Không chỉ từ những trận bão dữ Harvey, Irma, Maria cho đến vụ nổ súng tại Las Vegas đôi tuần qua, mối quan tâm và cảm xúc của người dân trải theo các sự kiện xã hội trong năm. Liệu những câu chuyện thời sự như vậy có trở thành một trong những đề tài của bữa cơm gia đình, đặc biệt với con cái tuổi thiếu niên đang hình thành một nhận thức xã hội và cảm xúc cộng đồng?

Bên cạnh những tai ương và thảm kịch thì sự hiện diện của vô số những câu chuyện về tấm lòng nhân ái và lòng quả cảm cùng biết bao điều liên quan khác, cũng có thể tạo cho các em một thói quen biết quan tâm đến thế giới quanh mình, mang đến một niềm hứng khởi cùng các suy nghĩ tích cực của chính mình. Bởi không bậc phụ huynh nào mong muốn con cái mình sẽ trở thành những con người trưởng thành biệt lập, thờ ơ, thiếu đi mối quan tâm cùng sự thông cảm với con người và xã hội chung quanh. Hay khác hơn, chúng ta đang ươm mầm cho các em một trong những kỹ năng xã hội để có thể bước vào một đời sống trọn vẹn với nhiều cơ hội hơn cho mai sau.

Những năm gần đây, cộng đồng Á Châu trên đất Mỹ được nhắc đến như một cộng đồng thiểu số thành công, qua mặt tất cả các sắc dân khác, kể cả người Mỹ trắng khi xét về mặt học vấn, nghề nghiệp và thu nhập. Những số liệu từ Bộ Lao Ðộng và Cục Kiểm tra Dân Số cho thấy khoảng một nửa người gốc Á Châu từ 25 tuổi trở lên đã từng tốt nghiệp đại học (cao nhất là Ấn Ðộ với khoảng 70%), có tỉ lệ thất nghiệp thấp và thu nhập cao hơn mức trung bình so với các sắc dân khác. Nhưng câu hỏi được đặt ra là, nếu được xem là một cộng đồng thành công và tài năng như vậy thì tại sao người Mỹ gốc Á Châu lại không đạt đến những vị trí, vai trò lãnh đạo chủ chốt tương ứng với tỉ lệ dân số, học vấn… của mình trong các lãnh vực khác nhau? Họ làm tốt các vai trò thừa hành hay chuyên môn và có thể đạt đến các vị trí quản trị cấp thấp, cấp trung, nhưng theo tạp chí Fortune, người gốc Á Châu chỉ chiếm 1.5% các vị trí cao trong 500 tập đoàn lớn tại nước Mỹ (Fortune 500). Và xét riêng thêm nữa, dù với một tỉ lệ đã thấp này thì các vai trò lãnh đạo của người Châu Á nói chung thường tập trung vào tay người Ấn Ðộ hay các cộng đồng Ðông Á (Nhật Bản, Nam Hàn, Hồng Kông, Ðài Loan) hơn là các cộng đồng khác. Ði tìm câu trả lời này có thể giúp cho chúng ta nhìn thấy những giới hạn và mục tiêu của chính cộng đồng mình, suy nghĩ và nhắm đến một phương thức giúp cho các thế hệ tiếp nối tận dụng và thăng tiến xa hơn từ tài năng vốn có trong tương lai, hơn là với sự biện minh và thỏa mãn dễ dãi đang có bằng dăm nhân vật gốc Việt.

Thật ra câu trả lời này từng được một số tâm lý gia cùng các giáo sư đại học chuyên theo dõi về văn hóa và cộng đồng Á Ðông đưa ra trong các cuộc nghiên cứu của mình: dù sự thông minh và khả năng cạnh tranh nghề nghiệp cao, chúng ta thiếu những sự gắn kết và kỹ năng xã hội cần thiết cho các vai trò lãnh đạo. Khi đọc một số nghiên cứu hay các phúc trình từng đăng trên tạp chí Journal of Applied Psychology liên quan đến cộng đồng Châu Á nói chung, có lẽ ít nhiều cũng đồng ý với các nhà nghiên cứu khi họ đưa ra một nhận xét rằng, người Châu Á nhắm đến sự thành công dựa vào sự cần cù và nỗ lực thăng tiến cá nhân hơn là mục tiêu liên đới và phát triển cộng đồng, xã hội chung. Những đặc tính và tâm lý này dẫn đến việc chú trọng vào nỗ lực học vấn và nghề nghiệp chuyên môn cá nhân nói trên, coi nhẹ hoặc không chú trọng việc vun bồi kỹ năng xã hội, một kỹ năng không thể thiếu trong các vai trò lãnh đạo.

