Thời gian mùa hè của khu vực bắc bán cầu bắt đầu từ ngày 20 Tháng 6 kéo dài cho đến hết ngày 22 Tháng 9 mỗi năm. Nếu tính như vậy thì ta có thể nói mùa hè năm 2017 này được đánh dấu bởi những thiên tai: hết bão rồi lại tới động đất xảy ra liên tiếp gây thiệt hại nặng nề cả về tài sản lẫn nhân mạng. Ít nhất có ba cơn bão lớn xuất hiện trong vùng biển Đại Tây Dương sau đó đổ vào đất liền tàn phá không thương xót từ khắp vùng quần đảo Caribbean kéo lên đến khu vực Bắc Mỹ. Những cơn bão chưa kịp chấm dứt thì những cơn động đất đã ập đến, lần này ở quốc gia láng giềng phía nam nước Mỹ là Mexico.

Hai trận động đất mạnh khủng khiếp, chỉ cách nhau 12 ngày, đã làm rung chuyển Mexico trong Tháng 9 này, làm nhiều toà nhà đổ nát, gây hoảng loạn cho nhiều triệu người dân, và làm thiệt mạng nhiều trăm người.
Trước nửa đêm ngày 7 Tháng 9, một trận động đất có cường độ 8.1 Richter – cơn động đất mạnh nhất đo được ở Mexico trong vòng một thế kỷ nay – rung chuyển mặt đất trong một khu vực rộng lớn của đất nước này, gây thiệt hại cho vùng phía nam, là nơi gần với tâm chấn nhất, cách không xa bờ biển phía tây thuộc Thái Bình Dương.
Sau đó, vào hôm Thứ Ba ngày 19 Tháng 9, trong khi các giới chức chính quyền còn đang trong nỗ lực dọn dẹp những đổ nát và khôi phục lại những gì còn sót lại sau trận động đất trước, thì một trận động đất khác với cường độ đo được là 7.1 Richter với tâm chấn ở khoảng 100 dặm phía đông nam của thành phố Mexico City, gây thiệt hại còn nặng nề hơn trận động đất trước và làm rung chuyển ngay tại khu vực thủ đô. Một sự trùng hợp đến kỳ lạ là vụ động đất thứ nhì này xảy ra vào đúng ngày kỷ niệm 32 năm một vụ động đất lớn khác vào năm 1985 làm thiệt mạng khoảng 10,000 người cũng tại Mexico.

Những trận động đất lớn thường hay xảy ra tại Mexico, theo các nhà địa chất học, là vì địa thế của quốc gia này nằm trên một khu vực được gọi vùng hút chìm (subduction zone) – là khu vực mà một mảng vỏ trái đất (plate) đang trượt dần xuống bên dưới của một mảng vỏ khác.
Trong trường hợp của Mexico, mảng đại dương (oceanic plate) – có tên gọi là Cocos – đang dần dần chìm xuống bên dưới một mảng lục địa (continental plate) – có tên gọi là North American.
Sự hút chìm đó sau một thời gian tạo nên sức ép do sự cọ xát giữa hai mảng vỏ trái đất, và tới một lúc nào đó, sức ép đó trở nên quá lớn mà tất cả năng lượng dồn nén trong đó thoát ra ngoài gây ra sự rung chuyển dưới lòng đất mà chúng ta gọi đó là động đất, hay văn hoa hơn, là cơn địa chấn.
Theo nhà địa chất Gavin Hayes thuộc cơ quan Nghiên cứu Ðịa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết cả hai trận động đất lớn vừa qua đều xảy ra trong vùng hút chìm này – là khu vực chạy dọc theo vùng duyên hải của Trung Mỹ, từ trung bộ Mexico đến Panama. Các chuyên gia nghiên cứu địa chất cũng cho biết thêm là nhiều vùng hút chìm khác nằm rải rác trên khắp địa cầu và cũng là những khu vực mà những trận động đất lớn nhất trên thế giới đã từng xảy ra trước đây.

