
Chuyện là cô gái nói chia tay với chàng trai vì biết chàng trai ngủ với vài người khác (không rõ là gái hay trai) trong lúc nói với cô “trọn đời này anh chỉ yêu mình em”. Thế là sau bao nhiêu nỗ lực níu kéo không thành, chàng trai quyết định đốt tiệm của cô gái. Ðó là một shop bán đồ da (giày da, túi da, phụ kiện da), còn da thiệt hay giả thì dĩ nhiên tôi không biết. Hiện trường cho thấy vụ cháy lan từ shop qua spa cách bên đó 1 căn nhưng ngộ một điều là cái nhà bán đồ chữa cháy kế bên shop thì vẫn nguyên vẹn (mời xem hình). Sau đó chàng trai nhận 12 năm tù và phạt 800 triệu đồng. Sau khi biết vụ cháy, toàn thể cư dân mạng đã truy tìm bằng được… Facebook của hai nhân vật chính. Họ ùn ùn vào chia buồn với cô gái xong tất tả chạy qua tổng xỉ vả, nguyền rủa “kẻ thủ ác” (dĩ nhiên là cũng trên Facebook vì chàng trai đang trong một trại giam nào đó). Bỗng dưng, sau một ngày im lặng, cô gái (kiêm nạn nhân) liền biên một “status” thật dài “Xin mọi người hiểu và thông cảm” cho anh kia, nói rằng anh ấy vì quá yêu mà bồng bột. Chính anh ta đã đi tự thú và bảo với cô “đừng lo chuyện tiền bạc, gia đình anh ta sẽ lo hết”. Thế là cư dân mạng lại tiếp tục chạy vào tung hô, khen ngợi cô gái mất mấy ngày. Xong, sau đó, sự việc nguội lạnh. Ai về nhà nấy. Như chưa hề có vụ cháy nào, chuyện tình yêu nóng nảy kia cũng sớm lụi tàn, vì những vụ có mô típ chồng vợ đốt nhau, người yêu đốt nhà nhau vì ghen tuông hay hận tình đã quá cũ đối với các “tín đồ” của bản tin thời sự Việt Nam. Ngoài ra, chỉ cần bấm vào khung tìm kiếm “Ðốt nhà…” thì lại biết thêm 1001 lý do để những cái nhà vô tội bị đốt một cách vô… tư. Ví dụ: Ðốt nhà bạn thân vì “Unfriend” mình trên Facebook; buồn chuyện gia đình phóng hỏa đốt nhà; vợ con đi xa, chồng đốt nhà vì… buồn chán; xin tiền mua xe không được, quý tử phóng hỏa đốt nhà; thanh niên cược 50 nghìn like sẽ đốt nhà… Ngoài mấy tựa đề giật gân trên bạn cũng sẽ được/bị may mắn biết thêm nhiều thứ. Không chỉ nhà mà bất cứ thứ gì cũng có thể tiêu tan trong tay bà hỏa vì một lý do lãng xẹt như chợ cháy vì quá… cũ, chung cư cháy (tại) nằm trong… diện di dời, tòa nhà cháy (vì) nằm trong khu đất “vàng”, người ta tới trước cửa đồn công an tự… cháy!!

Chuyện cháy bình thường như vậy thì tôi kể làm gì? Dĩ nhiên, tôi cũng thấy chuyện này bình thường, cũng không thích để tâm. Cho đến khi tôi “lội” comment đọc được không biết bao nhiêu là bình luận kiểu: “Không yêu cũng đốt nhà. Bọn trẻ Việt Nam bây giờ….” theo sau đó là những từ ngữ chửi bới có, đau xót có, sâu sắc có, triết lý cũng có mà đầy thô tục, tổng xỉ vả, uất hận căm hờn cũng có. Nói chung, trong các cái comment kia, “Bọn trẻ Việt Nam bây giờ…” hết xài! Nó làm tôi liên tưởng tới một status mà tôi lưu từ Facebooker Minh Phạm cách đây vài ngày. Nội dung như sau:
“Một thế hệ lạc lối.
Thấy gì ở thế hệ trẻ VN hôm nay?
– Cùng nhau cầm chảo xuống đường, diễn hành náo nhiệt, tưng bừng khắp các tuyến phố.
– Vạ vật xếp hàng xuyên đêm chờ đến giờ khai trương quán cafe Hàn Quốc, cửa hàng thời trang châu Âu.
– Háo hức mong chờ rồi khóc như mưa tuôn khi được gặp thần tượng K-Pop.

– Sống ảo câu like rồi thỉnh thoảng offline giải quyết ân oán kéo theo hàng ngàn fans tụ tập xuống đường gây náo loạn.
– Cụng ly côm cốp, hào hứng dzô trăm phần trăm trong các quán nhậu, hơn thua nhau trên những chai bia, quyết thắng bại qua những ly rượu.
Ðể rồi thấy:
– Họ im lặng khi giặc Tàu xâm phạm chủ quyền đất nước, ngang nhiên tung hoành trên biển Ðông.
– Họ thờ ơ trước thảm họa môi trường biển miền Trung, bô-xít Tây Nguyên và vô số tai ương khác đang hoành hành trên đất nước này.

