Gần đây tôi có nghe một câu chuyện về một nhóm bạn đi săn ảnh. Trong chuyến đi, họ dừng chân vào ăn tại một nhà hàng và để lại tất cả đồ nghề nhiếp ảnh mắc tiền trong xe – khi trở ra, họ sửng sốt khi tất cả dụng cụ đó “không cánh mà bay”.
Dường như ngay cả những tay ảnh có kinh nghiệm nhất cũng có thể phạm lỗi trong giây phút lơ đãng!

Đừng để đồ nghề của bạn trong xe
Ngoài chuyện đồ nghề của bạn có cơ nguy bị “ẵm đi”, một lý do khác bạn không nên để những máy ảnh mắc tiền trong xe là vì chúng có thể sẽ bị quá nóng hoặc quá lạnh.
Những mạch điện trong máy ảnh của bạn rất mỏng manh, và tùy theo mùa, có thể bị đông đặc, hoặc bị “cháy”.
Riêng miếng sensor trong máy ảnh của bạn, thì cực kỳ dễ bị hỏng, cho nên bạn càng không nên để trong xe để tránh bị ảnh hưởng bởi những nhiệt độ và độ ẩm khắc nghiệt.
Vì vậy, nếu bạn sẽ vắng xe một lát, hãy mang theo đồ nghề với bạn, hoặc tốt hơn hết, nếu bạn định sẽ không dùng đồ nghề đó, chỉ để nó ở nhà hoặc khách sạn!

Đừng chụp với một tay
Có vài vấn đề xảy ra khi bạn chụp hình chỉ với một tay.
Máy ảnh của bạn sẽ bị lắc lư khi không có một chỗ tựa vững chắc. Ðộng tác lắc (rung) này xuất phát từ những cử động nhỏ nhoi trên cơ thể của bạn khi bạn cầm máy ảnh, và những cử động đó bị khuếch đại nếu bạn chỉ chụp với một tay.
Huống gì, ngay cả khi chụp với hai tay vẫn có thể dẫn đến chuyện máy ảnh bị rung!
Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có sẵn một tripod, cho nên nếu bạn phải chụp cầm tay, ít nhất tự tạo cho mình một cơ hội tốt hơn để lấy ảnh rõ nét.
Ðứng dang chân bằng chiều rộng đôi vai, và để một bàn chân xéo ra để tăng phần vững chắc.
Rút hai cùi chỏ của bạn vào ngực, để giúp hai cánh tay của bạn càng ít run càng tốt.
Rồi cầm chặt máy ảnh với tay phải của bạn và đặt tay trái của bạn dưới thân máy như trong ảnh.
Kỹ thuật này tối ưu hóa độ vững cho máy ảnh và sẽ giúp bạn lấy ảnh rõ hơn.

Đừng để máy ảnh chụp tự động (Auto mode)
Nếu bạn chỉ mới bắt đầu chụp hình, chụp bằng Auto mode cũng không sao.
Nhưng nếu bạn đã bỏ ra khá nhiều thời gian phía sau ống kính, giờ đã tới lúc bạn thoát ra khỏi mode “Ô tô ma lắc”.
Và bạn cũng có thể thoát từ từ. Trước tiên, bạn có thể thử chụp trong mode Aperture priority hoặc Shutter priority. Những mode “bán-tự động” này cho phép bạn điều khiển một vài thông số của máy ảnh trong khi vẫn được trợ giúp bởi bộ não của máy ảnh.
Trong mode Aperture priority, bạn được quyền chọn khẩu độ, và máy ảnh sẽ chọn một tốc độ cửa chập thích hợp.
Ngược lại, trong mode Shutter priority, bạn được quyền chọn tốc độ, và máy ảnh sẽ chọn một khẩu độ thích hợp.
Trong cả hai trường hợp, bạn cũng được quyền chọn số ISO, số này cho phép bạn điều khiển độ nhạy của sensor với ánh sáng.
Thêm một mode khác để bạn thử là Program mode.
Cứ nghĩ Program mode là ISO priority mode đi, vì máy ảnh tự chọn khẩu độ và luôn cả tốc độ thích hợp.
Tuy nhiên, có một điểm hay là bạn có thể giành quyền chỉnh lại những thông số máy ảnh đã chọn trong program mode.
Mặc dù Manual mode nghe có vẻ hơi sợ sệt, với thực tập thường xuyên, bạn sẽ có thể chỉnh đổi Aperture, Shutter speed, ISO, và những thông số khác trong máy ảnh như… bẩm sinh.

Bí quyết Bonus: Đừng tắt mở máy ảnh của bạn
Dù nghe có vẻ là lạ, nếu bạn liên tục mở và tắt máy ảnh của bạn thì sẽ làm pin mau hết hơn nếu chỉ để cái máy “ngủ”.
Ðó là vì mỗi khi bạn bật từ off qua on, những bộ phận điện tử trong máy như màn ảnh LCD, sensor cleaner… hút “máu” của pin.
Bạn cũng có thể chỉnh đổi thời gian máy ảnh “tỉnh” trước khi “đi ngủ”, với tầm từ vài giây lên đến vài phút.

AN