Menu Close

Phú Quốc có gì?

“Đặc sản của Phú Quốc là… bò!”

Con bạn ho sặc sụa, nghẹn đỏ mặt rồi nhìn tôi đầy ai oán sau khi nghe câu trả lời “vô tư” trên, tất nhiên là của tôi. Có vẻ từ lúc sanh ra và lớn lên rồi đi khỏi Phú Quốc lên Sài Gòn lập nghiệp tới giờ lần đầu tiên nghe có người phán quê hương biển xinh đẹp của bạn có đặc sản là… bò.

phu-quoc-co-gi

Thật ra đây là lần thứ hai tôi được đến Phú Quốc chơi. Ðược cảm nhận “sâu sắc” hơn, có góc nhìn tốt hơn. Nên cái “đặc sản” mà tôi tìm ra ở trên, tôi tin nó đã rất…. đặc sản lắm rồi. Còn vì sao thì mời đọc phía dưới.

phu-quoc-co-gi8
Khắp nơi là công trường

Lần đầu tôi tới Phú Quốc với vài người bạn, một người trong nhóm rủ về quê bạn chơi. Khi chưa đến Phú Quốc, qua những luồng thông tin góp nhặt mơ mơ hồ hồ,  tôi chỉ biết đó là một hòn đảo có những trang lịch sử thú vị được nhiều người nhắc tới.  Nơi ấy, có dân biển hiền hòa, có biển xanh sóng gợn nhè nhẹ, có cát vàng phẳng lỳ, có những vườn tiêu chắc hạt, có những đồi ớt chỉ thiên, có hải sản “ngập mặt” và có những resort mới xây… Nói chung cũng không có gì khác… biển cả! Tuy nhiên, tôi thầm đoán nó sẽ đẹp hơn những nơi khác vì vẫn còn một chút hoang sơ, người đi du lịch còn vắng. Tuy nhiên (vì còn mới) sẽ có rất, rất nhiều công trường đào bới, xây cất ở khắp mọi nơi. Khi nghe người ta liên tục lặp đi lặp lại hai chữ Phú Quốc trên báo đài quốc doanh, tôi bắt đầu lo lắng cho miền đất không-quen-biết kia, trong đầu cứ bay bay cảnh người ta dời núi, lấp biển. Cảnh người dân, sinh vật “bản xứ” di tản khắp nơi để “nhường nhà” cho “bọn nó” hô biến. Rồi không sớm thì muộn, hòn đảo (với hàng vạn mỹ từ) kia cũng sẽ hóa thân thành một Vũng Tàu, Nha Trang, Ðà Nẵng, Ðà Lạt hoặc Sài Gòn thứ 2, thứ 3 chừng 10, 20 năm nữa. Cuối cùng là những bài viết tiếc rẻ, xót xa của dân bản xứ, của khách du lịch, của những kẻ không liên quan…

phu-quoc-co-gi7
Resort JW Marriott có bãi biển sạch đẹp và phong cách Châu Âu

Có lẽ do tôi có một tâm hồn quá nhạy cảm với thời cuộc, với những đổi thay trước mắt. Nói chung, khi nghe kể về miền đất này, tôi chưa bao giờ có ý định sẽ đến đây. Nói theo lời bạn tôi thì:

“Ôi thôi dành tiền đi du lịch nước ngoài cho sướng, vé máy bay cũng vậy có khi rẻ hơn! Mà còn đỡ bị hụt hẫng vì bị chính dân mình lừa hoặc “phân biệt đối xử” vì không có ‘yếu tố nước ngoài’!”

