Cái chết bất thường của một người bạn đã gây ra một xúc động lớn cho toàn trường. Mọi người đều tưởng niệm và thương tiếc trong niềm mất mát chung. Ở đây ta nhận chân được tình cảm trong sáng và thân thương của các học sinh Mỹ. Mời các bạn theo dõi câu chuyện và cùng chia sẻ. NS
Tôi đi ngang qua một người bạn với chút hoang mang bối rối. Cô ấy đứng tựa vào tường cùng với một bạn khác và đang khóc ấm ức. Hẳn là bạn ấy vừa mới đổ vỡ với người yêu, tôi thầm nghĩ.
Tôi tới hơi sớm cho giờ học đầu. Là một học sinh cấp hai trung học, tôi tự lái xe tới trường và thường tới sớm hơn những chiếc buýt chở học sinh để có được một chỗ đậu tốt trong parking lot. Lúc này chưa ai có mặt ở lớp. Tôi quẳng cái backpack lên bàn và trở lại hành lang. Tôi tính tới phòng computer, xem email trước giờ học. Một người bạn của tôi tốt nghiệp hồi năm rồi và đã gia nhập quân ngũ. Hồi ấy e-mail vẫn hãy còn mới mẻ nhưng chúng tôi đã tìm thấy ở đó phương cách liên lạc dễ dàng hơn là thư từ qua bưu điện.

Tôi lại đi ngang qua vài học sinh nữa, họ còn trẻ lắm, và cũng đang khóc tấm tức. Cái gì xảy ra vậy nhỉ? Tôi nghĩ chắc một người bạn nào trong lớp họ bị tai nạn. Sau đó tôi mở computer và chẳng bao lâu một bạn học liên lạc với tôi. “Bạn đã nghe tin gì chưa?” Hắn ta hỏi khi ngồi vào cái máy cạnh tôi. Tôi bảo không. “Keith chết đuối ngoài sông đêm qua.”
Tôi nghẹn ngào khi tìm hiểu lời hắn. Mặc dầu tôi không nói chúng tôi là bạn thân của nhau, nhưng Keith và tôi đã có những buổi học chung và thường cùng nhau trò chuyện.
Tại sao điều này có thể xảy ra nhỉ? Chỉ còn hai tuần nữa thôi là chúng tôi tốt nghiệp. Một vài bạn trong chúng tôi sẽ lên đại học. Keith thì đã ghi danh vào quân ngũ. Tất cả chúng tôi hãy còn rất trẻ. Trẻ thì không thể chết được.
Tôi trở về lại với tiết đầu tiên của buổi học mà lòng dạ sững sờ. Hành lang bây giờ đầy những người bạn chuyện trò và khóc lóc. Tôi ngồi ở bàn học mở mắt nhìn vào quãng không trong khi trí óc tôi cố tiêu hóa những tin tức đã được nghe.
Nhảy qua những nhịp cầu xe lửa là trò chơi ưa thích của bọn trẻ chúng tôi. Nơi tôi ở có một cây cầu cao 35 feet từ đó chúng tôi có thể lao xuống dòng sông Shenango. Tất nhiên là nguy hiểm đấy nhưng chưa đứa nào bị tai nạn thương tích. Vào ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong, một số bạn lớp tôi ra chơi ở đó. Keith có một cú nhảy thành công. Hắn đang bơi vào bờ thì đột nhiên bị kéo chìm xuống. Keith kêu cứu nhưng rồi mất tăm. Cả toán cố tìm cách cứu nhưng vô vọng. Một bạn khác, vốn là tình nguyện viên của đội cứu hỏa, đã kéo được Keith lên khỏi dòng nước chín mươi phút sau đó.
Tôi không hay biết những gì đã diễn ra trong tiết học đầu tiên về môn địa lý. Tất cả chỉ còn nhớ tiếng chuông reo và chúng tôi kéo chiếc backpack tới phòng gởi đồ. Tôi thay đồ thể dục và đi vào phòng tập. Ở đó tôi ngồi quay mặt vào tường, sững sờ nhìn sàn nhà màu vàng láng bóng. Tôi không nghĩ được điều gì khác ngoài Keith và cuối cùng thì bật khóc. Cuối cùng tôi bỏ phòng tập chạy về chỗ gởi quần áo thu mình lại trong cô đơn.
Lúc chuông reo chấm dứt buổi tập, tôi hoàn toàn không suy nghĩ được điều gì, hoàn toàn lạc lõng giữa hành lang. Ðầu óc tôi lúc ấy không nhớ ra tiết học kế tiếp là gì và tôi đang đứng ở đâu. Tôi cảm thấy mình như ngất đi thì nhìn thấy một nhóm bạn cùng lớp đang di chuyển ra phía sân ngoài. Không biết phải làm gì tôi đi theo họ.
Chúng tôi ngồi ở đó trong ánh nắng tháng năm ấm áp. Một người nào đó bắt đầu đọc Kinh Lạy Cha và tất cả chúng tôi cùng hòa theo, âm vang dội khắp không gian nhỏ bé nơi chúng tôi có mặt.
Ông hiệu trưởng hay một vị nào đó nhìn thấy chúng tôi và thế là toàn thể lớp cấp hai được gọi vào thính phòng. Tôi nghĩ đây là biện pháp để giữ chúng tôi khỏi đi lang thang khắp tòa nhà trong tuyệt vọng và lạc lõng.
Ngày hôm sau các lớp học trở lại bình thường. Một học sinh đứng lên mở quyên góp để phụ tổ chức cho đám tang của Keith. Lễ tưởng niệm diễn ra chỉ một vài ngày sau. Hàng người chạy dài từ tòa nhà học đường xuống tới hè phố. Rõ ràng Keith được nhiều người yêu thương và tưởng nhớ. Tôi đứng sắp hàng và nhìn mọi người chung quanh. Nhiều bạn học ôm lấy nhau và khóc dù bình thường ít nói chuyện với nhau trong trường. Sự khép kín, dè dặt biến mất. Chúng tôi cùng đau khổ và cần có nhau.
Trước đây tôi chỉ chứng kiến tang lễ của những người lớn tuổi qua đời, và tôi không cảm thấy chút buồn nào. Tôi chỉ nhìn họ với ý tưởng là những người già rồi đều phải chết. Nhìn thấy một người mới mười bảy tuổi nằm trong quan tài là một trong những cảnh tượng đau lòng nhất tôi chưa bao giờ trải qua.
Trong buổi lễ tốt nghiệp của trường, tên của Keith được xướng lên. Chúng tôi tất cả đều đứng lên khi em gái của Keith thay anh lên lãnh bằng. Mặc dầu anh đã ra đi, đời sống vẫn tiếp tục.
Về phần tôi, cơn ác mộng vẫn còn ám ảnh trong suốt một năm trời sau cái chết của Keith. Nhiều đêm tôi thấy mình đứng bên bờ sông trong khi Keith tiến tới bờ nước. Tôi gào lên bảo anh dừng lại, đừng xuống nước, nhưng anh không nghe. Một đêm giấc mộng đổi khác. Sau khi tôi gào lên bảo anh dừng lại thì anh quay về phía tôi và nói: “Tôi không sao đâu. Cứ yên tâm”. Rồi anh biến mất trong dòng nước đen.
Sau đó thì cơn ác mộng biến mất. Tôi có thể để anh đi và cơn đau dần khỏi. Kỳ lạ là tôi gặp một người bạn cũng có giấc mộng giống mình. Tôi nghĩ rằng Keith biết chúng tôi thương nhớ anh nên anh trở lại bảo chúng tôi yên tâm tiếp tục sống.
NS theo Valerie D. Benko