– Họ bàng quan trước vấn nạn tham nhũng, không mảy may bận tâm tiền thuế của mình đi đâu và về đâu. Họ cũng không cần biết ai đang lãnh đạo đất nước này, điều hành nó ra sao.
– Họ vô cảm trước những bất công, những thối nát xã hội và hiện tình đất nước. Họ vô cảm với tất cả.
Ðể rồi đau đớn nhận ra rằng: Thế hệ trẻ VN hôm nay là một thế hệ lạc lối!”
Bên dưới status trên, như thường lệ, vẫn là những từ ngữ chửi bới có, đau xót có, sâu sắc có, triết lý cũng có mà đầy thô tục, tổng xỉ vả, uất hận căm hờn cũng có. Nói chung, trong các cái comment kia, “Thế hệ trẻ Việt Nam lạc lối…” thiệt!

Ðọc xong từng cái comment, tôi nghĩ, sao thấy… ghê quá! Tôi bỗng nghiệm ra rằng không chỉ làm người lớn ở Việt Nam cực khổ mà làm “bọn trẻ”, “thế hệ trẻ” Việt Nam cũng rất-vô-cùng cực khổ, có khi mệt mỏi hơn người lớn vạn lần để trở thành một người lớn như mọi-người-lớn-thông-thái ở đất nước này đang mong muốn!
Bản thân là một người-hơi-trẻ (có “lợi thế” là ÐANG Ở VIỆT NAM), tuy tôi không cầm chảo chạy vòng vòng phố đi bộ nhưng tôi thấy trò đó chả có gì gây “nhục quốc thể” cả. Các người-lớn-thông-thái đang ngồi chửi rủa kia bộ hồi nhỏ đến lớn chưa làm chuyện gì điên rồ sao? Chưa bao giờ tham gia những trò mà khi nhìn lại thấy một tinh thần ngu-ngốc-tập-thể “nhưng mà vui” sao? Tuy tôi không vạ vật xếp hàng chờ khai trương quán cà phê Hàn Quốc, khai trương cửa hàng thời trang Châu Âu để được nhận tiền công và tặng quà nhưng tôi đã đọc rất nhiều bài báo rủa sả dân Việt không có trật tự, không biết xếp hàng, bất chấp tính mạng của bản thân lẫn người khác nhào tới. Tôi nghĩ không ít người đã đọc các bài báo về các mùa lễ hội (chưa đọc thì mời google và đọc). Ða phần là người lớn, bỏ tiền ra để giẫm đạp lên nhau tranh “lộc”. Hay mỗi kỳ iPhone ra mắt sản phẩm mới hoặc một thương hiệu nào đó “big sale”, thưa các người-lớn-thông-thái, các vị có xếp hàng hay không? Tôi không háo hức mong chờ thần tượng nước ngoài (có thể vì luôn tự thần tượng mình, chắc các người-lớn-thông thái cũng thế), nhưng ngoài những chuyện quá lố như hôn ghế thần tượng hay phẫu thuật thẩm mỹ để giống thần tượng thì tôi thấy chuyện chờ mong thần tượng chả có gì to tát. Tuổi trẻ cũng cần có những sở thích, sở ghét riêng chứ. Hãy ngó vô nền báo chí và các “nghệ sĩ” đương thời của Việt Nam đi, các người-lớn-thông-thái muốn “thế hệ trẻ” thần tượng ai? Các “mỹ nhân” dao kéo đi khách ngàn đô hay các “soái ca” tối ngày trăng hoa ong bướm với các “soái ca” khác? Thiệt ra, biết đâu nhờ chúng hâm mộ một “ộp pa” Hàn Quốc mà biết đôi chút tiếng Hàn, nhờ hâm mộ một ngôi sao nhạc Pop của Mỹ mà học nhanh Anh Ngữ (những trường hợp này tôi biết nhiều). Hãy dạy chúng cách làm một “fan” văn minh thay vì ngồi chỉ trích rồi không làm gì! Chuyện sống ảo, câu like thì ngay cả tôi cũng… thích huống gì bọn trẻ. Vậy những người-lớn-thông-thái lúc đó ở đâu mà mắng mỏ bọn nhỏ? Thì cũng ở trên mạng, họ không ‘sống ảo câu like”, họ chỉ đang chỉ trích những người “sống ảo câu like” thôi! Họ thật vĩ đại! Còn cái cảnh “Cụng ly côm cốp, hào hứng dzô trăm phần trăm trong các quán nhậu, hơn thua nhau trên những chai bia, quyết thắng bại qua những ly rượu” khi được viết ra để chỉ trích “Thế hệ trẻ Việt Nam” thì các người-lớn-thông-thái đã bỏ nhậu hết chưa? Trong khi quán nhậu, quán cà phê mọc lên như nấm khắp Sài Gòn, không khi nào ngơi khách, bọn trẻ không thèm vô, chúng đi uống trà sữa cũng bị nói là tiêu pha hoang phí! Vậy những-người-lớn-thông-thái muốn “thế hệ trẻ Việt Nam” sống sao? Chui rúc trong nhà, không có đam mê, không có sở thích, chỉ nhồi nhét vào đầu những kiến thức một chiều rồi… vẫn bị chửi bởi những dòng ở trên?

