phần 3
Thôn làng trên đường đến Macchu Pichu – 2
Buổi sáng hôm sau, nhóm du khách thả phao nổi trôi theo dòng sông Urubamba, sông nước lặng lờ nên chẳng cần chèo chống chi cả. Không khí ban mai mát rượi trong veo như làn nước dưới sông. Hai bên bờ là vách núi, rải rác nhà cửa của người địa phương, Dế Mèn thấy chó mà không thấy mèo, thấy vịt mà không thấy gà. Hỏi thăm thì người dẫn đường biểu rằng thịt vịt không được ưa chuộng vì có mùi bùn tanh tanh, chim trời cá nước, mấy con vịt hoang chẳng ai nuôi cả.

Trên đường đèo ghé quán ăn trưa có món đặc biệt, cuy. Cuy là món thịt heo quay giòn, thịt “heo” này là loại heo Guinea. Gọi là heo nhưng Guinea pig thực ra là giống chuột, không phải heo, được nuôi trong nhà bếp để lấy thịt. Con “heo” nhỏ xíu cỡ 2-3 cân Anh được ướp gia vị đem nướng trong dịp lễ lạt và được xem là món ăn ngon, đặc biệt. Dế Mèn cũng thử một đũa thịt…. chuột, mùi vị chẳng có chi khác thường, con vật hầu như không có mỡ, chỉ có chút thịt và da. Một món khác, cũng tên tortilla nhưng khác hẳn với loại tortilla ở những đất nước khác. Ở đây người ta làm món tortilla cũng bằng bột bắp nhưng dày hơn và chiên vàng như bánh đúc, bánh tôm của ta thay vì mỏng dính như những nơi khác. Có lẽ món bánh nào chiên và dàn mỏng là có tên “tortilla” chăng?

Trên đường lang thang, vài ngôi nhà có cái gậy bọc bao nhựa đỏ dựng trước nhà. Hóa ra đây là bảng hiệu của quán bia địa phương, chicha. Thế là đoàn du khách ghé hàng quán để thử xem bia chế biến từ bắp ngô hương vị ra sao.

Bắp ngô một trăm lẻ tám loại là thực phẩm chính của thổ dân, bắp trắng, vàng, đen, đỏ… đủ màu sắc; hạt bắp cũng đủ mọi kích thước nên không lạ là chicha làm bằng hạt bắp ngô lên men. Ngày xa xưa chưa có men, người ta giao việc nhai hạt bắp cho những bé gái đồng trinh. Nhai cho nát rồi nhổ ra chờ hạt bắp ngâm nước miếng lên men để chế bia. Từa tựa như dân Nhật Bản cho con gái đồng trinh nhai cơm nếp để cất rượu sake. Ngày nay, người ta ủ nước cho hạt bắp lên men rồi đem ngâm, sau khoảng 7 ngày thì dậy men bia. Quán bên đường bán hai loại bia: bia vàng là nước bắp lên men nguyên chất, vị chua lè, và bia dâu, pha thêm strawberry và đường nên ngọt lờ lợ… Sau khi hứng nước bắp lên men, bã dùng để nuôi guinea pig chạy rông trong bếp. Người địa phương cất một chái riêng cho nhà bếp đun củi, nền đất với bờ cửa cao khoảng 1 tấc để chuột (heo) khỏi xổng ra ngoài! Bia chứa trong mấy cái vại phủ khăn thưa, ngoài hai ly bia to kềnh càng, trên bàn là mấy món rau cỏ địa phương.
Buổi chiều có chút giờ riêng tư nên Dế Mèn ghé phòng triển lãm của một nghệ sĩ địa phương nhưng nổi tiếng thế giới, ông Paolo Seminario.

Ông Seminario có tác phẩm trưng bày tại the Cusco Museum of Pre-Columbian Art (MAP), Peru và the Chicago Field Museum, Hoa Kỳ. Ông nghệ sĩ gốc gác là kiến trúc sư nhưng bỏ nghề để theo đuổi việc nặn tượng dùng đất sét. Sau mấy chục năm tìm tòi và “thử nghiệm” với các hình tượng Peru cổ truyền, ông và bà vợ Marilú Behar, tạo ra đường nét riêng, the Seminario style có cả “tân” lẫn “cổ”. Ông nặn tượng và vật dụng, bà pha chế màu và tô vẽ, mỗi món có một hình thể màu sắc riêng biệt. Lò gốm mở cửa đón du khách. Dế Mèn mua mấy món đồ gốm, một cái dĩa và một cái chén nhỏ, màu sắc khá lạ mắt.

Sáng hôm sau, từ Urubamba nhóm du khách đi xe bus đến Ollantaytambo, một thôn làng kế bên có ga xe lửa đi Machu Picchu. Ðây là công trường chính và mọi con đường ngoằn ngoèo giữa các vách tường cao nghệu đều dẫn đến đây.
Dế Mèn chụp được hình ảnh mấy cô bé địa phương, váy đen áo sặc sỡ nhiều màu, đội mũ chóp tròn; có cô đi dép, có cô đi chân đất:

Thôn làng cũng giữ được một số di tích của người Inca hoặc của bộ tộc hiện diện trước đó (?) vì các công trình xây cất kia vĩ đại quá, xem ra khó có thể hoàn tất trong vòng 100 năm ngắn ngủi; và triều đại Inca chỉ vỏn vẹn trên dưới 100 năm qua khoảng 14 triều vua chúa. Dế Mèn chụp được một ít hình ảnh ở đây trước khi leo xe lửa đi Machu Picchu, các tảng đá được đẽo gọt để ráp lại khít khao với nhau; cũng một kỹ thuật xây cất trong vùng này. Kỹ thuật ấy tân tiến quá nên dù đã trải qua mấy trận động đất long trời, thành quách vẫn đứng y nguyên, không suy suyển mảy may.

TLL