Kỹ năng xã hội là những khả năng sống, giao tiếp, hành xử của một người trong cộng đồng. Ðây là một thuật ngữ liên quan đến trí tuệ về hành vi và cảm xúc (EQ) được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, khi người ta nhận thấy nó quan trọng không kém những kỹ năng về trí tuệ (IQ) như sự thông minh, học vấn, bằng cấp. Dù được nhìn nhận là quan trọng nhưng kỹ năng này không phải nằm trong một sự huấn luyện chính thức và đồng nhất như các môn học theo giáo trình học đường, mà nó phụ thuộc rất nhiều vào môi trường, cách các thầy cô, cha mẹ đã tạo cơ hội cho các em phát triển ra sao. Nó cần thiết vì giúp cho các em thiết lập và phát triển các mối quan hệ xã hội, có thái độ và suy nghĩ tích cực, có khả năng diễn đạt mình ở cách tốt nhất cùng một thái độ thông hiểu, hợp tác với người đối diện trên tinh thần đồng đội, chan hòa một khi trưởng thành. Nó không chỉ giúp các em những cơ hội thăng tiến nghề nghiệp hay các vai trò lãnh đạo như nói trên mà còn mang lại niềm vui thú trong đời sống của chính mình.
Kỹ năng xã hội được hình thành hay huấn luyện theo nhiều cách khác nhau nhưng bắt đầu bằng từ những điều phù hợp theo độ tuổi sẽ giúp các em từng bước tạo một nền tảng chắc chắn khi trưởng thành. Từ việc hướng dẫn các em những việc xin lỗi, cảm ơn, chia sẻ, tuân theo hướng dẫn, biết diễn đạt rõ ràng, tính kỷ luật ở những bậc học đầu tiên, sang việc hình thành một tinh thần trách nhiệm, sự nhẫn nại, biết chấp chận sự khác biệt, tự giải quyết tranh chấp, nhìn nhận lỗi lầm để thay đổi… ở các bậc học cao hơn, cho đến khả năng sắp đặt và tổ chức, dự phần và phân chia trách nhiệm công bằng, mở rộng mối giao tiếp, biết khen ngợi và khuyến khích người khác, có khả năng phản biện tích cực và văn minh… ở những bậc học cuối cấp. Và cuối cùng là một thói quen quan tâm, gắn kết với xã hội, hòa mình vào sự kiện và cảm xúc cộng đồng. Học và thực hành những thói quen này sẽ dẫn đến một ý thức trong suy nghĩ và hành xử của các em khi trưởng thành.

Cách hành xử của một số người rất dễ cho thấy sự khác biệt khi tiếp nhận và thực hiện những kỹ năng tưởng chừng như đơn giản này ra sao. Có người nôn nóng, chen lấn, cắt ngang khi xếp hàng bởi họ thiếu sự kiên nhẫn và chưa thấu lẽ công bằng. Người ta thờ ơ, thiếu sự cảm thông với người khác vì chỉ lo nghĩ đến quyền lợi của mình. Những tranh luận trở nên hàm hồ, thô lỗ bởi thiếu khả năng phản biện tích cực và văn minh. Tình trạng chia rẽ phổ biến vì không chấp nhận được sự khác biệt và thiếu vắng tinh thần tập thể. Cộng đồng không có sức mạnh vì thiếu sự quan tâm và dự phần vào xã hội. Và đó chỉ là vài trong vô số những điều có thể kể thêm.
Một thế hệ trẻ đang định hình với dăm sự thành công đó đây, nhưng nhìn chung thì có lẽ cộng đồng người Việt vẫn chưa mang tính cạnh tranh cao và chưa tạo tầm mức ảnh hưởng rộng so với những cộng đồng khác. Giúp các em phát triển những kỹ năng xã hội, hướng các em đến những mối quan tâm và thôi thúc dự phần cùng thế giới chung quanh, mang các cảm xúc cộng đồng đến cho các em, chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra những thế hệ tương lai có nhiều hứa hẹn hơn từ những sự thông minh và cần cù vốn đã sẵn.

ÐYT