Menu Close

Cướp biển

Hình ảnh một tên hải tặc chột mắt, đi một chân giả, râu tóc bù xù, đội mũ vải 3 cạnh, ngực mang chéo các dây nịt súng đạn và gươm cong, trên chiếc thuyền buồm treo lá cờ màu đen có hình sọ người, tưởng chừng chỉ có trong phim ảnh. Vậy mà chúng có thật trong lịch sử thế giới, đặc biệt ở trong thời kỳ nước Mỹ còn là thuộc địa của Anh. Huyền thoại của các hải tặc này một thời làm rúng động sóng biển đại dương, làm chao đảo lịch sử thế giới. 

cuop-bien1

Hoàng đế La Mã Julius Caesar đã từng là tù nhân của cướp biển. Sir Francis Drake, thuyền trưởng hải quân Anh quốc, từng được xem là cướp biển. John Paul Jones, anh hùng hải quân của Mỹ trong cuộc cách mạng giành độc lập đã từng bị mẫu quốc Anh truy tố là cướp biển. Trịnh Thạch thị (Madame Cheng) là một nữ cướp biển khét tiếng thời nhà Thanh ở Trung Hoa, thâu tóm 1,800 thuyền và cầm đầu 70 ngàn tên cướp.

Nhiều năm trước khi thuộc địa đầu tiên được lập nên ở Jamestown, Virginia năm 1607, cướp biển tung hoành khắp vùng duyên hải Bắc Mỹ. Sau khi bằng tàu thủy chinh phục các miền đất Châu Mỹ, người Anh với sức mạnh hàng hải đã thống trị đại dương. Thế nhưng lúc ấy người Tây Ban Nha đã vươn lên, làm giàu nhờ vàng bạc cướp được từ các mỏ ở Peru và Mexico, trở thành đối thủ nặng ký với Anh. Người Anh lo sợ và thay vì dẹp nạn cướp biển, họ lại ủng hộ các tàu cướp biển nhằm tấn công các tàu Tây Ban Nha. Các chiếc tàu thủy lớn nhiều cánh buồm đồ sộ của hạm đội Anh lại chậm chạp, mong manh trước sự tấn công vũ bão và nhanh nhẹn của các chiếc thuyền con nhỏ bé, được điều khiển bởi các tên cướp biển Tây Ban Nha gan dạ và táo bạo. Tất nhiên cũng có các cướp biển người Anh. Chúng tấn công bất kể tàu thuộc quốc gia nào. Lắm khi chúng treo cờ giả, mặc áo quần ngụy trang làm người nước khác để đánh lừa các ống nhòm của thuyền trưởng.

cuop-bien4
Tranh khắc gỗ Blackbeard (1860-1718)

Cướp biển là những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, tự do tung hoành trên biển cả bao la nơi ranh giới hải phận của các quốc gia đều là sóng nước. Những năm đầu của thế kỷ 18 là thời hoàng kim cho các hải tặc. Với chính phủ thì họ là kẻ xấu xa tội phạm, trong khi đối với vài làng mạc và cư dân thuộc địa thì họ là kẻ anh hùng như Robin Hood, cướp tài sản người giàu và chia cho người nghèo. Họ là tập hợp mọi thành phần trong xã hội và đa quốc tịch. Những người nô lệ trốn thoát, kẻ phá hủy hợp đồng sợ phạm tội, di dân thất bại với mùa màng hay là kẻ tìm cách làm giàu nhanh chóng bằng những chuyến cướp tàu hàng trên biển… Cũng có khi là người lương thiện, chán ghét hố sâu ngăn cách giàu nghèo, chán ghét chính quyền sở tại tham nhũng của mẫu quốc Anh, nên đã tìm cách ra khơi, tự do tung hoành.

Vùng biển Caribbean Tây Ấn là lãnh hải hùng cứ của các cướp biển giang hồ, với 3 ngàn hải tặc cùng nhiều thành phần bất hảo. Tứ hải giai huynh đệ. Họ chiếm cứ vài vùng biển hay đảo nhỏ để làm giang sơn của riêng mình. Họ lập đội quân, dựng cờ đen và kiểm soát cả một thành phố. Cảng Royal ở Jamaica trở thành thành phố tội ác nhất thế giới vào thời ấy. Vua Anh George đệ I ban chiếu chiêu hồi kêu gọi các cướp biển hoàn lương sẽ được thưởng và trở thành công dân. Một số chán đời biển cả gian nan đã về đất liền, trong khi một số quen đời giang hồ, ăn tiêu hào phóng, quay trở lại làm cướp biển, bị bắt xử treo cổ. Một số trốn thoát đến tận Bắc Mỹ, trong đó có tay cướp Blackbeard – Râu Ðen nổi tiếng.

