Menu Close

Peru ký sự (kỳ 3)

Thủ đô Lima (tiếp theo)

Giữa các dinh thự lớn nhỏ là những con đường hẹp, nhà cửa san sát, nhiều ngôi nhà không được tu bổ trông tiều tụy, vá víu dù Lima là một thành phố khá đắt đỏ. Dế Mèn nghe nói một căn chung cư cỡ 80 thước vuông có bảng giá 300 ngàn Mỹ kim!

Buổi trưa Dế Mèn ăn qua quýt ở hàng cà phê cuối phố; cũng bánh mì, bánh ngọt đủ loại, cũng thịt nguội xúc xích jambon như bất cứ quán cà phê nào tại Âu Châu hay Huê Kỳ. Một ổ bánh mì Tây, baguette đàng hoàng, nhồi thịt nguội cỡ 5 Mỹ kim, một tấm bánh ngọt hai người “chở” mới hết giá khoảng 3 Mỹ kim. Xem ra thức ăn có vẻ “rẻ” nhưng nhà cửa khá đắt, hẳn vì thành phố chật chội khó khăn?

peru-ky-su5
Nhà trong phố

Ngồi nhìn ông đi qua bà đi lại, Dế Mèn thấy họ tất bật vội vã như cư dân của mọi thành phố xuôi ngược khác. Những chuyến xe bus đón khách, thả người bất kể bảng chỉ đường. Giữa những lúc tạm dừng ấy, một người đón sẵn bên lề đường chạy ra mách nhỏ với tài xế rồi chiếc xe lao về phía trước. Người dẫn đường giải thích rằng có rất nhiều chiếc xe bus trên đường phố, dù chính phủ đặt ra tuyến đường đàng hoàng nhưng vẫn có nhiều tư nhân vác xe chạy… chung với xe quốc doanh. ‘Mách nước’ là một dịch vụ mới, người mách nước ấy báo rằng chiếc xe bus trước đó đã tách bến bao lâu để ông tài xế này còn ước chừng mà chạy nhanh chậm. Cuối ngày, “thám tử” được trả công một món tiền khiêm nhường giao ước sẵn. Xe bus ở đây làm ăn từa tựa xe đò bên mình ngày xưa, khách nói nơi muốn dừng, lơ xe ra giá và thu tiền, chẳng có vé xe chi cả.

peru-ky-su3
Khu di tích Pucllana

Người dẫn đường là một “thổ công” của thành phố, sinh trưởng ở đây, tốt nghiệp sư phạm nhưng dạy học không đủ sống, làm hướng dẫn viên du lịch thì khấm khá hơn. Ông ấy nói rằng một bác sĩ phụ khoa, người chị ruột, làm tại bệnh viện với số lương cỡ 800 Mỹ kim/tháng trong khi nghề dạy học kiếm được cỡ 600 Mỹ kim.

Nhóm du khách đi thăm viện bảo tàng nhân chủng, National Museum of Archeology, Anthropology and History nơi tàng trữ các cổ vật từ những triều đại Chavin, Mochica, Chimu, Tiahuanaco, Pucará, Nazca và Inca. Nhìn ngắm cổ ngoạn chế tạo bằng đất nung và vải vóc, Dế Mèn mới hiểu rằng dân Nam Mỹ cũng có một thời văn minh vàng son lừng lẫy. Ở đó trưng bày những tấm vải dệt hoa văn cầu kỳ đòi hỏi tay nghề rất cao, bình tích nặn hình dạng tinh xảo… Ðặc biệt nhất là một số hộp sọ bị biến dạng, có những chiếc đầu lâu có dạng bầu dục, dài và hẹp, hẳn khuôn mặt cũng bị biến dạng như thế? Thì ra vua chúa thời ấy muốn khác người nên con cái họ từ thủa thơ ấu đã bị kẹp đầu theo hình dạng nhất định. Hài nhi đầu bị quấn vải thật chặt để hộp sọ phát triển theo ý cha mẹ, từa tựa như phụ nữ Tàu phải chịu bó chân cho quý phái!

peru-ky-su4
Tác giả

Trong khi chờ những người khác, phe ta chụp vội tấm hình trong sân:

Nghỉ ngơi chút xíu rồi nhóm du khách đi thăm khu di tích Huaca Pucllana hay di tích Juliana, tên địa phương “Wak’a Pukllana” có nghĩa là thánh địa, nơi thờ phượng và trung tâm cai trị của thầy cúng, thầy pháp.

Huaca Pucllana nằm giữa những tòa chung cư đắt giá trong vùng Miraflores của thành phố. Di tích này được xây cất khoảng năm 400, theo hình tháp bằng gạch chế biến từ đất bùn, adobe, cao 7 tầng.

Di tích có hai phần chính, ở giữa là bức tường gạch. Một bên là nơi cúng bái, bên kia là chỗ làm việc. Mỗi phần có những bức tượng trình bày một phần sinh hoạt xa cũ. Nơi thờ phượng bày biện những lễ vật để cúng tế:

peru-ky-su2
Tường thành Pucllana

Dinh thự hành chánh dài khoảng 500 thước, rộng 100 thước và tường dày 22 thước bao quanh những khu đất rộng, chỗ nhồi đất sét, nơi đãi cát… Khám phá đáng kể nhất trong khu di tích là hầm mộ của vua chúa Wari (thời đại kéo dài khoảng 400 năm, năm 500-900); the “Señor de los Unkus”, xương cốt được quấn chặt trong vải liệm gồm 3 người lớn, hai người có mặt nạ, và một bộ xương trẻ em khác dòng giống, dường như bị bắt đem giết tế lễ.

Buổi tối đi ăn ở quán địa phương, món quốc hồn quốc túy của Peru nói chung chung là ceviche, hải sản “ngâm” trong nước chanh tươi, dùng acid của chanh để “nấu” cá tôm tươi nên thức ăn giữ được vị ngọt. Ceviche ăn chung với ngò và ớt rất phổ biến trong vùng bờ biển. Tại Lima, ceviche cá tôm khá ngon, nhưng mực & bạch tuộc thì dai nhách. Món khá phổ thông khác là chicharron, thịt ba rọi chiên cho vàng lườm, giòn rụm. Dù đã quen thuộc với hai món ấy tại Huê Kỳ nhưng Dế Mèn vẫn thử xem thức ăn nguyên quán có khác chi với thức ăn tha hương hay không. Kết quả? Quán “nhà” Huê Kỳ giữ được hương vị cố quốc, bạn ạ.

peru-ky-su
Hầm mộ vua chúa Wari

Món thức uống đi đâu cũng được mời là Pisco sour, nếm từa tựa như whiskey sour của Huê Kỳ, chỉ khác tí ti là ly rượu có một lớp bọt trắng xóa nhờ tròng trắng trứng gà. Pisco là một loại brandy, có màu trong suốt; một loại rượu mạnh cất từ nho lên men do người Tây Ban Nha mang đến thuộc địa. Người ta pha pisco với nước cốt chanh, bỏ thêm chút si rô và tròng trắng trứng gà quậy trắng xóa. Rượu thì nhắp vậy thôi chứ phe ta không hảo cho lắm.

Ngồi ăn uống bĩ bàng như thế nhưng khi hỏi thăm thì người dẫn đường biểu rằng thức ăn hàng ngày của cư dân Peru phần lớn là rau đậu, khoai thỉnh thoảng mới có thịt cá trong dịp lễ lạt!

peru-ky-su1
Thánh địa với thày cúng

TLL