Menu Close

Hugh Hefner triết lý Playboy

Cảnh những “tiên nữ” tuyệt sắc và gợi cảm đang xúm quanh một “lão niên” da mồi tóc bạc, có trang phục chải chuốt trên màn ảnh truyền hình trong vài năm trước, có thể gây nhiều suy nghĩ thầm kín nơi những người đàn ông hay giới trai trẻ khác: dè bỉu, nhún vai hay khoái trá, ham thích. Còn ông thì bảo rằng, “Cuộc đời này quá ngắn để sống bằng giấc mơ người khác”. Hãy sống cuộc đời mình. Sống với giấc mơ của chính mình. Không chỉ một kiểu triết lý hiện sinh, mà đó là một triết lý “playboy” của một tay chơi thượng thặng. Vâng! Đó là Hugh Hefner, nhà tiên phong trong cuộc cách mạng tình dục tại Mỹ và thế giới, là người đảo lộn cái nhìn của đại chúng về một vấn đề cấm kỵ trong văn hóa truyền thống từ hơn nửa thế kỷ trước. Hugh Hefner – cha đẻ của tạp chí Playboy lẫy lừng hơn 60 năm qua, vừa qua đời tuần trước tại Beverly Hills, California, hưởng thọ 91 tuổi. Có lẽ cũng nên nhìn lại một huyền thoại và biểu tượng trong văn hóa Mỹ như Hefner.

hugh-hefner3
Nguồn CNN

Nhìn lại cuộc đời Hugh Hefner, người ta đã dùng đủ chữ nghĩa để mô tả về ông: một biểu tượng văn hoá Mỹ, một nhà cách mạng tình dục, một thương gia lỗi lạc, một nhà truyền thông đại tài, một con mắt nghệ thuật tài ba, một nhà hảo tâm hào phóng, một nhà hoạt động chính trị năng nổ, một tay playboy thượng thặng… Ðúng. Và cũng còn chưa đủ. Vì dù nhìn ông bằng cặp mắt của một thế hệ ngoan đạo đang cố gắng giữ gìn những giá trị truyền thống hay bằng cái nhìn của một giới trẻ phóng khoáng, cấp tiến thì quả thật, là gì thì Hefner và Playboy cũng đã tạo ra một loại “thương hiệu thế giới” có sức ảnh hưởng không nhỏ đến đại chúng. Khi cổ vũ quyền tự do ngôn luận, quyền chọn lựa cá nhân, sự cấp tiến trong vấn đề giới tính, được bày tỏ bằng ngôn ngữ tình dục và bản năng nhục thể  hiện hữu trong mỗi con người. Là những vấn đề của thời đại, vẫn đang còn bức bối và tranh cãi trong xã hội đương thời.

hugh-hefner4

hugh-hefner2
Hugh Hefner và số báo đầu tiên – nguồn BBC

Sinh ra trong một gia đình ngoan đạo và gia giáo, quả khó ngờ Hefner lại mang một ý tưởng táo bạo và tiên phong trong những điều mà cho đến nay vẫn còn không ít người xem là “taboo”,  cấm kỵ. Cha mẹ Hefner là những thầy cô giáo, những người Tin Lành có đức tin và đời sống nghiêm ngặt. Cha mẹ, con cái không có thói quen bày tỏ sự âu yếm, thân mật trước mặt nhau. Sự nghiệp về truyền thông và xã hội bộc lộ trong con người Hefner từ khá sớm, khi Hefner từng là một Chủ Tịch hội học sinh và chủ bút cho tờ báo trường.  Tốt nghiệp trung học, Hefner gia nhập binh ngũ, làm công việc một một ký giả quân đội. Xuất ngũ, Hefner theo học và tốt nghiệp đại học về tâm lý , song song với hai chuyên ngành phụ là văn khoa và hội họa, rồi bắt đầu làm ký giả cho vài tờ báo khác nhau.  Năm 1952, khi yêu cầu được tăng lương thêm $5, tức khoảng $45 theo thời giá hiện nay và không được tờ báo chấp thuận, Hefner bỏ việc, tìm một con đường riêng  cho mình. Và một năm sau, chàng trai 37 tuổi với số tiền vun vén, vay mượn được khoảng $600, Hefner kêu gọi sự đầu tư từ thêm vài chục người với số tiền $8,000, Hefner chính thức ra tờ báo theo ý tưởng độc đáo và khá xu thời. Trong lời quảng cáo cho số báo Playboy đầu tiên, Hefner viết rằng, “trong căn gác trọ, tận hưởng ly rượu và dăm miếng khai vị giữa tiếng nhạc dặt dìu phát từ máy quay dĩa, mời gọi ta bước vào sự khám phá những người phụ nữ qua sự luận bàn lặng lẽ về Picasso, Nietzsche, Jazz và tình dục…”. Một cách câu khách rẻ tiền? Một mời gọi nhục cảm trần trụi? Tất nhiên là không. Còn sự quảng bá nào rất gần gũi nhưng lại kích thích trí tưởng những tên đàn ông độc thân hay hơn vậy? Hơn thế nữa, đó là một thứ ngôn ngữ bóng bẩy và trí tuệ, một sự am hiểu tâm lý bậc thầy khi khai thác lối sống thời thượng của một lớp thanh niên trung lưu thành thị: hội họa, triết học, âm nhạc. Và tất nhiên, thứ chính yếu và cốt lõi của Playboy: cái đẹp của tạo hóa qua thân thể người phụ nữ. Mà cứ gì cánh mày râu sinh viên và trí thức thành thị  này, từ những thanh niên bình dân chẳng cần biết Picasso hay Nietzsche là ai, cho đến những bậc mang dáng vẻ đạo mạo bề ngoài, hình ảnh những cô gái khỏa thân hấp dẫn với những bộ ngực trần phun lửa cuồn cuộn, há chẳng làm tan chảy họ? Thứ lửa tam muội của những nữ yêu quái không quyến dụ được thầy trò Ðường Tăng chứ người trần tục mấy kẻ cứng lòng. Không phải nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã viết từ cả thế kỷ trước sao, “hiền nhân quân tử ai mà chẳng, mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo”. Nên chẳng ngạc nhiên khi Playboy trở thành một hiện tượng.