cuop-bien3
Stede Bonnet, cướp biển quý phái

Râu Ðen tên thật là Edward Teach, sinh ở Bristol, Anh quốc khoảng năm 1690, đi buôn trên tàu rồi tham gia hải quân Anh chống lại Tây Ban Nha trong chiến tranh kéo dài 11 năm ở Bắc Mỹ. Vào cuối cuộc chiến, Râu Ðen làm thám thính viên đi săn lùng tàu Pháp ở Jamaica. Dày dạn kinh nghiệm, Râu Ðen táo bạo cướp thuyền buôn lớn của Pháp, đặt tên là Báo thù cho Nữ hoàng Anne. Trang bị 40 súng cà nông và tài chỉ huy gan dạ, tàu Râu Ðen đã gây thiệt hại nặng nề cho các thương thuyền. Ngay cả khi tàu chiến Scarborough với 30 chục cà nông của Hải quân Anh cử đi truy lùng, Râu Ðen đã mưu mẹo đánh lừa dựa vào tốc độ, vị trí hải trình, thủy triều và các bãi đá ngầm để áp sát, bắn cháy tàu đối phương. Danh tiếng càng dậy sóng giang hồ bởi dáng dấp to cao, khuôn mặt hung dữ với hàm râu rậm đen để dài, bện thành từng múi có cột ribbon như những con rắn nhỏ. Khi chiến đấu, Râu Ðen vắt các chòm râu qua tai, sợi dây thừng cháy chậm để châm thuốc súng được chèn dưới mũ vải, khói mịt mù quanh khuôn mặt “soái ca”, lưng đeo súng ngắn, dao găm và đoản kiếm cong, trên ngực vắt chéo 2 nịt đạn, cùng 6 khẩu súng đã nhồi thuốc, trông như một hung thần của biển cả. Có lần bắt được tàu hành khách, Râu Ðen đòi giao nộp nữ trang, khách từ chối, Râu Ðen chặt đứt các ngón tay đeo nhẫn của họ. Một lần cướp tàu lớn chở khách quý tộc thượng lưu và trẻ em ở S. Carolina. Râu Ðen giam giữ con tin dưới hầm tàu và đòi chuộc lại bằng các rương thuốc men. Khi thành phố S. Carolina chưa kịp đáp ứng, quá hạn ấn định Râu Ðen ra lệnh treo cổ con tin. Hoảng sợ, thành phố phải đáp ứng đòi hỏi của hải tặc. Trước khi thả, Râu Ðen lột hết tư trang và áo quần của con tin.

Chiếm cứ các hòn đảo nhỏ quanh bờ N. Carolina, ở đó các thuyền hải tặc khống chế các chuyến xuất nhập cảng bờ Tây nước Mỹ. Hàng hóa cướp được bán lại giá thật rẻ cho thành phố ven biển, các quan chức thuộc địa một số thông đồng và ngay cả nhận hối lộ hay bắt tay với hải tặc để làm giàu. Cư dân thuộc địa lại ủng hộ các món hàng nhập cảng giá rẻ như rượu, đường, cà phê, thuốc lá… Nền kinh tế của thuộc địa bị lũng đoạn và xáo trộn, cùng đà gia tăng của tội phạm và các sòng bài, bar rượu, đĩ điếm ven bến cảng. Thống đốc tiểu bang Virginia phải ra tay, sau khi chính quyền Carolina bó tay. Ngày 22 tháng 11, 1718 Thiếu tá Maynard của Hải quân Hoàng gia Anh đem nhiều chiến thuyền bao vây. Lợi dụng lúc thủy triều xuống tấn công bằng các chiến thuyền nhỏ, tàu Râu Ðen mắc cạn không tháo chạy được, Râu Ðen lại kiêu ngạo chống trả. Một chiến thuyền của Hải quân bị cháy, các chiếc khác được vất bỏ thức ăn và nước uống cho nhẹ, tàu hải quân áp sát tàu hải tặc, các binh sĩ ẩn núp dưới khoang tàu, súng và gươm sẵn sàng. Râu Ðen tung lựu đạn vào trên khoang tàu, khói lửa mịt mù. Lợi dụng phút ấy, hải quân câu dây thừng và tràn lên tàu. Hai thủ lĩnh tay súng, tay kiếm đối mặt. Râu Ðen trúng đạn bị thương, trong khi Maynard nạp đạn thì Râu Ðen lên cò, vừa khi một binh sĩ đến từ phía sau chém lìa cổ. Ðầu của Blackbeard được treo trên cánh buồm lớn. Maynard thu giữ nhiều vật dụng và thư từ của hải tặc liên quan đến các viên chức chính quyền thuộc địa, các nhà buôn. Riêng các bản đồ cất giấu tài sản kếch xù trong nhiều năm của cướp biển thì bặt tăm.

