Menu Close

Peru ký sự (Kỳ 2)

phần 2

Thủ đô Lima

Máy bay hạ cánh xuống Lima khoảng 10 giờ tối, qua cửa di trú thì đã gần nửa đêm. Phi trường cách xa thành phố khoảng 40 phút, chiếc xe lăn trên đường phố âm u. Con đường nào cũng tối mò mò. Bóng tối nhá nhem âm u ấy khiến Dế Mèn nhớ đến những con đường ở San Salvador, ở Beliz City, ở Guatemala và nhận ra rằng hầu như các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ, ngay cả thủ đô, không mấy nơi dùng đèn điện, hẳn để tiết kiệm năng lượng?

thu-do-lima
Đường phố Miraflores

Lima là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Peru. Tên gọi Lima hình như xuất phát từ tiếng địa phương, Limaq, đọc theo tiếng Tây Ban Nha. Với 10 triệu cư dân, 1/3 tổng số cư dân của Peru, sống chen chúc, Lima trở thành thành phố đông cư dân thứ nhì của châu Mỹ (São Paulo của Brazil đứng đầu và Mexico City chiếm hạng ba).

Thủa xa xưa, khi quân đội Tây Ban Nha chiếm được vùng đất ấy vào năm 1535, thủ lãnh Francisco Pizarro đặt tên thành phố này là “Ciudad de los Reyes”, và ông Pizarro được phong thưởng chức thống đốc, cai quản vùng đất do ông ấy chiếm được. Lima trở thành thủ đô và cũng là thành phố quan trọng trong vùng thuộc địa của hoàng gia Tây Ban Nha. Tại đây, tọa lạc một trong những trường đại học lâu đời nhất của Tân Thế Giới, the National University of San Marcos, thành lập ngày 12 tháng Năm, năm 1551; trường đại học này vẫn mở cửa đến ngày nay.

Trong thời thuộc địa, nhờ vị thế thiên nhiên giáp bờ biển, thuyền bè đi lại dễ dàng nên Lima làm ăn buôn bán rầm rộ với các quốc gia châu Mỹ, châu Âu cũng như châu Á. Buôn may bán đắt nên Lima bị hải tặc đánh cướp thường xuyên chưa kể các trận động đất khiến thành quách sụp đổ nhiều lần.

thu-do-lima2
Hôm ấy trời âm u nên hình ảnh không rõ nét, không biết có lễ lạt chi mà cảnh sát đứng dàn hàng từng nhóm canh gác công trường:

Sau khi người Peru giành lại độc lập năm 1821, Lima trở thành thủ đô của Peru Cộng Hòa. Dù độc lập, nhưng Peru trải qua một thời gian nghèo khó khá lâu, lại bị quân đội Chile đánh cướp tàn phá trong trận chiến tranh “the War of the Pacific”, kéo dài suốt 4 năm, 1879–1883. Không lạ là người Peru không ưa Chile, từa tựa như ta căm ghét Tàu Ô!

Lima là một thành phố pha trộn nhiều sắc tộc, đông đảo nhất là nhóm “Mestizos”, những cư dân gốc Âu (Tây Ban Nha và Ý) pha trộn với người địa phương (Amerindian). Nhóm thứ nhì là “European Peruvian” hay người Peru gốc Âu châu (gốc Âu châu nhưng không “lai” dân địa phương) và người da đen, Afro-Peruvian, tổ phụ họ là những người Phi châu bị mang đến bán làm nô lệ trong thế kỷ XVIII. Khi tục giữ nô lệ chấm dứt vào thế kỷ XIX thì người Tàu Quảng Ðông và Nhật Bản được tuyển mộ làm nhân công hầm mỏ và nông trại. Lima là một thành phố có số di dân Tàu cao nhất tại châu Mỹ La Tinh.

Di dân mang theo nếp sống, tục lệ vào sinh hoạt hàng ngày trên đất mới. Thức ăn Peru cũng thích nghi, biến dạng theo. Các món gốc Ý xuất hiện trong khu Miraflores và San Isidro nơi tiệm ăn treo bảng “trattoria”. Món Chifa, bình dân và phổ thông hơn, đóng đô ở khu Barrios Altos, và người Lima gọi phố Tàu của họ là “Calle Capon”.

