Menu Close

8.3 tỷ tấn rác nhựa

Ngày 19.7.2017, tập san Science Advances công bố: “Chất dẻo hay nhựa (plastique) là vật liệu được con người sản xuất ra đứng hàng thứ 3, về mặt số lượng, chỉ sau ciment và thép. Thực hiện bởi các khoa học gia Hoa Kỳ, nghiên cứu này đã đưa ra bảng phân tích toàn diện đầu tiên về việc sản xuất, sử dụng và nơi đến cuối cùng của các sản phẩm từ chất dẻo trên toàn thế giới. 

rac-nhua1
Một bãi rác ở Lusaka, Zambia – nguồn RTL.FR

Dựa vào số liệu sản xuất thu thập được ở từng quốc gia, các khoa học gia ghi nhận trong 65 năm qua, con người đã tạo ra 8.3 tỷ tấn chất dẻo, tức tương đương với trọng lượng của 822,000 tháp Eiffel, hay 80 triệu con cá voi. Từ 1950  đến nay, 6.3 tỷ tấn trong tổng số sản xuất ra, đã trở thành chất thải, trong đó chỉ có 9% được tái chế, 12% được đốt và 79% được chôn trong các bãi rác hay ‘lưu lạc’ trong thiên nhiên.

Ngày nay,  chúng ta khó có thể tưởng tượng ra một thế giới không có nhựa, nhưng việc sử dụng trên diện tích rộng chất liệu này đã khởi đầu từ thập niên 1950. Roland Geyer, đồng tác giả của nghiên cứu này, nhà nghiên cứu sinh thái học công nghiệp thuộc Trường Ðại học California, Hoa Kỳ, giải thích: “Con người đã bắt đầu sản xuất ra polymer từ thập niên 1930, nhưng sản xuất hàng loạt chỉ thực sự bắt đầu từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến”.

Kể từ đó, chất liệu này đã phát triển theo cấp số nhân. Từ 1 triệu tấn vào năm 1950, số lượng sản xuất chất dẻo trên toàn thế giới đã vượt quá 380 triệu tấn vào năm 2015, vượt qua hầu hết các loại vật liệu tổng hợp khác. Roland Geyer nhấn mạnh: “Thép mà chúng ta sản xuất ra được dành cho xây dựng, và do đó có thời gian sử dụng trong nhiều thập kỷ. Ðối với nhựa thì ngược lại: một nửa trong số sản phẩm từ nhựa trở thành rác thải chỉ sau 4 năm sử dụng, hay ít hơn”.

Một trong những vấn đề nan giải nằm ở phần  bao bì là thị trường này chiếm gần phân nửa của một vài loại nhựa, thế mà thời gian sử dụng của chúng dưới 1 năm, trong khi thời gian sử dụng chất liệu này trong lĩnh vực máy móc công nghiệp có thể lên đến 50 năm, thậm chí trên 60 năm trong ngành xây dựng.

Trên thế giới, thắng lợi của nhựa cho thấy không có dấu hiệu chậm lại. Một nửa trong tổng số lượng sản xuất từ 1950 đến 2015 được tạo ra trong 13 năm gần đây nhất. Jenna Jambeck, đồng tác giả của nghiên cứu, nữ Giáo sư khoa công nghệ thuộc Trường Ðại học Georgia, Hoa Kỳ, nhấn mạnh: “Có nhiều người vẫn còn nhớ một thế giới không có nhựa. Nhưng hiện nay, vật liệu này đã có mặt ở khắp nơi đến độ bất cứ nơi nào bạn đến đều có thể thấy rác thải từ nhựa trong môi trường, bao gồm cả các đại dương”.

Năm 2015, nhóm nhà nghiên cứu này đã công bố trên tập san Science kết quả nghiên cứu của họ về mức độ tác hại của vấn đề này trong môi trường biển. Trong khi số lượng chính xác là gần như không thể xác định, họ ước tính rằng 8 triệu tấn loại rác thải này đã được tuôn xuống biển chỉ trong năm 2010!

