
Nguồn dailymail. co.u
Tuần rồi trong làng football Mỹ đã xảy ra một sự kiện lớn chẳng dính dáng gì tới thể thao. Đó là chuyện một số cầu thủ cũng như đội banh chuyên nghiệp đã không đứng chào lễ quốc kỳ trước khi vào trận như thường lệ. Một số thì quỳ xuống, một số khác giơ cao nắm đấm. Vài đội không thèm xuất hiện trên sân luôn. Tại sao lại có chuyện này?
Số là sáng Thứ Bảy 23/9 Tổng thống Trump tung ra một cái Tweet trả miếng cầu thủ bóng rổ Steph Curry, thủ quân đội Golden State Warriors, vụ Curry cho hay đội banh quán quân này sẽ không đến thăm Toà Bạch Ốc. Ông Trump nóng mũi, cho hay ông rút lại lời mời. Làng thể thao nhao nhao cả lên. Lebron James (còn được gọi là King James) cầu thủ chính của đội Cleveland Cavaliers, đối thủ số một của Steph Curry lập tức trả đũa, giũa cụ Tổng một trận te tua trên Twitter.
Huấn luyện viên đội Golden State, Steve Kerr, cũng viết một bức thư dài cả ngàn chữ để trả lời. Trong đó ông Kerr cho biết cả đội banh đã bàn bạc với nhau rất lâu, rất kỹ, trước khi đi đến quyết định chung họ sẽ không đến gặp Trump. Steve Kerr nói trong đời mình ông may mắn đã được gặp nhiều vị Tổng Thống từ Reagan cho tới Obama. Người nào cũng có những điều ông không đồng ý, nhưng tất cả đều biết tôn trọng chiếc ghế tổng thống do dân bầu lên. Họ là người làm việc cho dân chứ không phải là ông chủ của dân. Ông Kerr nói thẳng, ông Trump không phải là chủ nhân của Bạch Cung mà chỉ là người được phép trú ngụ tạm thời. Việc được mời tuy là một vinh dự, nhưng ông không muốn thấy đội banh của mình phải dính líu đến một vị Tổng Thống mà theo ông đang làm xấu hình ảnh nước Mỹ, mà Toà Bạch Ốc là biểu tượng rõ nhất.
Về phần Tổng Thống, ông Trump cũng không phải tay vừa. Thấy đối thủ phản pháo, cụ Tổng bèn phóng cước, bồi thêm cú nữa vào ngay chính mấy ông chủ banh bầu dục. Chiều Thứ Bảy cùng ngày giới football sửng sốt khi nhận được tin ông Trump kêu gọi chủ các đội banh NFL phải sa thải ngay và luôn các cầu thủ nào không chịu đứng chào cờ. Ý là mới trước đó một ngày thiên hạ đã chưng hửng khi nghe vị Tổng Thống cường quốc số một trên thế giới, trong một bài diễn văn, đã dùng chữ “chó đẻ” (son of a bitch) để tả các cầu thủ bất tuân này. Lúc đó nhiều người nghĩ chắc ông này chỉ buột miệng nói đùa.
Thế là hôm sau, tuần thứ ba của mùa football, nhiều hình thức phản đối và đả đảo tuyên bố của ông Trump đã xuất hiện trên sân banh và màn hình TV. Ða số các cầu thủ “xuống đường” là Mỹ đen (tất nhiên, vì 3/4 cầu thủ football là con cháu người Mỹ gốc Phi). Nhưng cũng có không ít cầu thủ da trắng ủng hộ họ. Thậm chí, ông Shad Khan, chủ đội Jacksonville Jaguars, người đã từng bỏ ra 1 triệu đô cho ứng cử viên Donald Trump hồi năm ngoái, cũng đứng về phe cầu thủ của mình.
Chủ tịch của NFL, ngài Roger Goodell, bối rối thấy rõ. Một bên là các chủ nhân ông da trắng phe Trump cùng với đại đa số khán giả là Mỹ trắng, bên kia là các cầu thủ da đen mà không có họ chơi thì sẽ chẳng có ma nào thèm coi football. Ðúng là tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng ông Goodell tuyên bố ông rất “hãnh diện” về việc làm của các thành viên trong làng football NFL.
Còn ông Robert Kraft, chủ đội New England Patriots đương kim vô địch NFL, một người bạn thân của gia đình Trump, cũng phải thất vọng vì câu phát biểu quái gở của lão bạn mình. Ông nói “thể thao đúng là nơi hội tụ được nhiều người từ mọi thành phần xã hội, chính trị mới dễ làm con người ta chia rẽ.”
