Nhà thơ Phan Tấn Hải sinh năm 1952 tại Sài Gòn. Hiện sinh sống tại California. Phan Tấn Hải từng theo học Phật pháp với các hòa thượng tiếng tăm. Pháp danh của ông là Nguyên Giác.
Nguyễn Ðức Tùng nhận định: Phan Tấn Hải, là khuôn mặt vừa quen thuộc vừa bí ẩn của văn chương hải ngoại. Ông hoạt động trong nhiều lãnh vực: nhà báo, chủ bút nhiều năm của Việt Báo ở California, dịch nhiều tác phẩm Anh-Việt, Việt-Anh, dịch thơ, là người chú giải thiền, người hoạt động xã hội, và tất nhiên, là một người làm thơ đã nhiều năm.
Thơ Phan Tấn Hải là một quá trình chuyển hóa, vượt qua bóng tối, đau khổ, tìm đến ánh sáng. Hình thức thơ là một nỗ lực cách tân: Ở một số bài, ông cố gắng vận dụng kỹ thuật tân hình thức để diễn đạt. Ngôn ngữ thơ trong sáng. Ðọc thơ Phan Tấn Hải ta thích thú bắt gặp cái nhìn mới lạ, sâu sắc qua thực tại tình yêu cũng như đời sống. Ðây đó còn chợt lóe lên ánh sáng của thiền. Sau đây là một vài bài tiêu biểu. SAO KHUÊ
một thời
Làm sao anh có thể viết
về một thời, khi thấy gió bay
anh mới biết rằng tóc em quá ngắn,
khi thấy nắng hanh
anh mới biết rằng màu phấn
còn quá nhạt trên má em,
khi mời em đi lễ hội anh mới thấy
rằng em chưa biết điểm trang.
Làm sao anh có thể viết về một thời,
khi em mang tiếng cười vào đời
anh và bây giờ còn vọng trong trí nhớ của anh,
khi tiếng guốc em đi thời
mới lớn vẫn còn gõ nhạc trong giấc ngủ của anh,
khi chúng ta lần đầu nhìn nhau
và thấy thời gian đứng lại.
Một thời. Một thời.
Một thời vẫn làm anh run rẩy
khi nhớ lại màu môi hôn của em.
vết son ơi về đâu
Em mang cả hương trời
của một thời tóc ngắn
về gửi lại bờ môi
vết son in lên giấy
một đời thương nhớ ơi
Ngồi bên em một ngày
rồi một đời tiễn biệt
cuối trời xa chim bay
tiếng kêu rơi vọng lại
nỗi sầu vương đầy tay
Nhớ ơi tóc xanh một thuở
thương ơi ga nhỏ bên trường
chờ em dáng gầy như khói
nhớ mãi chữ tờ là thương
thương ơi chữ ơ là nhớ
Một đời anh đi tìm
mắt nhìn xa mấy cõi
em có lạc đường chim
dòng thơ loang mực tím
nhói buốt hằn trong tim
Phải chi ta dìu nhau
đi chệch đường thiên cổ
vết son ơi về đâu
mùi hương anh giấu trộm
vào thơ muôn kiếp sầu.
dòng chữ bay lên
Bàn tay mỏi
trang giấy nửa đêm
dòng thơ phả khói
có hồn tôi rơi
giọt mực chảy
lăn tròn không thôi
Từ biệt anh người thơ, những dòng
chữ trôi theo trí nhớ, từ biệt
thôi tay bút mỏi rồi, từ biệt
anh người đi trước những đường thơ
cô quạnh, từ biệt thôi người thơ,
một thời thơ ấu của tôi. Một
đời, một thời, ngồi nhìn trang giấy,
chép xuống những hồn thế kỷ, từ
biệt thôi, tay mỏi mắt khép rồi,
những hồn thơ ơi. Từ biệt ơi,
những hồn thơ ơi khi anh nằm
xuống, và chữ từng dòng theo nhau
lặng lẽ bay lên thật xa, thật
xa những hồn tôi ơi.
PTH – Ðể tưởng niệm Diễm Châu — Jan 2007
mỗi ngày lên rừng lượm hái
(trích)
Mỗi ngày tôi lên rừng lượm hái,
lo nhặt chút gì về cho con
đỡ đói, lầm lũi giở trò khỉ
vượn bám cành níu nhánh, chen qua
núi rừng chữ nghĩa mịt mù sương,
cân nhắc hai tay hai chân hai
đầu phải trái, này là quả ngon
trái ngọt rồi quả độc trái hại,
này là lá măng lá trúc hái
về mong cho con ấm bụng giữa
kiếp người buốt lạnh. Mỗi ngày tôi
lên rừng lượm hái, nhặt quả khô,
hái quả chín, chăm sóc quả tươi,
hồi hộp theo dõi bọn thợ săn
dưới chân núi lăm le đốt rừng,
tôi lo sợ khỉ vượn nai mễn
rồi không còn đất sống, những tiếng
kêu la xé lòng mỗi ngày, vết
chân thú chạy kinh hoàng chen chúc,
thấy rừng núi oằn mình đau đớn,
có tôi nhìn mỗi ngày khóc theo.
Mỗi ngày tôi lên ngồi trên đỉnh
núi, cắm cúi đọc sách hy vọng
cho sớm qua một kiếp người, nghe
những tiếng trần gian vọng từ phương
xa tới, tiếng vui tiếng buồn, tiếng
than thở tiếng cằn nhằn, có cả
tiếng người vọng từ nghìn năm trước
…