Menu Close

Thế nào là nhạc tiền chiến

Tên gọi “nhạc tiền  chiến”, cùng với “thơ văn tiền chiến”, xuất  hiện tại miền Nam vào những năm cuối thập  niên 1960. Thời  gian này là thời vàng son của loại “nhạc thời trang”, mà có người còn gọi là “nhạc thương mại”. Vì thế, một số nhạc sĩ uy tín và nhiều người cầm bút tên tuổi đã cổ vũ, khuyến khích thính giả về nguồn—tức là tìm nghe lại những ca khúc đầy giá trị nghệ thuật của những ngày xưa cũ. Kết quả: phong trào nghe và hát nhạc cũ, trong đó có nhạc tiền chiến, đã phát triển mạnh mẽ.

Hai chữ “tiền  chiến” ở đây có nghĩa là thời gian trước khi xảy ra cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh, còn được gọi là Chiến Tranh Ðông Dương Lần Thứ Nhất. Cuộc chiến này bắt đầu tại miền Nam vào tháng 9 năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng và Pháp đổ quân trở lại Ðông Dương để tái lập chế độ thuộc địa. Còn tại miền Bắc, tới cuối năm 1946, sau khi Hồ Chí Minh và bộ chỉ  huy Việt  Minh rút lên chiến  khu Việt  Bắc, kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thì cuộc chiến mới khởi sự. Như vậy, “nhạc tiền  chiến” là những ca khúc sáng tác từ năm 1945 – 46 trở về trước.

the-nao-la-nhac-tien-chien
Tô Vũ và Phạm Duy – nguồn: Nhịp Cầu Thế Giới

Thế nhưng ngày ấy ở Sài  Gòn, nhiều nhà xuất bản nhạc, nhà làm băng nhạc, thậm chí cả một số người phụ  trách các chương  trình ca nhạc trên đài phát  thanh, và sau này trên đài truyền  hình, đã gọi tất cả những ca khúc sáng tác trước năm 1954 là “nhạc tiền chiến”. Chúng tôi còn nhớ ngày ấy trong số 40 ca khúc trong tuyển  tập được gọi là “Những Tình Khúc Tiền Chiến Tiêu Biểu” do một nhà xuất bản nhạc lớn nhất nhì miền Nam tung ra thị  trường, chỉ có phân nửa là những ca khúc sáng tác từ năm 1946 trở về trước. Và trong một cuốn băng đặt tựa đề là “Nhạc Tiền Chiến” của một nữ ca sĩ, không chỉ có hai bản “Hương Xưa” của Cung Tiến, “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành—là những sáng tác trong thập  niên 1950, mà còn có cả bản “Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng”— thơ Phạm Thiên Thư do Phạm Duy phổ nhạc vào cuối thập  niên 1960!

Theo sự hiểu biết của chúng tôi, mãi tới năm 1970 mới có một tuyển  tập “nhạc tiền chiến” đúng nghĩa được xuất bản. Ðó là tập nhạc có nhan  đề “Nhạc Tiền  Chiến”, do Ðỗ Kim Bảng tuyển chọn, Kẻ Sĩ xuất  bản, gồm 27 ca khúc tiền chiến của 18 tác giả. Trong tập nhạc này nhạc sĩ Hoàng Nguyên, người viết Lời Nói Ðầu, đã gọi nhạc tiền chiến là “tiếng hát những ngày chưa chiến tranh”. Cuối tập nhạc là bài biên khảo của nhạc sĩ Lê Thương tựa đề “Thời Tiền Chiến Trong Tân Nhạc Việt Nam”. Trong đó ông đã khẳng  định thời “tiền chiến” là từ năm 1938 tới 1946. Thế nhưng, nếu ngày ấy đã chẳng có mấy người chịu lưu tâm và sử dụng ba chữ “nhạc tiền chiến” đúng theo sự giải  thích của Hoàng Nguyên và Lê Thương, thì nói gì tới ngày nay ở hải ngoại.

Nhưng cho dù không có tham vọng sửa sai một cái sai đã được nhiều người cho là đúng, chúng tôi—trong cương  vị người phụ  trách một chương trình âm nhạc dẫn  giải, bắt buộc phải làm sáng tỏ ba chữ “nhạc tiền  chiến” trước khi bước sang giai đoạn kế tiếp của nền tân nhạc Việt Nam.

Dưới đây là bài “Tạ Từ”, một ca khúc để đời của Tô Vũ, tức Hoàng Phú của nhóm Ðồng Vọng ở Hải Phòng trước đây:

Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh
Gió dâng khúc đàn thanh bình
Ta đi tìm thơ muôn phương
Gót in núi rừng thâm u. 