Trong khi cả thế giới (đặc biệt là Việt Nam) “phát sốt” vì “Cô bé 8 tuổi viết thư “mời” ông Obama xử nước nhiễm chì”, “Cô bé 11 tuổi gây sốt với lập luận ủng hộ Trump” thì những cô bé, cậu bé gấp đôi, gấp ba số tuổi trên, bao nhiêu người biết được tên của “tổng thống” nước mình? Bao nhiêu người đã được cầm lá phiếu cử tri chứ nói gì chuyện ủng hộ “tả hay hữu”. Trong khi các ông bà cụ trải qua hai cuộc chiến vẫn còn đang cãi nhau ỏm tỏi trên mạng về một cái lịch sử mơ hồ được vẽ ra từ một vị đạo diễn nước ngoài thì “bọn trẻ”, “thế hệ trẻ” được nuôi dưỡng bởi nguồn thông tin một chiều, lớn lên cùng nó biết vịn vào đâu, biết tìm đường/chỗ nào để kiểm chứng? Trách chúng không quan tâm chủ quyền đất nước, trách chúng thờ ơ với thảm họa môi trường, trách chúng bàng quan với vấn nạn tham nhũng, trách chúng vô cảm với những bất công, thối nát của xã hội… Vậy những người lớn đầu chứa một biển kiến thức, tim chứa một trời yêu nước, tâm hồn chứa hàng triệu sợi dây rung cảm kia có làm tròn trách nhiệm của một người lớn không? Chính họ có nói cho con họ biết ai là chủ tịch nước, Trung quốc đã làm gì, tham nhũng là gì, hay xã hội này thối nát ra sao từ khi chúng 8 tuổi, 11 tuổi hoặc gấp đôi gấp ba số đó chưa? Hoặc chính họ – những-người-lớn-thông-thái có hiểu hết những điều họ đang đòi hỏi “thế hệ trẻ” hiểu không?

“Thế hệ trẻ Việt Nam” hay “Thế hệ không-trẻ Việt Nam” là một thế hệ lạc lối đây? Dĩ nhiên “thế hệ không-trẻ” tôi không có quyền bình phẩm, nhưng tôi xin khẳng định “thế hệ trẻ Việt Nam” không hề lạc lối. Chúng đi đúng lối mà nền giáo dục, văn hóa, xã hội ở nơi chúng đang sống vạch ra, đưa đường dẫn lối. Những đứa trẻ “lạc lối” thật sự thì sắp/đang/đã đi du học hoặc được “xuất khẩu” bằng các học bổng nước ngoài hết rồi. Ðơn cử là vừa rồi, cư dân mạng ùn ùn chúc mừng nước Úc có thêm một nhân tài khi “cậu bé Google” Phan Ðăng Nhật Minh đoạt quán quân của chương trình Ðường lên đỉnh Olympia – Việt Nam 2017. Vì trong 16 quán quân trước, có một vị ở lại Việt Nam “chống lầy” xây dựng đất nước còn 15 vị kia đã… lạc lối.
Có ai nói cho “bọn trẻ”, “thế hệ trẻ” biết chúng đang sống ở một đất nước mà vì một mâu thuẫn nhỏ có vài người đâm nhau chết, người lớn thì viết đơn xin được chết, xin được đi tù, trẻ nhỏ bị ấu dâm hàng loạt, vật nuôi bị chủ chặt chân khi đang khỏe mạnh, không sa đọa vì tệ nạn thì cũng sang ngang vì ung thư, khi ung thư thì lại “được” trị bằng thuốc… “kém chất lượng, không dùng cho người”, khi nói sự thật thì bị bịt miệng, nói lời giả dối làm chuyện ác thì rất không may sẽ được thăng quan tiến chức, ăn học chuyên cần mười mấy năm không sánh bằng hai chữ “gia thế”…..? Hay mạnh cha, mẹ, ông, bà xếp hàng sáng đêm để “chạy” trường điểm cho con, mạnh thầy cô “nhồi nhét” kiến thức cũ kỹ, ba xạo cho học trò, mạnh xã hội ngả nghiêng đè bẹp lòng tốt vừa mới nẩy mầm… xong rồi giả bộ thông thái lắc đầu khóc thét, “Ðể rồi đau đớn nhận ra rằng:
Thế hệ trẻ VN hôm nay là một thế hệ lạc lối!”
Xin lỗi mấy cha! Ðất nước như hiện nay không biết ai lạc lối.
DU