cuop-bien2
Tranh vẽ cuộc chiến cuối cùng của Blackbeard và Maynard, 1718

Cướp biển Stede Bonnet thì khác hẳn. Ông ta là một người không hề biết sóng nước, một đại úy về hưu, ăn mặc bảnh bao, đầu luôn mang bộ tóc giả gợn sóng, thơm phức phấn hoa. Bonnet mua một dinh thự và sống trong xã hội thượng lưu. Năm 1717, vỡ nợ, con thơ bị bệnh mất cùng sự bất hòa trong gia đình, và nhất là bị khủng hoảng tuổi trung niên đã đẩy đưa mệnh số của Bonnet trở thành “Cướp biển quý phái” nổi tiếng. Trái với Râu Ðen, Bonnet mua một chiếc thuyền có 10 súng cà nông cùng 70 thủy thủ. Ông đặt tên tàu là “Báo thù” (dù ông không có kẻ thù trực diện.) Tàu giong buồm đến Virginia và bắt đầu cướp một tàu hàng. Vài thành viên trong đoàn thủy thủ có kinh nghiệm trong các vụ cướp biển, nên họ đã giúp Bonnet tiếp tục thành công các vụ cướp khác trong đường buôn bán xuyên Ðại Tây Dương. Honduras là nơi các cướp biển thường xuyên đổ bến, bán hàng ăn cướp và tiêu xài. Ở đó Bonnet gặp Râu Ðen khét tiếng. Cả hai hợp tác cùng nhau gây sóng gió. Thế nhưng sau khi đồng hành, Râu Ðen nhận thấy Bonnet quá “công tử bột” nên tìm cách thâu tóm. Râu đen giữ Bonnet trong thuyền  mình và gởi đồng đảng nắm giữ tay lái thuyền Bonnet, lấy lý do phụ tàu của Bonnet kém kinh nghiệm, tàu của mình to lớn hơn. Bonnet trở thành tù nhân bị giam lỏng, và thầm lặng tìm kế trả thù. Khi Râu đen đổ bến ở N. Carolina, Bonnet lên bờ, khi trở về thì tàu Báo Thù của mình đã bị Râu Ðen lấy hết hàng hóa đồ đạc, 25 thủy thủ của tàu bị bỏ rơi trên hoang đảo nhỏ.

Bonnet lấy lại thuyền cùng các thủy thủ trung thành, giong buồm truy đuổi Râu Ðen báo thù. Râu Ðen đã lên đường từ trước, Bonnet cướp một chiếc thuyền hàng khác lớn hơn. Kinh nghiệm thất bại trên chốn giang hồ đã làm Bonnet bạo tàn hơn, khắc nghiệt với nhóm thủy thủ, giết người không nương tay. Dần dà Bonnet trở nên khét tiếng và nguy hiểm. Tin tức vang xa, Thống đốc Carolina gởi Trung tá hải quân Rhett đi truy bắt Bonnet. Tháng 8, 1718, Bonnet bị dồn vào eo biển gần cửa sông Cape Fear. Sau khi chống trả bằng cà nông mãnh liệt, Bonnet tuyên bố sẽ cho nổ tung tàu trước khi đầu hàng. Thủy thủ đoàn của Bonnet đã phản loạn, bắt trói Bonnet giao cho quân đội. Bằng diện mạo và tài thuyết phục cho quá khứ thượng lưu của mình, Bonnet đổ thừa cho Râu Ðen đã lôi kéo mình vào tội lỗi. Vụ án xử Bonnet kéo dài gần 2 năm. Bonnet bị xử treo cổ vào ngày 10, tháng 12, 1718.

cuop-bien
Hải tặc Somali cạnh chiếc tàu Đài loan

Như một tay hải tặc nổi tiếng không kém là Bartholomew Roberts đã có lần thốt lên: “A merry life and a short one shall be my Motto,” Bonnet đã có những tháng ngày huy hoàng trong sóng gió hơn là lặng lẽ ở trang trại của mình. Cũng như Blackbeard với hàm râu đen huyền thoại làm nổ tung màn bạc với các phim “Cướp biển vùng Caribbean” vẫn còn hấp dẫn cho đến nay. Hải tặc ở Bắc Mỹ đã vắng bóng từ đầu thế kỷ 19, nhưng ở Châu Á và Châu Phi, hải tặc lại bùng lên gây chấn động thế giới. Gần đây nhất là vụ hải tặc Somali bắt cóc tàu chở dầu lớn vào tháng 3, có 6 thủy thủ Việt Nam bị hải tặc Phi bắt cóc, một thuyền viên bị giết ở ngoài khơi Nam Philippines vào tháng 2, 2017.

“Nơi nào có biển, nơi đó có cướp biển” là câu ngạn ngữ Hy Lạp cổ. Riêng ở các hòn đảo và thành phố ven bờ đông nước Mỹ, người ta vẫn còn truy tìm các kho báu từ các tàu đắm và các tài sản kếch xù của các cướp biển Bắc Mỹ lừng danh một thời.

SB