Cũng theo tiến sĩ Hayes, trên thực tế, những trận động đất với cường độ 9.0 hoặc hơn chỉ có thể xảy ra trong những khu vực được gọi là vùng hút chìm. Một vài ví dụ của những trận động đất cực mạnh xảy ra gần đây như trận động đất có cường độ 9.1 xảy ra bên ngoài bờ biển Nhật Bản năm 2011, trận động đất có cường độ 9.1 tại Nam Dương năm 2004, trận động đất có cường độ 9.2 xảy ra tại Alaska trong ngày Thứ Sáu Tuần thánh (Good Friday) năm 1964 và trận động đất cường độ 9.5 làm rung chuyển Chile năm 1960 – được ghi nhận là trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay.
Một điểm cần chú ý là trận động đất hôm 7 Tháng 9 mạnh hơn nhiều so với trận động đất hai tuần sau đó nhưng lại gây thiệt hại ít hơn là vì tâm chấn của trận thứ nhất nằm ở ngoài đại dương, xa những khu vực có mật độ dân số cao. Trong khi tâm chấn của trận động đất thứ nhì nằm rất gần với thủ đô Mexico City, có dân số khoảng 20 triệu nếu tính luôn những khu vực ngoại ô lân cận.
Hơn nữa, thủ đô Mexico City được xây trên đáy của một hồ cổ đại với bên dưới là lớp đất trầm tích rất mềm – là loại địa chất mà khi động đất xảy ra thì rung chuyển mạnh hơn là khu vực có lớp đá cứng bên dưới. Một mô hình điện toán của trận động đất thứ nhì cho thấy sức rung mạnh nhất là ở những phần đất thấp của khu vực thung lũng Mexico, được xem như là cái nôi của thành phố, và sức rung yếu dần đi ở những điểm giáp nối với khu vực đồi bao quanh thành phố.
Người Tây Ban Nha bắt đầu cho xây dựng thành phố Mexico City bên trên đống đổ nát của thủ đô Tenochtitlan thuộc đế chế Aztec sau khi họ chiếm được vào năm 1521. Thành phố của đế chế Aztec này nằm trên một hòn đảo trong hồ Texcoco, nhưng đã được người Tây Ban Nha cho rút nước xung quanh hồ trong nhiều thế kỷ sau đó và từ từ mở mang thành phố lấn sang những vùng đất bên ngoài.
Ngày nay, phần lớn diện tích của thành phố nằm trên những lớp cát và đất sét – dày khoảng gần 100 mét dưới lòng đất – mà trước đây là đáy hồ. Những lớp đất trầm tích mềm và ướt này làm cho cả khu vực thành phố trở thành một nơi đặc biệt có nguy cơ tổn thất cao khi có những cơn động đất và những vấn đề thiên tai khác xảy ra.

Trong trận động đất vừa qua, những lớp đất trầm tích lỏng lẻo bên dưới gần với bề mặt trái đất làm cho những đợt sóng rung di chuyển rất chậm trong khoảng từ một dặm rưỡi (hai cây số rưỡi) đến khoảng 150 bộ Anh (50 mét) mỗi giây đồng hồ. Sóng rung di chuyển càng chậm thì biên độ của sóng (amplitude) càng trải rộng ra, tựa như một cơn sóng thần đang ập vào bờ biển, và gây ra những cơn rung bạo động hơn.
Tệ hại hơn, lớp đất đá sâu và đặc hơn ở bên dưới lớp đất trầm tích lỏng lẻo phía trên làm cho những đợt sóng rung ở lại lâu hơn trong vùng thung lũng bao quanh thủ đô và những cơn rung không những trở nên mạnh hơn mà còn kéo dài thời gian hơn.
Thông thường, mỗi năm có khoảng một trận động đất với cường độ 8 hoặc cao hơn xảy ra ở một nơi nào đó trên thế giới và khoảng một chục trận động đất với cường độ 7.
Tính ra cho đến nay, năm 2017 được cho là một năm tương đối “yên tĩnh” về động đất. Theo số liệu của cơ quan Nghiên cứu Ðịa chất Hoa Kỳ, cho tới thời điểm này đã có khoảng 4,200 trận động đất có cường độ 4.5 hoặc hơn đã xảy ra trên thế giới. So với cùng thời điểm này của năm 2016 và 2015 có vào khoảng 5,100 trận động đất có cùng cường độ đã xảy ra, và năm 2014 là gần 6,000.
Ở Mỹ có hai khu vực được liệt kê thuộc vùng hút chìm. Một ở tiểu bang Alaska, đã gây ra cơn động đất cường độ 9.2 năm 1964 như nói ở trên, và vì vậy, theo tiến sĩ Gavin Hayes, một trận động đất có cường độ mạnh như thế có lẽ sẽ không xảy ra trong vòng mấy trăm năm nữa.
Một vùng hút chìm khác có tên là Cascadia, chạy dọc theo bờ biển Thái Bình Dương thuộc vùng duyên hải phía tây của hai tiểu bang Oregon và Washington, với mảng vỏ Juan de Fuca đang lấn về hướng đông và trượt dần xuống bên dưới của mảng North American.
Vùng hút chìm Cascadia lần cuối cùng gây ra một trận động đất có cường độ 9.0 tại khu vực tây bắc nước Mỹ là vào thế kỷ 18, và nếu tính theo nhịp độ thời gian một trận động đất lớn như thế có thể xảy ra, tiến sĩ Hayes cho biết một trận động đất có cường độ tương tự có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Một trận động đất lớn cỡ đó, và cơn sóng thần do động đất gây ra sau đó, sẽ tàn phá cả Oregon lẫn Washington, đặc biệt là vùng duyên hải của hai tiểu bang này.
Riêng với tiểu bang California, nổi tiếng là nơi có nhiều trận động đất nhất nước Mỹ, có đường nứt San Andreas chạy dọc từ bắc xuống nam trong khu vực phía tây của tiểu bang, có khả năng gây ra một trận động đất với cường độ có thể lên tới 8.2 Richter. Một trận động đất như thế trong khu vực này sẽ nằm tương đối nông bên dưới mặt đất và các chuyên gia địa chất cho rằng nó có thể gây thiệt hại rất nặng cho tiểu bang đông dân nhất này.
Vậy ta có thể nói, tất cả vùng duyên hải phía tây của nước Mỹ hiện đang nằm trong một khu vực có nguy cơ xảy ra một trận động đất lớn tương đương hoặc hơn hai trận động đất ở Mexico vừa qua, và sự thiệt hại sẽ không thể tưởng tượng nổi.
VH