Khi xe đi ngang khu này, Dế Mèn thấy có quán ăn đề bảng hiệu “Việt Nam” mà chụp hình không kịp, tất nhiên là cũng chẳng có dịp thử thức ăn Việt tại Lima!

thu-do-lima4
Một mặt công trường là Catedral de Lima nơi chôn cất xác Toàn Quyền Pizarro, Dế Mèn nghe kể là thân mình ông ấy bị băm vằm và đầu bị bỏ chỗ khác (?), mãi đến năm 1977 mới được thu góp về một nơi sau khi thử nghiệm di tính để xác định cố chủ rồi đem chôn đúng chỗ.

Quán trọ Antigua là một dinh thự cũ biến dạng thành khách sạn, nằm trong vùng Miraflores của Lima, bài trí bằng những vật dụng xưa cũ, chiếc bàn ủi than trở thành ngọn đèn, máy may thành bàn ăn… trông khá lạ mắt. Tòa nhà này xây cất theo kiểu “colonial”, phòng ốc bao quanh, ở giữa là sân trống, court yard, bày cây cối, có mấy bụi  nhài trắng hoa, mùi hắc hắc nhức mũi, nhức đầu và cả vòi phun nước nhỏ nhỏ. Phòng ốc trổ cửa sổ nhìn ra sân giữa, hẳn vì mặt tiền nhìn ra đường phố giăng đầy dây điện ngang dọc và các tòa nhà nghễu nghện khác?

Khách sạn nằm trong khu thị tứ nên xe cộ rầm rầm nhưng tiện lợi vô cùng, quán ăn, hàng cà phê lớn nhỏ hàng dãy, ta tha hồ chọn lựa.

Phe ta đến Lima vào mùa đông (kéo dài từ tháng Tư đến tháng Mười), in như sách vở thi phú mô tả, thành phố không có nắng, lúc nào đất trời cũng phủ một lớp sương mù, khí hậu khá dễ chịu chỉ cần một cái áo khoác mỏng.

thu-do-lima3
Một mặt khác của công trường là Monastery de Francisco, hình chụp từ bên ngoài:

Ðường phố Lima, nhìn chung không có gì đặc sắc, cũng các tòa nhà xây cất theo kiểu Thuộc Ðịa (Colonial) từa tựa như tại Guatemala City, San Salvador…, cũng công viên ghế đá và những bức tượng tuyên dương danh tướng địa phương và nhất là những đại tửu lầu MacDonald, Burger King, Pizza Hut thì chỗ nào cũng thấy! Trạm đầu tiên là nơi đổi tiền, một Mỹ kim đổi được 3.3 soles tiền địa phương.

Bên trong tu viện có cả một thư viện còn giữ được khá nhiều sách cổ, có cuốn sách cổ kích thước khá lớn, bìa gỗ dài đến một thước tây, giữa hai tấm “bìa” gỗ kềnh càng là những trang sách bằng da bê non, tuổi tác trên 500 năm, chịu mưa nắng thời tiết ẩm ướt nên màu sắc đã phai nhạt ít nhiều. Tu viện có những hầm mộ, xương sọ, xương đùi, tay chân sắp xếp theo thể loại, cả ngàn bộ xương lớn nhỏ, nên người chết sống chung hòa bình, không phân biệt đầu mình ai với ai …. Theo lời người dẫn đường, chôn cất là phong tục của người Âu Châu, thổ dân không có tiền cũng như đất để chôn nên thi thể người chết được âm thầm mang đến nhà thờ trong đêm tối, và nhà thờ, tu viện nghiễm nhiên đảm nhận thêm công việc mai táng! Nhà tu không cho chụp hình ảnh chi ráo, kể cả sân và hành lang nên Dế Mèn chịu thua, không có tấm ảnh nào ở đây.

Phía sau là cửa tiệm “Choco museo”, ngoài việc bán chocolat theo lạng hay ký lô, họ trưng bày những máy móc dùng trong việc chế biến chocolat từ hạt coca theo lối cổ truyền.

thu-do-lima1
Trên đường phố, ta cũng bắt gặp những người bán rong mời gọi du khách; phụ nữ này, qua trang phục mũ nhọn, là một “Mestiza”:

(còn tiếp)