Menu Close

Người Mỹ – Người Việt

Khu thương mãi Phước Lộc Thọ (Bolsa)
Khu thương mãi Phước Lộc Thọ (Bolsa)

Chúng ta là người Việt sinh sống trên đất Mỹ, đem văn hoá của quốc gia mình đóng góp vào văn hoá chung của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Thuật ngữ chính xác “melting pot” được đưa vào sử dụng ở Hoa Kỳ như một phép ẩn dụ mô tả sự kết hợp giữa các dân tộc, văn hoá và sắc tộc. Có người đã gợi ý đưa ra những ẩn dụ khác để mô tả xã hội Mỹ hiện nay, như là một bức tranh khảm xà cừ, hay kính vạn hoa, trong đó các nền văn hoá khác nhau pha trộn, nhưng vẫn khác biệt trong một số khía cạnh.

42 năm nay, nền văn hoá Việt Nam, qua những người Việt lưu vong, chắc chắn cũng đã tan chảy vào cái nồi văn hoá của đất nước này, nhưng thật ra chúng ta chưa chảy tan được “cái chưa được tốt đẹp” của văn hoá “bốn nghìn năm văn hiến” của mình và chưa thấm được vào cuộc sống mình cái tốt đẹp của văn hoá người.

Trong cộng đồng người Việt trên đất Mỹ vẫn còn thấy nhiều chuyện lường gạt, trộm cắp, ồn ào, mất vệ sinh, chưa học hỏi được “văn hoá xếp hàng” ở chỗ mua bán đông người. Một người Việt từ Sacramento về chơi Little Saigon than phiền khi vào mua bánh mì Cali gần khu chợ ABC, đang cùng mọi người xếp hàng chờ đến phiên mình, thì thấy có những người đi thẳng đến quầy bán hàng. Khách than phiền với cô bán hàng thì được cho biết, chuyện này vẫn xảy ra thường ngày, nhưng nhà hàng không có biện pháp gì, phải chăng vì sợ mất lòng. Nếu người bán hàng cứng rắn yêu cầu mọi người xếp hàng và chỉ phục vụ cho người đứng xếp hàng thì đâu đến nỗi. Có khi người Việt cần “bảo vệ” có dùi cui, xô đẩy, nạt nộ như ở Việt Nam mới chịu xếp hàng chăng?

Người Mỹ xếp hàng
Người Mỹ xếp hàng

Ở các thành phố đông dân Việt trong vùng Little Saigon như Westminster, Garden Grove, Anaheim và ngay cả Fountain Valley, cư dân người Việt vẫn than phiền bị đồng hương người Việt leo rào vào hái nhãn, bẻ thanh long, ăn trộm ổi, có khi bê luôn cả chậu hoa kiểng để trước sân nhà. Có điều là những thủ phạm này ít khi dám viếng nhà người Mỹ vì sợ nổ súng hay sợ chủ nhà thả chó ra cắn.

Những vụ va chạm xe cộ trong parking lot, người Việt thường to tiếng, lấn át người khác để giành phần phải về mình. Bản thân tôi có lần đậu xe cạnh một cái xe Lexus lớn, khi bà cụ ngồi ở ghế sau, mở cánh cửa, đụng mạnh vào xe tôi, bà biết điều đã vội nói lời xin lỗi. Tôi xuống xe, thấy vết trầy không có gì quan trọng, nhưng trong khi đó cô con gái rời tay lái, chưa biết ai phải ai trái, đã ào ào la lối để giành phần thắng cho mình. Tôi nói với cô gái:

-“ Mẹ cô mở cửa xe đụng xe tôi, bà đã xin lỗi rồi! Nhưng không có gì nặng, tôi cho cô đi!”

Cô gái chanh chua này, thay vì một lời cám ơn, đã nói lầm bầm trong miệng và giận dữ lái xe ra khỏi chỗ đậu.

Những chuyện được người khác nhường cho xe ra trên phố, mở cánh cửa giùm, ở vùng Little Saigon đừng hy vọng có một lời cám ơn hay một cái vẫy tay. Người Việt chúng ta thường hà tiện nụ cười, và thường tỏ thái độ “chảnh” khi thấy người khác quê mùa, ăn mặc xuềnh xoàng, đi xe cũ hay là người già yếu. Nên bắt chước người Mỹ đi, khi phải chạm mặt trong một cửa hàng hay nhà bưu điện, khi nào trên môi họ cũng có nụ cười, dù là xã giao hay bề ngoài đi nữa thì cũng mát lòng.

Nhìn cách phục vụ của các cô bán hàng ở chợ Việt, và các ông bà, cô cậu “bưng, bê” trong các tiệm ăn Việt, đem so với cung cách của người Mỹ cùng với công việc ấy, chúng ta thấy rõ ràng có sự khác biệt. Chúng tôi nghĩ cũng không cần nói rõ chi tiết về việc này.

