Menu Close

Cũ & mới

Tôi vốn dĩ không phải là người của buổi sáng -“morning person” như người Mỹ thường nói. Sáng thức giấc với tôi là một bình minh nhầu nhĩ, mặc cho gió Hồ Tây ngoài kia có thổi bay tóc rối! Nếu không quá lười thì phóng xe ga ra ngoài mua một gói xôi bắp gói bằng lá dong, một bịch “tào phớ” (đậu hủ) về xì xụp. Cereal ở siêu thị Việt Nam thì lèo tèo, chẳng nhiều lựa chọn như những siêu thị ở Mỹ đầy rẫy thức ăn sáng đến ngán. Hộp sữa New Zealand béo ngậy cream milk, ở đây không có diet coke hay skim milk, cũng chẳng mấy ai chuộng uống sữa không đường. Có lẽ vì vậy mà những đứa trẻ Việt ngày nay dần dễ béo phì hơn.

cu-va-moi6
Amazon Café – một tiệm cà phê gia đình gần nhà sách Nhã Nam. Nơi lưu lại những chiếc xe từng một thời là mơ ước của dân Bắc như Honda Dame, Hoàng tử đỏ Peugeot 103, Minsk, … và đôi xe đạp Mifa, Eska

Có lúc, tôi phát cáu vì chẳng thể tìm ra một tiệm bán bagel ở cái đất Hà thành này, đành tạm biệt cái thói cố hữu với bánh bagel nướng trét peanut butter và một ly sữa tươi kiểu Mỹ mỗi sáng. May mà còn có café. Khổ nỗi là ở Việt Nam cà phê bịch hòa tan chỉ toàn là cà phê vối Robusta có hậu vị chua như G7 Trung Nguyên hay Highlands. Mấy bịch Nescafe thì đắng ngắt và tôi chẳng thể nhấm nháp nổi. Ða mang thêm cái chứng mất ngủ mãn tính mà còn ghiền café đậm, nên hộp cafe Colombia Via Instant của Starbucks dùng cà phê chè Arabica mang từ Mỹ về bỗng trở nên quý hiếm lạ! Có lẽ vì vậy, tôi hay lang thang ở những con phố café Hà Nội, giống như một kẻ bát phố muốn sống với những boulevard cà phê ở Châu Âu. Không, chẳng hẳn như vậy. Cái khí hậu này còn xa mới khiến tôi lững thững dạo phố. Ðông đúc, chật chội, nóng ẩm và đầy ô nhiễm. Hẳn nhiên là thời gian càng lâu ở đây, tôi đã dần mất đi “những cái dán mắt đầy ngạc nhiên” bởi những mới lạ ban đầu.

cu-va-moi7
Một quán cà phê Trendy, điểm hấp dẫn của giới trẻ Hà thành

Tôi nóng, tôi lạnh, tôi khổ sở với thời tiết thay đổi theo mùa và thèm được trở về với cái tiện nghi của Mỹ quốc.

Hà Nội đang bắt đầu chuyển mùa. Tôi lậm cái cảm giác café một mình ngoài hiên quán. Tôi hay đi cà phê. Mà điểm đặc biệt dễ nhận thấy là đằng sau sự giao thoa, sao chép của những thương hiệu nhượng quyền nước ngoài như Starbucks, KFC, Lotteria, McDonald, Burger King, Domino Pizza … là “sự trỗi dậy” của những chuỗi tiệm nhượng quyền Việt Nam như Nét Huế, Món Việt, Highlands Coffee, Coffee House, Fresh Garden, Gemini Coffee… Ðiều này dường như hoàn toàn tốt, vì nó tạo ra phương thức mới khác với cách làm ăn kiểu cũ như kinh doanh gia đình. Nó cũng hoàn toàn khác cách nâng cấp, hay “chăm sóc khách hàng tận răng” của những quán karaoke, những quán cafe sang chảnh như Windows Cafe hay Paloma Café. Hoặc như ở những tiệm ăn phục vụ khách theo kiểu “cung đình nhược tiểu”, hay cung cách khách hàng là thượng đế kiểu quỵ lụy Á Ðông. Có lẽ vì vậy, mà cái quan điểm về “thái độ phục vụ khách” của gã bạn Nghiêm Chỉnh có phần chí lý. Một lần, ngồi ở Café quán cóc, gã đặt vấn đề với tôi là, “nếu như đi nhà hàng thì Hạnh sẽ thích ai phục vụ hơn, một cô nàng Việt Nam thô lỗ, cau có với thái độ căm ghét khó thể che giấu với khách nước ngoài. Hay một cô gái Nhật Bản cung kính đang nở nụ cười?” Gã dừng lại, nhưng chẳng phải để chờ tôi tán thành, rồi tiếp lời, “chính vì vậy mà tôi mới tôn trọng người Nhật. Họ đã nâng sự giả dối lên thành một nghệ thuật!”

cu-va-moi5
Một “không gian bên trong” của chuỗi Highlands Coffee, địa chỉ trên con phố Nguyễn Khánh Toàn

Ở những tiệm bánh Fresh Garden, café Gemini, Highland, nhà hàng Nét Huế, Món Việt, Ding Tea…, nhân viên được trả lương theo giờ không cao lắm, ví dụ như ở chuỗi cà phê – tiệm bánh Fresh Garden thì chỉ 18,000 đồng một giờ, nhưng nó không theo một mô típ khởi nghiệp xưa như trái đất nữa mà nó mang hơi hướm hiện đại, lịch sự và thân thiện hơn. Phần lớn những khách hàng là những bạn trẻ, quần áo trendy, dùng máy MacBook và những khách ngoại quốc. Sự hội nhập nhận thấy rõ rệt.

cu-va-moi4
Một kiểu “food selfie” thịnh hành trong giới trẻ – Ly cà phê trứng với hậu cảnh là Đền Ngọc Sơn của Hồ Gươm.

