
Bích Khê là một trong những nhà thơ đặc sắc của thời kỳ khởi đầu Thơ Mới. Xuất hiện sau Hàn Mặc Tử vài năm, chịu ảnh hưởng ít nhiều của Hàn Mạc Tử, nhưng Bích Khê đã tạo ra một thi pháp mới, khác hẳn những người cùng thời.
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24 tháng 3 năm 1916 tại xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình Nho giáo, cha là ông Lê Mai Khê, mất sớm, mẹ là bà Phạm Thị Ðoan. Ông nội làm quan dưới triều Tự Ðức. Ông thân sinh là người uyên thâm Hán học, có dự vào những cuộc vận động xuất dương của cụ Phan Chu Trinh.
Gia đình gồm 8 anh chị em, Bích Khê là con út. Anh chị em Bích Khê phần đông đều có tâm hồn văn nghệ. Gia đình không được giàu có, nhưng vì là con út nên Bích Khê được hưởng đầy đủ sự nuông chìu. Lớn lên tại quê nội ở thị xã Thu Xà, một làng ở gần biển cách tỉnh Quảng Ngãi 10 cây số với người anh trưởng và hai người chị, còn người chị kế ở Sài Gòn. Thuở nhỏ, Bích Khê học tiểu học ở Phước Lộc và Ðồng Hới, học trung học ở Huế, rồi ra Hà Nội học ban tú tài nhưng nửa chừng bỏ dở.
Năm 1931, 15 tuổi, ông đã biết làm thơ Ðường luật, ca trù. Năm 1934, cùng người chị ruột tên Ngọc Sương vào Phan Thiết học thêm và mở trường dạy học tư. Năm 1936, chị Ngọc Sương bị mật thám Pháp bắt, trường đóng cửa, Bích Khê trở lại quê nhà.
Năm 1937, bị bệnh phổi, sau khi điều trị trở về lên sống trên núi Thiên Ấn thuộc Quảng Ngãi, ông lại ngược xuôi trên một chiếc thuyền quanh các ngả Sa Kỳ – Trà Khúc. Năm 1938, ông lại cùng chị Ngọc Sương (khi ấy đã được thả) vào Phan Thiết mở trường dạy học, được vài năm lại bị chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa.
Năm 1941, Bích Khê dạy học ỏ Huế. Năm 1942, bệnh phổi tái phát, ông trở về Thu Xà thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày 17 tháng 1 năm 1946, Bích Khê lìa bỏ cõi đời và cõi thơ tại Thu Xà lúc 30 tuổi.
Tiến trình sáng tác của Bích Khê trải qua ba giai đoạn.
-Giai đoạn “thơ cũ”: Tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng nhiều bài thơ của ông ở giai đoạn đầu này đã đạt đến trình độ già dặn, và được nhiều bậc túc nho tán thưởng.
-Giai đoạn “Tinh Huyết”: Từ năm 1936, Bích Khê từ giã con sông dù sao cũng vẫn êm ả của “thơ cũ”, để nhảy vào dòng xoáy của “thơ mới”. Ðiều đó không có gì là lạ trong xu thế đổi mới tất yếu của thơ ca ViệtNam đương thời, mà Hàn Mặc Tử cũng là một trường hợp tiêu biểu. Có lạ chăng là một khi đã chuyển hướng, Bích Khê muốn vượt lên đi đến một cuộc “Duy tân” (tên một bài thơ nổi tiếng của ông) thật mạnh mẽ, sâu sắc và táo bạo đối với thi ca. Ðể làm việc này, Bích Khê đã tìm đến các trường phái thi ca hiện đại của Phương Tây cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20: chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực. Ðặc biệt ông chịu ảnh hưởng của mỹ học Baudelaire mà ông tôn làm “Vua thi sĩ”. Nhưng ông không dừng ở đó, mà còn tiếp biến nhiều quan điểm nghệ thuật khác của các nhân vật cự phách thuộc các trường phái nói trên: Rimbaud, Verlaine, Mallarmé v.v… Ðương nhiên ông không phải là người độc nhất trong số các nhà thơ đương thời đã tiếp nhận ảnh hưởng của phương Tây, nhưng ông là người hơn ai hết muốn đi đến tận cùng của lý thuyết các trường phái ấy.