Khi đến nơi, ấn tượng đầu đập vô mắt tôi quả tình là đúng những gì tôi nghĩ. Thế là tôi (tự nhiên thấy) bị thất vọng “double”. Hoặc cũng có thể do tôi luôn đảo mắt đi tìm những thứ chứng minh suy nghĩ của mình đúng (theo khoa học là vậy). Hai bên đồi núi đang bị người ta khai thác, khắp đường đi đều có các công trình rải rác. Nhà bạn tôi lúc đó ở khu trung tâm của đảo, gần Dinh, gần chợ đêm, gần những địa điểm lấp lánh nhất đâm ra toàn chỗ ăn chơi và quán nhậu, club, cà phê, nhà hàng (cũng như các thành phố du lịch khác). Các gia đình thì hầu như nhà nào cũng kinh doanh hoặc cho thuê phòng, làm du lịch. Các ngư dân đi biển thì sẽ ở trong vùng sâu hơn. Những làng chài trong “truyền thuyết” cũng chỉ là những khu tập hợp các quán nhậu vừa và nhỏ hơn so với ngoài trung tâm. Không hề có chòi tranh, lưới cá, dân chài như trong tưởng tượng. Nam thanh nữ tú ở Phú Quốc đến tuổi muốn học thêm lên cao thì phải ra tỉnh hoặc lên thành phố mới có trường, ngặt nỗi “Chục đứa đi thì chừng 2, 3 đứa về… chơi rồi đi tiếp, có khi đi luôn không thấy về!” “Tụi trẻ ở đất liền thì dzô đây làm, còn dân ở đây thì bỏ đi hết!”. Còn lại những nhà không có đủ điều kiện cho con đi học cao thì đa số sẽ làm nghề biển phụ cha mẹ từ nhỏ, kiểu vừa học vừa làm. Hoặc khoảng độ tuổi vừa lên cấp 2, cấp 3 là nghỉ học (vì không còn trường để học lên nữa) rồi đi làm. Ða số là các ngành dịch vụ, du lịch như phục vụ quán nhậu, hướng dẫn viên du lịch địa phương, chạy taxi hợp đồng với các khách sạn lớn, làm cho các quán ăn nhà hàng khách sạn hay club, cò đất trên đảo. Trai tráng đa phần làm xây dựng, phụ hồ vì nơi đây đang phát triển, nghề xây cất đang thịnh, cần nhân công và lương cũng cao hơn “trên đất liền”. Nói chung cảm nhận chung của dân đảo “Phú Quốc được cái không sợ đói”. Vì các cơ hội việc làm trải ra khá nhiều”. Nếu ban đêm lang thang phố Phú Quốc bạn sẽ tưởng đang đi dạo giữa Sài Gòn, nhiều khi còn ồn ào hơn. Tuy nhiên, vì được những người bạn “thổ địa” dẫn đường, tôi cũng đã có những ngày đi “bụi” rất vui, cảm nhận được nhiều cái mới lạ. Ví dụ như tắm…. suối, đi bắt cá, đi leo núi, lên rừng, học được vài món biển và tên vài sinh vật biển… Xin nói thêm, đến Phú Quốc nếu bạn không có quen biết dân bản xứ, không được dẫn đến những nơi-được-phép thì ngay muốn ngồi bãi cát ngắm hay tắm biển nhiều khi là một thứ xa xỉ, nếu như bạn không thuê phòng ở các khu resort hoặc khách sạn cao cấp. Cứ mỗi lần xuống biển thì phải có thẻ đi xuống biển vì dọc biển là các resorts nên biển (bỗng nhiên) thuộc về các resorts đó. Có cả những chỗ cắm luôn bảng cấm nằm trên…. cát. Phải thuê ghế 60k/người/lần… Chuyến đi chơi đầu tiên nhanh chóng kết thúc, cũng chẳng có gì… ấn tượng lưu lại ở vùng đất này trong trí nhớ của tôi. Tuy nhiên khi bạn bè ở nước ngoài về hỏi ở Việt Nam nên đi biển nào tôi vẫn nhiệt tình giới thiệu Phú Quốc. Vì so với những nơi khác, nơi này vẫn chưa bị tàn phá nhiều, vẫn còn thanh bình lắm lắm.

phu-quoc-co-gi5
Cô gái Phú Quốc xinh đẹp nghỉ học bán đồ nhậu ở chợ đêm

Lần thứ hai tôi đi Phú Quốc, cách lần đầu 2 năm, cách thời gian những con chữ này đang nhảy múa 2… ngày.  Lần này tôi không đi Phú Quốc với một tâm trạng muốn “chứng minh” nữa. Tuy tình trạng của Phú Quốc dưới “mắt thường” thì chẳng khấm khá gì hơn 2 năm trước. Hòn đảo “thiên đường” nếu nhìn từ trên cao chắc có thể hình dung như một công trường lớn với nhiều công trường xây cất khổng lồ không biết bao chừ mới xong. Ði qua mỗi rừng cây tôi lại thở dốc một cái, không biết chúng còn thọ bao năm. Theo anh tài xế tên T. của khách sạn, thì:

–  “Nó” xịt thuốc cho cây tự chết để không vướng trách nhiệm phá rừng. “Nó” mua lại đất của dân từng đợt, dân không bán thì “nó” lấy cớ quy hoạch. Còn đất hoang, đất núi hai bên đường này là rẻ nhất cũng 6 triệu/mét vuông rồi đó chị! Mà chị biết không, có người bà con của em dọn nhà ba lần vẫn không thoát hai chữ “quy hoạch”.

phu-quoc-co-gi6
Đồng chí Trung Hoa mỗi sáng chỉ đạo các chị lao công (ông ta chỉ là khách nhưng thích làm… thích khách)

Tôi thắc mắc, T. tiếp:

– Có nghĩa là vừa dọn đến chỗ này, chưa xây nhà xong thì lại có thêm lệnh “giải phóng mặt bằng”. Thế là “chạy” tiếp, chạy lên chỗ khác chưa xây nhà xong thì lại “trúng” ngay chỗ xây… cầu. Lại phải “chạy” tiếp không thôi giằng co không được đền bù coi như mất trắng, lên núi sống!

Tôi thở dài: “Thôi, hổng chừng lên núi ở vài bữa “nó” leo lên tới đòi xây… chùa cũng mệt đó em!”

phu-quoc-co-gi4
Bò ngoài đường

T. hào hứng: “Chị biết ông Nguyễn Tấn Dũng không? Ổng xây cái chùa Hộ Quốc ở trên núi ngay Bãi Cây Da nè!”

“Mai em chở chị tới đó nha!” – (Chuyện về ngôi chùa này xin được phép kể ở phần 2).

