Trong khu chợ Xuân La gần nhà tôi, sáng sáng vẫn inh ỏi tiếng những ông trật tự thổi còi, hò hét những người bán hàng đang choán cả lối đi. Người ở ngoài Bắc này đều thích đổ hết về Hà Nội và trong Nam thì lại thích đổ hết về Sài Gòn. Gánh nặng hạ tầng khiến mọi thứ trở nên quá tải, cả chợ búa cũng ảnh hưởng. Quá chật chội, quá bẩn thỉu cho những con người buôn thúng bán bưng, vạ vật mưu sinh nơi hè phố. Và tôi chẳng mấy thiện cảm với những người cầm dùi cui, tuýt còi và những chiếc xe tải mini của “trật tự phường”. Dân tình thì “lầm bầm tức tối” khi “ùn tắc giao thông”, và cũng chỉ có thế, tiết chế chút phẫn nộ rồi rụt đầu vào mai, tiếp tục phàn nàn. Con đường Xuân La có quán chè ăn khá ngon, phía cuối là KFC, nơi tôi mỗi lần ngồi gặm cánh gà là nhớ về một nước Mỹ rất nhân hậu và dễ chịu. Con phố này còn có cả quán Thanh Trà Ding Tea và những tiệm cà phê. Những hàng quán vào giờ cao điểm. Những chiếc bàn nhựa thấp lè tè chật ních khách xì xụp. Vạt đất dưới chân vương vãi giấy lau miệng và tăm, dù cái sọt rác thì luôn kè bên. Tất cả là những thứ mất trật tự đã thành nếp.

Xuôi sang phía Ðông “Cô Kiều Sóc Trăng”, tên của quán cơm tấm miền Nam giữa Hà Nội nhưng trong quán thì chỉ toàn những “cậu”, từ nấu bếp, chạy bàn đến tính tiền. Cái dĩa cơm ở đây cũng không dùng cơm tấm như biển quảng cáo bên ngoài. Ðĩa cơm gà ram chỉ chơ vơ một cái cánh gà chiên cụt ngủn, một nhúm bắp cải chua, chan với thứ nước sốt đựng trong cái lon thiếc cáu bẩn. “Ẩm thực” giao thoa với ẩm thấp. Mấy phòng ăn trong một gian hầm lửng chỉ cao hơn đầu người chút tẹo. Và “máy điều hòa di động” to đùng thì cũng chẳng thể xua hết nổi mùi ẩm thấp đặc trưng khó tả ở đây. Có lẽ, đường Thụy Khuê nằm ở bên bờ con đê cổ Hà thành mà giờ thành đường Hoàng Hoa Thám, nên cái quán cơm tấm Cô Kiều Sóc Trăng lại chẳng cho tôi một chút dư vị miền Tây ngoài sự ngột ngạt của cái rốn sông Hồng lâu ngày không được tẩy uế. Nó khác hẳn cái quán Cơm Tấm Sài Gòn nằm trên con đường Thái Hà vừa nổi tiếng đã âm thầm dẹp tiệm. Khu này vốn là những người từ Nam ra Bắc định cư, họ sống trong những con ngõ rộng và những căn nhà khá yên tĩnh.

Cái quán Cháo sườn Ngõ Huyện khá quen thuộc với tôi. Con đường ở đây lúc nào cũng tấp nập vì chỉ vài bước chân là ra Nhà thờ Lớn và Hồ Gươm. Khu Ngõ Huyện lúc nào cũng đặc ken khách du lịch Tây Tàu Phi Ấn, đủ các sắc dân và màu da. Dân “Tây lông” mà ở Việt Nam lâu thì hành xử có phần khệnh khạng hệt như “mafia-ta”, như không đội mũ bảo hiểm, hay thình lình dừng xe hơi chình ình giữa đường. Mọi thứ khá ồn ào và nhộm nhoạm, nó tạp lục như khu Wan Chai của Hong Kong vào những thập niên 90. Sự hỗn tạp con phố Ngõ Huyện này khiến tôi chỉ muốn xực xong tô cháo sườn là rồ ga biến khỏi!

Ngoài quán Cháo sườn ở Ngõ Huyện tôi còn hay đi ăn chè ở một quán dọc con đường mà Tây đặt tên là Toy Street hay Phố Ðồ Chơi. Thực chất đó là dãy phố Hàng Lược – Chả Cá – Hàng Cân – Lương Văn Can một chiều từ vườn hoa Hàng Ðậu chạy ra bờ Hồ. Ở quán Bốn Mùa này, ngoài món chè sen rất ngon mà tôi ghiền đậm, còn có bánh “Chín tầng mây” nhưng khá nhạt nhẽo so với tên gọi bay bổng thượng giới, thực chất nó cũng chỉ giống như bánh su sê, phu thê, hay còn tệ hơn bánh da lợn trong Nam ta. Một lần ngồi ăn chè, gặp chàng Tây Ban Nha mặc cái áo có ghi dòng chữ về voọc ở Cát Bà, một loài linh trưởng nằm trong sách đỏ Việt Nam. Có lẽ, một người mà quan tâm về những vấn đề xanh và môi trường, về một thế giới văn minh hậu vị nhân sinh sẽ cảm thấy khá lạc lõng giữa những tấp nập xô bồ dù ở một quán chè ở con phố Hàng Cân. Cái vẻ mệt mỏi lẫn cảm giác thở phào, chỉ vì đây là ngày cuối cùng ở Việt Nam. Tôi chúc cậu lên đường bình an.