Khắp nước Mỹ thiên hạ khởi cơn chộn rộn. Người theo cũng lắm, mà kẻ chống cũng nhiều. Có người còn thề không thèm coi football nữa vì cho rằng đám cầu thủ này đã làm ô uế lá cờ quốc gia qua hành động quỳ xuống khi chào cờ. Nên nhắc lại vụ này bắt đầu từ năm ngoái, khi cầu thủ Colin Kaepernick của đội San Francisco khai pháo bằng màn ngồi chứ không đứng khi chào cờ. Anh ta cho biết đây là một hành động phản kháng có ý thức để phản đối tình trạng cảnh sát (Mỹ trắng) dùng bạo lực đối với người dân (Mỹ đen). Chuyện đó kéo dài sang tới mùa này thì Kaepernick mất việc, không đội nào mướn.
Giờ đây, nhờ được cụ Trump châm thêm mớ rơm vào, ngọn lửa phản kháng chợt bùng lên. Không ai biết rồi đây sự việc sẽ đi đến đâu. Nhưng một điều chắc chắn là xã hội Mỹ sẽ còn bị chia rẽ dài dài vì căn bệnh kỳ thị không được trị từ gốc rễ.

Nguồn PBS
Người di dân và thể thao
Trong cùng ngày Chủ Nhật, khi các thể tháo gia gốc Phi đang “xuống đường” biểu thị tinh thần phản kháng thì một nhà thể thao trẻ khác đã làm nên lịch sử.
Anh ta tên là Alexander Schauffele, 23 tuổi, gọi tắt là Xander. Cha của anh là một người di dân gốc Ðức/Pháp, mẹ anh là người di dân gốc Ðài Loan. Anh mới vào chơi năm đầu trong PGA Tour—làng golf chuyên nghiệp hạng thượng thừa.
Năm 2016, sau khi ra trường đại học San Diego, Schauffele đã chơi một năm trong tour Web.com, tức là làng golf dự bị cho các golfer nào muốn vào PGA Tour. Chỉ khi nào kiếm đủ điểm (tính bằng tiền thưởng) trong các giải thứ hạng của Web.com thì mới được “lên lớp”. Mỗi năm PGA Tour chỉ phát ra 25 thẻ Tour card cho thành viên mới. Năm 2016 Xander không đủ điểm (thiếu $925) để vào PGA Tour. Nhưng may sao anh thắng giải Web.com championship vào giờ chót nên lọt vào được.
Vì là ma mới (rookie) nên Xander bị xếp hạng chót bét. Nhưng anh bắt đầu đánh khá lên từ từ. Tới tháng 7/2017 anh thắng lần đầu trong PGA Tour tại giải Greenbriar Classic. Nhờ đó anh được phép chơi trong giải U.S. Open và British Open. Tuy không thắng hai giải này nhưng anh chơi không đến nỗi tệ, Top 20, đủ điểm để lọt vào giải Tour Championship, là giải thưởng nhiều tiền nhất trong golf.
Tour Championship, được xem như Super Bowl của golf, gồm có bốn trận đấu khác nhau, chơi trong vòng một tháng. Sau mỗi trận, một số golfer sẽ bị loại dần, từ một trăm mấy chục người cho tới trận cuối cùng là Tour Championship chỉ còn ba chục mạng. Ðây là trận sống mái, toàn những tay chơi thứ dữ. Mọi con mắt đều đổ dồn vào những tên tuổi lớn như Jordan Spieth, Jason Day, Dustin Johnson, Justin Thomas… Không ai để ý đến chàng rookie 23 tuổi vô danh tiểu tốt này.
Nhưng đến ngày cuối cùng Xander bỗng nhiên từ phía dưới tiến từ từ lên đầu bảng. Khi chỉ còn vài lỗ thì anh huề điểm với Justin Thomas, tân vô địch PGA Champion tháng vừa rồi. Phải đợi đến lỗ cuối cùng, tức lỗ 18, Xander mới đánh được trái birdie để qua mặt Thomas. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử PGA Tour Championship có một nhà vô địch là rookie mới tập tễnh vô nghề. Không những vậy, với số tuổi 23, Schauffele thuộc thế hệ golfer trẻ của Mỹ đang lên như diều gặp gió—Jordan Spieth (24), Justin Thomas (24), Patrick Reed (27), Ricky Fowler (28), để thay thế những tên tuổi như Phil Mickelson, Tiger Woods…
Nhưng khác với những tay golfer trẻ kia, Xander Schauffele còn đại diện cho những người di dân thế hệ thứ nhì. Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, như mọi người đều biết, là xứ sở của di dân. Từ những người da trắng rời bỏ mẫu quốc Anh năm xưa đến những người da đen bị bắt làm nô lệ. Từ những người tìm cơ hội kinh tế cho tới người tị nạn chiến tranh. Biết bao nhiêu là di dân đã đóng góp cho nền văn minh, văn hoá, nghệ thuật và kinh tế cho nước Mỹ. Khổ nỗi, cũng vì quá đa dạng nên tình trạng kỳ thị chủng tộc ở Mỹ vẫn còn là vấn đề nhức nhối.
Hy vọng rằng thể thao, như ông Robert Kraft chủ đội Patriots nói, sẽ là mẫu số chung giúp mọi người hòa đồng với nhau dễ hơn, dù quan điểm chính trị khác nhau thế nào chăng nữa.
BB