Nhìn thấy một em bé ngồi khóc ai chẳng động lòng thương. Và cô giữ trẻ trong bài này chỉ với một hành động dễ dàng nhưng đầy thông cảm đã làm cho đứa bé tin cậy và vui vẻ trở lại. Bài học thật giản dị nhưng mang ý nghĩa sâu sắc cho mỗi người chúng ta. NS
Hồi đó, tôi làm cô giữ trẻ (nanny) trông coi hai đứa bé sinh đôi. Mỗi tuần, tôi đem hai em tới nhà trẻ một ngày. Chúng rất vui, chạy chơi cùng những trẻ khác mà không cần tôi chăm sóc. Ở đây, có một số em mới, hãy còn e thẹn rụt rè, còn phần lớn đều năng động, vui chơi. Chúng bận rộn nhồi đất sét, nặn hình, hoặc nói chuyện, cười rúc rích trong lúc thử nón mang giày trong góc thay đồ.
Một hôm nọ, trong khi tôi đang bày biện giá vẽ thì bầu không khí yên bình với âm thanh của những trò chơi của lũ trẻ bỗng bị xé động bởi tiếng kêu thét đến từ đại sảnh. Qua cánh cửa lớn, tôi nhìn thấy một bé tóc đen khoảng hai tuổi đang ngồi bệt trên sàn nhà. Nước mắt chảy giàn giụa đầy mặt. “Không!” Nó thét thật lớn và ném đôi giày ra xa. Tôi không nghe tiếng cô giáo nói gì, nhưng một lát, cô quay về phía lớp học, lắc đầu thở dài. “Nó nhất định không mang giày vào”.
Kế đó, một phụ huynh tiến tới và mang đôi giày cho bé. “Bé ơi, ai đi học cũng đều phải mang giày này.” Một lần nữa con bé lại ném giày đi kèm theo một tiếng “không” dứt khoát, và nó đánh đập bất cứ ai tới gần. Tiếng thét của nó vang lớn tới nỗi mọi đứa bé trong phòng đều ngừng chơi và trố mắt nhìn.

Bà phụ huynh lúc nãy trở về chỗ và nhún vai, cau mày lại. Còn một mình, con bé tiếp tục la hét. Tôi thấy nó có vẻ hoảng sợ, do đó tôi hỏi cô giáo để xin phép giúp nó và cô bằng lòng. Cô cho biết con bé khoảng hai tuổi rưỡi, nói chút ít tiếng Anh còn thổ ngữ của nó là một mớ lộn xộn. Có thể nó không hiểu tới trường này là phải mang giày. Ðiều này càng khiến tôi thắc mắc về đứa bé. Trước kia tôi có dạy vài năm ở nhà trẻ và đã giúp một số các em thích ứng với việc học, nhưng chỉ sau khi chúng tôi đã làm quen với nhau. Còn đứa bé này và tôi thì hoàn toàn xa lạ. Làm sao bé có thể tin cậy ở tôi được. Tôi không thể để mặc bé một mình trong cơn hờn giận. Do đó tôi đi lấy một cái ghế nhỏ tới ngồi gần bé.
“Hình như em đang cảm thấy giận lắm và buồn nữa, phải không?” Tôi nói. Tôi không chắc là bé hiểu bởi vì bé tiếp tục la khóc. Dẫu vậy, tôi vẫn ngồi bên bé. Tôi biểu lộ tình thương đối với bé. Một lát, bé chỉ tay ra phía cửa.
“Có phải má bé về rồi không?”
Ngay tức khắc, bé gào lên. “Má! Má! Má ơi!” Giờ đây giọng của bé chứa đầy sợ hãi chứ không phải hờn giận nữa. Mắt bé đầy lệ, thỉnh thoảng bé lại nấc lên và cố nuốt dòng nước mắt.
“Có phải bé sợ vì mẹ ra về không?” Tôi hỏi bé. Tôi thắc mắc chắc không ai nói cho bé biết là mẹ bé sẽ trở lại đón. Thật là kinh hoàng đối với một em bé chỉ mới hai tuổi rưỡi. Và ngay cả có ai đó nói cho bé biết bé cũng sẽ không hiểu và càng tức giận hơn nữa.
“Mẹ bé ra về theo lối cửa kia phải không?” Tôi nói với bé. “Nhưng mẹ bé sẽ trở lại mà!”
Ðứa bé thôi nức nở và lần đầu tiên bé nhìn thẳng vào tôi. Bỗng tôi nhớ một bài hát đã viết để khích lệ một em bé trong cơn sợ hãi. Rồi tôi cười với bé và cất tiếng hát.
Má về rồi, nhưng sẽ trở lại.
Má sẽ trở lại. ô bé ơi
Má về rồi, nhưng sẽ trở lại
Má sẽ trở lại, ô ô bé ơi…
Bây giờ bé đã nín khóc, ngồi yên, lắng nghe, nhưng đôi mắt còn đầy lệ, ngước nhìn tôi. Tôi hát đi hát lại nhiều lần nữa, và khi ngừng hát thì bé đưa tay cho tôi. Tôi cầm lấy bàn tay nhỏ bé, đoạn nhặt đôi giày bé lên và hỏi: “Chúng mình cùng chơi chứ?”
Bé gật đầu ưng thuận và chúng tôi chơi với đoàn xe lửa ở phòng bên. Bây giờ bé đã mỉm cười, có khi cười lớn tiếng trong khi chúng tôi làm cho đoàn tàu chuyển động trên đường ray. Bây giờ thì việc mang giày cho bé chẳng còn khó khăn nữa. Cô bé đưa chân ra cho tôi mang vào. Một lát sau thì mẹ bé tới, mặc sari sặc sỡ, đi chân không. Tới đây thì tôi đã hiểu mọi chuyện.
Sau hôm đó, tôi vẫn mang hai bé sinh đôi tới lớp mỗi tuần. Và mội lần như thế con bé tóc đen đều lớn tiếng gọi tên tôi, chạy ùa tới ôm chân tôi với nụ cười rạng rỡ. Tôi luôn luôn quỳ xuống ôm bé vào lòng. Và khi tan lớp bé luôn chào tôi về. Mặc dầu tôi chỉ mất hơn hai mươi phút dỗ bé nín khóc, mối đồng cảm đó trở thành lâu dài. Tôi quả thật cảm kích sâu xa.
Cho tới bây giờ mỗi khi ngồi nhớ bé trái tim tôi vẫn tràn hơi ấm. Ôi, cơn giận và những giọt nước mắt của bé, cũng như những cái ôm và nụ cười. Và tôi rất biết ơn các cô giáo đã dạy tôi sự thông cảm: làm sao để biết lắng nghe mà không phán xét cũng như cảm thông trọn vẹn. Tôi mang ơn và hân hoan truyền lại cho mọi người.
NS theo Patty Zeitlin