Ði chợ, đi siêu thị thì bị bắt phải gửi đồ. Những siêu thị BigC hay siêu thị Vinmart thì vào cổng túi xách, bóp ví dù to hay nhỏ cũng phải bị mấy anh bảo vệ bọc ny long và bấm ghim lại một cách rất cẩn trọng. Và đồ đạc cá nhân có bị bốc hơi trong những cái ngăn hộc dù có khóa kia, cũng chẳng có gì lạ. Có lẽ, Việt Nam cứ một bước tiến lên thì vài bước thụt lùi. Và cứ mỗi bước thụt lùi, tôi lại băn khoăn và tự hỏi “Ðúng” và “Thực” có thể tồn tại ở một đất nước dường như kiệt quệ quá nhiều niềm tin này? Các bà nội trợ Việt bước vào những chợ ở Mỹ, hẳn nhiên sẽ chẳng bao giờ phải bận tâm thể hiện sự “minh bạch” của mình.

Tôi chẳng phải là tín đồ hàng hiệu. Nhưng qua những lần về Việt Nam thì mới biết “kinh đô hàng nhái thế giới” là Quảng Châu ngay bên kia biên giới Việt. Những túi xách, giày dép nổi tiếng được làm nhái hàng loạt ở đấy. Và chỉ có ở Việt Nam mới có những khái niệm “nhận diện chất lượng” với tôi rất ư là xa lạ như “Fake 1”, “Fake 2” hay “Super Fake”. Và rồi trong vài năm gần đây là hàng “rép”, là từ Việt hóa của từ gốc Replica mà hàng “rép” được coi là khá hơn là hàng “phếch”! Chỉ khi tôi tặng cô bạn thân cũ chiếc xách MK Michael Kors, mới thực hiểu cái văn hóa vọng ngoại nó đã chảy sâu trong tâm thức của những con người Việt hiện đại đến dường nào.
Trung Thu bắt đầu. Con đường Hàng Lược – Chả Cá – Hàng Cân- Lương Văn Can lại diêm dúa sắc màu, những mặt nạ giấy, những trống lắc nhỏ xíu cầm tay và cả trống cơm. Dừng lại hỏi một người làm đèn ông sao bên con đường Hàng Lược, chị ở Hưng Yên và làm ngay tại chỗ mỗi ngày chừng 50-100 lồng đèn và mỗi cái như vậy lớn thì 20,000 VND nhỏ thì 15,000 VND. Con phố Hàng Mã cắt ngang lúc nào cũng tấp nập vào dịp này, lủng lẳng những đầu lân, đèn lồng đỏ, … rất sôi động.
Cho dù nghe rằng bánh Trung thu truyền thống đã thoái trào, cái vị ngon này chỉ còn tô vẽ trong ký ức của thời kỳ đói rách bao cấp. Nhưng khi tôi ghé qua tiệm bánh Trung thu Bảo Phương có tiếng ở Hà thành, những khay bánh đã sớm “cháy hàng”, dù giờ đây, chẳng còn những hàng người rồng rắn dài vài chục mét như mấy năm trước. Chiếc bánh Trung thu được làm theo cách truyền thống giờ đã không còn “hot” như xưa. Con phố bánh mứt kẹo Hàng Buồm vẫn chưa động tĩnh dù chỉ còn một tuần nữa là bắt đầu vào chính mùa trăng sáng tròn nhất. Trung thu ở Việt Nam từ lâu nay dường như đang chuyển thành một dịp lễ lạt cho người lớn nhiều hơn là thế giới của trẻ thơ. Ðó là lúc đi biếu xén, quà cáp, và tôi chẳng ngạc nhiên khi thấy những hộp bánh giá hàng triệu được bán chạy như tôm tươi. Có lẽ, những ký ức về những chiếc đèn giấy đỏ, đèn ông sao, rước đèn với những sợi dây cháy thơm mùi hạt bưởi và những chiếc mặt nạ sắc màu chỉ là những thước phim của ký ức.

Phải thừa nhận rằng, “quan hệ” giữa tôi và Hà Nội, có lúc ghét, lúc yêu, lúc dỗi, lúc hoảng hốt chửi thề chẳng biết tiền mình bốc hơi vào đâu… Lúc thích nghe là lúc người già kể chuyện về Hà Nội xưa, khi chưa có xe máy, chưa có Vincom và chưa có tôi. Những mảng tường cáu bẩn vẫn luôn là điều gì đó với những người con Hà thành hoài cổ, hay những cái ban công nhỏ xinh của những ngôi nhà xây từ thời Pháp thuộc, mỗi cái ban công là một phong cách thiết kế riêng, không cái nào “được phép” giống cái nào. Nhưng dù khác nhau, hiên phố thời Pháp thuộc vẫn hòa vào nhau như một bản tổng phổ kiến trúc thuộc địa dần bị lãng quên.
Tôi là người dễ ảnh hưởng bởi thời tiết và sắc màu. Hà Nội đã cho tôi những cơn nhức đầu kinh niên. Và món ăn, thức uống đường phố đã làm tôi trở thành tri kỷ với thứ thuốc tiêu chảy. Kiểu như vừa ăn xong tô bún riêu thì thần Rùa mới xuất hiện và nói, “ Giặc ở trong… tô của nhà ngươi đó!”

ÐMH