Nữ ca sĩ/nhạc sĩ Sheryl Crow đang lưu diễn với Willie Nelson trong tour mang tên Outlaw Festival, tạm dịch Lễ Hội Ngoài Vòng Pháp Luật, và đã ghé ngang Dallas. Tuy đa số các nhạc sĩ trong lễ hội này chơi nhạc dân dã, đồng quê (folk/country), nhưng thật ra Sheryl Crow là một nghệ sĩ đa diện và đa tài, đã đoạt nhiều giải Grammy cho nhiều thể loại nhạc khác nhau – rock, pop, R&B v.v…
Sinh năm 1960, Sheryl Crow là con một bà mẹ dạy đàn piano và người cha biết thổi kèn trumpet. Thời trung học Sheryl là thành viên của ban nhạc diễn hành (marching band) của trường Kennett High School, tiểu bang Missouri. Ngoài ra, Crow còn là một thể tháo gia khá giỏi, từng thắng giải chạy đua nhảy sào 75 mét (hurdles). Sau trung học, Sheryl ghi danh tại đại học University of Missouri (Columbia) và ra trường năm 1984 với bằng cử nhân môn Âm Nhạc và Sư Phạm.
Khởi nghiệp là giáo viên tiểu học ở Missouri, mỗi cuối tuần Sheryl Crow đi hát cho các ban nhạc nhà vườn. Một nhạc sĩ trong vùng giới thiệu Crow với một nhà sản xuất và ông ta đã giúp Sheryl Crow bằng cách cho cô hát trong các clip quảng cáo trên radio và TV. Một trong số đó là quảng cáo cho McDonald’s, đem đến cho Crow lợi nhuận đáng kể ($40,000).
Năm 1987, Sheryl Crow được mướn làm ca sĩ hát bè cho Bad World Tour của Michael Jackson. Trong vòng vài năm kế tiếp, Sheryl Crow cũng được thuê làm ca sĩ phụ trong các dĩa nhạc của Stevie Wonder, Don Henley v.v… cũng như cho một vài chương trình TV. Bài “Heal Somebody” do cô sáng tác đã được dùng trong phim “Bright Angel” năm 1990.
Năm 1993, Sheryl Crow tham gia một nhóm nhạc sĩ nghiệp dư gọi là “Tuesday Music Club”. Họ tụ tập với nhau mỗi tối thứ Ba để viết nhạc và chơi nhạc. Không lâu sau khi Sheryl Crow gia nhập, nhóm này biến thành một ban nhạc khá chỉnh tề với Sheryl là thành viên chủ lực. Họ cho ra được một dĩa nhạc đầu tay của Sheryl Crow mang tên … “Tuesday Music Club”, trong đó có nhiều sáng tác của những thành viên khác. Dĩa này lúc mới ra lò cũng không bán chạy cho lắm. Nhưng sang năm 1994 bài “All I Wanna Do” do Sheryl Crow sáng tác bỗng dưng trở thành top hit trên radio. Cho tới nay bài này có lẽ vẫn là bản nhạc nổi tiếng nhất của cô, và dĩa “Tuesday Music Club” đã bán được hơn 7 triệu dĩa. Sheryl Crow thắng ba giải Grammy Award năm 1995 nhờ dĩa này và tên tuổi của cô nổi lên từ dạo đó.
Qua năm sau Sheryl Crow cho ra dĩa đầu tay chính thức của riêng mình, mang tên … “Sheryl Crow”. Những bản nhạc trong dĩa “Sheryl Crow” nói về những đề tài khá nhạy cảm như phá thai, vô gia cư, chiến tranh nguyên tử v.v… Wal-Mart đã cấm bán dĩa này vì trong bài “Love Is A Good Thing” Sheryl Crow cho rằng Wal-Mart bán súng cho trẻ con. Tuy vậy, “Sheryl” vẫn bán đắt như tôm tươi, và Crow lại đoạt thêm hai giải Grammy nữa. Ngoài ra, bài “Redemption Day” của cô còn được nhạc sĩ lão thành Johnny Cash chơi lại trong dĩa nhạc cuối cùng của ông.
Ðối với một nghệ sĩ trẻ mới ra lò như Sheryl Crow, được cây đại thụ của âm nhạc hát lại nhạc của mình là một vinh dự hiếm có. Ðiều này chứng tỏ ngoài giọng hát tốt Sheryl Crow còn có tài soạn nhạc và viết ca khúc. Không phải nữ ca sĩ nổi danh nào cũng làm được chuyện đó, chưa kể là Crow còn viết nhạc cho phim như James Bond, “Tomorrow Never Dies”. Trong khi đó các nữ ca sĩ như Cher, Celine Dion, Adele đa phần đều hát nhạc người khác. Taylor Swift là trường hợp ngoại lệ. Ca sĩ Việt (cả nam lẫn nữ) hầu hết không ai sáng tác nhạc nên miễn bàn.