Người Việt không biết tôn trọng riêng tư của người khác, như chuyện đau ốm, thuốc men của bệnh nhân là điều chỉ có nhà thuốc và người dùng biết với nhau thôi. Cứ quan sát trong một nhà thuốc tây người Việt, trong khi một người đang nhận thuốc, những người kia vẫn sấn tới, đứng ngang hàng, nghe hết câu chuyện trao đổi của dược sĩ với bệnh nhân một cách “vô tư.” Trong khi đó ở các hệ thống Rite Aid, CVS, Walgreens… chỗ nhận thuốc và cửa sổ “consultation,” bệnh nhân chỉ có từng người một, tiến lên, những người khác phải đứng xếp hàng ở xa.

Vì sao chúng ta không làm được như người Mỹ, và cũng là người Việt, xử sự có văn hoá xếp hàng ở các nhà thuốc Mỹ, nhưng không là trong cộng đồng người Việt?

Văn hoá người Việt là ít quan tâm đến người khác, với chủ nghĩa “mackeno.” Người Mỹ quan tâm, và nếu có cơ hội, muốn giúp đỡ người khác.

Tôi ghi nhận có ba lần người Mỹ địa phương hành xử thân thiện với một ông già Á Châu trên đường, mà họ không hề quen biết gì.

Khu phố ABC (Bolsa)
Khu phố ABC (Bolsa)

Lần thứ nhất, một lần từ nhà bưu điện ra, tôi để ý ai đó đã gắn một miếng giấy nhỏ trên cánh cửa phía người lái, nguệch ngoạc dòng chữ: “In the your left, front tire, there is a nail.” Nếu không có mảnh giấy này, chuyến đi San Jose của tôi vào ngày hôm sau, chắc sẽ nằm đường.

Lần thứ hai, sau khi ở trạm xăng ra, tôi quên đóng nắp xăng, một bà già người Mỹ chạy sát bên xe tôi, xuống cửa xe và nói cho tôi biết.

Lần thứ ba, tôi bị một chiếc xe lớn chạy kèm khá lâu, bấm còi nhưng tôi không để ý. Sau khi người ở xe kia ra dấu, cả hai cùng hạ kính xe, và ông kia hét lớn cho tôi biết, đèn thắng phía sau, bên phải xe tôi bị hư.

Quả là chuyện nhỏ! Một cái đinh dính trong vỏ xe của một người lạ. Một cái nắp bình xăng quên đậy. Một cái bóng đèn thắng sau xe không cháy. Hai chuyện trên có thể gây nguy hiểm, riêng chuyện thứ ba, nhiều người không quan tâm và có thể chưa biết, tôi xin nói rõ. Lần đó tôi bị cảnh sát chạy theo chớp đèn, nghĩ chắc phen này đi đứt nửa tháng lương. Ông cảnh sát đến gần, đòi tôi bằng lái, mở cuốn sổ phạt, ghi số tiền phạt $60.00. Một ticket nhẹ nhất! Lý do vi phạm: “một trong hai đèn thắng không cháy.” Trong vòng một tuần lễ, về thay bóng và đến một trạm cảnh sát gần nhất, cho cảnh sát kiểm tra lại là đã thay bóng đèn, ký vào ticket mới xong chuyện.

Nhiều khi thấy văn hoá mình cũng có điều hay lẽ phải cần phải giữ, và quê hương thứ hai này có quá nhiều điều chúng ta cần thu nhận học hỏi, nhưng không ít người đã quên cái tốt đẹp của mình, cũng không chịu tiếp thu văn hoá, văn minh của xứ người.

Mặt khác, gần đây, sau nhiều năm chúng ta đã sợ hãi bỏ xứ sở ra đi, chúng ta lại bị trong nước “đuổi theo” với hàng quán mở ra, lối cư xử, ăn nói không khác gì Hà Nội với Hồ Chí Minh.

Khuôn mặt Việt Nam do người trong nước đại diện đã bị lấm lem từ Á sang Âu vì chuyện trộm cắp, ăn uống thô lỗ, đi đứng chen lấn ồn ào như là một bản sao của người Tàu lục địa. Chúng ta nên hãnh diện và tự tin để nói với láng giềng rằng: “Phải, chúng tôi là người Việt Nam, Nam Việt Nam đã bỏ nước ra đi vì không chấp nhận chế độ (đương nhiên cả văn hoá) Cộng Sản. Người Nam Hàn, người Ðài Loan cũng muốn nói như vậy. Hẳn quý bạn cũng muốn hình ảnh người Việt Nam- qua con người bạn- trước năm châu, hay ít nhất tại Mỹ là một con người tử tế, đàng hoàng, văn minh khiến cho người khác phải nể nang và tôn trọng.

Mong rằng những người đi ra nước ngoài, đều cư xử như là những vị đại sứ của nước mình.

Trong một ngôi chợ Việt Nam
Trong một ngôi chợ Việt Nam

HP