Bão Harvey đánh vào Texas giữa tháng Tám, gây thiệt hại nặng nề. Nước chưa kịp rút khỏi Houston thì bão Irma tràn qua Đại Tây Dương, tàn phá một dọc các đảo vùng biển Caribe trước khi đổ bộ lên Florida. Dân Mỹ chưa kịp định thần thì tuần vừa rồi bão Maria lại nối tiếp, úp ngay lên đảo Puerto Rico.
Trong khi hai cơn bão trước đó được báo chí truyền thông Mỹ đăng tin ráo riết và các đợt gây quỹ cứu trợ thu được rất nhiều tiền, thì Puerto Rico lại ít được nhiều người quan tâm.
Puerto Rico tuy không phải là một tiểu bang trong Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ nhưng người dân nơi đây cũng là công dân Mỹ mặc dù họ không có quyền bầu tổng thống cũng như không có đại biểu trong lưỡng viện quốc hội. Có thể nhiều người Mỹ không nghĩ đến Puerto Rican như dân Mỹ vì ngôn ngữ chính trên đảo là Spanish. Lý do là vì thuở xưa Puerto Rico là thuộc địa của Tây Ban Nha.

Puerto Rico được khám phá bởi Kha Luân Bố (Christopher Columbus) trong chuyến hải hành thứ nhì của ông đến Tân thế giới năm 1493. Dân bản địa là Taino nay gần như tuyệt chủng. Người Tây Ban Nha và dân nô lệ đến từ Phi Châu đã tạo nên một nền văn hoá mới cùng với những món ăn và lối nói đặc thù. Puerto Rico mới đầu chỉ là tên gọi hải cảng nơi thuyền bè ra vào buôn bán. Chữ Rico có nghĩa là “rich”, tức “giàu có, thịnh vượng”, còn “puerto”nghĩa là “cảng”. Cảng này nằm tại thành phố chính mang tên San Juan, là tên do Columbus đặt để tưởng nhớ Thánh John The Baptist. San Juan ngày nay là thủ đô của quần đảo.
Về sau tên Puerto Rico được dùng để gọi cả quần đảo. Người Puerto Rico được chính thức gọi là Puerto Rican, nhưng dân trên đảo gọi nhau là Boricua, đến từ chữ Borikén của người Taino, “Vùng đất của vị thần dũng mãnh”. Dân số hiện nay khoảng chừng hơn 3 triệu người.
Ðầu thế kỷ thứ 19 người dân trên đảo bắt đầu đòi hỏi quyền tự trị, tách ra khỏi đế quốc Tây Ban Nha. Một số nhà cách mạng xuất hiện, và phong trào độc lập nổi lên. Ðể giảm bớt sức mạnh của các nhóm này, chính quyền Tây Ban Nha đã chiêu dụ các sắc dân Âu Châu di cư qua Puerto Rico bằng cách hứa hẹn cho họ đất và ruộng để canh tác. Gần nửa triệu người gốc Âu từ các nước như Ðức, Pháp, Ý, Ái Nhĩ Lan, Tô Cách Lan đã ồ ạt đổ vào Puerto Rico. Tuy nhiên tình hình vẫn không thay đổi gì mấy.
Năm 1868 một cuộc khởi nghĩa xảy ra nhưng thất bại. Người đứng đầu cuộc cách mạng này là Ramon Betances phải cùng đồng đội trốn sang New York. Năm 1895 “Uỷ Ban Cách Mạng Của Puerto Rico” chính thức ra đời tại New York City, với sự tham gia của nhiều nhà cách mạng đến từ các đảo lân cận như Dominican, Cuba trong mục đích đấu tranh cho quyền tự trị.
Sau khi Mỹ đánh bại Tây Ban Nha trong chiến tranh Spanish-American War, Hiệp Ðịnh Paris năm 1898 buộc Tây Ban Nha phải nhượng cho Mỹ chủ quyền các quần đảo Phi Luật Tân, Guam, Puerto Rico và Cuba. Ðế quốc Tây Ban Nha đến đây coi như chấm dứt. Tuy sau này Phi Luật Tân và Cuba tách ra khỏi quỹ đạo của Mỹ, nhưng Guam và Puerto Rico được sáp nhập vào Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth) và được hưởng một số quyền lợi giống như các tiểu bang khác. Mặc dù không có quyền bỏ phiếu cho tổng thống nhưng Puerto Rico vẫn có đại biểu tại các đại hội đảng toàn quốc để đề cử ứng cử viên cho đảng mình và được quyền bầu cử sơ bộ (primaries).