– Giai đoạn “Tinh Hoa”: Từ sau “Tinh Huyết” cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, mặc dù sức khỏe ngày càng suy giảm, Bích Khê vẫn tiếp tục sáng tác. Nhưng giờ đây người ta sẽ bắt gặp một Bích Khê khác. “Tinh Huyết” là cả một bầu máu nóng của tuổi trẻ với những ưu điểm, nhược điểm của nó. Sự háo hức đi tìm cái mới lạ, sự sôi nổi trong cảm hứng sáng tạo, một mặt đem lại sức sống và tính độc đáo cho các bài thơ, nhưng mặt khác có lúc cũng dẫn đến những gì còn sượng, chưa nhuần nhị. Có thể nói đó mới là một cuộc thử nghiệm táo bạo. Ðến “Tinh Hoa”, sự bồng bột ban đầu lắng xuống, những cái gì quá đà được gạn lọc để hiện lên một Bích Khê chín chắn hơn, cả về tâm hồn lẫn nghệ thuật. Một sự so sánh những bài thơ trong dạng ban đầu trong “Tinh Huyết”, với những văn bản đã được sửa đổi của chung in trong tập “Tinh Hoa” sẽ cho ta thấy một phần quan trọng của sự chuyển hướng ấy. Trong sự kết hợp Ðông – Tây, nếu trước kia ảnh hưởng của phương Tây có phần mạnh hơn, thì bây giờ yếu tố “Ðông” trỗi dậy để tạo ra sự hài hòa trong nội dung cũng như trong hình thức. Nói cách khác, “Tinh Hoa” là một cuộc trở về: trở về với những lối thơ truyền thống cùng những âm hưởng quen thuộc, nhưng cấu trúc không hoàn toàn như cũ; trở về với cách nghĩ, điệu cảm quen thuộc nhưng với một tâm trạng của con người thời đại mới. Tuy nhiên ông vẫn giữ một sự nhất quán về những quan niệm nghệ thuật cơ bản của mình.
Năm 1966, tại Sàigòn, báo Văn (do Trần Phong Giao trách nhiệm) làm số tưởng niệm Bích Khê (số 64, ra ngày 15/ 8/ 1966), với những tư liệu do gia đình cung cấp và bạn thân viết, đặc biệt nhờ những bài của bà Lê Ngọc Sương (chị ruột nhà thơ), của Tam Ích, của Quách Tấn… mà chúng ta biết rõ thêm những chi tiết về cuộc đời Bích Khê và một số thơ của ông cũng đến được với độc giả.

Thi pháp Bích Khê
Thơ Bích Khê là sự giao lưu giữa thơ cổ và thơ hiện đại, trong một kiến trúc nghệ thuật âm nhạc và hội họa. Ðặc biệt trong lối tạo hình, ông đã sử dụng một phương pháp mới, lúc ấy chưa thịnh hành ở Việt Nam : phương pháp cắt dán (collage).
Bài Tỳ bà của Bích Khê là một khúc ngâm mới, dựa trên tinh thần Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, nhưng đã thay đổi toàn diện bối cảnh, kiến trúc âm nhạc và kiến trúc hình ảnh, để tạo ra một tác phẩm hiện đại. Tỳ bà là một cấu trúc mới, hoà hợp hai yếu tố chính: Âm nhạc và hình ảnh.
Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi ! nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê
Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang
Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Ðâu tìm Ðào Nguyên cho xa xôi
Ðào Nguyên trong lòng nàng đây thôi
Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô ! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi ! Vàng rơi: Thu mênh mông (Tỳ bà)
Phạm Duy, vẫn lại là người nghe được tiếng nhạc lạ trong Tỳ bà và ông đã tạo ra một bản nhạc réo rắt, âm hưởng giao thoa kim cổ. Kiến trúc âm nhạc trong Tỳ bà của Bích khê dựa trên âm bằng (dấu huyền hoặc không có dấu). Toàn bài hầu như không có âm trắc (sắc, hỏi, ngã, nặng). Lối lập âm này, trong thơ mới, có một số người đã làm nhưng không mấy ai thành công như Bích Khê. Vì chỉ có âm bằng nên nhạc trong thơ đổi hẳn cung bậc, không còn giống thơ cổ điển và cũng khác hẳn thơ mới.
Có thể nói thơ Bích Khê trong giai đoạn cuối đời là một đóng góp độc đáo cho thơ Việt Nam.
NGUYỄN & BẠN HỮU Tổng hợp