Tình trạng ô nhiễm biển là đáng lo ngại nhất. Tổng cộng có hơn 660 loài cá, động vật có vỏ và động vật có vú, cũng như một nửa các loài chim biển, có thể bị đe dọa vì ăn phải mảnh vỡ của các loại bao bì bằng nhựa. Tháng 3 năm 2012, 17 kg chất thải có nguồn gốc từ nhựa đã được tìm thấy trong dạ dày của một con cá nhà táng (cachalot) bị mắc cạn trên bãi biển Andalousie. Sự ô nhiễm lan rộng tới tận những nơi xa xôi nhất hành tinh. Từ những hòn đảo xa xôi nhất như Henderson nằm ở phía nam Thái Bình Dương, đến những đỉnh núi cao nhất của hành tinh. Tháng 4 cùng năm, một chiến dịch dọn dẹp vệ sinh trên núi Everest đã thu về được 5 tấn chất thải chánh yếu là nhựa.

Ðể ngăn chặn rác thải từ nhựa tràn ngập ra môi trường dưới nước cũng như trên mặt đất, giải pháp duy nhất là tái chế chúng. Từ năm 1980, 600 triệu tấn nhựa đã được tái chế, tức 9% trên tổng số nhựa sản xuất ra. Trước đó, tỷ lệ nhựa tái chế là không đáng kể. Hiện nay, tỷ lệ nhựa tái chế ở Châu Âu là 30% và Trung quốc là 25%, được xem là những quốc gia có khả năng tốt nhất mang lại cuộc sống thứ 2 cho chất liệu này. Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ nhựa tái chế không vượt quá 9%.

Yvan Chalamet, giảng viên, nhà nghiên cứu khoa công nghệ vật liệu polymer thuộc Trường Ðại học Saint-Étienne, Pháp, giải thích: “Rác thải từ nhựa rất nhạy cảm trong tái chế vì chúng thường bị pha trộn. Tái chế đồng nghĩa với phá hủy tính chất cơ học của chúng. Cho nên cần thiết phải tách chúng ra nhằm tạo ra nguồn vật liệu thuần khiết nhất có thể”. Ðiều này hầu như là không thể, ví dụ, một cuồn phim nhựa bao gồm nhiều lớp khác nhau. Ðối với loại rác như vậy, giải pháp duy nhất là đốt.

25 tỷ tấn vào năm 2050!

Một số ngành công nghiệp hiện nay đã sẵn sàng đầu tư nghiên cứu để cải thiện công dụng, hiệu suất của nhựa. Ví dụ, khối lượng nhựa cần thiết để làm ra một hũ đựng yaourt sẽ giảm xuống chỉ còn một nửa trong 30 năm tới. Nhiều công ty, xí nghiệp bắt đầu ứng dụng các vật liệu phân hủy sinh học (biodégradable) và có nguồn gốc sinh học, tức là những nguyên liệu tái tạo, mà hiện chỉ chiếm 1% sản lượng toàn cầu. Nhưng sự gia tăng trong sử dụng các sản phẩm dùng làm bao bì và bao bì sử dụng một lần đã đi ngược lại với nỗ lực này.

rac-nhua
100 triệu động vật hữu nhũ trên biển bị giết hại mỗi năm do rác nhựa – nguồn thinglink.com

Ðối với Roland Geyer và Jenna Jambeck, 2 đồng tác giả của nghiên cứu này, bắt buộc phải giảm, bằng mọi cách, yếu tố xâm nhập không thể kiểm soát này xuống mức tối thiểu. Roland Geyer kết luận: “Với nhựa mà chúng ta không sản xuất ra, có nghĩa là chúng ta sẽ không cần phải tái chế. Tôi khuyên người tiêu dùng nên mua các sản phẩm từ vật liệu đã được tái sử dụng, để tránh việc sản xuất bổ sung không cần thiết. Giải pháp này rõ ràng là hiệu quả hơn tái chế rất nhiều”.

Theo các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, với tốc độ hiện nay, chúng ta sẽ đối mặt với trên 25 tỷ tấn nhựa vào năm 2050, tức gấp 3 lần hiện nay. Tuy nhiên, Yvan Chalamet xoa dịu vấn đề: “Những dự báo này chỉ mang tính ngẫu nhiên và tạm thời. Ðôi khi chỉ cần thay đổi một số quy định cũng có thể loại bỏ một vài mặt của vấn đề”. Chính sách có thể điều chỉnh tình hình: ví dụ nước Pháp đã quyết định cấm phát túi nylon tại quầy thanh toán của các siêu thị từ năm 2016, giúp loại bỏ nguồn rác thải tương đương với 80,000 tấn túi nhựa mỗi năm tại Pháp!

ÐDH – Theo Le Monde