Nguyễn Hiến Lê là một tác giả quan trọng của Miền Nam. Ông là một cây bút có tiếng, viết miệt mài và là một nhân cách lớn.
Trong đời cầm bút của mình, đến trước khi mất, ông đã xuất bản được hơn một trăm bộ sách, về nhiều lĩnh vực: văn học, ngôn ngữ học, triết học, tiểu luận phê bình, giáo dục, chính trị, kinh tế, gương danh nhân, du ký, dịch tiểu thuyết, học làm người… Tính ra, số bộ sách của ông được xuất bản gần gấp 1.5 lần số tuổi của ông và tính từ năm ông bắt đầu có sách in (đầu thập niên 1950), trung bình mỗi năm ông hoàn thành ba bộ sách với 800 trang bản thảo có giá trị gửi tới người đọc.
Năm 1980 ông về lại Long Xuyên. Cùng năm ông bắt đầu viết Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, đến tháng 9 năm 1980 thì hoàn thành. Đồng thời ông tách những đoạn nói về văn nghiệp ra riêng, sửa chữa, bổ sung và biên tập lại thành cuốn sách Đời viết văn của tôi. Tác phẩm này được sửa chữa xong vào năm 1981, sau đó sửa chữa thêm và hoàn chỉnh vào năm 1983.[2)
Ông lâm bệnh và mất lúc 8 giờ 50 phút [3] ngày 22 tháng 12 năm 1984 tại Bệnh viện An Bình, Chợ Lớn [4], hưởng thọ 73 tuổi. Linh cữu của ông được hỏa thiêu vào ngày 24 tháng 12 năm 1984 tại đài thiêu Thủ Đức.
Tác phẩm thứ 100 của Nhà văn Nguyễn Hiến Lê – “Mười câu chuyện văn chương” – do Trí Đăng xuất bản ra đời vào đúng lúc Miền Nam đang chìm trong khói lửa và cục diện đổi thay đột ngột từng ngày, trong khi hàng triệu dân lại một lần nữa rời bỏ sản nghiệp vượt qua những chặng đường di tản máu lệ cực kỳ thê thảm. Do đó mà những vấn đề văn hóa có bị ngập dưới trăm ngàn âu lo về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội v.v… cũng là điều không có gì đáng ngạc nhiên.
Tạp chí Bách Khoa số 426, phát hành 25 tháng 4. 1975 có bài viết về Nguyễn Hiến Lê nhân cuốn sách thứ 100 này. Sau đây là bài viết của Bách Khoa.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Trong những trang Thư mục, ở phần cuối cuốn sách “10 câu chuyện văn chương”, có bản liệt kê đầy đủ nhan đề những tác phẩm của tác giả đã được xuất bản, từ 1954 đến 1975, phân loại như sau: Văn-học (9 tác phẩm: 15 cuốn); Ngữ pháp (2 tác phẩm); Triết học (7 tác phẩm: 8 cuốn); Lịch sử (8 tác phẩm: 11 cuốn); Chính trị – Kinh tế (8 tác phẩm); Gương danh nhân (10 tác phẩm); Cảo luận – Tùy bút (13 tác phẩm); Giáo dục – Giáo khoa (13 tác phẩm: 14 cuốn); Tự luyện Ðức Trí (21 tác phẩm) Du ký (2 tác phẩm); Tiểu thuyết dịch (7 tác phẩm: 10 cuốn). Cộng tất cả là 100 tác phẩm gồm 114 cuốn trong số này có 45 dịch phẩm.
Trong một cuộc tiếp xúc với nhà văn Nguyễn Hiến Lê, Bách Khoa đã đặt với ông một số câu hỏi như sau:
– Xin ông cho biết qua nội dung cuốn sách thứ 100 “Mười câu chuyện văn chương” của ông.