Dọc con phố Ðường Thành hay Bát Sứ vẫn có những quán cà phê gia đình với tập quán cũ của dân Kẻ Chợ ở phố cổ. Ðây là nơi mà Hà Nội trong hơn một ngàn năm vẫn mang dáng dấp của một cái chợ lớn. Nơi những người dân tứ xứ Ðông, Ðoài, Sơn Nam, Kinh Bắc kéo anh em họ hàng từ trong quê ra đây để buôn bán và lập nên những mối quan hệ mang dấu tích gia tộc khăng khít. Gần đây ở Hà Nội cũng bắt đầu mọc ra những tiệm tạp hóa “phá vỡ mô hình kinh doanh gia đình” như Circle K, hay Vinmart… Có lẽ, trong cái thế giới hỗn tạp về ô nhiễm, về bún mắng cháo chửi và những tin giật gân nhất, sốc nhất… mọi thứ đều được khuếch đại với đủ các sắc màu trong các luồng tư tưởng cả cũ, cả mới.

cu-va-moi1
“Đại tá Sanders” chẳng còn quá xa lạ không chỉ giới trẻ mà cả với những gia đình nhỏ. Say hi to the millennial generations!

Cà phê Phố cổ ở Hàng Gai khá điển hình về một góc khuất trong không gian Kẻ Chợ. Lối vào là một hành lang sâu giữa lối đi của 2 shop bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, giấu sau lưng là một căn nhà cổ với những bộ bàn ghế cổ, đôi câu đối khắc trên gỗ. Bàn thờ gia tiên nằm trên con gác, và những bậc thang xoắn ốc lên tầng thượng. Ðây là địa điểm nằm trong Lonely Planet vẫn thường thấy những gã tour guide dẫn những khách du lịch đến, thu hút bởi cái view nhìn ra Hồ Tây. Ngay cả những Tây ba lô, Hàn ba lô…, cũng tìm thấy sự thú vị khi đi dọc sâu hành lang tối thui mà thấy cả một quán cà phê nằm lẩn khuất.

cu-va-moi
Với một menu được Việt hóa, chuỗi tiệm fast food KFC là một trong những chuỗi tiệm thành công nhất Việt Nam của Mỹ, và vượt mặt những tên tuổi như McDonald, Subway, hay Burger King.

Cuối tuần ghé một tiệm KFC ở đường Nguyễn Khánh Toàn; tôi thường rất hiếm khi ghé gà rán KFC vì sợ cholesterol, nhưng ở đất này, Ðại tá Sanders bỗng dưng lại trở nên thân thuộc như ông già Noel ở xứ Mẽo. Lần đầu trong đời, tôi ngấu nghiến đến trơ xương mấy cái miếng gà KFC một cách hăm hở chỉ vì thèm nhớ cái khẩu vị gà rán “made in USA”. Sự Việt hóa các món ăn cũng làm tôi thấy cả sự lai căng, món burger mà tôi thử trong Lotteria lại có vị ngọt của khẩu vị Hàn xẻng mà có lẽ hấp dẫn các bạn tuổi teen hơn tôi. Ngay như món khoai tây chiên cũng rắc vị muối phô mai ngọt lợ. Một người bạn ở Mỹ, mỗi lần nhắn tin là chỉ gửi kèm mấy chục tấm hình ở quầy thịt cá đóng gói tươi rói, ê hề. Cứ như trêu ngươi!

cu-va-moi2
Hoài niệm giữa lòng phố cổ là những cành tre, gà gáy và chim kêu, dù là chỉ đi uống cà phê phin!

Thây kệ, có lẽ tôi thường không có thói quen đố kỵ với cuộc sống mới. Có thể tôi còn lạ lẫm với cách phát âm Ku-Te (cute) khi cảm thán về sự “dễ thương”, hay từ Xì-Tin rất phổ biến mà bắt nguồn từ cái quảng cáo băng vệ sinh “Kortex Xì Tin” của hãng Kimberly & Clark. Thường trực hơn là cách dùng từ “make color” đặc trưng, không chỉ ở giới trẻ mà cả cách “làm màu” sâu sắc của người dân xứ Hà thành này. Ở đây, dù có ghé ngang qua ai trong giờ cơm mà được mời hỏi “Anh/Chị đã ăn cơm chưa?” thì đó nên được hiểu đầu tiên là cách nhã nhặn, mời lơi kiểu người dân xứ Tràng An thanh lịch. Những lời khen cũng có thể là màu đãi bôi chiếu lệ, là để giấu sự thờ ơ…

Và tôi vẫn đang tập len lỏi trong cách sống này, chậm rãi như chiếc xe máy tà tà trên con phố Pháp cổ xưa. Chỉ tà tà mà không vội vã như sự tà tà quen thuộc mỗi sớm bước ra ban công tưới cây. Rồi đến giật nảy mình trước hình ảnh một gã hàng xóm khu chung cư đối diện đang “cởi truồng”, thong thả ngoáy tai!

cu-va-moi3
Tác giả trên một cầu thang gạch cổ, phải leo tuốt lên tầng 5 xoắn ốc trên nóc để uống cà phê

DMH