
Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nhận định như sau về thơ Mai Thảo:
Trong bài “Thơ Mai Thảo, tiếng mưa thầm rơi trên Nam Hoa Kinh” trước, đăng trên Văn Học số 49 (1990), sau, đăng lại trên Hợp Lưu số 16 (1994), tôi đưa ra luận điểm: đặc điểm nổi bật nhất trong văn xuôi Mai Thảo là chất thơ, và Mai Thảo, tự bản chất, là một nhà thơ. Tuy nhiên, tôi không hề có ý định xem thơ là phần chính trong sự nghiệp văn học của ông. Làm thế là tội nghiệp cho ông: thứ nhất, nó có vẻ như một lời chê trách, ngầm ý cho cả đời ông là một sự nhầm đường; thứ hai, thơ Mai Thảo hay, có bài thật hay, nhưng nhìn chung có lẽ đó không phải là một cái hay có khả năng mở ra những ngã rẽ quan trọng. Trong thế giới thơ, Mai Thảo là một thứ trái muộn, nó chín vào cuối mùa. Như Quách Tấn, cuối mùa cổ điển. Như Vũ Hoàng Chương sau năm 1954, cuối mùa lãng mạn. Cái đẹp của thơ Mai Thảo, tuy mặn mà và sắc sảo, vẫn là một cái đẹp về chiều. Của những mệnh phụ. Của những tà dương. (Nhớ hai câu thơ của Lý Thương Ẩn, đời Đường: Tịch dương vô hạn hảo / Chỉ thị cận hoàng hôn.)
Với chúng ta, thơ Mai Thảo luôn luôn có một vị trí đặc biệt trong trí nhớ và cảm xúc. Sau đây, mời các bạn thưởng thức ba bài thơ mới tìm lại được của Mai Thảo qua ghi nhận trong Sổ Tay Nguyễn Xuân Hoàng.
NGUYỄN & BẠN HỮU.
Anh Nguyễn Ðăng Khánh, bào đệ của nhà văn Mai Thảo vừa gửi cho Sổ Tay ba bài thơ mới tìm được của tác giả Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền. Anh cho biết ba bài thơ này do anh Nguyễn Ðức Chấn, cháu của Mai Thảo, tìm thấy tại Việt Nam hồi đầu năm 1999 khi Chấn về Sài Gòn đón mẹ sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình. Thư anh Khánh viết “Chấn đã cố tìm ở nhà chị tôi [mẹ của Chấn] nơi anh Mai Thảo thường tới ẩn náu khi bị chế độ mới truy lùng trong những năm 1975-78, một tấm ảnh mà Chấn đã chụp anh Mai Thảo với chị Kiều Chinh tại nhà hàng La Pagode. Mặc dù không tìm thấy tấm ảnh nhưng Chấn đã tìm được một tờ giấy trên đó anh Mai Thảo ghi ba bài thơ nhan đề Hình Tượng, Thủy Tinh và Kim. Sau hơn 20 năm, tờ giấy đã vàng, nét chữ đã mờ, rất khó đọc, nhưng vẫn là nét chữ của anh Mai Thảo. … Ba bài thơ trên xác định một điều: Anh Mai Thảo làm thơ từ nhiều năm trước đấy chứ không phải [mới làm thơ] vào những năm gần cuối đời với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền xuất bản vào năm 1989…”
Cùng với những bài thơ, anh Nguyễn Ðăng Khánh gửi cho Sổ Tay tấm ảnh [màu] do nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh chụp Mai Thảo ngồi với thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Trên góc trái bức ảnh, dưới chữ ký của Cao Lĩnh, tôi thấy dòng chữ viết tay: Dưới thềm gác mây 1974.

Bức ảnh mà tôi đã có lần ghi trong Sổ Tay là đã nhìn thấy trên vách phòng anh Mai Thảo trongcăn phòng nhỏ anh ở trên đường Bolsa, phía sau nhà hàng Song Long. Xin ghi lại nguyên văn ba bài thơ của anh như một tưởng niệm ngày anh qua đời và đồng thời là một đóng góp cho các nhà phê bình văn học những sáng tác còn bỏ quên của thi sĩ / nhà văn Mai Thảo:
Hình Tượng
Từ trong cửa tối nhìn ra
Thấy gần: bóng lá, thấy xa: biển trời
Lá lay, bóng cách ngăn đời
Biển im, hình tượng cõi người không ta.
Thủy Tinh
Trở mình chăn chiếu mênh mông
Giấc mơ chật hẹp vẫn trong cuộc đời
Mộng ta không xóa nổi người
Ðáy đêm còn đọng tiếng cười thủy tinh.
Kim
Miếng da bịt mắt thành đêm
Cây kim khâu miệng thành im lặng mồ
Tay chân, dây trói bao giờ
Da, kim, dây ấy bây giờ là ta.
Khẩu khí ấy, chữ nghĩa ấy không thể là ai khác, ngoài Mai Thảo.
Tôi vẫn thường nghĩ Nguyễn Ðình Vượng là cha đẻ của tạp chí Văn, và Mai Thảo là người đã tiếp sức tồn tại đến hôm nay nếu không có Mai Thảo.
Nguyễn Xuân Hoàng