NHL: Hầu hết đều là những bài đã đăng trên Bách-Khoa trong 10 năm trở lại đây, về bước đầu của tôi trong ngành xuất bản,về chánh tả Việt ngữ, về sự nghiệp của Ðông Hồ, về hôn nhân với nghề cầm bút, về đời sống của nhà văn…. tóm lại là một ít hồi ký và suy tư của tôi trong mười mấy năm xuất bản và viết văn. Tôi tiếc có mấy bài không thể in lúc này được, phải dành cho một tập khác: “Văn chương và thời thế” để đợi một thời khác.
– Sau cuốn thứ 100 này, những cuốn kế tiếp (thứ 101, 102, 103..) sẽ là những cuốn gì và do nhà xuất bản nào ấn hành?
NHL: Sau cuốn này là cuốn “Tourgueniev” do Nhà xuất bản Lửa Thiêng đương in. Ðây là một trong loạt ba cuốn về ba tiểu thuyết gia lớn của Nga, thế kỷ 19, sau Tolstoi, Dostoievski. Hai cuốn kia là “Gogol” và “Tchekov” (đều đã viết xong) mỗi cuốn gồm 2 phần:
- Ðời sống và sự nghiệp.
- Trích văn.
Cuốn thứ 102, 103 chưa biết được có phải là hai cuốn đó không, hay là những cuốn trong các sách sau đây cũng đã viết xong:
– Trang Tử (dịch và phân tích trọn bộ Nam Hoa Kinh).
– Văn minh Trung-Hoa (dịch Will Durant).
– Nửa thế kỷ sống vì nghệ thuật (đời 5 nghệ sĩ),
– Tôi tập viết tiếng Việt
– Một mùa hè vắng bóng chim (dịch Han Suyin).
– Con đường thiên lý.
Những bản thảo trên đây đều chưa trao cho nhà xuất bản nào.
– Xin ông cho biết về những tác phẩm ông đương viết và dự định sẽ viết sau này?
NHL: Tôi đương viết chung với Ô. Giản Chi về Tuân Tử và định sẽ viết: Hàn Phi Tử, Nhân loại đi về đâu, nhưng thời cuộc như vầy, tôi không có hứng viết nữa. Tôi lại thấy như 7, 8 năm trước sự vô ích, vô nghĩa của công việc mình làm.
– Trong bài viết trên số này (Ô: Nguyễn Hiến Lê và tôi). Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có băn khoăn về một vài bệnh mà ông đã phải chịu đựng trong nhiều năm qua. Vậy xin ông cho biết tình trạng sức khỏe của ông lúc rày ra sao?
NHL: Sức khỏe tôi từ năm ngoái đã kém mấy năm trước, (chỉ là bệnh già thôi chứ không có gì quan trọng) nhưng nhờ vài bạn bác-sĩ tận tình săn sóc, nên tôi vẫn làm việc được.
Cũng nhân dịp này ông Nguyễn Hiến Lê cho biết thường ngày ông vẫn làm việc đều, sáng viết, chiều viết và tối nghỉ để đọc. Lúc nào đau, mệt mới nghỉ. Trong các sách của ông đã xuất bản, ông mất công nhất với “Chiến quốc sách” vì phải đối chiếu nhiều bản khác nhau, hoặc có những bản chú thích không đủ. Cũng với những lý do đó ông đã mất công nhiều với Cổ Văn Trung quốc (đã xuất bản) và Trang Tử (đã viết xong). Thường rất nhiều sách của ông đã được in đi in lại nhiều lần nhưng những lần tái bản, ít khi ông phải sửa lại. Riêng cuốn Ðông-kinh Nghĩa-thục sắp in lại lần thứ ba, thì mỗi lần tái bản là một lần ông phải thêm bớt vì có những tài liệu mới do các sách viết về Ðông kinh Nghĩa thục ra về sau. Trong 100 cuốn sách, đứng đầu về tái bản nhiều nhất là cuốn sách dịch: Ðắc nhân tâm nguyên tác của Dale Carnegie do nhà Phạm Văn Tươi xuất bản lần đầu năm 1951.
Bách Khoa đăng lại từ: hocxa.com