Và lướt trên muôn trùng sóng
Lời anh thầm ước khi nao
Dưới trăng giữa mùa hoa đào
Trong em dư âm còn vang tiếng đồng. 

Lầu chiều còn luyến ánh hồng
Lầu xây trong không sóng gió rót chia ly
Phồn hoa em chia tay ra đi
Ðưa chân dừng bước bên cầu giã từ mấy câu. 

https://youtu.be/jxOqQLiYLtY

the-nao-la-nhac-tien-chien1
Nhạc sĩ Tô Vũ thời còn trẻ nguồn: Nhịp Cầu Thế Giới

Bản nhạc này được sáng tác sau khi cuộc chiến đã nổ ra, cho nên dù vẫn là nhạc tình, nội  dung bài hát và tâm tư của tác giả đã có sự thay đổi. Không còn “tà áo hương nồng, mắt huyền trìu mến” như trong bản “Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa”, mà là chia ly, giã  từ, là mơ ước một ngày dứt chiến chinh. Thế nhưng, không phải bài hát nào sáng tác sau năm 1946 cũng nói về chiến  tranh, chia ly, cách biệt. Vẫn có những bản nhạc tình cảm thuần tuý mà từ nội dung tới nét nhạc đã đem lại cho người nghe những rung động nhẹ nhàng y như những ngày chưa có chiến tranh. Thí dụ điển hình là những ca khúc của Ðoàn Chuẩn như “Tình Nghệ Sĩ”, “Lá Thư”,  “Tà Áo Xanh”, “Dang  Dở”, v.v…

Tới đây một câu hỏi được đặt ra: Những ca khúc sáng  tác sau khi cuộc chiến đã bùng nổ gọi là nhạc gì?

Một số người vô tư, hoặc có chủ đích chính trị, đã gọi là “nhạc thời kháng chiến” mà không chịu để ý tới tính cách gượng ép và vô lý của nó. Bởi vì, trước hết, có nhiều nhạc sĩ thời ấy không hề đi theo kháng  chiến. Thứ hai, có những nhạc sĩ đi theo kháng chiến nhưng chỉ được một vài năm, nhận ra bộ mặt thật của cộng sản núp sau lưng, đã bỏ về vùng Pháp chiếm đóng—sau này gọi là vùng quốc gia. Thứ ba, kể cả một số nhạc sĩ đi theo kháng chiến từ đầu tới cuối, vào thời  gian này cũng vẫn tiếp tục sáng  tác những bản nhạc tình cảm thuần tuý và được phổ  biến ở các vùng quốc gia.

Sau này, rất có thể vì muốn né tránh hai chữ “kháng  chiến”, một số người đã đề nghị gọi tất cả mọi ca khúc sáng tác trước năm 1954 là “nhạc tiền chiến”, tức là hợp thức hoá cái sai mà chúng tôi vừa đề cập tới. Lập  luận của những vị này là: Mặc dù chiến tranh xảy ra, dòng nhạc tiền chiến vẫn được tiếp nối chứ không dừng lại. Tuy nhiên, một số người khác đã không đồng  ý, trong đó có nhà văn/nhà báo Ðặng Tiến. Trong bài viết tưởng niệm cố nhạc sĩ Ðoàn Chuẩn, đăng trên tạp  chí Diễn Ðàn vào cuối năm 2001, ông viết:

Nhạc Ðoàn Chuẩn được xếp vào “nhạc tiền chiến” một cách võ đoán. Một mặt, chữ “tiền chiến” áp dụng cho văn học nghệ thuật Việt Nam đã là một lối nói tuỳ  tiện. Mặt khác, bài hát đầu tiên của Ðoàn Chuẩn là “Tình Nghệ Sĩ” làm năm 1948 thì không thể gọi là tiền chiến.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Ðặng Tiến, nhất là về tính cách tuỳ tiện trong việc áp  dụng chữ “tiền chiến” trong văn học nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi tự xét cũng không đủ khả năng, tư cách để bác bỏ việc một số người đã gọi tất cả mọi ca khúc sáng tác trước năm 1954 là “nhạc tiền chiến”.

Trở lại với chương  trình “70 Năm Tình Ca Trong Tân  Nhạc Việt Nam”, để tránh gây tranh luận vô ích, cũng như để quý độc giả dễ dàng theo dõi, chúng tôi xin đơn giản hoá bằng cách chia bảy chục năm đó ra làm ba thời kỳ và đặt tên theo mốc điểm thời  gian. Ðó là: thời  kỳ thành lập và phát triển, từ năm 1938 tới 1954; thời kỳ đất nước phân ly, tức sau hiệp định Genève 1954; và thời kỳ sau 1975.

TPT chuyển văn bản

Kỳ tới:

Lê Trạch Lựu và bài “Em Tôi”