“Dạ. Chị về nghỉ ngơi đi. Mai gọi em!”

phu-quoc-co-gi3
Bò trên nóc nhà

Tôi mang theo một cơ thể mệt mỏi, một tinh thần xuống dốc đến đây để mong được thư giãn không ngờ lại được nghe nhiều chuyện thú vị như vậy, tinh thần cũng sáng sủa hơn một chút. Khi tôi được chở qua cổng chào có khắc dòng chữ “Université Lamarck”, hình như bao nhiêu “sân si” chạy trốn hết nhường chỗ cho sự tò mò.  Nơi này là một resort lớn được Bill Bensley – kiến trúc sư lừng danh thế giới thiết kế với kiến trúc đồ sộ và tỉ mỉ dựa trên ý tưởng kiến trúc của đại học Lamarck University, nằm ở Bãi Khem những năm đầu thế kỷ 20. Lamarck University khánh thành năm 1889, ngay sau khi Pháp vào Việt Nam, được đặt theo tên nhà khoa học Pháp Jean Baptiste Lamarck. Ðây là một khu nghỉ mát hiếm hoi ở Việt Nam được đầu tư nghiêm chỉnh và chu đáo từ thẩm mỹ, nhân sự từ trong phòng ra đến bãi biển, hồ bơi, khuôn viên resort… Khu nghỉ mát với 244 phòng, suite,  villa dưới sự mô phỏng của 18 khoa của ÐH Khoa học Tự nhiên Lamarck xưa sau 5 năm phục dựng. Với “ý đồ” biến du khách thành các sinh viên đại học đang đi “du học” ở một ngôi trường có một không hai. Các “voucher” giảm giá cũng được bán và phát hành dưới dạng “học bổng” rất thú vị. Ngoài nơi ở, còn có các nhà hàng, club, quầy bar, phòng gym, phòng chơi bóng bàn, cửa hàng, spa, phòng tranh, tiệm cắt tóc… hầu như mọi thứ bạn cần.  Resort JW Marriott Phú Quốc như một thành phố thu nhỏ dành cho những “cô cậu sinh viên” thượng lưu nhất. Giá tiền cũng không hề rẻ một chút xíu nào ngay khi bạn đã có “học bổng”. Tuy nhiên, mặc dầu thời điểm này đang không phải là mùa du lịch nhưng ở đây cũng khá đông khách đủ để thấy độ “hot” của “ngôi trường” này.

phu-quoc-co-gi2
Bò đụng xe (hình từ facebook Nam Huynh)

Trong mấy ngày tôi ở và quan sát được thì đa số khách Tây chiếm 60%, còn lại là 30% khách Tàu và 10% khách Việt, trong 10% khách Việt thì khoảng 8% là khách người miền Bắc và 2% khách người miền Nam. Tuy đang ở một nơi được các diễn đàn du lịch thế giới đánh giá là tốt nhất, thanh lịch nhất, đẹp nhất, tốn kém nhất nhì Phú Quốc lẫn Việt Nam, nhưng bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy một chàng Bắc Kỳ 75 mặc boxer lượn lờ trước mặt bạn cả chục lần trong nhà hàng chuẩn 5 sao của resort để… nghe điện thoại. Hay sáng sáng mở mắt ra ngó xuống bãi biển đẹp trong veo trước mặt bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy một đồng chí Trung Hoa mặc bộ đồ ngủ Pijama tay chống nạnh chân gác lên hồ bơi “chỉ đạo” các cô lao công đang dọn vệ sinh.

À, cũng nên giải thích một chút về cái “đặc sản của Phú Quốc”. Bò ở đây không phải là bò bít tết, bò BBQ, bò né, bò kho… Tôi cũng không có ý xéo xắt các vị ở trên là bò. Ở bãi biển cũng không có con “bò lạc” nào. Tôi chỉ muốn chia sẻ một kinh nghiệm, khi ở Phú Quốc, hãy tin chắc tài xế chở bạn là một tài xế địa phương. Bạn đừng bao giờ tự lái xe vì sẽ có thể gây án mạng bất cứ lúc nào. Vì ở Phú Quốc bạn có thể thấy bò khắp mọi nơi, đa số là được thả rong, chúng cũng khá hồn nhiên và hiếu khách. Cứ thấy ánh đèn xe thì có thể chạy ra giữa đường “welcome” một cách nhiệt tình. Nhưng càng nhiệt tình càng bị cánh tài xế lẫn khách du lịch ghét bỏ, cứ đang lái xe mà thấy đàn bò loáng thoáng từ xa đã la lên:

phu-quoc-co-gi1
Bò ngồi ghế (menu cocktail free mỗi chiều của Marriott cho hội viên)

“Nó” kìa! “Nó” kìa!

Rồi đạp thắng kính cẩn nhường đường. Bởi vậy người ta mới có câu:

Người Úc nhìn con bò thấy thịt. – Người Hà Lan nhìn con bò thấy sữa. – Người Việt nhìn con bò thấy lãnh đạo.

DU

(xem tiếp phần 2)