Một trong những lý do Hoa Kỳ muốn giữ Puerto Rico cho bằng được là vì vị trí chiến lược của nó trong vùng biển Ðông Nam. Hải quân Mỹ cần có một căn cứ trong khu vực để kiểm soát đường hàng hải từ Nam Mỹ lên. Kênh đào Panama cũng là một mắt xích trong chiến lược này. Một lý do nữa là vì Puerto Rico là một nguồn mía đường quan trọng vào đầu thế kỷ 20.
Lúc đầu Hoa Kỳ cai quản Puerto Rico bằng quân đội và một vị thống đốc do tổng thống bổ nhiệm. Năm 1900, đạo luật Foraker Act cho phép Puerto Rico thành lập một hạ viện do dân bầu, nhưng thượng viện vẫn do quốc hội Hoa Kỳ bổ nhiệm. Năm 1917 quốc hội Hoa Kỳ ban hành đạo luật Jones-Shafroth Act, chiếu theo đó mọi người dân trên đảo sinh ra từ tháng 4 năm 1898 trở đi mặc nhiên trở thành công dân Mỹ. Ðạo luật này bị dân chúng trên đảo phản đối dữ dội vì họ cho đây là một hình thức bắt ép thanh niên Boricua tham gia Ðệ Nhất Thế Chiến.
Và họ đã đúng. Chỉ hai tháng sau, Tổng thống Woodrow Wilson ra lệnh tổng nhập ngũ toàn quốc, và 20,000 người dân Puerto Rican đã phải tòng quân. Nhưng một điều ít ai biết là phát súng đầu tiên của Hoa Kỳ trong Ðệ Nhất Thế Chiến đã nổ ra hai năm trước đó, khi lính Puerto Rican đóng quân trong thành Morro nã đạn vào một chiến thuyền Ðức tại vịnh San Juan ngày 21/3 năm 1915!
Từ đó về sau đã có rất nhiều người Puerto Rican tham dự các cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ. 60,000 trong Ðệ Nhị Thế Chiến. 61,000 trong chiến tranh Bắc Hàn. 48,000 trong chiến tranh Việt Nam, với 340 tử vong. Năm 2010 bộ Quốc Phòng cho biết hiện có hơn 100,000 cựu quân nhân là người Puerto Rican. Nhưng họ vẫn không có quyền bầu vị lãnh đạo quân lực tối cao của mình (commander-in-chief) tức Tổng thống Mỹ.

Tuần qua ông Trump đã bị chỉ trích nặng nề khi cho rằng công cuộc cứu trợ Puerto Rico sau trận bão Maria bị chậm lụt bởi vì quần đảo này nằm giữa “biển cả mênh mông” (a very big ocean). Nhưng đó mới chỉ là chuyện nhỏ, nghe để cười chơi. Vấn nạn lớn hơn là đạo luật Jones Act (khác với Jones-Shafroth Act năm 1917 nói ở trên).
Một trong những điều khoản của Jones Act bắt buộc các thuyền bè đi và đến giữa các hải cảng trên địa phận Hoa Kỳ phải là tàu đóng ở Mỹ. Sở dĩ có điều khoản này là để bảo vệ các xưởng đóng tàu của Mỹ trong thời thế chiến. Tuy đây là một đạo luật xưa cũ, lỗi thời, nhưng nó vẫn còn hiệu lực vì chưa được thay thế hoặc xoá bỏ. Sau trận bão Harvey, rồi kế đến là Irma, chính quyền đã tạm thời ngưng áp dụng Jones Act để thuyền bè từ nhiều nơi có thể cập cảng dễ dàng hơn, giúp cho công cuộc cứu trợ và cung cấp nhiên liệu đến các thành phố bị ảnh hưởng. Thế mà sau khi trận bão Maria đánh vào Puerto Rico chánh quyền đã không làm như vậy, thành thử luật Jones vẫn có hiệu lực.
Hiện nay hệ thống điện lực trên đảo đã bị hỏng gần như toàn bộ, và chính quyền ước lượng sẽ mất từ 4-6 tháng để khôi phục. Trong thời gian đó cư dân và các cơ sở, xí nghiệp trên đảo sẽ phải dùng máy phát điện, tức sẽ cần rất nhiều xăng. Việc giới hạn tàu bè nhập cảng vào lúc này sẽ gây thêm khó khăn cho việc cứu trợ cũng như làm tăng giá nhu yếu phẩm cho cư dân trên đảo. Vì vậy một số dân biểu nghị sĩ đang kêu gọi chính quyền hãy cấp bách tạm ngưng Jones Act đối với Puerto Rico.