hugh-hefner1
Vật bất ly thân trong ba lô của người lính GI Mỹ giữa tiền đồn trong cuộc chiến tranh Việt Nam – nguồn The New York Times

Số báo đầu tiên với tấm ảnh trang bìa đăng hình cô đào xi-nê Marilyn Monroe danh tiếng thế kỷ cùng ảnh những cô gái khoả thân xinh đẹp bắt mắt được phát hành trong tháng 12 năm 1953, đã bán chạy ngay 54,000 ấn bản . Con số kỷ lục cho tờ báo tay mơ vừa chào đời mà chính Hefner cũng không ngờ. Số báo đầu tiên không ghi ngày tháng vì Hefner không biết bao giờ hay còn có cơ hội để ra số thứ hai. Sự thành công của Playboy ghi dấu sự khai sinh của một tân đế chế. Cái logo đầu thỏ – biểu tượng cho tạp chí Playboy và những cô thỏ trắng nõn nà bỗng “tự nhiên” bay sang những xứ sở khác. Chúng nằm trong ba lô của người lính GI Mỹ giữa tiền đồn trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nơi ngày mai họ có thể không còn cơ hội quay lại cố quốc theo cách họ đã đặt chân xuống dải đất hình chữ S xa xôi, lạ lẫm này, thì sá gì chút tranh cãi quanh dăm tấm ảnh khỏa thân. Thời hoàng kim của Playboy với số bán ra hơn bảy triệu ấn bản, trùng khi  phong trào hippie từ gần cuối thập niên 60 cũng cổ vũ cho ái tình. Playboy xuống dốc theo xu hướng báo in kể từ khi internet phát triển.

hugh-hefner
Một cảnh chụp hình người mẫu năm 2011 – nguồn PWCToday

Khác với suy nghĩ  của một số người khi coi Playboy như một tạp chí khiêu dâm rẻ tiền, dưới sự dẫn dắt của Hefner – chàng người chủ bút tài hoa từng theo học tâm lý, văn chương và hội họa, các bài báo của nó vượt lên sự dung tục thông thường và các tấm ảnh khỏa thân là những tác phẩm nghệ thuật công phu của nhiều nhiếp ảnh gia danh tiếng. Ðặc biệt là sự tham gia các hoạ sĩ hí họa tên tuổi nước Mỹ. Trong số những cây bút từng cộng tác với Playboy là những tên tuổi như Ian Fleming – cha đẻ của điệp viên 007, Gabriel Marquez – tác giả của Trăm Năm Cô Ðơn, là vô số các tiểu thuyết gia như John Updike, Vladimir Nabokov… từng đạt giải thưởng Pulitzer hay văn chương Hoa Kỳ. Giới truyền thông cũng từng thừa nhận rằng Playboy có những bài phỏng vấn rất đặc sắc và riêng biệt của mình. Những nhân vật tầm cỡ trả lời phỏng vấn trên Playboy như mục sư Martin Luther King Jr., nhà hoạt động nhân quyền Malcolm X, nhạc sĩ John Lennon, Frank Sinatra, võ sĩ Muhammad Ali, Tổng thống Jimmy Carter, nhà sáng lập hãng Apple Steve Jobs…, khi chấp nhận xuất hiện trên Playboy đã không phải thiếu cân nhắc, vì chúng cũng tạo ra không ít tranh cãi quanh chuyện họ chấp nhận lời mời của Playboy. Nhưng cũng chính sự táo bạo này, Hefner cũng từng bị bắt và ra tòa vì bị cáo buộc đã vi phạm những luật lệ về thuần phong mỹ tục, phạm tội khiêu dâm. Ra tòa, Hefner được trắng án vì quan tòa viện dẫn quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí từ Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Kẻ chống đối Playboy bảo rằng Hugh Hefner chỉ lợi dụng thân xác phụ nữ để làm thứ giải trí cho đàn ông hay ông cổ súy cho bước lùi về đạo đức khi ủng hộ những vấn đề đồng tính, quyền lựa chọn của phụ nữ. Người ủng hộ ông cho rằng Playboy đã tôn vinh cái đẹp của phụ nữ và là một chiếc hàn thử biểu đi trước thời đại trong các vấn đề mà xã hội sớm hay muộn cũng đến lúc phải đối diện và cần có giải pháp. Là gì thì có lẽ cũng chẳng quan trọng mấy với Hefner vì ông đã tạo được một di sản cùng sự ảnh hưởng không dễ mấy người làm được. Và sống một cuộc đời theo thứ triết lý playboy phóng khoáng của mình và tờ báo: tình dục cũng chỉ là điều tự nhiên trong cách nhìn lành mạnh và công khai mà thôi.

ÐYT