Một thời gian sau khi thảm kịch xảy ra, người ta vẫn thấy những đóa hoa, những ngọn nến và những tấm thiếp đặt nơi tưởng niệm. Lẫn trong vô vàn những thứ ấy là tấm ảnh của một cô gái trẻ tươi cười. Ðằng sau tấm ảnh viết “Vì anh đã không còn em để yêu thương, nên anh sẽ học cách yêu thương hết thảy mọi người”.
Nhiều bài thơ được sáng tác để tưởng niệm những người đã từ trần. Nhà thơ Phan Tấn Hải của chúng ta đã chọn dịch một số bài.
Một năm sau ngày 9/11, tại một lớp học ở New York, các học trò cùng nhau làm một bài thơ. Một người thân của cô giáo đã chết trong ngày tấn công vào một tòa tháp ở World Trade Center; nạn nhân để lại một đứa con 3 tuổi. Các học trò làm chung bài thơ nhan đề LIST OF “DON’T FORGETS” AND “REMEMBERS”… và bản dịch như sau.
Những điều ‘đừng quên’
và ‘hãy nhớ’
Chúng ta lúc đó 8 tuổi.
.
Trước ngày 11 tháng 9, chúng ta thức dậy với một danh sách “Đừng Quên”
Đừng quên rửa mặt
Đừng quên chà răng
Đừng quên làm bài tập cho về nhà
Đừng quên mặc áo khoác
Đừng quên dọn phòng cho sạch
Đừng quên tắm
.
Sau ngày 11 tháng 9, chúng ta thức dậy với một danh sách “Hãy Nhớ”
Hãy nhớ chào mặt trời mỗi buổi sáng
Hãy nhớ thưởng thức từng bữa ăn
Hãy nhớ cảm ơn ba mẹ đã làm việc lao nhọc
Hãy nhớ vinh danh những người giữ an toàn cho chúng ta
Hãy nhớ trân trọng từng người bạn gặp
Hãy nhớ tôn trọng niềm tin của người khác
Bây giờ, chúng ta 9 tuổi.
Nhiều bài thơ dán lên tường tưởng niệm tại Trạm Xe Ðiện Trung Ương (Grand Central Station) sau ngày 9/11. Hầu hết thơ không có tựa đề, và không ghi tên tác giả. Sau đây là một bài thơ.
Chớ đứng nơi mộ tôi và khóc
Tôi không nơi đó, tôi không ngủ
Tôi là một ngàn cơn gió thổi
Tôi là tia kim cương trên tuyết
Tôi là ánh mặt trời trên hạt lúa chín
Tôi là trận mưa dịu dàng mùa thu
Khi bạn thức dậy trong tĩnh lặng ban sớm
Tôi là tiếng gió lượn bay lên
của những con chim lặng lẽ bay vòng quanh.
Tôi là ánh sao dịu dàng ban đêm
Chớ đứng nơi mộ tôi và khóc.
Tôi không ở nơi đó, tôi không ngủ.
Ðúng là chúng ta không bao giờ còn được gặp những người đã chết vào ngày 11 tháng 9 năm ấy. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ quên họ. Cũng như không bao giờ quên cái ác diễn ra dưới bầu trời này. Vâng, hãy nhớ và đừng quên. Vì như nhà văn Ba Kim của Trung Quốc nói trong sách Tùy Tưởng Lục, nếu chúng ta quên đi và tha thứ tội ác của bọn giết người thì cái ác sẽ còn sống mãi và lộng hành. Cho nên, qua những mảng hồi ức gợi lại ngày hôm nay, chúng ta nghĩ đến và xót thương những người đã chết ở Tòa Tháp Ðôi ngày 11 tháng 9. 2001, đồng thời vững tin rằng cái ác, cái xấu không thể tồn tại được trên dải đất này. Ánh nắng ngày ấy mờ đi trong khoảnh khắc vì những đám mây khói, nhưng rồi nắng lại lên mỗi ngày. Như sáng nay dưới bầu trời New York.
TN – Garland, sáng ngày 12 tháng 9. 2017