Cuộc đời của một người nghệ sĩ bao giờ cũng đầy những thăng trầm. Năm 1998 Sheryl Crow bị mắc cơn trầm cảm rất nặng, không mấy ai biết rõ vì sao. Nhưng cô vẫn tiếp tục sáng tác và cho ra dĩa “The Globe Sessions”, gặt hái nhiều thành công, trong đó có giải Grammy “Rock Record Of The Year”. Năm 1999, dĩa này được tung ra lần thứ nhì với thêm bài “Sweet Child O’Mine” (sáng tác của Guns ‘n Roses được Crow hát lại). Bài này xuất hiện trong phim “Big Daddy”, và cuối năm 1999 Sheryl Crow nhờ nó mà được bầu chọn “Best Female Rock Vocal Performance”. Chưa hết, bài “There Goes The Neighborhood” đến từ dĩa này cũng vượt lên hàng top hit, và Sheryl Crow lượm thêm một giải Grammy nữa vào năm 2001. Sang năm 2002 dĩa “C’mon, C’mon” ra đời, và Sheryl Crow một lần nữa đoạt giải Grammy “Rock Female Vocal Performance” với bài “Steve MacQueen”.
Mãi đến năm 2013, sau khi sinh sống ở Nashville một thời gian khá lâu, Sheryl Crow mới nhúng chân vào thế giới nhạc country và cho ra dĩa “Feels Like Home”. Ðây là dĩa nhạc top hit đầu tiên của Crow kể từ năm 2005 và dĩa country Top 20 thứ nhất. Hiện Sheryl đang có dự án phát hành một dĩa mới, song ca với một số nghệ sĩ khác, và quay về với thể nhạc rock xưa của mình hơn là nhạc country. Ðể xem nó sẽ ra sao.
Trong sự nghiệp ca hát và sáng tác của mình, Sheryl Crow đã phát hành tất cả mười dĩa hát (tính đến 2017), bán trên 50 triệu dĩa, được đề cử Grammy cả thảy 32 lần, và đoạt giải 9 lần. Không những đàn guitar, Sheryl Crow còn biết đánh bass, thổi harmonica và chơi accordion. Ngoài việc hát nhạc của mình, Sheryl Crow đã từng hợp tác với vô số nghệ sĩ lớn như: Rolling Stones, Dixie Chicks, Jerry Lee Lewis, Prince, Eric Clapton, Luciano Pavarotti, B.B. King, Tony Bennett, Sting, Bob Dylan v.v.
Ðầu thập niên 2000 Sheryl cặp bồ với tay đua xe đạp Lance Armstrong. Hai người đính hôn nhưng không được bao lâu sau thì cuộc tình đổ vỡ. Vào năm 2006 Sheryl Crow phát hiện mình bị ung thư vú. Rất may bệnh của cô chỉ mới ở giai đọan đầu nên cô chỉ mất vài tháng để chữa trị và điều dưỡng. Không lâu sau đó cô lại tiếp tục làm nhạc và lưu diễn. Năm 2008 Sheryl Crow chính thức ủng hộ ứng cử viên tổng thống Barack Obama và đã trình diễn tại đại hội đảng Dân Chủ ở Denver, Colorado.
Về mặt xã hội, Sheryl Crow là một nhà hoạt động tích cực bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, Sheryl Crow còn là thành viên của David Lynch Foundation DLF), một tổ chức khuyến khích đem phương pháp thiền tập Transcendental Meditation vào trong học đường để giúp trẻ em tập trung, cũng như vào trong quân đội để chữa trị cho những chiến binh bị hội chứng “hậu chấn-thương tâm-lý”, tức Post-Traumatic Stress Disorder (PTSD). Sheryl Crow đã từng tham gia những chương trình gây quỹ cho DLF với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ lớn như Clint Eastwood, Paul McCartney, Ringo Starr, Sean Lennon v.v…
Việc Willie Nelson mời Sheryl Crow tham dự Outlaws Festival của mình cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Trong số các nhạc sĩ country, Willie Nelson thuộc thành phần “cấp tiến”, thiên về phía tả hơn là hữu, tức Democrat hơn là Republican. Nhưng cách Willie Nelson và Sheryl Crow thể hiện quan điểm của mình rất khác với Roger Waters. Trên sân khấu họ không hề nhắc đến chuyện chính trị, họ chỉ mượn những bài hát của mình để truyền đạt những thông điệp được ẩn giấu một cách khéo léo. Nhiều bài kêu gọi sự đoàn kết, chống tình trạng phân rẽ bằng những lời ca rất đời thường và chân thật.
Tuy không có con riêng, nhưng Sheryl Crow đã nhận một đứa bé sơ sinh làm con nuôi vào năm 2007, đặt tên là Wyatt Steven Crow. Năm 2010 Sheryl lại nhận thêm một bé trai nữa về nuôi, tên là Levi James Crow, sinh ngày 30/4/2010. Ngày nay hai đứa con nuôi này là niềm vui bất tận cho Sheryl Crow. Cô tâm sự hai chú bé rất nghịch, thường đem những bài nhạc của Mẹ mình ra để đặt lời mới, thường là không được “sạch sẽ” cho lắm!
Xét cuộc đời nhiều thành tựu nhưng cũng đầy sóng gió của Sheryl Crow, chúng ta cũng mừng cho người nghệ sĩ đa tài này đã tìm được một sự thăng bằng trong cuộc sống. Rất mong sẽ còn nhiều dịp để nghe cô đàn hát, nhất là chơi khẩu cầm, một nhạc cụ hiếm thấy phụ nữ sử dụng. Hy vọng năm tới Willie Nelson sẽ mời cô tham gia lần nữa.
IB