Nhưng không phải chỉ khi nào có thiên tai bão lụt Puerto Rico mới bị Jones Act ảnh hưởng. Các nhà nghiên cứu đại học Puerto Rico ước lượng từ năm 1997 cho tới 2010, Jones Act đã gây tổn thất cho nền kinh tế đảo khoảng 17 tỉ đô-la. Dân Puerto Rican phải trả giá gần gấp đôi cho các nhu yếu phẩm vì các công ty hàng hải không có cạnh tranh. Một số tài liệu cho thấy nếu như không có Jones Act thì số tiền thâm thủng ngân sách của Puerto Rico hiện nay sẽ không còn nữa. Thượng nghị sĩ John McCain (Arizona) đang kêu gọi Quốc Hội hãy dẹp bỏ đạo luật này luôn đi vì nó đã hết thời và đang bóp nghẹt nền kinh tế của Puerto Rico.
Cũng cần nói thêm là có những quần đảo thuộc chủ quyền của Mỹ xưa nay không bị áp chế bởi Jones Act – như U.S. Virgin Islands mà mới cách đây hai tuần bị bão Irma đánh trúng và phải nhờ thuyền bè từ Puerto Rico chạy sang giúp mặc dù chính Puerto Rico cũng bị bão đánh nhưng nhẹ hơn. Irma tuy không đánh trực tiếp vào Puerto Rico nhưng cũng đủ mạnh để mấy chục ngàn nhà dân phải bị mất điện. Nhiều người chưa kịp có điện nước trở lại thì đã bị bão Maria quất tiếp.
Năm vị cựu Tổng thống Mỹ: Jimmy Carter, George H.W. Bush, Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama vừa tuyên bố chương trình cứu trợ do họ đề xướng sau cơn bão Harvey sẽ được mở rộng ra để người dân nào muốn đóng góp qua trang web OneAmericaAppeal.org có thể chọn nơi để cho tiền, trong đó có Puerto Rico và Virgin Islands.
So sánh với quỹ cứu trợ Harvey đã lên tới mấy trăm triệu, trong đó có $37 triệu đến từ cầu thủ J.J. Watt của đội Houston Texans, thì số tiền cứu trợ cho Puerto Rico hiện nay rất ít ỏi. Cầu thủ bóng rổ Carmelo Anthony của đội New York Knicks – thành phố có đông người Puerto Rican nhất nước Mỹ, và bản thân là người lai Puerto Rican, đã bắt chước J.J. Watts bỏ ra $50,000 để gây quỹ. Hiện giờ quỹ của anh đã lên trên $110,000, nhưng vẫn còn thua Watts khá xa.
Nói tới Maria, Puerto Rico, và New York – thành phố của nhạc kịch Broadway, không thể không nhắc đến vở nhạc kịch kinh điển “West Side Story” ra đời cách đây đúng 60 năm (1957). Cốt truyện vở này dựa theo kịch bản “Romeo & Juliet” của Shakespeare nhưng được cách tân thành một cuộc đối chọi giữa hai nhóm băng đảng da trắng (Jets) và Puerto Rican (Sharks) trong một khu bình dân ở New York City. Hai nhân vật chính là Tony, thủ lãnh băng Jets, và Maria, em gái thủ lãnh băng Sharks. Giống như truyện của Shakespeare, Tony và Maria yêu nhau, nhưng vì họ đến từ hai phe đối lập nên tình duyên bị cản trở và cuối cùng là một kết cuộc bi thảm.

Nhạc kịch này đã được dựng thành phim năm 1961, với nữ diễn viên Natalie Wood trong vai Maria. Phim này đã đoạt giải Oscar năm đó, và bản nhạc “Maria” (Leonard Bernstein/Stephen Sondheim) đã trở thành một trong những tình khúc bất hủ, được vô số ca sĩ nổi tiếng thể hiện:
“Maria!
Say it loud and there’s music playing
Say it soft and it’s almost like praying…”
“Maria!
Hét thật to như tiếng nhạc du dương
Gọi thì thầm như tiếng ai nguyện cầu…”
Maria của “West Side Story” là cô thiếu nữ mới lớn, vừa biết yêu nên hiền thục là vậy. Maria 60 mươi năm sau là một mụ bão thế kỷ, ập xuống đầu dân Puerto Rican với sức tàn phá chưa từng thấy…
IB